Cuốn sách gây chấn động nước Pháp về nạn Quấy rối học đường. Quấy rối học đường hay còn đươc gọi là bắt nạt học đường, là một sản phẩm kém văn minh của xã hội. Tháng 5. 2014, Nghiên cứu đánh giá thực trạng bạo lực giới trường học tại Hà Nội với 3.000 học sinh ở 30 trường học ở Hà Nội đã công bố con số 19% học sinh cho rằng đã từng bị quấy rối hoặc bắt nạt. Vấn nạn này được nói đến nhiều trong vài năm gần đây nhưng thực tế đã có từ vài thập kỉ trước. Tuy nhiên, trong một thời gian dài, chúng ta đã xem nhẹ những hành vi này và không thực sự lưu tâm đến các biểu hiện của con trẻ. Khi nhắc tới những vấn nạn học đường, người ta thường nghĩ ngay tới những trận ẩu đả, đánh đấm của lũ học sinh. Tuy nhiên, thực chất đó chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Quấy rối học đường còn là các hành vi bạo lực về thể xác, tinh thần, tình dục, ngôn ngữ và còn vô vàn hình thức khác mà chúng ta chưa biết hết. Dựa trên một câu chuyện có thật tại Pháp, hơn 200 trang sách “Marion, mãi mãi tuổi 13” đã tái hiện lại một câu chuyện đầy hoang mang và phẫn uất về cái chết của một học sinh 13 tuổi trong một vụ án quấy rối học đường. “Marion, mãi mãi tuổi 13” khiến tất cả chúng ta không thể thờ ơ trước vấn nạn này được nữa.*** Gửi Marion Marion, con gái yêu của mẹ, con đã tự vẫn1[*] ở tuổi 13, vào ngày 13 tháng Hai năm 2013, bằng cách dùng chiếc khăn quàng để tự treo cổ mình ngay trong phòng ngủ. Bên dưới giường, người ta cũng đã tìm thấy chiếc điện thoại di động của con bị treo lơ lửng vào một đầu sợi dây để tượng trưng cho việc cắt đứt mọi lời chửi rủa và đe dọa của những kẻ đã từng tra tấn con ở trường học. Mẹ viết cuốn sách này để tưởng nhớ con, để giãi bày nỗi buồn xa vắng bâng khuâng của mẹ về một khoảng đời trong tương lai mà mẹ con chúng mình sẽ không còn chung sống và chia sẻ cùng nhau nữa. Mẹ viết cuốn sách này để mỗi người đều rút ra những bài học từ cái chết của con. Để giúp các bậc cha mẹ tránh cho con cái họ khỏi trở thành hoặc nạn nhân giống như con, hoặc những tên đao phủ giống như những đứa đã khiến con mông lung lạc hướng. Để cho các cấp có thẩm quyền trong bộ máy giáo dục nổ lực cẩn trọng hơn nữa, nỗ lực lắng nghe và có thiện chí hơn nữa đối với trẻ em khi chúng phải chịu đau đớn. Mẹ viết cuốn sách này để người ta coi nạn quấy rối học đường là một việc quan trọng, cần phải lưu tâm. Mẹ viết cuốn sách này để không còn đứa trẻ nào muốn treo cổ cái điện thoại, lẫn kết thúc cuộc đời của nó nữa.
Nguồn: https://thuviensach.vn