Lý Chiêu Hoàng – Một Đời Sóng Gió

Lý Chiêu Hoàng – Một Đời Sóng Gió

Tác giả:
Thể Loại: Lịch Sử - Chính Trị
Nguồn: https://thuviensach.vn
PDFĐỌC ONLINE

Triều Lý khởi nghiệp từ Lý Thái Tổ và truyền tới Lý Chiêu Hoàng, trải qua 216 năm tồn tại với 9 đời vua nối nhau trị vì, mặc dù có những thăng trầm, biến cố nhưng triều Lý vẫn là triều đại lớn và được sử sách đánh giá cao vì những đóng góp tích cực cho sự phát triển của đất nước trên mọi phương diện văn hóa, tôn giáo, pháp luật, kinh tế, chính trị. Nói về triều Lý, dân gian có câu: “Tộ truyền bát diệp, diệp lạc âm sinh” nghĩa là truyền được 8 lá, lá rụng xuống rồi âm khí sinh ra, ý nói nhà Lý truyền được 8 đời rồi mất ngôi vì có vua đàn bà – nữ hoàng Lý Chiêu Hoàng. Nhắc đến Lý Chiêu Hoàng, chúng ta thường nghĩ ngay tới bà là một vị nữ hoàng đầu tiên và cũng là duy nhất trong lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam. Cuộc đời của Lý Chiêu Hoàng là một chuỗi những bi kịch lịch sử đau đớn. Năm 1224, phe cánh họ Trần lấy cớ vua Lý Huệ Tông mắc bệnh điên, ép ông phải nhường ngôi cho con gái, rồi đi tu ở chùa Chân Giáo. Khúc quanh của lịch sử đã đưa đẩy Lý Phật Kim – Chiêu Thánh công chúa, một cô bé 7 tuổi bước lên sân khấu chính trị, mở đầu cho tấm bi kịch của đời mình. Cuốn sách “Lý Chiêu Hoàng, một đời sóng gió” dựa trên các dấu ấn, câu chuyện lịch sử, giai thoại dân gian, truyền kỳ về Lý Chiêu Hoàng giúp người đọc hiểu và biết thêm những thông tin chính về vị vua thứ 9 và cũng là cuối cùng của một vương triều lớn trong lịch sử nước nhà – Triều Lý. Bên cạnh đó, cuốn sách cũng giới thiệu một số bài thơ, truyện ngắn, kịch về Lý Chiêu Hoàng qua sáng tác của các tác giả với những cung bậc tình cảm, suy tư, hoài niệm đối với nữ nhân vật đặc biệt nhất trong lịch sử dân tộc.*** Lý Chiêu Hoàng tên thật là Lý Phật Kim, còn có tên khác là Lý Thiên Hinh, sinh tháng 9 năm Mậu Dần (1218, là con gái thứ hai của vua Lý Huệ Tông, mẹ là Thuận Trinh thái hậu Trần Thị Dung; sau khi ra đời bà được phong là Chiêu Thánh công chúa. Nhà Lý từ đời vua Lý Cao Tông (1175-1210đã bắt đầu đi xuống, giặc cướp nổi lên khắp nơi; đến đời Lý Huệ Tông tình hình càng trầm trọng hơn, loạn lạc không dứt khiến vua phải nhiều phen bôn tẩu, quan lại chia bè kết cánh, các phe phái cát cứ đánh giết lẫn nhau. Để bình ổn xã hội, Lý Huệ Tông phải dựa vào thế lực của họ Trần và từ đó dòng họ này tìm cách tạo dựng vây cánh, thâu tóm quyền bính, khống chế triều đình. Tháng 10 năm Giáp Thân (1224phe cánh họ Trần đứng đầu là Trần Thủ Độ lấy cớ vua mắc bệnh điên, ép Lý Huệ Tông phải nhường ngôi cho con gái, rồi đi tu ở chùa Chân Giáo nằm trong đại nội thành Thăng Long. Vậy là khúc quanh của lịch sử đã đưa đẩy Lý Phật Kim, một cô bé 7 tuổi bước lên sân khấu chính trị, mở đầu cho tấn bi kịch của đời mình. Được lập làm thái tử và ngay sau đó được truyền ngôi, trở thành nữ hoàng đầu tiên và cũng là duy nhất trong lịch sử Việt Nam với hiệu là Chiêu Hoàng, đặt niên hiệu là Thiên chương hữu đạo. Ở ngôi báu vào lúc ấu thơ, Chiêu Hoàng tất nhiên chưa có khả năng chấp chính, vua cha thì trở thành Huệ Quang đại sư, mẹ thì đang lo nghĩ cho quyền lợi của dòng họ, chị gái thì đã hạ giá lấy chồng, “vua là thân gái bé, nào có biết gì” (Việt sử tiêu án. Hết chỗ dựa ở cha, không nương nhờ được ở mẹ, Lý Chiêu Hoàng trở nên lạc lõng giữa triều đình tiếng là của mình mà sự thực đã nằm trong tay họ Trần. Nhằm đẩy mạnh kế hoạch “đảo chính cung đình”, Trần Thủ Độ đưa cháu là Trần Cảnh mới 8 tuổi vào cung làm người hầu cận cho Lý Chiêu Hoàng; mặt khác “tự đem gia thuộc thân thích vào ở trong cung cấm… đóng cửa thành và các cửa cung, sai người coi giữ, các quan đến chầu không được vào” (Đại Việt sử ký toàn thư. Sau khi kiểm soát được hoàng cung, Trần Thủ Độ cho loan báo rằng nữ hoàng đã có chồng, đó chính là Trần Cảnh. Thế là chuyện chơi bời, đùa nghịch của con trẻ trở thành chuyện tình duyên và bị lợi dụng trong việc “mưu bá đồ vương” nơi cung cấm. Chuyện đến sẽ phải đến, vở kịch chuyển giao ngôi vị từ họ Lý sang họ Trần hạ màn vào ngày 11tháng Chạp năm Ất Dậu (1225, tại điện Thiên An, Lý Chiêu Hoàng xuống chiếu “nhường ngôi cho chồng”, trong đó có đoạn viết: Trẫm là nữ chúa, tài đức đều thiếu, không người giúp đỡ, giặc cướp nổi lên như ong, giữ thế nào nổi ngôi báu nặng nề? Trẫm dậy sớm thức khuya, chỉ sợ không cáng đáng nổi, vẫn nghĩ tìm người hiền lương quân tử để cùng giúp chính trị, đêm ngày khẩn khoản, đến thế là cùng cực rồi… Nay trẫm suy đi tính lại một mình, duy chỉ có Trần Cảnh là người văn chất đủ vẻ, thực thể cách hiền nhân quân tử, uy nghi đường hoàng, có đủ tư chất thánh thần văn võ…Sớm hôm nghĩ chín từ lâu, nghiệm xem nên nhường ngôi báu để thuận lòng trời, cho xứng lòng trẫm…”(Đại Việt sử ký toàn thư.