Từ Chiến tranh thế giới thứ hai đến nay, chúng ta đã luôn chứng kiến một quân đội Hoa Kỳ hùng mạnh, tinh nhuệ và uy hiếp bậc nhất hoàn cầu. Chúng ta thấy bom nguyên tử, tên lửa hành trình, hàng không mẫu hạm, máy bay trực thăng, xe tăng tối tân hay những đơn vị đặc nhiệm SEAL sát thủ…. Nhưng có lẽ hiếm khi người ta có thể có cái nhìn vào đằng sau cỗ máy chiến tranh đó như trong cuốn sách này. Bên dưới tấm màn sắt của khoa học quân sự chính là những thứ khoa học kỹ thuật rất nhân bản, rất đời thường, với trung tâm là “lính trơn”. Tác giả Mary Roach sẽ dẫn chúng ta trải qua một hành trình khám phá và trải nghiệm thực sự lạ kỳ về hậu cần chiến tranh, từ cách người ta lo cái ăn cái mặc cho binh lính, cho đến cách giúp các quân nhân đối phó với “Tào Tháo đuổi” trong khi làm nhiệm vụ, hay những nỗ lực của các bác sĩ quân y trong việc phục hồi khả năng “yêu” của thương binh, hay cách họ “hỏi chuyện” những tử sĩ để cải thiện an toàn cho những người sống… Chiến tranh vẫn gắn liền với sự tàn khốc và cái chết, nhưng nó cũng có thể rất đời thường, đầy ắp hơi thở của sự sống cùng những vấn đề dở khóc dở cười vô cùng sinh động, dưới góc nhìn của một người Mỹ. “Một cái nhìn vui vẻ, đầy ắp thông tin vào sau bức màn khoa học quân sự.” – Washington Post “Roach là một nhà báo điều tra ngoan cường và rất thích nhằn những thứ khó nhằn Lính trơn thuộc hàng đầu trong các tác phẩm của Roach.” – USA Today*** VÀO ĐỀ Pháo bắn gà nòng dài 18m, đủ điều kiện để được xếp vào loại vũ khí của pháo binh. Dù một con gà nặng gần 2kg bắn đi với tốc độ lên tới 644 km/h, là một vật thể phóng có tính sát thương, pháo bắn gà được chế tạo không phải để giết chóc. Ngược lại, nó được thiết kế với mục đích thử nghiệm các biện pháp bảo vệ sinh mạng con người. Xác gà được bắn vào các máy bay trống hoặc được xếp sẵn “tổ bay mô phỏng” để kiểm tra khả năng chịu sự tác động của máy bay, trước thứ được Không lực Mỹ và ngành công nghiệp hàng không, với cách gọi phô trương “nam tính” đặc trưng, gọi là “chim đâm”. Những con gà được sử dụng thay cho ngỗng, hải âu, vịt trời hay chim chóc vốn va chạm với các máy bay quân sự khoảng 3.000 vụ mỗi năm, với mức thiệt hại từ 50 triệu tới 80 triệu đô la Mỹ và cứ vài năm lại cướp đi sinh mạng của tổ bay. Lấy gà “đại diện” cho tất cả các loài chim là một lựa chọn lạ lùng vì chúng không biết bay. Chúng cũng không đâm vào máy bay theo tư thế của vịt trời hay ngỗng – cánh dang rộng, chân duỗi thẳng. Chúng đâm vào máy bay theo đúng kiểu đồ thực phẩm bị ném. Thêm nữa, gà nhà thường có khối lượng riêng lớn hơn mấy loại chim trời thường bay hay bơi ở các vùng đất ngập nước. Với khối lượng riêng là 0,92g/cm3, loài Gallus gallus domesticus (gà nhàlớn hơn 33% so với hải âu hay ngỗng Canada. Nhưng dù sao thì gà cũng là “vật liệu” được Bộ Quốc phòng Mỹ cho phép sử dụng trong hoạt động thử nghiệm kiểm tra độ bền của kính buồng lái máy bay phản lực. Gà không những dễ dàng kiếm được và chuẩn hóa, chúng còn được coi là một kiểu tình huống tồi tệ nhất trên lý thuyết. Thực tế lại không như vậy. Một con chim nhỏ, chắc gọn như chim sáo, có thể đâm xuyên qua kính buồng lái như một viên đạn, và điều đó xảy ra thường xuyên đến mức một số người thấy cần phải đưa ra một loại thuật ngữ hàng không nào đó (“hiện tượng đạn bọc lông vũ”. Bạn sẽ nghĩ: “Có khi không cho lũ chim bén mảng đến gần đường băng thì dễ hơn?” Tuy nhiên, chim là loài thích nghi cao. Chúng sẽ nhanh chóng tự điều chỉnh để quen dần với bất kỳ âm thanh mô phỏng kẻ săn mồi hay cảnh báo nào, thậm chí là âm thanh của những vụ nổ nhỏ mà bạn tạo ra, chỉ bằng cách “kêu to hơn”* và tiếp tục sống như bình thường. Hãy tham gia với Malcolm Kelley và Đội nghiên cứu/ quản lý nguy cơ chim đâm vào máy bay (BASHtrong Không lực Mỹ. Kelley và cộng sự của mình sử dụng phương pháp tiếp cận xuyên ngành. Kỹ thuật xây dựng kết hợp với sinh học. Điểu học kết hợp với xác suất thống kê. Chúng ta hãy phân tích vấn đề bằng cách bắt đầu với kền kền, họ nói. Dù số vụ đâm máy bay của lũ chim ăn thịt nặng ký này chỉ chiếm khoảng 1%, nhưng lại gây ra 40% thiệt hại trong tổng thiệt hại do chim đâm gây ra. Kelley và nhóm của mình đã gắn các máy phát sóng vào tám con kền kền, theo dõi đường bay và thói quen di chuyển của chúng, kết hợp với các dữ liệu khác để tạo ra một Mô hình Tránh chim (BAMcho phép những người điều khiển không lưu có thể lên lịch bay tránh những thời điểm và khu vực có nguy cơ cao. Chỉ một nghiên cứu đơn giản “hiểu thêm về chim kền kền”, theo Kelley, đã tiết kiệm được cho Không lực Mỹ 5 triệu đô la mỗi năm cũng như cứu mạng sống của nhiều phi công (và cả chim kền kền nữa. Chắt lọc dữ liệu, Kelley phát hiện ra rằng khi dải tần số âm thanh động cơ máy bay chồng lấn dải tần số âm thanh mà một loài chim nào đó phát ra khi gặp nguy hiểm thì xác suất chim đâm sẽ thấp hơn. Anh đã viết trong một bài báo năm 1998, “Liệu có phải chúng ta đang nói chuyện với lũ chim mà không hề hay biết không?” Liệu có cách nào tạo ra một giải pháp dựa trên cơ chế này không? Anh đã biết có một vấn đề là cả máy bay và chim đều cất cánh ngược gió. Và bởi vậy chim thường không thể nhận ra máy bay đang lao tới từ phía sau. Chính Kelley đã nảy ra ý tưởng thêm một tín hiệu có nghĩa vào dải sóng radar của máy bay, một thứ tín hiệu có thể cảnh báo nguy hiểm cho lũ chim sớm hơn để chúng kịp phản ứng và bay ra khỏi đường bay của máy bay. Câu chuyện dạng này đã khiến tôi hứng thú với khoa học quân sự – những trận chiến thầm lặng, ít người biết, với những kẻ thù ít được chú ý: sự kiệt sức, sốc, vi khuẩn, cơn hoảng loạn, những con vịt. Thật ngạc nhiên, đôi khi những thứ làm thay đổi cục diện trận chiến xuất hiện khi những chuyến bay chở các ý tưởng dị thường* va chạm với nguồn kinh phí nghiên cứu lớn gần như bất tận. Mọi người thường nghĩ rằng khoa học quân sự là nghiên cứu về chiến lược và vũ khí – đánh nhau, thả bom, tiến quân. Tất cả những thứ đó tôi nhường những người viết hồi ký và nghiên cứu lịch sử quân sự. Tôi hứng thú hơn với những điều sẽ không có ai đưa lên phim ảnh – những thứ không phải để giết chóc mà là để cứu mạng binh lính. Dù là những người được cứu cũng chỉ để tiếp tục chiến đấu và lấy mạng người khác. Hãy tạm bỏ qua điều này. Cuốn sách này xin dành để tri ân những nhà khoa học, bác sĩ phẫu thuật, đã xông lên cùng những đoàn quân chiến đấu, vạt áo phòng thí nghiệm bay phấp phới, để chế tạo những cỗ xe tăng an toàn hơn, chiến đấu với loài ruồi nhặng hay cố gắng hiểu rõ hơn lũ kền kền. Pháo bắn gà gần như là tất cả những gì tôi sẽ nói về súng đạn trong cuốn sách này. Nếu như bạn muốn đọc về khoa học kỹ thuật khí tài quân sự, đây sẽ không phải là quyển sách bạn mong ngóng. Đây cũng không phải là truyện 30 phút sau nửa đêm*. Tôi có thảo luận với lính đặc nhiệm – cả lính SEAL Hải quân và Rangers Lục quân – tuy nhiên không phải về việc chiến đấu chống lại quân nổi dậy. Chủ đề của chúng tôi là chiến đấu chống lại cái nóng cực điểm, tiếng ồn chói tai và bụng dạ trở chứng không đúng lúc. Sau lưng mỗi tướng tá hay một người được Huân chương danh dự, có hàng trăm nhà khoa học quân sự, những người mà bạn sẽ không bao giờ nghe danh. Tác phẩm này của tôi chỉ viết về một phần nhỏ của 1% những gì vẫn đang diễn ra. Tôi cũng đã bỏ qua rất nhiều lĩnh vực vốn đầy những nỗ lực đáng trân trọng. Chẳng hạn, không có một chương nào trong quyển sách này nói về các biện pháp đối phó với hậu sang chấn tâm lý (PTSD, không phải vì PTSD không xứng đáng được nói đến mà do đã có quá nhiều tác phẩm viết về nó, trong đó lại có quá nhiều tác phẩm viết tuyệt hay. Những quyển sách và bài viết ấy đã chiếu rọi ánh đèn sân khấu vào đúng chỗ. Còn tôi, về chuyên môn hay tính cách, không phải là một người rọi đèn sân khấu. Tôi chỉ là một kẻ vô tự lự với chiếc đèn pin, đang mò mẫm trong các ngóc ngách và xó xỉnh, không biết đích xác mình cần tìm thứ gì nhưng lại luôn nhận ra ngay khi tìm thấy nó. Dũng cảm không phải luôn là cầm súng, cầm cờ, hay thậm chí là khênh cáng nơi trận địa. Người dũng cảm là bác sĩ không quân của Hải quân Angus Rupert, bay trong tình trạng bịt mắt và lộn ngược đầu để kiểm nghiệm bộ đồ rung cho phép phi công có thể bay nhờ cảm giác khi họ bị mù tạm thời hoặc rối loạn phương hướng. Hoặc như Thiếu tá Hải quân Charles “Swede” Momsen, nghiêm chào những người quan sát khi ông được nhấn chìm xuống dòng Potomac để kiểm nghiệm hệ thống hỗ trợ thở thoát hiểm đầu tiên cho tàu ngầm, hoặc như Đại úy Herschel Flowers, làm việc tại Phòng Nghiên cứu Y khoa Lục quân, tự tiêm nọc độc rắn hổ mang vào cơ thể của mình để kiểm nghiệm khả năng tạo sức đề kháng. Có những lúc, sự dũng cảm chỉ đơn thuần là ý chí dám nghĩ khác biệt với những người xung quanh bạn. Trong một môi trường kỷ luật cao như quân đội, đó là điều dũng cảm hơn nhiều so với những gì bạn tưởng tượng. Dũng cảm là hành động của người lính quân y William Baer trong Thế chiến I, đã cứu được nhiều mạng sống và giúp nhiều người giữ được chân tay khi sử dụng dòi để làm sạch vết thương. Đó là hành động của bác sĩ Herman Muller, tình nguyện tiêm máu từ các tử thi vào cơ thể để kiểm nghiệm độ an toàn của kỹ thuật truyền máu từ tử sĩ cho các thương binh, một kỹ thuật đã được thực hiện trên chiến trường trong cuộc chiến giữa Tây Ban Nha và Mỹ. Các anh hùng không phải lúc nào cũng cần lập được chiến công chói lọi. Đôi khi, những thành tựu nhỏ cùng với những trái tim lớn đã thay đổi cả diễn trình lịch sử. Cũng có khi, một con gà có thể cứu mạng được một con người.
Nguồn: https://thuviensach.vn