Thư pháp là nghệ thuật được phái sinh từ văn tự, nó không chỉ là một phương thức biểu đạt nghệ thuật mà còn là một phương tiện lưu giữ lịch sử. Lịch sử thư pháp Việt Nam dẫu không huy hoàng nhưng cũng không hề thiếu những điểm sáng chói. Tuy vậy từ trước tới giờ nghiên cứu về thư pháp vẫn đang là một mảng trống trong lịch sử chưa ai khai phá.
Cuốn sách này là quá trình khảo cứu công phu các sử liệu Việt Nam cùng với sử liệu Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc bàn về thư pháp, khảo sát và đối chiếu một hệ thống các tác phẩm thư pháp Việt Nam suốt chiều dài lịch sử hiện còn lưu giữ trong các đền chùa, trên bia đá, vách núi, hang động hay trên giấy. Ở hai triều đại Lý, Trần, nền thư pháp Đại Việt đã phát triển đến độ cực thịnh, ở mỗi thể chữ triện, hành, thảo, lệ… đều có tác phẩm đỉnh cao. Nhà Lê trải hơn 20 năm biến loạn vẫn giữ gìn được nền tảng cũ, đồng thời hình thành lối chữ hoa áp – một phong cách chữ đặc thù thống lĩnh thư đàn nước Việt. Thời Nguyễn lại xuất hiện hàng loạt các thư gia, mỗi người một lối biểu đạt khác nhau khiến cho thư đàn vô cùng sôi động…
Với công trình này, lần đầu tiên, nhà nghiên cứu Nguyễn Sử đã xác lập một diện mạo toàn vẹn nhất cho lịch sử thư pháp Việt Nam.