Lịch Sử Công Thương Việt Nam 1945 – 2010

Lịch Sử Công Thương Việt Nam 1945 – 2010

Tác giả:
Thể Loại: Lịch Sử - Chính Trị
Nguồn: https://www.thuvienpdf.com
PDFĐỌC ONLINE

Ngành Công Thương Việt Nam gồm các ngành nghề hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại, có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Lịch sử hình thành, phát triển của ngành Công Thương Việt Nam đồng hành cùng với quá trình thực hiện các nhiệm vụ cách mạng, gắn liền với công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước.

Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, Bộ Kinh tế Quốc gia (tiền thân của Bộ Công Thương ngày nay) được thành lập để thực hiện chức năng quản lý nhà nước về kinh tế. Với mục tiêu là giải quyết tình trạng thiếu lương thực, khuyến khích giới công thương phục hồi hoạt động sản xuất và giao thương trên cả nước, chuẩn bị tiềm lực kinh tế, sẵn sàng cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, chỉ trong thời gian ngắn, tình trạng thiếu lương thực đã được giải quyết, hoạt động sản xuất được khôi phục và giao thương hàng hóa giữa các vùng dần được khơi thông.

Khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ, trước yêu cầu của cuộc kháng chiến, kiến quốc, công tác quản lý nhà nước về kinh tế phải chuyển sang “tự cấp, tự túc”, tập trung chủ yếu vào thực hiện ba nhiệm vụ chính là đảm bảo đời sống tối thiểu của nhân dân, phục vụ kháng chiến và bước đầu xây dựng nền kinh tế mới. Tổ chức bộ máy Bộ Kinh tế được kiện toàn, sắp xếp phù hợp đáp ứng yêu của cuộc kháng chiến.

Năm 1954, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, tuy nhiên hậu quả do chiến tranh khiến cho phần lớn nhà máy, xí nghiệp không hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng, thương nghiệp bị đình đốn… Để nhanh chóng khôi phục kinh tế, Đại hội III của Đảng (tháng 9/1960) đã xác định đường lối công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa, thông qua Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất phát triển kinh tế quốc dân. Ngành Công Thương đã góp phần quan trọng vào việc xây dựng bước đầu cơ sở vật chất và kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, vừa xây dựng, củng cố nền kinh tế miền Bắc, vừa chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, đồng thời làm hậu phương lớn cho miền Nam tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Ở miền Nam, chính quyền Sài Gòn dựa vào các nguồn viện trợ của Mỹ, chủ trương phát triển các ngành, lĩnh vực phục vụ cho chiến tranh. Sản xuất công nghiệp cơ cấu không hợp lý, liên tục sụt giảm mạnh. Trong thương nghiệp, hiện tượng buôn lậu tràn lan cùng với hàng hóa nhập khẩu làm cho sản xuất nội địa bị bóp nghẹt. Tại vùng giải phóng, chính quyền cách mạng chủ trương phát triển các nghề truyền thống, đẩy mạnh lưu thông, tiếp cận hàng hóa của địch để đảm bảo nhu cầu của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân.

Có thể bạn thích sách  Đời sống trong tử cấm thành

Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước giành thắng lợi, đất nước thống nhất, tuy nhiên nền kinh tế, nhất là công nghiệp và thương nghiệp gặp muôn vàn khó khăn… Để khắc phục tình hình, đường lối phát triển công nghiệp nước ta trong giai đoạn mới được Đại hội IV của Đảng (tháng 12/1976) xác định: “Đẩy mạnh công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa, xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, đưa nước ta từ sản xuất nhỏ lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa, ưu tiên phát triển công nghiệp nặng một cách hợp lý trên cơ sở phát triển nông nghiệp và công nghiệp nhẹ, kết hợp xây dựng công nghiệp và nông nghiệp cả nước thành một cơ cấu công – nông nghiệp”. Tuy nhiên, việc duy trì mô hình kinh tế kế hoạch hoá tập trung, quan liêu, cùng nhiều nguyên nhân khác khiến cho nền kinh tế mất cân đối cung cầu nghiêm trọng, lạm phát tăng cao, các ngành nội thương, ngoại thương, vật tư không đáp ứng được nhu cầu phục vụ cho sản xuất và đời sống.

Đại hội VI của Đảng (tháng 12/1986) đã đề ra đường lối đổi mới đất nước, trong đó có đổi mới kinh tế, phát triển công nghiệp và thực hiện công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa.

Bên cạnh việc coi trọng công nghiệp hóa nông nghiệp và nông thôn, phát triển công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu, ngành Công Thương chủ trương xây dựng các ngành như: năng lượng, nhiên liệu, vật liệu xây dựng, công nghiệp chế biến, công nghiệp đóng và sửa chữa tàu thủy, luyện kim, hóa chất… Chính sách kinh tế theo đường lối đổi mới của Đảng đã đem lại những tác động tích cực trên thị trường hàng hóa dịch vụ. Tự do hóa thương mại, tự do hóa lưu thông đã làm cho hàng hóa giao lưu thông suốt giữa các vùng trong cả nước, góp phần khai thác tiềm năng và thế mạnh của từng vùng, từng doanh nghiệp. Sự phát triển mạnh mẽ của công nghiệp, nội thương, ngoại thương đã khơi nguồn sản xuất, cân đối cung cầu, tiền – hàng, kiềm chế lạm phát và có đóng góp quan trọng cùng các ngành khác đã đưa “nước ta ra khỏi khủng hoảng kinh tế – xã hội nghiêm trọng”.

Có thể bạn thích sách  Lịch Sử Tỉnh Hải Dương Tập III (Từ Năm 1883 Đến Năm 1945)

Nền kinh tế Việt Nam đã bước đầu khắc phục được tình trạng trì trệ, suy thoái và ngày càng ổn định, phát triển. Những thành tựu của công cuộc đổi mới đã tạo bầu không khí phấn khởi, tin tưởng trong cả nước. Việc thể chế hóa và tổ chức thực hiện các chủ trương của Đảng về công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã tạo động lực cho các ngành công nghiệp phát triển mạnh mẽ. Mặc dù chịu tác động của cuộc khủng hoảng tài chính Đông Á 1997 – 1998, khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2008 – 2009… nhưng sản xuất công nghiệp Việt Nam vẫn duy trì được đà tăng trưởng, mở rộng quan hệ thương mại với các nước, vùng lãnh thổ, góp phần từng bước thực hiện tự do hóa thương mại. Hàng loạt hiệp định thương mại song phương, đa phương với nhiều quốc gia, nền kinh tế được ký kết. Việt Nam từng bước trở thành thành viên của các tổ chức thương mại khu vực và thế giới, hội nhập đầy đủ vào nền kinh tế quốc tế.

Để góp phần khái quát lịch sử phát triển của ngành Công Thương Việt Nam qua các thời kỳ; những đóng góp của ngành Công Thương đối với công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, Bộ Công Thương phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản cuốn sách Lịch sử Công Thương Việt Nam 1945 – 2010. Ngoài phần giới thiệu chung về Bộ Công Thương, phần kết luận và một số sự kiện lịch sử tiêu biểu của ngành Công Thương, nội dung cuốn sách gồm 8 chương, giới thiệu khái quát về công nghiệp – thương mại Việt Nam trước năm 1945; quá trình ra đời, phát triển của ngành Công Thương qua các giai đoạn, gắn với nhiệm vụ cách mạng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ xâm lược; trong công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và đẩy mạnh hội nhập quốc tế. Trên cơ sở những kết quả đạt được, những đóng góp của ngành Công Thương, cuốn sách cũng rút ra một số bài học kinh nghiệm quý báu đóng góp vào kho tàng lý luận của Đảng trong công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế đất nước.

Có thể bạn thích sách  Biển, Đảo Việt Nam - Những Thông Tin Cơ Bản, Tập 2 - Tài Nguyên Biển, Đảo Việt Nam

Mặc dù có nhiều cố gắng trong quá trình biên soạn, xuất bản; song thời gian đã lùi xa, nhiều tư liệu lịch sử không còn, do vậy chắc chắn cuốn sách khó tránh khỏi thiếu sót. Rất mong nhận được sự góp ý của bạn đọc để cuốn sách được hoàn thiện hơn trong lần xuất bản sau.

Xin trân trọng giới thiệu cuốn sách cùng bạn đọc.

Tháng 12 năm 2022
NHÀ XUẤT BẢN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA SỰ THẬT