(Bản Việt ngữ này được dịch từ bản tiếng Pháp Rentrez chez vous, Bogner! của André Starcky, Le Seuil ấn hành, 1954.Nguyên bản tiếng Đức: Und Sagte Kein Einziges Wort, ấn hành 1953.)Lạc lối về là câu chuyện về một ngày đời của một con người sau chiến tranh. Là tiếng nói cất lên trên hoang tàn đổ nát làm rung động lòng ngườiTiểu thuyết Lạc lối về kể lạimột ngày của một người đàn ông mà chiến tranh đã làm cho “gãy cánh”, phải rời bỏ vợ con mà anh yêu nhất đời vì không thể chịu nổi cảnh cùng cực, để lại buồn chán hơn trong mùi vị đắng chát của sự nghèo khổ cùng ký ức hãi hùng của chiến tranh. Ngoài những công việc hằng ngày để kiếm tiền gửi cho vợ con, anh lang thang qua các công viên hẻo lánh, các khoảng đất trống, vào các quán rượu để say với nỗi buồn, vào nghĩa trang để trò chuyện cùng người chết.Anh hẹn với vợ trong một khách sạn như một tình nhân lén lút, một bóng hình yêu thương nhưng chưa hiện hữu bao giờ, một tâm hồn gần gũi đồng thời xa lạ, đêm đêm vẫn khóc thầm vì anh, vì con cái, vì cảnh đời cơ cực nhẫn tâm.Anh có còn nhận ra nàng? Hay nàng chỉ là hình ảnh của một quá khứ mà ý thức khốn khổ của anh (hay đúng hơn là vô thức khốn khổ) muốn phủ nhận một cách vô vọng?Cuối cùng, “trở về” vẫn là sự lựa chọn dũng cảm nhất của con người, lựa chọn tương lai bắt đầu từ một thái độ chấp nhận sáng suốt thực tại đổ vỡ, kết thúc những bước đường lang thang, lạc lối.Sự lạc lối và trở về của nhân vật chính phải chăng cũng chính là thông điệp của Heinrich Böll về tình trạng suy tàn hậu chiến để đối diện mất mát, kiến tạo lại từ đầu những giá trị nền tảng trong cuộc sống.VỀ TÁC GIẢHeinrich Böll, tên đầy đủ: Heinrich Theodor Böll (1917 – 1985)Là nhà văn Đức quan trọng bậc nhất sau Thế chiến thứ hai. Tác phẩm của ông được thể hiện sinh động bằng ngòi bút chân thực và đầy tính nhân văn về cuộc sống con người trong thế giới hoang tàn của chiến tranh, ở đó, họ biết yêu thương, phản kháng, biết can đảm nhìn thẳng vào định mệnh để vượt qua nó.Ông được trao giải Nobel Văn học năm 1972.Những tác phẩm nổi bật của Heinrich Theodor Böll gồm:Der Zug war pünktlich (Chuyến tàu đến đúng giờ, 1949)Wo warst du, Adam? (Người ở đâu, Adam?, 1951)Und sagte kein einziges Wort (Và đã không nói một lời duy nhất, 1953),Haus ohne Hüter (Ngôi nhà không người chăm nom, 1954)Gruppenbild mit Dame (Bức chân dung tập thể với một quý bà, 1971)Frauen vor Flusslandschaft (Phụ nữ trên miền sông nước, 1985)VỀ DỊCH GIẢHuỳnh Phan AnhTên thật: Huỳnh Thành Tâm, sinh 1940 tại Bình Dương. Học ĐH Sư phạm, ngành Triết học tại Viện Đại học Đà Lạt (1960-1964), sau đó trở thành giáo sư dạy Triết, một cây bút truyện ngắn, tiểu luận phê bình và dịch thuật.Các dịch phẩm: Một mùa địa ngục (thơ Arthur Rimbaud)Tuyển thơ tình yêu (thơ Paul Eluard)Thơ Yves BonnefoyChuông gọi hồn ai (Ernest Hemingway)Sa mạc (tiểu thuyết J.M.G Le Clézio)Tình yêu và tuổi trẻ (tiểu thuyết Valery Larbaud)Bãi hoang (Jean-René Huguenin)Bữa rồi vừa đọc xong Đứa con đi hoang trở về của André Gide thấy quyết định trở về của gã trai trẻ sao mà dễ dàng đến thế? Cho tới khi đọc Lạc lối về thì mình nhận ra rằng, để đi đến quyết định dễ dàng ấy, người ta đã phải lạc lối biết bao nhiêu, đau khổ biết bao nhiêu,… Vì thế mình càng thấy thấm câu dạy của ông bà mình: Đánh kẻ chạy đi không ai đánh người chạy lại. Một khi ai đó đã cất bước ra đi, họ phải có lý do cho điều đó. Và khi họ trở về thì cũng sẽ có lý do. Cho nên điều mà những người ở lại cần làm là dang tay đón nhận họ. Vì bản thân họ đã tổn thương và lạc lối nhiều lắm rồi.Có bạn kia nói Lạc lối về của Heinrich Böll buồn bã và thẳng thắn về cái nghèo, cảm giác như đọc Nam Cao (với nhiều rượu, cà phê và đồ ăn tây hơn, ví dụ cảnh đi vay tiền). Còn mình thì thấy giống Trần Dần (Những ngã tư và những cột đèn) hơn. Cái bi kịch của những người đàn ông tham chiến và hậu chiến nó dằn xé không chỉ bản thân họ mà còn cả những người thân bên cạnh họ rất rất nhiều. Ngày trở về với đời sống gia đình – vợ con – của người lính là nhà cửa không còn, cái nghèo lấn chiếm vào từng ngõ ngách cuộc đời, cộng với những ký ức kinh hoàng của chiến tranh đã khiến cho anh – người lính ấy bị “gãy cánh” và lạc lối. Anh chọn cách lang thang, bợ đỡ rượu – thuốc và lề đường. Bi kịch nhất là phải dan díu với chính vợ mình như thể người xa lạ ở một khách sạn bình dân rẻ tiền. Đọc tới đoạn này mình mới thấm câu hát đang được hot trend những ngày gần đây:
“Nhiều khi muốn một mình nhưng sợ cô đơn Sợ cảm giác trống vắng mỗi ngày mỗi lớn Sợ chạm vào nỗi nhớ vu vơ Gian gian díu díu mập mờ Nắm chưa xong đã vội đổ vỡ…”
Tình cờ mình vừa đọc được bài thơ “Và vợ người lính nhận được gì?” – Bertolt Brecht. Bài thơ bắt đầu bằng câu hỏi “Và vợ người lính nhận được gì” từ một thành phố mà người lính chiến đấu, sau đó là câu trả lời: đôi giày cao gót, chiếc áo vải lanh, cổ áo lông thú…, và kết thúc bằng câu “Nàng nhận được nó từ [thành phố trên kia].” Người lính trong bài là một người lính Nazi. Y đi chiến đấu khắp nơi và mang về cho vợ những “món quà” mà y cướp được. Và “món quà” cuối cùng, là cái chết của y ở Nga, thời điểm bài thơ cho thấy đó là trận Stalingrad…. Về nội dung thì người vợ trong bài thơ này và người vợ trong câu chuyện Lạc lối về không giống nhau. Nhưng cái mình muốn nói là nghĩa bóng của câu hỏi tu từ “Và vợ người lính nhận được gì?”. Kate trong Lạc lối về nhận được sự nghèo khó, khinh khi; cô nhận được sự chia lìa, xa cách với chồng. Cô phải chăm những đứa con, phải nhìn chúng lớn trong nghèo khổ, phải thấy mình già đi mà không thể thay đổi được điều gì.
Fred lạc lối trong đống đổ nát của tâm hồn người lính tham chiến cuộc chiến vô nghĩa, còn Kate lạc lối trong tâm hồn ngày một trống rỗng do Fred đập phá từng giờ từng khắc. Đọc Lạc lối về có cảm giác chiến tranh chưa khi nào chấm dứt, nó vẫn âm thầm tồn tại, xé tan hoang cái bình yên trong mỗi con người, từng mối quan hệ. Chiến tranh không chỉ tồn tại ở tiếng bom đạn, tiếng súng. Chiến tranh làm người ta héo mòn dần vì không biết đến ngày mai, nhưng hậu chiến, sau những giờ nhàm chán trong sự căng thẳng, người ta lại tàn úa cả cách trở về đời sống trước kia, bởi người ta đã chết trên những mặt trận vô bổ, người ta không còn cùng một tiếng nói – một quan điểm – cái nhìn với những người ở cách xa mặt trận ấy. “Trong chiến tranh anh say vì buồn chán. Em không thể tưởng tượng người ta say vì buồn chán ra làm sao; sau đó người ta nằm trên giường và tất cả quay cuồng trước mắt. Em cứ thử uống ba gàu nước ấm, nước cũng làm em say mèm như sự buồn chán vậy. Và chiến tranh thì buồn chán không thể tưởng tượng được”.Để có thêm góc nhìn và nhiều cảm xúc khác về những con người hậu chiến, xin mời bạn đọc thêm Những thứ họ mang của Tim O’Brien. Còn mình thì đang đọc Ký ức lạc loài của W.G. Sebald – một tác phẩm buồn hơn cả chữ buồn khác về những mảnh đời, số phận hậu chiến – mình sẽ sớm review khi cảm xúc ổn định trở lạiCông việc xong, tôi đến ngân hàng lãnh tiền. Nhiều người đang chen chúc nhau trước phòng phát ngân, tôi phải đợi hết nửa tiếng đồng hồ mới trình được tấm chi phiếu cho người thủ quỹ để người này trao cho một cô gái mặc áo bờ-lu vàng. Cô gái ấy đến bên một hàng thẻ, rút tấm của tôi ra, nói: “hợp lệ”, và trả tấm chi phiếu lại cho viên thủ quỹ. Hắn thận trọng trải những tờ giấy bạc lên mặt đá. Tôi kiểm lại tiền, bước ra phía cửa và đến bên một chiếc bàn nhỏ cạnh đó để cho tiền vào một phong bì và viết mấy hàng cho vợ tôi. Trên bàn vung vãi những mẩu giấy xuất tiền màu hường, tôi nhặt một tấm và viết bút chì lên mặt trái: “Anh phải gặp em ngày mai, anh sẽ gọi điện về trong vòng hai tiếng đồng hồ”. Tôi cho thư vào phong bì trước tiên, rồi đếm những tờ giấy bạc, liếm vào phần có bôi keo nơi mặt trái, nhưng sau một phút lưỡng lự, tôi lấy ra một tờ mười đồng mác cho vào túi áo. Tôi viết tiếp vào giấy. “Anh giữ lại mười mác: anh sẽ trả lại cho em vào ngày mai. Hôn các con. Fred”. Nhưng rồi lớp keo không còn dính nữa! Tôi đến bên một cái ghi-sê trống, nơi phát tiền. Ở bên kia, một cô gái đứng dậy và kéo tấm gương lên, nàng có nước da nâu, người ốm và mặc một chiếc áo đan màu hường cài một cành hoa nhân tạo nơi cổ. Tôi hỏi nàng: “Có thể cho tôi xin một tờ giấy có dán keo được không cô?”. Nàng nhìn tôi lưỡng lự, đoạn xé một mẩu giấy từ một cuộn giấy màu nâu sẫm trao cho tôi, không nói một tiếng nào, và đóng ghi-sê lại. Tôi nói cảm ơn về phía tấm gương, trở về bàn, dán thư lại và rời ngân hàng sau khi kéo mũ bê-rê sụp xuống.Trời mưa, ngoài đại lộ, những chiếc lá rời rạc đáp xuống mặt nhựa. Tôi đứng trước cửa ngân hàng, đợi chuyến xe 12 rẽ nơi góc đường. Tôi xuống đến quảng trường Tuckhoff. Chiếc xe điện trờ tới, tôi bước lên. Xe chất đầy người, quần áo họ toát ra một mùi ẩm ướt. Cơn mưa còn dữ hơn khi tôi bước xuống quảng trường Tuckhoff. Tôi đã không mua vé ngồi. Tôi chạy vào đụt mưa dưới mái hiên một cửa hiệu bán xúc xích. Tôi bước vào quầy hàng, gọi một miếng xúc xích nướng và một chén canh, đoạn mua mười điếu thuốc và móc tờ giấy mười đồng mác trả. Tôi vừa nhai xúc xích vừa nhìn vào tấm gương ở cuối cửa tiệm. Thoạt đầu tôi không nhận ra mình, tôi ngắm nghía cái khuôn mặt hốc hác, thiểu não dưới chiếc mũ bê-rê xơ xác kia. Tôi chợt thấy mình trông giống như người bán hàng rong dạo nào mà mẹ tôi không hề xua đuổi bao giờ. Bà không có can đảm làm việc đó. Khuôn mặt họ chìm lẫn trong bóng tối của nhà trên, hiện lên một nỗi tuyệt vọng thảm khốc, thỉnh thoảng tôi mở cửa cho họ vào, và khi, trong cơn sợ sệt, tôi vừa trông chừng tủ áo vừa gọi mẹ. Mẹ tôi từ bếp bước lên, hai bàn tay chùi vào tấm tạp dề, mặt mày họ sáng lên một cách kỳ lạ và đáng ngại. Những con người đó, họ bán thuốc giặt hoặc sáp, dao cạo râu hoặc những sợi dây giày. Bởi vì hạnh phúc khi nó soi sáng được những con người quen sống cơ hàn thì trông thật khủng khiếp. Chỉ cần trông thấy mẹ tôi, người ta cũng cảm nhận được niềm hạnh phúc đó. Không nỡ đuổi xô một ai, mẹ tôi vẫn mang bánh mì và tiền bạc cho những người hành khất, nếu có, hay ít ra bà cũng cho họ một tách cà phê. Khi không có gì, bà cho họ uống nước lạnh đựng trong cái ly sạch sẽ và gửi đến họ niềm an ủi, khích lệ chứa đựng trong cái nhìn của bà. Chung quanh nút nhận chuông, những cái khấc và những dấu hiệu khác của bọn ăn xin cứ gia tăng lên mãi, và một người bán rong luôn được dịp đặt một món đồ, dù là chỉ một sợi dây giày để đổi lấy một đồng tiền nhỏ nhoi. Trước mặt những người đại diện thương mãi, mẹ tôi cũng có thái độ dễ dãi, buông xuôi như vậy, bà không cứng cỏi được trước vẻ mặt của những con người đó, cũng khổ sở không kém gì những kẻ khác, và bà sẵn sàng ký những hợp đồng mua bán, bảo hiểm hoặc đặt hàng. Thuở nhở, tôi nhớ có lần nằm trên giường, nghe cha tôi trở về nhà vào buổi chiều, và cuộc cãi vã bùng nổ ngay khi ông đặt chân vào phòng ăn, một cuộc cãi vã giữa những bóng ma, trong đó mẹ tôi chỉ đóng vai trò thứ yếu, khiêm nhường. Đó là một người đàn bà nhẫn nhục.Trong số những người đến nhà chúng tôi có một người đội chiếc mũ bê-rê nhàu nát tên Disch mà sau này tôi được biết là một người tu xuất, hắn đi bán thuốc giặt.Như vậy, vừa ăn món xúc xích nóng từng làm đau những nướu răng hư của tôi, tôi nhận ra, nhờ tấm gương của cửa tiệm, rằng mình giống một người tên Disch: mũ bê-rê, khuôn mặt tiều tụy và thiểu não, cái nhìn buồn bã, tất cả đều ở đó. Tuy nhiên tôi cũng nhìn thấy những khuôn mặt của bọn người ngồi cạnh tôi, những cái miệng há hốc chực chờ khép lại trên một mẩu xúc xích, những vụn thịt biến mất sau những chiếc răng vàng khè, trong những khoảng hổng tăm tối, tôi trông thấy những chiếc nón còn tốt, những chiếc nón đã cũ kỹ, những mái đầu trần tóc tai ướt đẫm, tất cả làm tăng thêm vẻ hồng hào, bụ bẫm của khuôn mặt người đàn bà bán xúc xích. Bà ta tươi cười dùng một cái nĩa bằng cây để vớt những miếng xúc xích đang nổi trên mặt nước mỡ, bôi hột cải lên một vuông giấy bồi, chuyền vào giữa những cái miệng đang nhai ngấu nghiên, thu về những tờ giấy bồi bẩn thỉu bôi đầy hột cải, bán thuốc lá và nước chanh, cất tiền, luôn luôn bằng những ngón tay hồng hào, bụ bẫm trong khi mưa vẫn tiếp tục gõ trên mái hiên.Còn tôi, khi tôi cắn vào miếng xúc xích, khi tôi hả họng ra và đằng sau những chiếc răng vàng khè của tôi hiện ra cái lỗ đen ở đầu cuốn họng, chính tôi lại có cái vẻ tham ăn mà tôi đã từng gớm ghiếc nơi kẻ khác. Đầu của chúng tôi trồi lên ở đó, giống như trên một sân khấu múa rối, dật dờ trong hơi nóng bay lên từ những cái chậu.Tôi sợ sệt, vùng thoát ra và chạy qua cơn mưa để chạy tới đường Mozart. Nhiều người đang đổ dồn dưới những bức mành mành của các cửa tiệm, đợi tàn cơn mưa. Đến phòng làm việc của Wagner, một lần nữa tôi phải dùng khuỷu tay mới đến được bên cánh cửa và ráng hết sức để kéo nó về phía tôi bởi cánh cửa mở ra phía bên ngoài. Sau cùng tôi cảm thấy nhẹ nhõm, bước xuống những bậc thang, ngửi phải mùi da xông lên từ những chiếc giày mòn cũ thấm đẫm mồ hôi, mùi da tươi thoảng mùi nhựa thông, trong khi chiếc máy may cũ vẫn chạy đều.Tôi đi ngang qua trước hai người đàn bà đang ngồi đợi trên chiếc ghế dài, thò tay mở cửa kính và tôi lấy làm sung sướng bắt gặp nụ cười trên khuôn mặt của Wagner khi lão trông thấy tôi. Tôi quen biết với lão đã ba mươi lăm năm rồi bởi chúng tôi ở ngay phía trên cửa tiệm của lão – đúng vậy, ở phía trên, ở một khoảng nào đó phía trên khoảng xi măng giờ đây phủ lấy xưởng làm việc của lão – lúc đó tôi mới lên năm và tôi đã mang những chiếc giày của mẹ tôi đến cho lão. Phía sau chiếc ghế của lão, tượng Chúa Ki tô trên thập tự giá treo trên vách, bên cạnh tượng thánh Crépin, một lão già hiền lành với một chòm râu màu muối tiêu cầm một cái chân sắt trong đôi bàn tay được chăm sóc quá kỹ, trái hẳn với đôi bàn tay của người thợ đóng giày. Tôi chìa tay ra trước Wagner, lão ném cái nhìn về phía chiếc ghế đẩu nơi đầu bàn bên kia, ra dấu cho tôi ngồi, lão ngậm một mớ đinh trong miệng. Tôi ngồi xuống ghế, móc phong bì từ trong túi ra và Wagner đẩy về phía tôi hộp thuốc và giấy quấn thuốc. Nhưng điếu thuốc của tôi hãy còn cháy, tôi còn nói với lão: “Cám ơn”, và vừa đưa phong bì cho lão, tôi nói: “Có thể…”Lão lấy những cây đinh trong miệng ra, đưa ngón tay sờ lên đôi môi khô héo để yên trí rằng không còn cây đinh nào dính trên miệng, và nói: “Lại một món nhờ gửi cho vợ cậu…”Lão cầm lấy phong bì trong đôi tay, ngẩng đầu lên, nói: “Được rồi, tôi sẽ gửi đi khi thằng cháu tôi nó xưng tội về trong… – lão nhìn đồng hồ tay – trong nửa tiếng đồng hồ thôi”.Tôi nói:- Hôm nay vợ tôi cần tiền rồi, có tiền trong đó.- Tôi biết, lão nói.Tôi bắt tay lão và bước ra ngoài. Khi bước trở lên những bậc thang, tôi chợt nghĩ là tôi có thể mượn tiền lão và lưỡng lự trong giây phút, nhưng khi nghĩ lại, tôi mạnh dạn bước lên bậc thang sau cùng và lách đi giữa đám người đang chen chúc trên lề đường.Năm phút sau khi tôi bước xuống xe buýt tại đường Benekam thì trời hãy còn mưa. Tôi chạy đi giữa những đầu hồi cao của những ngôi nhà kiến trúc theo lối gô-tích được gia cố bảo tồn vì giá trị lịch sử của chúng. Qua những lỗ hổng của các khung cửa sổ cháy nám, người ta thấy xuất hiện một bầu trời xám thẫm. Tôi nhảy đến dưới máy hiên của ngôi nhà duy nhất có người ở, nhận chuông và đứng đợi.Người giúp việc có đôi mắt dịu hiền và nâu thẫm, trong đó tôi có thể đọc được niềm trắc ẩn tương tự với tình cảm ngày nào của tôi về những con người mà giờ đây tôi bắt đầu thấy có điểm tương đồng. Nàng cởi áo khoác giúp và lấy chiếc nón ra khỏi đầu tôi, giũ chúng ở trước cửa cho ráo nước và nói: “Trời đất, chắc là ông ướt tới xương rồi”. Tôi gật đầu và tiến đến trước tấm gương, đưa hai bàn tay lên vuốt tóc.Tôi hỏi:- Bà Beisem có ở nhà không?- Không.- Bà ấy có biết ngày mai là một tây không.- Không, cô ấy trả lời và nàng đưa tôi vào phòng khách, đẩy chiếc bàn về phía lò sưởi và mang đến cho tôi một chiếc ghế, nhưng tôi vẫn đứng quay lưng về phía lò sưởi nhìn thấy cái đồng hồ xưa đến một trăm năm mươi tuổi của gia đình Beisem.Gian phòng bày biện ngổn ngang những đồ vật cổ, những khung cửa sổ lắp kính gô-tích.
Mời các bạn đón đọc Lạc Lối Về của tác giả Heinrich Böll & Huỳnh Phan Anh (dịch).