Trong hơn 40 năm qua, ngay từ ngày mới thành lập Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam (1961) chúng tôi đã được nghiên cứu các loại rừng tre trúc phân bố tự nhiên ở Việt Nam và các loài tre trúc gây trồng có tầm quan trọng ở các địa phương. Từ thực tiễn nghiên cứu đã cho chúng tôi thấy rằng, mặc dù tre trúc là các loài cây phù trợ dưới tán rừng, nhưng chúng lại có vai trò rất quan trọng đến đời sống của các hộ dân sống ở miền núi, đặc biệt là các hộ nghèo, như sử dụng vật liệu làm nhà, vào vườn, đan lát thủ công sản xuất đồ mỹ nghệ, sản xuất tăm tre đũa cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu, đồng thời cung cấp măng tre trúc dùng làm thực phẩm phục vụ nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu; lại có thể khai thác hàng năm.
Rừng tre trúc cũng có tác dụng phòng hộ bảo vệ đất chống xói mòn, tăng cao dòng chảy kiệt của các lưu vực sông ngòi trong mùa khô khá tốt.
Do tầm quan trọng của tre trúc như vậy, chúng tôi đã cố gắng tổng hợp các đặc điểm phân bố, sinh trưởng và các phương thức trồng, kỹ thuật trồng, kinh doanh các loại rừng tre trúc quan trọng ở Việt Nam đã được nghiên cứu trong nhiều thập kỷ thể hiện trong cuốn “Kỹ thuật tạo rừng tre trúc ở Việt Nam”.
Song, đây là một vấn đề lớn nên không tránh khỏi thiếu sót, chưa đầy đủ, mong các bạn độc giả thông cảm và bổ sung cho cuốn sách hoàn chỉnh. Chúng tôi mong rằng các nội dung được trình bày ở cuốn sách này sẽ góp phần để quy hoạch sử dụng đất lâm nghiệp được tốt hơn, khôi phục phát triển nhanh các diện tích rừng tre trúc ở các địa phương và trong toàn quốc nhằm nâng cao tác dụng phòng hộ của rừng, góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân ở miền núi, đặc biệt là các hộ nghèo đồng bào các dân tộc.
CÁC TÁC GIẢ