Sản xuất giống cá là một bộ phận của môn học nuôi cá. Đối tượng của nó là kỹ thuật sản xuất giống các loài cá nuôi. Nhiệm vụ của nó là đưa ra những quy trình ngày càng tiên tiến để sản xuất ra con giống ngày càng chủ động về thời gian và giống loài, phong phú về số lượng, có giá trị thương phẩm cao, đáp ứng về nhu cầu giống cá của các loại vùng nước. Trong nghề nuôi cá thì giống là biện pháp hàng đầu, giống có đầy đủ, phẩm chất tốt mới tận dụng được các loại vùng nước, mới thâm canh, tăng năng suất sản lượng.
Ở Việt Nam, một quốc gia có hàng triệu ha mặt nước và tuy từ lâu nhân dân ta đã biết “thứ nhất thả cá”, nghề nuôi cá nước ta cho đến đầu những năm 60 vẫn phải lấy giống từ thiên nhiên là chủ yếu. Hàng năm vào mùa nước lũ ngư dân tập trung ven sông Hồng (phía dưới Việt Trì), sông Cửu Long (ở Tân Châu, Hồng Ngự) và những con sông lớn khác, vớt cá bột để ương thành giống các loài cá nuôi có giá trị kinh tế như mè, trôi ở miền Bắc, tra, vồ ở miền Nam. Việc làm có tính truyền thống nhưng lạc hậu này không những làm suy giảm nguồn lợi cá nuôi từ sông mà còn giết đi hàng loạt các loài cá sông khác không thể sống trong ao, có thể dẫn đến nguy cơ biến mất nhiều loài cá quý trên sông.
Từ lâu nhân dân ta cũng biết cách kích thích cho cá chép đẻ tự nhiên, nhưng mãi đến năm 1963 với sự giúp đỡ của chuyên gia Trung Quốc, sự phối hợp của Trường Đại học Thủy sản, Trạm nghiên cứu cá nước ngọt Đình Bảng đã nuôi vỗ và cho đẻ thành công cá mè hoa bằng cách tiêm HCG. Lần lượt sau đó là cá trắm cỏ, mè trắng. Năm 1968 miền Bắc cho đẻ được cá trôi bằng phương pháp tiêm chất chiết não thùy, năm 1972 thực hiện được việc cho cá trê rụng trứng và sinh sản nhân tạo loài này.
Ở miền Nam, cho đến những năm gần đây, nguồn giống cá tra, đối tượng nuôi quan trọng nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long vẫn hoàn toàn dựa vào thiên nhiên. Sau khi xác định được khả năng nuôi vỗ cá tra thành thục trong ao (1978), năm 1979, nhóm nghiên cứu thuộc Khoa Thủy sản Trường Đại học Nông nghiệp Thủ Đức mà tác giả là người chịu trách nhiệm chính, với sự phối hợp của Trường Trung học Nông nghiệp Long Định đã cho ra đời những con cá tra bột, cá tra hương đầu tiên bằng phương pháp sinh sân nhân tạo. Sau đó nhiều loài cá nuôi khác, dễ thành thục nhưng khó tự sinh sản trong ao như cá tai tượng, he, chài, mè vinh, bống tượng, basa, hú, thát lát, còm cũng đã được kích thích sinh sản thành công bằng các biện pháp sinh lý hoặc sinh thái. Ngày nay danh mục cá được sinh sản nhân tạo ở nước ta cũng có đến hàng chục loài. Kỹ thuật gieo tinh nhân tạo được áp dụng rất thành công khi sản xuất cá trê phi lại (đực phi x cái vàng). Nhìn chung nghề nuôi cả nói chung và sản xuất giống cá nói riêng ở nước ta có tiềm năng để tiến bộ nhanh nếu khắc phục được một số khó khăn về mặt đầu tư và cơ sở vật chất kỹ thuật.
Tập sách “Kỹ thuật sản xuất giống một số loài cá nuôi” này là sự tiếp nối của quyển “Một số vấn đề về nội tiết học sinh sản cá”, 1999, của cùng tác giả và Nhà Xuất Bản, có thể làm tài liệu cho học viên cao học, sinh viên chuyên ngành nuôi trồng thủy sản và các bạn đọc quan tâm đến nghề sản xuất giống cá nuôi.