Hiện nay, người ta đã biết có hơn 4000 loài cua. Chúng phân bố ở biển, trong nước ngọt và trên cạn. Các loài cua sống ở biển có sản lượng lớn và giá trị kinh tế cao, đặc biệt là giá trị xuất khẩu. Do vậy, chúng là đối tượng quan trọng của nghề khai thác hải sản và cường độ khai thác ngày một tăng. Theo số liệu của FAO (cơ quan nông nghiệp và thực phẩm của Liên Hiệp Quốc), hai thập niên qua sản lượng cua khai thác của thế giới tăng gấp hai lần : 1970-390.000 tấn, 1989-1.146.000 tấn. Trong đó Trung Quốc có 528.000 tấn, Mỹ : 203.000 tấn, Liên Xô (cũ) : 42.000 tấn, Thái Lan : 25.000 tấn, Philippine : 17.000 tấn, Việt Nam : 15.000 tấn. Điều đó làm suy giảm nghiêm trọng nguồn lợi nhiều loài cua, thậm chí một số loài có nguy cơ diệt chủng. Do vậy, mấy thập niên gần đây nhiều Quốc gia và tổ chức Quốc tế đã một mặt thi hành các biện pháp bảo vệ nguồn lợi một cách gắt gao, mặt khác tích cực nghiên cứu phát triển nghề nuôi cua nhân tạo và đã đạt được những kết quả khả quan.
Hiện nay trên thế giới có nhiều hình thức nuôi cua. Nuôi cua theo chu kỳ hở : sản xuất ra cua giống bằng con đường nhân tạo rồi thả chúng ra biển tới khi đạt kích thước thương phẩm thì khai thác có quản lý. Đây là hình thức nuôi tiến bộ có hiệu quả kinh tế cao. Nhật Bản, Mỹ, Chilê,… đã nuôi theo hình thức này. Hình thức nuôi cua theo chu kỳ kín đang được một số nước nghiên cứu thực nghiệm, một số kết quả đã được công bố. Một số nước Châu Á : Đài Loan, Philippin, Thái Lan, Ấn Độ, Việt Nam… nuôi loài cua biển (Scylla serrata) theo hình thức nuôi đơn (trong ao, trong lồng), nuôi ghép với cá [cá măng biển (Chanos chanos)] với rong câu (Gracilaria).
Nước ta có nguồn lợi cua biển phong phú. Những năm gần đây do nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu tăng nên cùng với việc khai thác, nghề nuôi cua biển (chủ yếu là loài cua biển Scylla serrata) đã phát triển ở nhiều địa phương: nuôi cua thịt từ của con (loại cua con có trọng lượng từ 30-100g| con); nuôi cua ốp (có trọng lượng từ 200g| con trở lên) thành cua thịt và cua gạch; nuôi cua lột (con cua từ 30-80g | con) đã đem lại những kết quả bước đầu. Công việc nghiên cứu sinh sản nhân tạo và sản xuất cua giống đang được xúc tiến thực nghiệm ở nhiều cơ sở nghiên cứu khoa học.
Tài liệu Kỹ thuật nuôi cua biển (Scylla serrata, Forskal) này được biên soạn dựa trên cơ sở những kết quả nghiên cứu thực nghiệm của chúng tôi từ năm 1990 đến nay, cùng với việc khảo sát tình hình nuôi cua biển ở các vùng khác nhau trong nước thời gian qua. Tài liệu giới thiệu tổng quát các đặc điểm sinh học của loài cua biển (Scylla serrata), sự sinh sản, phát triển cá thể và kỹ thuật sản xuất của giống. Tài liệu tập trung giới thiệu kỹ thuật và các hình thức nuôi cua : Nuôi cua tổng hợp (nuôi ghép); nuôi chuyên (nuôi đơn), nuôi cua ốp (nuôi béo), nuôi cua lột, các hình thức nuôi : quảng canh trong ao đầm lớn, thâm canh trong ao nhỏ, trong đăng chắn, lồng, bè v.v… Phần cuối của tài liệu đề cập đến phòng bệnh trong nuôi cua. Cua biển là một đối tượng nuôi mới, nhiều vấn đề chưa được nghiên cứu kỹ, tài liệu này chắc chắn không thể tránh khỏi các khiếm khuyết. Chúng tôi mong nhận được nhiều ý kiến phê bình góp ý kiến của các độc giả.
Nhân dịp này chúng tôi xin chân thành cảm ơn Sở khoa học Công nghệ và Môi trường thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban nhân dân Huyện Cần Giờ, Công ty phát triển thủy sản Cần Giờ (COFIDEC), Công ty Sản xuất Kinh doanh xuất nhập khẩu và đầu tư Cần Giờ, Công ty hỗ trợ phát triển khoa học kỹ thuật (Bộ giáo dục – Đào tạo) và các đồng nghiệp Phân viện Sinh Thái và Tài nguyên sinh vật đã tạo điều kiện giúp đỡ, hợp tác trong quá trình nghiên cứu.
TÁC GIẢ