Cuốn sách có thể dễ dàng được đọc bởi một người 41 tuổi hay một đứa bé 14 tuổi. Nó thật xuất sắc và lay động lòng người. Đó là những lời mà báo chí Mỹ dành cho Kira – Kira, tiểu thuyết đoạt giải thưởng đóng góp xuất sắc cho Văn học thiếu nhi Mỹ 2005 của nhà văn Cynthia Kadohata. Kira – Kira mở đầu với cuộc sống tuổi thơ yên ả của hai chị em người Nhật sống cùng cha mẹ tại tiểu bang Iowa (Mỹ, nơi có những ruộng bắp trải dài ngút ngàn, nơi hằng đêm, khi hai chị em nằm chơi ngắm nhìn bầu trời đầy sao ở con đường vắng trước nhà. Và chị Lynn của Katie Takeshima đã dạy cô bé từ đầu tiên mà theo chị Lynn là tuyệt diệu nhất thế gian Kira – Kira. Trong tiếng Nhật, Kira – Kira nghĩa là sáng lấp lánh:…Tôi dùng từ Kira – Kira để miêu tả tất cả những thứ mà tôi thích: bầu trời xanh trong trẻo, lũ chó con, mèo con, lũ bướm, những tấm khăn giấy nhiều màu sắc. Và chị Lynn cũng nói với em gái mình: Màu xanh của bầu trời cũng là màu xanh đặc biệt nhất trên thế gian, bởi vì nó vừa xanh thẳm lại vừa trong vắt… biển cũng vậy và mắt con người cũng vậy. Trên cái nền chủ đạo là thứ ánh sáng lấp lánh ấy, bằng giọng văn trong sáng, chứa chan tình cảm, Kira – Kira dẫn người đọc vào chuỗi hồi ức thơ mộng, nghịch ngợm và buồn bã đến nao lòng của cô bé người Nhật Katie về tuổi thơ nghèo khó của gia đình, về người chị thông minh, xinh đẹp, giỏi giang nhưng vắn số. Do nghèo khó, mất việc làm, cha mẹ cô bé Katie dắt díu gia đình dời nhà từ bang Iowa đến sống tại một thị trấn nhỏ ở Georgia. Nơi đây, họ sống trong một căn hộ xập xệ, cũ kỹ. Khi người lớn bán sức lao động, cật lực làm việc ở các nhà máy hòng trang trải cuộc sống, thì trẻ con, với tâm hồn và cái nhìn ngây thơ, vẫn có cuộc sống thú vị của riêng chúng. Nhưng rồi một ngày, sự bạc bẽo của cuộc đời vén bức màn tuổi thơ lên: bệnh tật, nghèo đói, sự đàn áp về chính trị, tệ kỳ thị sắc tộc… Cô chị Lynn đã làm một phép tính: Chỉ có mỗi 31 người Nhật trong toàn thị trấn này, mà thị trấn này lại có hơn 4.000 người lận, và 4.000 chia cho 31 là… họ đông hơn mình quá trời. Từ phép tính đơn giản đó là tiếng kêu phản kháng thảng thốt của đứa bé: Em có để ý là bạn bè của ba mẹ chỉ toàn là người Nhật thôi không? Đó là vì đám người kia coi mình như không. Họ khinh mình – họ coi bọn mình giống như giẻ rách – hoặc như sâu như kiến gì đó. Nước Mỹ trong câu chuyện là nước Mỹ những năm 1950, đời sống của những gia đình người Nhật trên đất Mỹ hậu kỳ Đại chiến thế giới lần 2 được miêu tả rất trung thực: những xưởng làm việc với guồng máy công nghiệp xem con người chỉ là những công cụ sản xuất. Sự vùng dậy của những người công nhân như thành lập công đoàn, đấu tranh đòi giảm giờ làm… được khéo léo lồng vào câu chuyện với liều lượng vừa phải, qua cái nhìn của một cô bé đã giúp độc giả nhí dù thuộc quốc gia nào cũng đều có thể cảm và hiểu được sự bất công, phi lý đến lạnh lùng, tàn nhẫn của một xã hội ích kỷ. Sáng sớm 17/1/2005, nhà văn Cynthia Kadohata nhận được điện thoại từ Ủy ban trao giải thưởng Newbery (lấy theo tên của John Newbery, một người bán sách nổi tiếng ở Anh thế kỷ 18 – giải thưởng được trao tặng từ năm 1922 cho đến naythông báo cuốn Kira – Kira của cô được trao tặng giải thưởng Newbery. Trong bối cảnh xã hội nước Mỹ luôn có những xung đột về sắc tộc, sự chia cách giàu nghèo, nạn khủng bố, bạo động, tội ác… thì Kira – Kira chính là bài ca đẹp về niềm hy vọng, tin tưởng vào cuộc sống, tình yêu thương, quý trọng, san sẻ giúp đỡ lẫn nhau giữa những người trong cùng một gia đình và giữa con người với con người trong cùng nhau một xã hội. Và trên tất cả, thông điệp đằng sau Kira – Kira là: cuộc sống này rất phức tạp nhưng kỳ diệu biết bao. Bạn không nên đánh mất khả năng cảm nhận điều kỳ diệu đó dù là ở những điều nhỏ bé nhất trên đời. Tôi muốn những đứa trẻ biết rằng thế giới này tràn ngập niềm hy vọng và cái đẹp, Cynthia Kadohata đã nói như thế. Sau khi được dịch và phát hành thành công ở Nhật, Trung Quốc, Đức, Italy, Phần Lan, Đức, Serbia và Montenegro, Hàn Quốc, Tây Ban Nha, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ. Tháng 12 này, quyển Kira – Kira, vừa đến Việt Nam với tên gốc là Kira – Kira do dịch giả Lưu Anh chuyển ngữ, NXB Trẻ phát hành. Nhìn lại dòng văn học thiếu nhi ở Việt Nam và trên thế giới, có một điều thú vị phải thừa nhận: một tác phẩm văn học thiếu nhi thành công và nổi tiếng không giới hạn độ tuổi độc giả. Bạn đọc Việt Nam thuộc mọi lứa tuổi từng say mê và háo hức thưởng thức những tác phẩm văn học dành cho thiếu nhi (hay nói về thiếu nhicủa tác giả nước ngoài, điển hình như: Hoàng tử bé của St.Exuypéry, truyện cổ Andersen, truyện cổ Grim và gần đây là loạt truyện Harry Potter của J.K. Rowling, Nhật ký Mã Yến của cô bé Trung Quốc Mã Yến… Vì thế, sự xuất hiện của Kira – Kira tại Việt Nam hứa hẹn sẽ gây ấn tượng mạnh với độc giả Việt và góp phần làm phong phú những góc nhìn về dòng văn học thiếu nhi trong nước. Đọc Kira – Kira lại nhớ đến Mắt biếc – tác phẩm đem lại giải Nobel Văn học 1992 cho nhà văn Toni Morisson, Vừa nhắm vừa mở cửa sổ của Nguyễn Ngọc Thuần, Harry Potter của J.K. Rowling. Tất cả các cuốn sách đó đều viết về nội tâm cũng như thế giới của những đứa trẻ, về cuộc chiến đấu giữa cái thiện và cái ác, cái bất công trong cuộc sống. Điểm độc đáo của Kira – Kira còn là sự kết hợp hài hòa giữa chất phương Đông và phương Tây trong câu truyện. Nét hóm hỉnh, tinh nghịch, hài hước tình huống kiểu Mỹ lẫn cái nhẹ nhàng, thâm trầm, sâu kín của Nhật; sự lãng mạn, mơ mộng đứng bên cạnh hiện thực nghiệt ngã; niềm hạnh phúc dâng tràn bên cạnh sự chia ly, mất mát; cái ngô nghê, trong trẻo trẻ thơ bên cạnh sự trưởng thành, già dặn của những tâm hồn bé con đang dần lớn lên theo từng ngày. Tôi giấu những giọt nước mắt của mình không cho ba mẹ thấy. Nhưng mặt biển bắt đầu làm tôi thấy hạnh phúc trở lại. Ở nơi đây từ mặt biển – đặc biệt là từ mặt biển – tôi có thể nghe thấy giọng nói của chị mình trong tiếng những làn sóng vỗ: Kira – Kira! Kira – Kira. Cái kết thúc đẹp này chẳng khác nào một khúc đồng dao bất tận lấp lánh niềm tin trẻ thơ. *** CHỊ TÔI, LYNN, đã dạy cho tôi nói cái từ đầu tiên: kira-kira. Tôi đã phát âm nó thành ra ka a-a, nhưng chị chẳng hiểu nổi tôi muốn nói gì. Trong tiếng Nhật, kira-kira có nghĩa là “sáng lấp lánh”. Lynn kể là khi còn nhỏ, chị thường dắt tôi đi trên con đường trống vắng của bọn tôi vào ban đêm, rồi hai đứa tôi nằm ngửa xuống, nhìn lên những ngôi sao trên trời và chị cứ nhắc, “Katie, nói kira-kira, kira-kira xem nào.” Tôi rất thích từ này! Khi tôi lớn thêm, tôi dùng từ kira-kira để miêu tả tất cả những gì mà tôi thích: bầu trời trong trẻo, lũ chó con, mèo con, lũ bướm, những tấm khăn giấy nhiều màu sắc. Mẹ bảo chúng tôi đã lạm dụng từ đó nhiều quá, người ta không thể gọi một tấm khăn giấy là kira-kira được. Mẹ rất rầu về việc hai đứa tôi không giống người Nhật một chút nào và thề là sẽ đưa chúng tôi về Nhật một ngày nào đó. Tôi không quan tâm mẹ sẽ đưa chúng tôi tới đâu, một khi tôi có chị Lynn bên cạnh. Tôi sinh ra ở Iowa năm 1951. Tôi biết khá nhiều chuyện về mình hồi nhỏ, bởi vì chị Lynn có ghi nhật kí. Bây giờ tôi vẫn giữ cuốn nhật kí đó trong ngăn kéo cạnh giường. Tôi rất thích cái việc những kí ức của chị vừa giống y hệt tôi, nhưng cũng lại vừa khác. Ví dụ như một trong những kỉ niệm đầu tiên của tôi là cái ngày chị Lynn cứu tôi. Tôi gần lên năm, và chị gần lên chín. Bọn tôi đang chơi trên con đường vắng gần nhà. Những cánh đồng bắp cao tít trải dài ngút tầm mắt, nhìn đâu cũng thấy bắp. Một con chó lông xám, dơ dáy từ cánh đồng gần bọn tôi chạy ra, rồi lại chạy vào. Lynn vốn yêu thích những con vật. Và mái tóc dài đen mượt của chị cứ mất hút sau đám lá xanh sau khi chị đuổi theo con chó. Bầu trời mùa hè xanh biếc và trong vắt. Tôi thoáng thấy sợ khi Lynn biến mất vào trong mấy bụi bắp. Lynn luôn ở bên cạnh tôi mỗi khi chị không đi học. Cả ba mẹ tôi đều đi làm. Trên lý thuyết thì tôi được gởi suốt ngày ở nhà một người phụ nữ ở cuối đường, nhưng trên thực tế thì Lynn mới là người trông nom tôi. Sau khi Lynn chạy vào trong cánh đồng, tôi chẳng còn thấy gì khác ngoài bắp. Tôi kêu to “Lynnie!.” Bọn tôi chơi không xa nhà lắm, nhưng tôi cảm thấy sợ. Tôi khóc òa lên. Rồi thì Lynn bỗng ló ra sau lưng tôi và “Hù!” một cái, và tôi lại khóc to dữ hơn nữa. Chị bật cười, rồi ôm lấy tôi và nói “Em là đứa em dễ thương nhất thế giới!.” Tôi rất thích nghe chị nói như vậy, và tôi nín khóc. Con chó chạy đi mất. Bọn tôi ngả lưng xuống nằm ngay giữa mặt đường, nhìn lên bầu trời xanh ngắt. Có những ngày mà chẳng có ai chạy xe qua con đường nhỏ của chúng tôi. Bọn tôi có thể nằm ngửa suốt cả ngày mà chẳng hề bị xe cán.