Đại văn hào nước Nga Lev Tolstoy sinh ra và sống gần cả cuộc đời tại điền trang của ông ở Yasnaya Polyana. Ông rất yêu mến trẻ em và đã viết nhiều câu chuyện cho con cái nông nô ở điền trang. Lev Tolstoy cho xuất bản các câu chuyện thiếu nhi của ông thành hai tập sách có tựa đề là ABC và Bạn đọc nước Nga. Nhiều trẻ em đã học đọc và viết từ những quyển sách này. Lev Tolstoy còn giới thiệu các truyện cổ tích Hy Lạp và La Mã do chính ông dịch cùng những câu chuyện truyền miệng khác. Ông đặc biệt yêu thích truyện ngụ ngôn của văn hào Aesop, người Hy Lạp. Những Truyện Ngụ Ngôn Hay Nhất của Aesop do Lev Tolstoy dịch đôi khi có dạng một câu tục ngữ (“Nạn đắm tàu”hay một truyện dân gian (“Cáo và gà rừng”, và đôi khi rất giống với một câu chuyện xảy ra hăng ngày (“Hai người bạn”. Ông chuyển các sự kiện xảy ra trong truyện ngụ ngôn thành chuyện xảy ra trên quê hương ông, và tại đây chúng trở thành truyện ngụ ngôn của nước Nga, thành những sáng tác rất riêng của văn hào Nga vĩ đại này. Có đủ loại nhân vật trong cuốn sách này, từ con người, thần thánh cho đến các con thú, những bất kể đó là nhân vật gì, đầu tiên và trên hết, nhà văn đang nói chuyện với trẻ em. Có lẽ đó là lý do tại sao đôi khi các nhân vật của ông dường như giống những trẻ em mang mặt nạ. Chốc chốc, tấm mặt nạ tuột ra và một đôi mắt trẻ thơ long lanh hé lộ.*** Năm 1978 là tròn 150 năm ngày sinh nhà văn Nga vĩ đại Lép Nhi-cô-lai-ê-vích Tôn-xtôi, con người đã để lại cho chúng ta trong sách của mình những kho báu tư tưởng và ngôn từ vô giá. Tôn-xtôi sinh ra, lớn lên và phần lớn cuộc đời mình đã sống ở I-a-xnai-a Pô-li-a-na. Ông rất yêu trẻ nhỏ và đã viết cho trẻ con nông dân I-a-xnai-a Pô-li-a-na nhiều truyện ngắn và truyện đồng thoại. Tôn-xtôi đã in những truyện ngắn và chuyện đồng thoại của mình dành cho trẻ nhỏ trong những cuốn sách nhan đề “Sách học vần” và “Những cuốn sách Nga để đọc”. Nhiều em nhỏ đã học đọc và học viết theo những cuốn sách này. Tôn-xtôi đã đưa vào những cuốn sách dành cho trẻ nhỏ nhiều câu chuyện và truyền thuyết lấy từ văn học cổ, từ cuộc sống của các dân tộc khác nhau trên thế giới. Ông đặc biệt thích thú các truyện ngụ ngôn giản dị và ngắn mà nhà thông thái cổ Hy Lạp Ê-dốp đã sáng tác ra. Ê-dốp sống cách đây đã lâu, khoảng hai ngàn rưởi năm, vào thế kỷ IV trước công nguyên. Những truyện ngụ ngôn cổ chính là những bài học nhân hậu. Mà bài học nhân hậu thì không bao giờ bị lãng quên! Ai không nhớ truyện ngụ ngôn về hai người bạn và con gấu? Một anh hoảng sợ leo tót lên cây, còn anh kia ở lại trên đường. Khi gấu bỏ đi, anh thứ nhất hỏi: “Gấu nói gì với cậu thế?” Anh thứ hai đã trả lời: “Nó bảo rằng không được bỏ bạn trong hoạn nạn”… Câu chuyện này có thể đọc trong các sách giáo khoa cấp một ở Liên-xô, cũng như trong những cuốn sách đầu tiên của thiếu nhi. Thậm chí cả những đứa trẻ còn chưa biết đọc cũng đã quen biết nó. Nhưng ít ai biết rằng truyện ngụ ngôn này là do Ê-dốp sáng tác, và Tôn-xtôi đã dịch ra tiếng Nga. Hay một câu chuyện nổi tiếng nữa về thằng bé nông dân chăn cừu nghịch ngợm mấy lần kêu cứu: “Sói! Sói!” đã làm mọi người lo lắng vô ích. Nhưng khi tai họa thực sự đến, nó lên tiếng kêu cứu thì không ai đáp lại, bởi vì mọi người đều nghĩ nó đùa như trước đây… Đó cũng là truyện ngụ ngôn của Ê-dốp do Tôn-xtôi dịch. Nhiều truyện ngụ ngôn cổ độc giả Liên-xô được biết qua các bản dịch của I-van An-đrây-ê-vích Crư-lôp. Thí dụ, những truyện ngụ ngôn như “Chuồn chuồn và Kiến”, “Quạ và Cáo”, “Sói và Sếu”… Crư-lốp là nhà thơ và dịch truyện ngụ ngôn ra bằng thơ. Còn Tôn-xtôi là nhà văn và dịch cũng chính những truyện ngụ ngôn ấy ra bằng văn xuôi. Tôn-xtôi đưa các bản dịch truyện ngụ ngôn của Ê-dốp xích gần lại với cách ngôn, tục ngữ “(Đắm thuyền”hoặc với truyện cổ dân gian (“Cáo và gà rừng”, hay biến nó thành truyện sinh hoạt “(Hai người bạn”. Ông chuyển sự kiện của truyện ngụ ngôn về môi trường thân quen. Chúng trở thành các truyện ngụ ngôn Nga, những tác phẩm tự tạo của Lép Tôn-xtôi. Thường thì các truyện ngụ ngôn cổ kết thúc bằng một kết luận hoặc một lời giáo huấn. Tôn-xtôi vứt bỏ những đoạn kết ấy, chỉ giữ lại hành động và tính cách của các nhân vật, chắc là tự trẻ em cũng sẽ hiểu bài học nhân hậu nói về điều gì và dạy điều gì. Để dịch được đúng Ê-dốp, Tôn-xtôi đã học tiếng Hy Lạp cổ, đọc rất nhiều sách. Nhiều mẩu chuyện về Ê-dốp còn được giữ lại. Một số người gọi ông là con người sung sướng, bởi vì dường như ông hiểu được tiếng nói của loài vật, tiếng nói của thiên nhiên. Các truyện ngụ ngôn của ông về con sếu rút cái xương hóc trong họng sói, về con cáo không với được chùm nho, đều lý thú đối với trẻ em cũng như người lớn, như các truyện cổ dân gian thần tiên trong đó mọi điều đều hấp dẫn và có tính chất răn dạy. Nhưng truyện ngụ ngôn, khác biệt với truyện cổ dân gian, bao giờ cũng chứa đựng một sự chế giễu sắc nhọn như lông nhím, hay một sự ngăn ngừa dữ tợn như sư tử. Thêm vào đấy, bao giờ nó cùng dễ hiểu và ngắn gọn. Số người khác gọi Ê-dốp là con người bất hạnh bởi vì ông vốn là một nô lệ nghèo nàn của tên nhà giàu Xan-phơ. Người ta còn nói rằng sở dĩ Ê-dốp phải dùng lời bóng gió để giảng giải là bởi vì ông sợ tên chủ của mình và không dám nói thẳng toạc ra. Nhưng Ê-dốp đâu có sợ Xan-phơ. Và ông đã nói hết sự thật. Ông là một con người nghiêm khắc và dũng cảm. Mà chủ yếu, ông là một triết gia thông thái và nhân hậu. Ông bắt mọi người cười vui vẻ những trò tinh nghịch của các nhân vật của mình. Và họ càng cười bao nhiêu, càng trở nên minh mẫn bấy nhiêu, bởi vì, như Pu-skin từng nói, “truyện cổ dân gian là điều không có thực nhưng trong đó có lời bóng gió là bài học cho những người thông minh, nhân hậu”. Nhiều câu chuyện về Ê-dốp còn được giữ gìn trong ký ức của nhân dân. Một trong những câu chuyện như vậy Tôn-xtôi đưa vào cuốn “Sách học vần” của mình. Một lần Xan-phơ sai Ê-dốp đi dò xem đám cưới của người hàng xóm có nhiều người đến dự không. Ê-dốp đến nhà người hàng xóm, ném một súc gỗ xuống ngưỡng cửa nhà ông ta, rồi ngồi bên cạnh chờ khách khứa ra về. Tiệc tan, ai ra khỏi nhà cũng đều vấp phải khúc gỗ những chỉ bực bội nhìn khúc gỗ rồi đi đường mình. Chỉ có một bà cụ già sau khi bị vấp đã quay lại đẩy khúc gỗ dẹp sang bên để người khác không bị cản trở. Ê-dốp hài lòng trở về gặp chủ. – Thế nào, ở đấy có nhiều người không? – Xan-phơ vốn tò mò hỏi. – Tất cả chỉ có một con người, mà đây lại là một bà cụ già, – Ê-dốp trả lời. – Sao lại thế? – người chủ ngạc nhiên. – Tất cả đều vấp phải súc gỗ, – Ê-dốp nói, – mà không ai dẹp nó đi. Thế thì lũ cừu cũng làm như vậy. Riêng bà cụ già dẹp súc gỗ đi để người khác không bị ngã. Chỉ có con người mới làm như vậy. Một mình bà cụ là người. Các nhân vật trong truyện ngụ ngôn của Ê-dốp có đủ loại khác nhau. Ớ đây có cả con người, cả thần thánh, cả loài vật. Nhưng nhà viết ngụ ngôn cổ có kể về ai đi nữa, trước hết ông nhằm nói với trẻ em. Có thể vì thế mà đôi khi dường như các nhân vật của ông chỉ là những đứa bé đeo mặt nạ. Chỗ này, chỗ kia, thỉnh thoảng từ dưới cái mặt nạ bị bật ra bỗng chợt lại lóe sáng những đôi mắt nghịch ngợm và thông minh của trẻ thơ. Điểm đặc biệt này của các truyện ngụ ngôn đã được họa sĩ Mi-kha-in Rô-ma-đin cố gắng giữ được trong các bức vẽ của mình. Tôn-xtôi cho in “Sách học vần” và “Những cuốn sách Nga để đọc” lần đầu vào những năm 1874 – 1875. Nhiều truyện trong những cuốn sách này, các em ở Liên-xô đã quen biết. Đó là “Phi-li-pốc”, là “Ba con gấu”, là “Con cá mập”, là “Người tù Cáp-ca-dơ”, cũng như “Sư tử và con chó con” và những truyện khác. Ngày nay, bên cạnh những cuốn sách mỏng đầu tiên đó, trong sò sách đọc của trẻ em có thêm cả các truyện ngụ ngôn của Lép Tôn-xtôi. Những truyện này được xếp theo thứ tự như Tôn-xtôi xếp đặt để đưa in. Thoạt đầu là những câu chuyện đơn giản nhất, về sau phức tạp dần… Nhưng tất cả những câu chuyện này đều dành cho những người nghe và người đọc bé nhất, những người bắt đầu yêu quý và hiểu biết tiếng nói mẹ đẻ từ vần chữ cái.
Nguồn: https://thuviensach.vn