Khuôn mặt bị đánh cắp là cuốn hồi ký cảm động của Latifa – một thiếu nữ mười sáu tuổi kể về thân phận khốn cùng của bản thân và những người dân Afghanistan vô tội khi Taliban lên nắm chính quyền. Bất chấp những hiểm nguy rình rập… Bất chấp mạng sống bị đe dọa… Bất chấp phải trốn chạy, từ bỏ quê hương với gia đình, người thân yêu dấu… Cô bé Latifa vẫn quả cảm để nói thay cho tất cả những thiếu nữ và phụ nữ Afghanistan. Những người mẹ, người chị, và cả em nhỏ bị bó buộc, cầm tù, thậm chí đã bị hành quyết giữa cộng đồng, không xét xử và không ai trắc ẩn, trước mắt cả con cái lẫn những người thân. Họ bị tước đoạt mọi quyền lợi ngay trên chính xứ sở quê hương của mình, dù là những quyền lợi cơ bản nhất của một con người, một phụ nữ. Thế nhưng bất chấp tất cả họ vẫn giữ gìn nhân phẩm của mình, với tất cả sự hãnh diện, sức lực và tinh thần cho đến hơi thở cuối cùng. Bi kịch cuộc đời của Latifa chỉ là một phần nhỏ trong tất cả những mãnh đời bất hạnh của người phụ nữ dưới thời Taliban phải hằng ngày hằng giờ chịu đựng. Latifa còn may mắn khi cuối cùng cô bé cũng có thể bắt đầu một cuộc đời mới. Của mình! Cho riêng mình! Nhưng còn đó biết bao số phận của những người phụ nữ Afganistan khác thì sao? Họ phải làm gì? Còn phải chịu đựng những gì? Và cuối cùng ai/ cái gì sẽ cứu rỗi cuộc sống của họ khỏi những tăm tối ràng buộc khắc nghiệt này đây? Khuôn mặt bị đánh cắp, vì thế, càng chứng tỏ giá trị của mình khi gióng lên một hồi chuông cảnh báo về tệ nạn bạo hành phụ nữ dưới chế độ Taliban hà khắc. Một cuốn hồi kí chân thực với sức lay động mạnh mẽ. Để tương lai sẽ không còn những Latifa nào nữa…*** Những chiếc khăn xếp đen ngòm của Taliban đang dần biến mất khỏi những cơn ác mộng của chúng tôi: giờ đây quan trọng là nói về hy vọng và tự do – mà cuối cùng lại có. Tôi đang làm điều đó. Từ lúc tôi nghe thấy tiếng cười ở Kabul, nhìn thấy một khuôn mặt phụ nữ trên tivi, thấy những chiếc máy cạo râu của những người thợ cạo lại đang làm việc, tôi biết rằng tôi phải quay về và ôm tổ quốc vào lòng mình. Tôi chỉ đang chờ những cánh diều sẽ thay thế máy bay oanh tạc trên bầu trời Kandahar mà thôi. Có nhiều điều đáng vui mừng tại Hội nghị Bonn(15: các đại diện mỗi nhóm dân tộc – Tajik, Uzbek, Pashtun, Hazar – đều hứa là sẽ nghiêm túc tập hợp lại dưới một chính phủ lâm thời và chấp nhận viện trợ của Liên hợp quốc cho công cuộc tái thiết đất nước chúng tôi, một quốc gia bị tàn phá đến mức hiếm có trong lịch sử. Tôi thật lấy làm vui mừng. Giờ đây anh Wahid đang mong mỏi được rời Moskva về nước. Anh Daoud và vợ anh, và chị Soraya đều đang ở đâu đó trên đoạn đường giữa Pakistan và Afghanistan: đã lâu chúng tôi không hay tin họ và tôi lấy làm lo lắng. Về phần mình, lúc này tôi là một người lưu vong được biệt đãi, được ăn uống no nê, không sợ mùa đông giá lạnh, và ngang hàng với những người phương Tây. Vì thế, giờ tôi có thể bày tỏ, mà không phải sợ hãi, những lo lắng bản năng của tôi về tương lai – và đó cũng là một biệt đãi. Hàng thế kỷ nay những người đàn ông của đất nước tôi được đưa cho dao rựa, súng lục, súng trường, súng Kalashnikov để chơi như chơi những cái trống lúc lắc của trẻ nhỏ. Hàng thế kỷ nay các thế hệ bị đem bày ra trên một bàn cờ, các kỳ thủ lớn kế tiếp nhau, hết người này đến người khác, như thể chiến tranh giữa các dân tộc là một môn thể thao toàn quốc vậy. Cũng hàng thế kỷ nay phụ nữ sinh ra để mặc áo burqa. Và những tham vọng xâm lược của các thế lực nước ngoài ủng hộ cho những truyền thống này. Tôi muốn nói – cùng với tất cả hy vọng của tôi về giấc mơ về hòa bình và dân chủ, giấc mơ cháy bỏng của thế hệ tôi – rằng tôi cầu cho phụ nữ sẽ được đại diện đầy đủ hơn trong các cuộc đàm phán tương lai. Trong ba mươi người tham dự Hội nghị Bonn, ba phụ nữ vẫn là chưa đủ. Tôi cũng cầu cho người cầm lái đất nước tôi sẽ, trong trái tim ông, mang chất Pashtun cũng như Tajik, Uzbek, Hazar; rằng vợ ông sẽ cố vấn và trợ giúp cho ông; rằng ông sẽ hiểu là ông phải tập hợp quanh mình những người phụ nữ giỏi giang nhất và thông thái nhất. Tôi cầu cho những cuốn sách sẽ thay thế vũ khí; rằng nền giáo dục sẽ dạy chúng tôi biết tôn trọng lẫn nhau; rằng các bệnh viện sẽ làm tròn sứ mệnh của mình; và rằng nền văn hóa của chúng tôi sẽ lại vực dậy từ đống tro tàn của các bảo tàng bị cướp bóc và đốt cháy. Tôi cũng cầu nguyện cho các trại đầy những người tị nạn đang khổ sở vì đói sẽ biến mất khỏi các biên giới của chúng tôi, và một ngày gần đây bánh mì họ ăn sẽ được nướng bằng chính bàn tay họ, trong chính những ngôi nhà của họ. Cầu nguyện thôi vẫn là chưa đủ. Ngay khi tên Taliban cuối cùng treo chiếc khăn xếp đen sì của hắn lên và tôi lại có thể là một phụ nữ tự do ở một đất nước tự do, tôi sẽ trở về với cuộc sống của tôi ở Afghanistan và tiếp tục những nghĩa vụ của mình như một công dân, một phụ nữ – và tôi hy vọng, một ngày nào đó, một người mẹ nữa. Một hôm, một phụ nữ Âu trích dẫn cho tôi lời một bài hát: “Phụ nữ là tương lai của nam giới.” Ở Afghanistan, hơn bất cứ nơi nào khác, tôi cầu nguyện rằng đàn ông cũng sẽ sớm cất tiếng hát lên câu ca này. Tháng Mười hai 2001