Khi Hơi Thở Hoá Thinh Không PDF EPUB

Khi Hơi Thở Hoá Thinh Không PDF EPUB

Tác giả:
Thể Loại: Hồi Ký - Tuỳ Bút
Nguồn: https://ebookvie.com
EPUBPDFAZW3ĐỌC ONLINE

Cuốn sách “Khi Hơi Thở Hóa Thinh Không” là một tự truyện đầy cảm xúc của một bác sĩ đối diện với căn bệnh ung thư phổi. Trong cuốn sách này, tác giả Paul Kalanithi chia sẻ những trải nghiệm từ quãng thời gian mới bắt đầu học y, tiếp xúc với bệnh nhân, cho đến khi phát hiện ra mình cũng mắc phải căn bệnh khủng khiếp này và phải chịu điều trị kéo dài.

Kalanithi, người có đam mê với văn chương, đã kể lại câu chuyện của mình một cách mượt mà, đầy cảm xúc và sâu lắng. Từ những kỷ niệm về thời sinh viên đầy hứng khởi, những ngày thực tập căng thẳng, cho đến khi trở thành một bác sĩ phẫu thuật thần kinh, tất cả đều được tái hiện sinh động trong cuốn sách này. “Đối với bệnh nhân và gia đình, phẫu thuật não là một sự kiện bi thảm và có tác động lớn đối với họ. Trong những thời điểm nguy cấp đó, câu hỏi không chỉ đơn giản là sống hay chết, mà còn là cuộc sống nào đáng được sống.” – những suy nghĩ sâu sắc này của Kalanithi đã được thể hiện một cách rõ ràng trong cuốn sách.

Bạn đọc không chỉ hiểu thêm về triết lý sống và nghề nghiệp y học của Kalanithi mà còn được đắm chìm trong những trải nghiệm, cảm xúc và suy tư của một bác sĩ đối mặt với sự tử vong và sự sống. Mặc dù không thể vượt qua được căn bệnh nan y, nhưng thông điệp của tác giả về sự kiên nhẫn, sức mạnh và ý nghĩa của cuộc sống sẽ luôn ở lại trong lòng người đọc, là nguồn cảm hứng và sự khích lệ mãi mãi.

Mời các bạn đón đọc Khi Hơi Thở Hoá Thinh Không của tác giả Paul Kalanithi.
—-
LỜI MỞ ĐẦU

Webster ám ảnh nhiều về cái chết
Và nhìn thấy xương sọ dưới lớp da
Những sinh vật không ngực sâu trong đất
Ngã về sau trong nụ cười không môi
–T.S.ELLIOT. [4]

“LỜI THÌ THẦM CỦA BẤT DIỆT”

Tôi lướt qua ảnh chụp CT, chẩn đoán đã rõ ràng: hai phổi mờ mịt vô số khối u, xương sống biến dạng, một thùy gan bị phá sạch. Là một bác sĩ phẫu thuật thần kinh bước vào năm cuối chương trình nội trú, trong suốt sáu năm qua, tôi đã nghiên cứu vô số bản chụp cắp lớp kiểu này, với hy vọng có thể làm được điều gì đó cho bệnh nhân. Nhưng lần này thật khác biệt: ảnh chụp là của chính tôi.

Tôi không còn ở trong dãy phòng chụp X-quang vận trang phục chuyên dụng và áo blu trắng mà vận bộ quần áo bệnh nhân và bị cột vào một cây truyền dịch, tôi dùng chiếc máy tính y tá để lại trong phòng. Bên cạnh là vợ tôi, Lucy, một bác sĩ nội khoa. Lần lượt nhìn qua từng cửa sổ máy tính một lần nữa: phổi, xương, gan, kéo từ trên xuống dưới, từ trái qua phải, từ đằng trước ra đằng sau, theo cách mà tôi đã từng được đào tạo, như thể cố biết đâu sẽ tìm ra được điều gì đó làm thay đổi chẩn đoán.

Chúng tôi nằm cạnh nhau trên chiếc giường bệnh.

Lucy lặng lẽ, hệt như đang đọc từ một bản thảo: “Liệu có bất kỳ khả năng nào nó là một thứ gì khác không?” “Không”, tôi đáp.

Chúng tôi ôm nhau thật chặt như những cặp tình nhân trẻ. Năm ngoái, cả hai đều nghi ngờ nhưng đã từ chối tin, thận chí từ chối thảo luận về căn bệnh ung thư đang phát triển trong người tôi.

Khoảng sáu tháng trước, tôi bắt đầu bị sụt cân và đau lưng trầm trọng. Khi thay đồ buổi sáng, thắt lưng phải thắt lại một nấc, sau đó là hai nấc. Tôi đến gặp bác sĩ chính của mình, một người bạn cùng lớp cũ từ Stanford. Anh của cô đột ngột qua đời lúc đang là bác sĩ nội trú ngành phẫu thuật thần kinh sau khi tảng lờ đi những dấu hiệu nhiễm trùng tai hại, và do đó cô đảm nhiệm việc theo dõi sức khỏe của tôi, hệt như một từ mẫu. Tuy nhiên, khi tới nơi, tôi gặp một bác sĩ khác trong phòng khám – cô bạn kia của tôi đang trong giai đoạn nghỉ sinh.

Trong tấm áo choàng xanh mỏng nằm trên bàn khám bệnh lạnh lẽo, tôi mô tả những triệu chứng của mình cho bác sĩ: “Đương nhiên,” tôi nói, “nếu đây là câu hỏi trong kỳ thi lấy chứng chỉ hành nghề – bệnh nhân ba mươi lăm tuổi sút cân đột ngột và những cơn đau lưng mới bộc phát không rõ lý do – thì câu trả lời hiển nhiên sẽ là Ung thư. Nhưng cũng có thể là tôi đã làm việc quá nặng nhọc. Tôi không biết nữa. Tôi muốn chụp MRI cho chắc.” “Tôi nghĩ chúng ta cứ chụp X-quang trước đã,” cô nói. Chụp MRI cho đau lưng khá tốn kém, và việc chụp hình một cách không cần thiết gần đây đang là trọng điểm quốc gia trong nỗ lực tập trung cắt giảm chi phí. Nhưng giá trị của một tấm scan phụ thuộc rất nhiều vào những gì bạn muốn biết: chụp X-quang phần lớn là không có tác dụng đối với vác trường hợp ung thư. Dù vậy, đối với nhiều bác sĩ, yêu cầu chụp cộng hưởng từ trường trong giai đoạn đầu thế này giống như phản bội vậy. Cô tiếp tục: “Chụp X-quang không nhạy hoàn toàn, nhưng bắt đầu từ đấy là hợp lý”.

“Vậy chụp X-quang tư thế gấp-ưỡn thì sao? – biết đâu lại là chứng trượt đốt sống do khe hở co?” Từ tấm gương treo trên tường, tôi có thể thấy cô đang tra google.

“Đó là dạng trượt đốt sống vùng thắt lưng, xảy ra với khoảng 5% dân số và thường gây ra đau lưng thường trực ở những người trẻ tuổi”.

“Được. Vậy tôi sẽ cho dùng các thuốc đó”.

“Cám ơn”, tôi nói.

Tại sao tôi vốn rất uy quyền trong bộ y phục phòng mổ nhưng lại trở nên rụt rè trong bộ đồ bệnh nhân? Sự thực là tôi biết nhiều về đau lưng hơn cô ấy – một nửa thời gian đào tạo của tôi trong vai trò bác sĩ phẫu thuật thần kinh liên quan đến các rối loạn ở xương sống. Nhưng biết đâu được, khả năng cao hơn là gai cột sống. Khá nhiều người trẻ tuổi bị gai cột sống – và còn ung thư cột sống ở tuổi ba mươi sao? Tỉ lệ đó không thể vượt quá một trong mười nghìn. Ngay cả khi nó phổ biến gấp một trăm lần con số đó, vẫn ít khả năng hơn gai cột sống nhiều. Biết đâu tôi chỉ đang hoảng sợ quá mức.

Hình chụp X-quang trông ổn. Chúng tôi quyết định rằng đây là những triệu chứng do công việc vất vả và cơ thể đang già đi. Sau khi đặt lịch cho lần khám theo dõi, tôi quay trở lại để hoàn thành việc cuối cùng trong ngày. Hiện tượng sụt cân chậm lại, những cơn đau lưng cũng dịu hơn. Một liều ibuprofen vừa phải giúp tôi chịu đựng qua ngày, và hơn hết cả, sẽ không còn nhiều những ngày tháng mệt nhoài làm việc hơn 14 tiếng một ngày thế này nữa. Hành trình của tôi từ một sinh viên y khoa vươn tới vị trí giáo sư về phẫu thuật thần kinh đã đến hồi kết: sau mười năm tu luyện miệt mài, tôi quyết tâm phải kiên trì nốt trong mười lăm tháng tới đến khi chương trình nội trú kết thúc. Tôi đã giành được sự tín nhiệm từ những người đi trước, đạt được nhiều giải thưởng quốc gia danh giá và đang cân nhắc đề nghị làm việc từ vài trường đại học lớn.

Giám đốc chương trình học của tôi ở Stanford gần đây đã gặp tôi và nói, “Paul, tôi nghĩ anh sẽ là một ứng cử viên hàng đầu cho bất kỳ công việc nào mà anh lựa chọn. Thông tin cho anh hay: chúng tôi đang bắt đầu tìm kiếm một người như anh cho vị trí trong khoa. Đương nhiên là chưa hứa hẹn chắc chắn, nhưng anh nên suy nghĩ về chuyện này.” Ở tuổi ba mươi sáu, tôi đã leo gần lên đến đỉnh núi; tôi có thể nhìn thấy Vùng Đất Hứa, từ Gilead, Jericho cho tới Địa Trung Hải.

Tôi có thể thấy trên biển đó chiếc tàu hai thân xinh đẹp mà Lucy, những đứa con giả định và tôi vẫn đi nghỉ cuối tuần trên đó. Tôi có thể thấy sức ép trên lưng mình nới ra khi lịch làm việc giãn dần và cuộc sống trở nên dễ dàng kiểm soát hơn. Tôi thấy mình cuối cùng cũng có thể trở thành một người chồng như đã hứa hẹn.

Vài tuần sau, tôi bắt đầu có nhưng cơn đau ngực nghiêm trọng.

Liệu tôi có va đập vào đâu đó ở chỗ làm không? Rạn xương sườn chẳng hạn? Vài đêm, tôi tỉnh giấc đầm đìa mồ hôi sũng sượt ra ga giường. Cân nặng lại tiếp tục giảm, còn nhanh hơn trước, từ 79 kg xuống còn 64 kg. Bắt đầu những cơn ho dai dẳng. Không còn nghi ngờ gì nữa. Vào trưa thứ Bảy, Lucy và tôi đang nằm sưởi nắng trong công viên Dolores ở San Francisco để đợi gặp em gái của nàng. Nàng liếc vào màn hình điện thoại của tôi, khi nó đang hiển thị kết quả tìm kiếm cho “tần suất ung thư ở độ tuổi 30 tới 40” “Cái gì?” nàng nói. “Em không biết là anh đang thực sự lo lắng về chuyện này” Tôi không trả lời. Tôi không biết nói gì.

“Anh có muốn nói cho em biết không?” nàng hỏi.

Nàng tức giận bởi vì nàng cũng lo lắng về chuyện này. Nàng tức giận bởi vì tôi đã không nhắc đến nó. Nàng tức giận bởi tôi đã hứa hẹn với nàng một cuộc sống thế này, vậy mà lại đem đến cho nàng một cuộc sống khác.

“Anh có thể nói cho em biết tại sao anh không tin tưởng em không?” nàng hỏi.

Tôi tắt điện thoại.”Đi ăn kem đi,”tôi nói.

Chúng tôi lên lịch nghỉ phép tuần sau đó để tới thăm những người bạn cũ thời đại học ở New York. Hy vọng những giấc ngủ đêm ngon lành cộng vài ly cocktail có thể giúp chúng tôi hàn gắn và xả bớt áp suất chiếc nồi áp suất hôn nhân của chúng tôi.

Nhưng Lucy có kế hoạch khác, “Em không đến New York cùng anh được,” nàng thông báo chỉ vài ngày trước chuyến đi. Nàng sẽ chuyển ra ngoài một tuần. Nàng muốn có thời gian để xem xét lại tình trạng hôn nhân của chúng tôi. Nàng nói bằng chất giọng vô cảm, chỉ làm tăng thêm cơn chóng mặt tôi đang cảm thấy.

“Sao?” tôi nói. “Đừng.” “Em yêu anh vô cùng, đó là lý do tại sao chuyện này thật bối rối.” Nàng nói. “Nhưng em lo lắng chúng ta đòi hỏi những thứ khác nhau trong mối quan hệ này. Em cảm thấy như thể chúng mình chỉ gắn kết nửa vời. Em không muốn mình chỉ vô tình phát hiện ra những lo lắng của anh. Khi em nói với anh về cảm giác bị gạt ra, có vẻ như anh không coi đó là vấn đề. Em cần phải làm cái gì đó khác.” “Mọi thứ rồi sẽ ổn cả thôi,” tôi đáp. “Chỉ là vấn đề nội trú thôi mà.” Sự việc có đúng là rất tệ? Quá trình đào tạo bác sĩ phẫu thuật thần kinh, một trong những chuyên khoa khắc nghiệt và yêu cầu cao nhất của ngành y, thực sự là có tạo sức ép lên cuộc hôn nhân của chúng tôi. Rất nhiều đêm tôi đi làm về muộn sau khi Lucy đã ngủ gục luôn trên sàn phòng khách và kiệt sức. Và rất nhiều buổi sáng tôi về nhà khi trời còn tối mù, trước khi nàng thức dậy. Nhưng sự nghiệp của chúng tôi đang lên – hầu như tất cả các trường đại học đều muốn cả hai chúng tôi: tôi ở ngành phẫu thuật thần kinh, Lucy ở nội khoa. Chúng tôi đã sống sót qua giai đoạn khó khăn nhất trong cuộc hành trình. Không phải là chúng tôi đã thảo luận về điều đó hàng tá lần trước đó sao? Chẳng phải nàng cũng biết đây là khoảng thời gian tồi tệ nhất để phá tung tất cả sao? Nàng không thấy rằng tôi chỉ còn một năm nội trú và rằng tôi yêu nàng, rằng chúng tôi đã tới thật gần cuộc sống bên nhau mà chúng tôi hằng mong muốn sao? “Nếu chỉ là chuyện nội trú, em có thể chịu được,” nàng nói.

“Chúng ta đã đi được khá xa rồi. Nhưng vấn đề là, nếu không phải chỉ là chuyện nội trú thì sao? Anh có nghĩ rằng mọi chuyện sẽ tốt hơn khi anh trở thành bác sĩ phẫu thuật điều trị thần kinh?” Tôi đề nghị bỏ chuyến đi, để mở rộng lòng mình hơn, gặp hai vị trị liệu hôn nhân mà Lucy từng gợi ý vài tháng trước, nhưng nàng kiên quyết rằng mình cần thời gian – một mình. Lúc này, màn sương mù phủ lên cơn hỗn loạn đã tan đi, chỉ để lại một cạnh sắc cứng. Được, tôi nói. Nếu nàng quyết định đi, vậy tôi sẽ coi như mối quan hệ đã kết thúc. Nếu quả thực tôi bị ung thư, tôi sẽ không nói ra – nàng sẽ tự do sống bất kỳ cuộc đời nào mà nàng mong muốn.

Trước khi rời đi New York, tôi lén tới một vài cuộc hẹn thăm khám để loại trừ những nguy cơ ung thư phổ biến ở người trẻ tuổi.

(Ung thư tinh hoàn? Không. Ung thư da? Không. Ung thư bạch cầu? Không). Công việc về phẫu thuật thần kinh vẫn bận rộn như mọi khi. Đêm thứ Năm vụt qua sáng thứ Sáu khi tôi dính kẹt trong phòng mổ ba mươi sáu tiếng đồng hồ liên tục, với một chuỗi những ca vô cùng phức tạp: chứng phình mạch cỡ đại, phẫu thuật bắc cầu động mạch não, dị dạng động tĩnh mạch. Tôi thở ra một hơi, thầm cảm tạ khi bác sĩ trực đến, cho phép tôi ngả lưng vào tường lấy vài phút. Lần chụp X Quang vùng ngực duy nhất là khi tôi rời bệnh viện trên đường ra sân bay. Tôi nhận ra rằng nếu mình bị ung thư, đây có thể là cơ hội cuối cùng để gặp gỡ bạn bè, hoặc nếu không bị thì chẳng có lý do gì phải huỷ bỏ chuyến đi.

Tôi phi về nhà lấy túi xách. Lucy đưa tôi tới sân bay và nói rằng nàng đã đặt lịch trị liệu hôn nhân cho chúng tôi.

Từ cửa ra, tôi gửi nàng một tin nhắn: “Anh ước là em ở đây.” Vài phút sau, lời đáp chuyển tới: “Em yêu anh. Em sẽ ở đây khi anh quay trở lại.” Lưng tôi cứng đờ trong suốt chuyến bay, và khi tới Ga Grand Central để bắt chuyến tàu tới nhà bạn tôi ở mạn Bắc, cơ thể tôi run rẩy vì những cơn đau. Trong suốt những tháng qua, tôi bị co thắt cơ lưng ở nhiều cấp độ, từ những cơn đau đủ nhẹ để có thể lờ đi, những cơn đau khiến tôi phải nghiến răng không nói thành lời, cho tới những cơn đau nghiêm trọng tới mức tôi co quắp trên sàn, gào thét. Cơn đau lần này tiến tới cực đau đớn tột cùng nhất trong chuỗi những cơn đau. Tôi nằm xuống dãy ghế cứng trong phòng chờ, cảm thấy cơ lưng mình đang xoắn lại, hít thở để kiểm soát cơn đau – do ibuprofen không có tác dụng tới chỗ đó – và cố gọi tên từng thớ cơ đang thắt lại để ngăn dòng nước mắt: cơ dựng cột sống, cơ trám, cơ lưng to, cơ tháp… Một tay bảo vệ tiến đến, “Thưa ngài, ngài không thể nằm ở đây được.” “Tôi xin lỗi,” tôi hổn hển hắt ra từng từ. “Co thắt… cơ lưng… kinh…khủng.” “Vẫn không thể nằm ở đây được đâu ạ.” Tôi xin lỗi, nhưng tôi sắp chết vì ung thư. Những từ này chần chừ trên đầu lưỡi – nhưng nếu không phải vậy thì sao? Biết đâu đây chỉ là những gì người bị mắc chứng đau lưng phải chịu. Tôi biết rất nhiều về những trận đau lưng – về giải phẫu, sinh lý, những thuật ngữ khác nhau mà bệnh nhân sử dụng để mô tả từng loại đau đớn – nhưng tôi không biết cảm giác của chúng thế nào. Có lẽ chỉ là thế này. Có lẽ. Hoặc có thể tôi không muốn nói ra lời xúi quẩy. Có thể tôi không muốn nói toạc ra từ Ung thư. Tôi cố gượng dậy và khập khiễng tiến ra sân ga.

Có thể bạn thích sách  Vang vọng một thời

Đó là một buổi chiều muộn khi tôi tới ngôi nhà ở Cold Spring, 80 cây số về phía Bắc Manhattan, bên sông Hudson và được chào đón bởi một tá bạn bè thân thiết nhất những năm qua. Tiếng hoan hô chào mừng của họ lẫn trong tạp âm láo nháo của lũ trẻ phấn khích. Sau đó là màn ôm hôn và một ly cocktail Dark and Stormy lạnh buốt được đưa vào tay tôi.

“Lucy không đến sao?” “Công việc đột ngột,” tôi nói. “Ngay phút cuối.” “Đúng là đen đủi.” “Này, cậu có phiền không nếu tớ nằm nghỉ một chút?” Tôi đã hy vọng một vài ngày không phải vào phòng mổ, ngủ nghỉ, thư giãn đầy đủ – nói ngắn gọn là hương vị của một cuộc sống bình thường – sẽ biến những triệu chứng của căn bệnh đau lưng và sự mệt nhọc của tôi trở về mức thông thường. Nhưng sau một hai ngày, thực tế là không có sự ân xá nào cả.

Tôi ngủ xuyên bữa sáng và lết tới bữa trưa chỉ để nhìn chằm chằm vào các đĩa ăn ngập ragu thịt đậu và càng cua mà tôi không thể nuốt nổi. Tới bữa tối, tôi kiệt sức, chỉ muốn quay trở lại giường.

Có lúc tôi đọc sách cho bọn trẻ con nghe, nhưng phần lớn thời gian là bọn chúng chơi loanh quanh chỗ tôi, nhảy nhót, la hét.

(“Các con à, bố nghĩ là chú Paul cần được nghỉ ngơi. Sao các con không qua đằng kia chơi đi?”) Tôi nhớ tới những ngày nghỉ khi còn là cố vấn trại hè mười lăm năm trước, ngồi bên bờ hồ ở Bắc California với một lũ trẻ xoắn xuýt ở bên, lấy tôi làm chướng ngại vật trong trò cướp cờ của chúng. Khi đó tôi đang đọc một cuốn sách có tên Cái Chết và Triết Học. Tôi từng cười vào sự bất hợp lý của khoảnh khắc này: một chàng trai trẻ độ tuổi hai mươi đang ở giữa khung cảnh rực rỡ của cây cối, hồ nước, núi non, tiếng chim hót líu lo xen lẫn những tiếng kêu ré lên của lũ trẻ bốn tuổi vậy mà anh ta đang dí mũi vào cuốn sách nhỏ màu đen về cái chết. Chỉ đến bây giờ, trong khoảnh khắc này, tôi mới cảm nhận được sự tương đồng: thay vào hồ Tahoe là sông Hudson; thay vào lũ trẻ con của những người xa lạ, là lũ trẻ con của bạn bè tôi; thay vào cuốn sách về cái chết ngăn tôi ra khỏi cuộc sống xung quanh là cơ thể tôi, đang chết dần.

Vào đêm thứ ba, tôi nói chuyện với Mike, chủ nhà, và bảo anh rằng tôi định rút ngắn chuyến đi sớm hơn dự định và về nhà ngay hôm nay.

“Cậu có vẻ tâm trạng,” anh nói.

“Mọi thứ ổn cả chứ? Sao ta không làm một lý scotch và ngồi đây đi?” tôi hỏi.

Trước lò sưởi nhà anh, tôi nói, “Mike, mình nghĩ là mình bị ung thư. Cũng không phải loại lành tính.” Đó là lần đầu tiên tôi mở lời về nó.

“Được rồi,” anh nói. “Tớ có thể coi đây không phải là một câu đùa tinh vi chứ?” “Không hề.” Anh ngập ngừng. “Tớ không biết phải hỏi gì cậu nữa.” “À, trước tiên, phải nói rằng tớ không khẳng định sự thực rằng tớ bị ung thư. Chỉ là khá chắc thôi – rất nhiều triệu chứng đều chỉ theo hướng đó. Tớ sẽ về nhà ngày mai và giải quyết chuyện này. Hy vọng là tớ sai.” Mike đề nghị giữ hành lý của tôi và chuyển về bằng đường bưu điện, nhờ đó tôi sẽ không phải mang theo chúng. Anh chở tôi tới sân bay ngay sáng hôm sau, và sáu tiếng sau đó, tôi hạ cánh xuống San Francisco. Điện thoại reo ngay khi tôi bước xuống máy bay. Đó là vị bác sĩ gia đình gọi để nói về kết quả chụp X Quang vùng ngực. Phổi của tôi lẽ ra phải rõ ràng, thì lại mờ mịt như thế là ống kính máy ảnh để mở quá lâu vậy. Cô ấy nói cô không chắc điều đấy có nghĩa là gì.

Cô rất có khả năng là biết điều đó nghĩa là gì.

Tôi biết.

Lucy đón tôi ở sân bay nhưng tôi đợi đến tận lúc về mới nhắc đến nó. Chúng tôi ngồi trên ghế sofa và khi tôi nói với nàng, nàng đã biết. Nàng dựa đầu vào vai tôi, khoảng cách giữa chúng tôi biến mất.

“Anh cần em.” Tôi thì thào.

“Em sẽ không bao giờ rời xa anh,” nàng nói.

Chúng tôi gọi cho một người bạn thân, một trong những bác sĩ phẫu thuật thần kinh ở bệnh viện và đề nghị anh cho nhập viện.

Tôi nhận được chiếc vòng tay nhựa mà mọi bệnh nhân đều đeo, mặc bộ đồ bệnh viện màu xanh dương nhạt quen thuộc, đi qua những vị y tá tôi biết và đăng ký nhập phòng – đúng căn phòng nơi tôi đã từng gặp hàng trăm bệnh nhân trong suốt những năm qua. Trong căn phòng này, tôi đã từng ngồi với bệnh nhân và giải thích cho họ kết quả chẩn đoán cuối cùng cũng như các phẫu thuật phức tạp; trong căn phòng này tôi chúc mừng bệnh nhân vì được chữa khỏi và chứng kiến niềm hạnh phúc của họ khi được trở về với cuộc sống; cũng trong căn phòng này, tôi tuyên bố những bệnh nhân tử vong. Tôi đã ngồi trên những chiếc ghế, rửa tay trong bồn, nguệch ngoạc các chỉ dẫn trên bảng thông báo, thay đổi lịch công tác. Trong những giây phút kiệt sức, mệt mỏi, tôi thậm chí đã khao khát được nằm trên chiếc giường này và ngủ. Mà giờ tôi nằm đây, hoàn toàn tỉnh táo.

Một y tá trẻ tôi chưa từng gặp ngó đầu vào.

“Bác sĩ sẽ tới ngay.” Vậy là cái tương lai mà tôi đã tưởng tượng, cái mà tôi sắp sửa đạt được, đỉnh cao nhất sau bao thập kỷ tranh đấu cho nó, đã hoàn toàn bay hơi.
—-
PHẦN I – KHỞI ĐẦU TỪ MỘT SỨC KHOẺ HOÀN HẢO

Tay Đức Chúa đặt lên người ta, ngài kéo ta ra bằng tinh thần của Chúa, và đặt ta giữa trũng lầy đầy xương cốt.
Ngài khiến ta đi vòng quanh chúng: và kìa, trên thung lũng mở cơ man nào là chúng; và lại kìa, chúng đều đã khô.
Ngài nói với ta, hỡi Con người[5] , những bộ cốt này có thể sống không?
– EZEKIEL 37:1-3, BẢN DỊCH CỦA HOÀNG ĐẾ JAMES[6]

Tôi biết chắc chắn rằng mình sẽ không bao giờ trở thành một bác sĩ. Tôi nằm duỗi dài thư giãn dưới ánh nắng trên cao nguyên hoang mạc phía trên nhà. Bác tôi, một bác sĩ, cũng như bao người họ hàng ướm hỏi về dự định nghề nghiệp khi tôi chuẩn bị bước vào cánh cửa đại học. Và câu hỏi chẳng mấy được để tâm.

Nếu bị ép buộc, câu trả lời của tôi có lẽ sẽ là một nhà văn, nhưng thú thực, mọi suy nghĩ về nghề nghiệp tại thời điểm đó thực sự rất kỳ cục. Chỉ vài tuần nữa là tôi sẽ rời thị trấn Arizona và cảm thấy mình giống như một hạt electron bay vu vu, sắp sửa đạt được vận tốc thoát ly, lao tới một vũ trụ lấp lánh lạ kỳ, hơn là một ai đó đang chuẩn bị leo lên một nấc thang nghề nghiệp.

Tôi nằm đó trên đám bụi đất, trôi nổi giữa ánh dương và ký ức, cảm nhận kích cỡ co hẹp của thị trấn này, cách xa ký túc xá trường đại học mới của tôi tại Stanford và tất cả những gì nó hứa hẹn với hai mươi lăm ngàn cây số.

Tôi biết tới y học chỉ bằng sự thiếu vắng nó – cụ thể là sự thiếu vắng người cha đang trên đà sự nghiệp, người luôn đi làm trước bình minh và chỉ trở về với đĩa thức ăn hâm lại lúc trời đã tối. Khi tôi mười tuổi, cha đưa chúng tôi – ba cậu con trai mười bốn, mười và tám tuổi – từ một vùng ngoại ô đông đúc, giàu có phía Bắc Manhattan, Bronxville, New York tới Kingman, Arizona, một thung lũng hoang mạc kẹp giữa hai dãy núi, mà thế giới bên ngoài chủ yếu biết đến nó như một trạm xăng để nạp nhiên liệu trên đường di chuyển tới một nơi nào đó. Cha bị thu hút bởi ánh mặt trời và chi phí sinh hoạt nơi đây – nếu không thì làm sao mà ông có thể lo được cho các cậu con trai của mình vào những trường đại học mà ông mong muốn cơ chứ? – và cũng bởi cơ hội để lập một phòng khám tim mạch địa phương của riêng mình. Sự tận tụy bền bỉ của ông với bệnh nhân chẳng mấy chốc giúp ông trở thành thành viên được tôn trọng trong cộng đồng. Khi chúng tôi được gặp ông vào tối muộn hay cuối tuần, ông tựa như một hỗn hợp giữa những ngọt ngào và độc đoán khắt khe, giữa những ôm hôn và tuyên bố sắt đá: “Rất dễ để trở thành số một: chỉ việc kiếm một gã đang đứng số một rồi phấn đấu thắng gã một điểm.” Ông đã đạt được sự dàn xếp ổn thỏa trong tâm trí rằng tình phụ tử có thể rất nhỏ giọt; những lần xuất hiện cường độ cao, ngắn và cô đọng (nhưng chân thành) cũng đủ bằng bất kỳ điều gì các ông bố vẫn hay làm. Về tất cả những gì tôi biết, nếu đó là cái giá của y học, thì đó là cái giá quá đắt.

Từ chốn cao nguyên hoang mạc của mình, tôi có thể thấy nhà của chúng tôi, phía xa giới hạn thành phố, dưới chân ngọn núi Cerbat, nằm giữa sa mạc đá đỏ, lốm đốm điểm những cây gỗ thông vàng Mesquite, cỏ lăn và những bụi xương rồng hình mái chèo. Ngoài đây, những con ác quỷ bụi đất có thể cuộn xoáy đột ngột trong không trung, làm nhòe đi tầm nhìn của bạn, và rồi biến mất. Không gian trải dài tít tắp, rồi trôi vào vô định. Hai chú chó của chúng tôi, Max và Nip, chưa bao giờ thấy mệt với cái sự tự do ấy. Mỗi ngày, chúng thám hiểm phía xa rồi lại mang về nhà vài kho báu mới mẻ từ sa mạc: chân một con hươu, miếng thịt thỏ dang dở để dành ăn sau, cái đầu ngựa đã bạc thếch vì nắng hay xương hàm của một con chó sói.

Tôi và các bạn của mình cũng yêu cái tự do này. Chiều chiều chúng tôi khám phá, đi dạo, bới xương và kiếm tìm những con lạch hiếm hoi trên sa mạc. Những năm trước đã từng ở một vùng ngoại ô rừng thưa ở miền Đông Bắc với con đường chính hai bên là hai hàng cây cùng một tiệm kẹo ngọt, tôi thấy vùng sa mạc hoang dã đầy nắng gió này thật xa lạ và quyến rũ. Trong hành trình đi bộ đầu tiên của mình năm mười tuổi, tôi phát hiện ra một nắp cống cũ. Tôi dò mở bằng ngón tay, nhấc nó lên và chỉ cách mặt tôi vài phân là ba mạng tơ trắng. Trong mỗi mạng, bò bò trên những cái chân như que tăm là một thân thể phồng to như củ hành, đen lấp lánh, trong cái vẻ huy hoàng của nó một dấu đồng hồ cát đỏ như máu trông khiếp vía. Gần mỗi con là một túi nhỏ nhợt nhạt, phập phồng đang chuẩn bị sinh ra vô số những con nhện góa phụ còn đen sẫm hơn thế. Sự ghê sợ khiến tôi buông nắp cống sập lại. Tôi trượt chân về phía sau. Nỗi kinh hãi đến trong sự trộn lẫn về “thực tế vùng quê” ( Không gì độc hơn vết cắn của một con nhện góa phụ đen) và cái tư thế quái vật và màu đen bóng và hình đồng hồ cát đỏ trên bụng: tôi gặp ác mộng hàng năm trời sau đó.

Sa mạc đưa đến một “đền bách thần” của những nỗi khiếp đảm: nhện Tarantula, nhện sói, nhện lưng vĩ cầm, bọ cạp Bark, bọ cạp đuôi roi, rết, răn chuông Diamondback, rắn chuông Sidewinder, rắn chuông Mojave. Sau cùng chúng tôi dần trở nên quen thuộc, thậm chí là cảm thấy thoải mái với những sinh vật này. Khi tôi cùng lũ bạn phát hiện ra một tổ nhện sói, lũ nghịch ngợm chúng tôi thả một con kiến bò phía rìa ngoái cái tổ, xem nó vật vã hết lần này tới lần khác tìm cách thoát thân, làm rung lên những sợi tơ nhện, rồi thả con kiến xuống tận giữa tổ nhện, tò mò chờ đợi khoảnh khắc chết chóc khi con nhện bật lên từ lỗ hõm để chộp lấy con mồi tội nghiệp bằng cái hàm trên của nó. “Thực tế vùng quê” trở thành cụm từ của riêng tôi để mô tả người anh họ nông thôn của ‘truyền thuyết thành thị’[7]. Khi tôi lần đầu tiên biết về chúng, “thực tế đồng quê” đem đến sức mạnh thần tiên cho các sinh vật hoang mạc, ví như thằn lằn quái vật Gila thực ra cũng chẳng kém phần tàn bạo so với mấy con quỷ Gorgon. Chỉ đến khi sống ở sa mạc một thời gian, chúng tôi mới hiểu ra một số thực tế vùng quê, như sự tồn tại của một con thỏ sừng nai jackalope, đã được tạo ra chỉ để đánh đố lũ người trong thành phố và tiêu khiển cho người dân địa phương.

Có thể bạn thích sách  Hồi Ký Song Đôi

Tôi đã từng dành cả giờ thuyết phục một nhóm sinh viên trao đổi từ Berlin rằng có một loài chó sói riêng biệt sống bên trong những cây xương rồng và có thể nhảy tới cả chục mét để bắt con mồi (người Đức cũng cả tin ra phết). Dù vậy, chẳng ai biết được chính xác sự thực nằm ở đâu giữa những cột xoáy cát; và với mỗi mẩu thực tế vùng quê dường như phi lý luôn tồn tại một điều chắc chắn đáng tin. Ví như việc luôn kiểm tra giày của bạn xem có bọ cạp hay không dường như là một điều chí lý.

Khi mười sáu tuổi, tôi được giao lái xe đưa cậu em Jeevan đến trường. Một buổi sáng, như thường lệ tôi lại trễ giờ. Thằng nhóc Jeevan vừa chờ đợi trong phòng giải lao một cách thiếu kiên nhẫn vừa gào lên rằng nó không muốn bị phạt chỉ vì sự lề mề của tôi, làm ơn hãy nhanh lên chút. Tôi phi nhanh xuống cầu thang, bật mạnh cánh cửa trước… và gần như đã giẫm vào một con rắn đuôi chuông dài gần hai mét đang gà gật, Một truyền thuyết dân gian khác nữa là nếu bạn giết một rắn đuôi chuông trên bậc cửa nhà mình, tình nhân và con cái của nó sẽ kéo đến và làm tổ vĩnh viễn ở đó, giống như mẹ của Grendel[8] tìm cách báo thù vậy. Do đó Jeevan và tôi cùng rút thăm: người may mắn sẽ cầm cái xẻng, người còn lại đeo đôi găng tay làm vườn thật dày, cầm một vỏ gối, và sau một hồi nhảy vừa nghiêm trang vừa hoạt kê, chúng tôi đã xoay xở chụp được con rắn vào vỏ gối. Tiếp đó, như một vận động viên Olympic bộ môn ném búa, tôi ném mạnh cái bọc đó vào sa mạc định bụng sẽ ra lấy lại vỏ gối vào chiều tối hôm đó để không gặp rắc rối gì với mẹ.

Trong tất thảy những bí ẩn thời thơ ấu của tôi, điều thần bí nhất không phải là vì sao cha quyết định đưa cả gia đình tới thị trấn hoang mạc vùng Kingman, Arizona, nơi chúng tôi dần yêu mến, mà là làm thế nào cha đã thuyết phục được mẹ cùng đến đây. Với tình yêu, họ đã cùng nhau chạy trốn khắp thế giới, từ phía Nam Ấn Độ đến thành phố New York (cha là người theo đạo Thiên chúa, mẹ theo đạo Ấn, hôn nhân của họ bị lên án từ cả hai phía và dẫn đến những năm tháng rạn nứt tình thân – bà ngoại chưa từng thừa nhận tên tôi, Paul, mà chỉ khăng khăng gọi tôi bằng tên đệm, Sudhir), và cho đến Arizona, nơi mẹ bị ép buộc phải đối mặt với nỗi khiếp hãi không sao chế ngự nổi về rắn. Cho dù là chú rắn tay đua đỏ vô hại nhất, dễ thương nhất và nhỏ nhất cũng có thể khiến bà la hét và lao vào nhà, nơi bà sẽ khóa mọi cánh cửa và tự trang bị cho mình thứ vũ trang to, sắc vớ được ở nơi gần nhất – cào, dao phay, hay rìu.

Rắn là nguồn cơn của nỗi lo sợ trường trực, nhưng tương lai của các con mới là thứ mẹ tôi sợ nhất. Trước khi chuyển nhà, anh trai Suman của tôi đã gần tốt nghiệp trường cấp ba ở Westchester, có triển vọng vào các trường đại học đỉnh nhất. Anh được nhận vào Stanford ngay khi đến Kingman và khăn gói khỏi nhà ngay sau đó.

Nhưng chúng tôi được biết Kingman không phải là Westchester.

Khi mẹ tôi nghiên cứu hệ thống trường công ở hạt Mohave, bà phát điên. Cục điều tra dân số Mỹ gần đây đã nhận định Kingman là quận giáo dục bết bát nhất cả nước. Tỉ lệ bỏ học cấp ba tới gần 30 phần trăm. Rất ít học sinh học lên đại học và hiển nhiên không ai vào được Harvard – tiêu chuẩn của cha về sự xuất sắc. Mẹ gọi điện tới bạn bè và họ hàng ở những vùng ngoại ô Bờ Đông giàu có để xin lời khuyên và thấy có người thì đồng cảm, vài người khác hoan hỉ vì con cái họ không còn phải cạnh tranh với con cái nhà Kalanithi bỗng dưng bị đói học nữa.

Đêm đến, bà bật khóc, thổn thức trên giường một mình. Mẹ tôi, người luôn lo sợ về một hệ thống trường học cùng kiệt có thể gây trở ngại đối với các con bà từ đâu đó lấy được về một “danh mục sách cần đọc tiền đại học”. Được đào tạo ở Ấn Độ để trở thành một nhà sinh lý học, kết hôn ở tuổi hai mươi ba, và luôn bận rộn chăm sóc nuôi nấng ba đứa trẻ ở một vùng đất không thuộc về mình, bản thân bà chưa từng đọc nhiều cuốn trong danh sách đó.

Nhưng bà quyết tâm không để cho các con mình thiếu sách. Bà bắt tôi đọc 1984 khi chỉ mới mười tuổi; và dù bị kinh hoàng bởi phần sex, nhưng nó đồng thời cũng dẫn truyền trong tôi một tình yêu sâu sắc và mối quan tâm đối với ngôn ngữ.

Những tên sách và tác giả tiếp nối vô tận khi chúng tôi tuần tự lần theo danh sách: Bá tước Monte Cristo, Edgar Allan Poe, Robinson Crusoe, Ivanhoe, Gogol, Người Mohican cuối cùng, Dickens, Twain, Austen, Billy Budd… Đến khi mười hai tuổi, tôi có thể tự chọn sách cho mình và anh trai Suman cũng gửi về những cuốn anh đã đọc ở đại học: Quân vương, Đôn Kihôtê, Candide – Chàng ngây thơ, Le Morte D’Arthur, Beowulf, Thoreau, Sartre, Camus. Vài cuốn để lại dấu ấn sâu sắc hơn so với những cuốn khác. Thế giới mới dũng cảm (Brave New World) đặt nền móng cho triết lý đạo đức non trẻ của tôi và trở thành chủ đề cho bài luận văn đăng ký vào đại học, trong đó tôi đã lập luận hạnh phúc không phải là một mục đích trong đời.

Hamlet đồng hành với tôi hàng nghìn lần trong suốt thời khủng hoảng tuổi dậy thì. “Gửi người yêu bẽn lẽn” (To His Coy Mistress) và những bài thơ lãng mạn khác dẫn dắt tôi cùng lũ bạn đi qua vô số những phiêu lưu xui xẻo thú vị thời cấp ba – ví như những lần trốn ra ngoài ban đêm cùng hát vang bài “Bánh Mỹ” (American Pie) dưới cửa sổ nhà cô nàng đội trưởng đội cổ vũ. Sau khi tôi bị bắt quả tang mò về nhà vào lúc rạng sáng, người mẹ hay lo của tôi đã thẩm vấn kỹ lưỡng từng loại ma túy tuổi teen hay dùng mà chẳng thể ngờ thứ gây nghiện nhất mà tôi đã từng được trải nghiệm lại chính là tập thơ tình mà bà đưa tôi tuần trước đó. Sách trở thành bạn tâm giao gần gũi nhất, thành những lăng kính được mài giũa tỉ mỉ đưa đến cho tôi những cái nhìn mới mẻ về thế giới.

Mong mỏi cho các con được giáo dục tử tế, mẹ tôi lái xe hàng trăm cây số về phía bắc, đưa chúng tôi tới thành phố lớn gần nhất Las Vegas để chúng tôi có thể tham dự các kỳ thi PSATs, SATs, và ACTs. Bà tham dự vào hội đồng trường học, tập hợp các giáo viên và yêu cầu các lớp Xếp hạng Nâng cao[9]phải được đưa vào thời khóa biểu. Bà trở thành một người phi thường: coi việc cải cách hệ thống trường học ở Kingman là nghĩa vụ bản thân và bà thực sự làm được điều đó. Đột nhiên có một thứ cảm giác xuất hiện ở trường cấp ba của chúng tôi rằng hai dãy núi bao quanh thị trấn không còn là phạm vi vạch định thị trấn nữa mà phạm vi này là những gì nằm phía ngoài chúng.

Năm học cuối, Leo – một người bạn thân thiết, câu học sinh á khoa và nghèo nhất tôi từng biết, đã được thầy cố vấn trong trường khuyên rằng: “Cậu rất thông minh – cậu nên nhập ngũ.” Leo sau đó đã nói với tôi: “Mẹ kiếp,” cậu nói. “Nếu cậu vào Harvard, hay Yale, hay Stanford, thì tớ cũng thế.” Tôi không biết mình đã hạnh phúc hơn là khi mình vào được Stanford hay khi Leo vào Yale.

Mùa hè trôi qua, và vì Stanford thường bắt đầu vào học muộn hơn các trường khác một tháng, tất cả những người bạn của tôi dần phân tán mỗi đứa một nơi bỏ lại tôi đơn độc. Hầu hết các buổi chiều, tôi đi dạo trên hoang mạc một mình, chợp mắt và suy nghĩ cho tới khi bạn gái tôi Abigail kết thúc ca làm việc ở tiệm cà phê duy nhất của Kingman. Ở hoang mạc có một con đường tắt xuyên qua núi để đi xuống thị trấn và đi bộ thì luôn thú vị hơn nhiều so với đi xe. Abigail là cô gái tuổi đôi mươi, một sinh viên trường Scripps, người vẫn luôn muốn tránh các khoản vay học phí bằng cách xin nghỉ học một kỳ để dành dụm học phí. Tôi bị thu hút bởi tính thực tế của nàng, cái cảm giác rằng nàng biết mọi bí mật mà người ta chỉ có thể thấy được ở trường học – nàng học Tâm lý học! – và chúng tôi thường gặp nhau khi Abigail tan giờ làm. Nàng là tiếng báo hiệu của những gì bí ẩn, của một thế giới mới đang chờ đợi tôi chỉ trong vài tuần sau đó. Một buổi trưa, tôi thức giấc, nhìn lên trên và thấy một đám kền kền lượn vòng quanh nhầm tưởng tôi là xác thối. Tôi xem đồng hồ, đã gần ba giờ. Tôi sắp sửa trễ giờ.

Nhanh chóng phủi bụi và chạy bộ xuyên qua hoang mạc cho đến khi đất cát nhường chỗ cho vỉa hè và những tòa nhà đầu tiên hiện ra, tôi đi vòng quanh góc phố để tìm Abigail. Tôi thấy nàng đang cầm chổi trên tay quét dọn sàn tiệm cà phê.

“Em đã lau máy espresso rồi,” nàng nói, “sẽ không có latte đá cho anh hôm nay đâu.” Sàn được quét sạch, chúng tôi vào trong. Abigail bước tới máy thu tiền và nhặt lên một cuốn sách nàng giấu ở đó. “Đây,” nàng nói, ném nó về phía tôi, “Anh nên đọc cái này. Anh toàn đọc mấy cái văn hóa cao cấp – sao không thử cái gì đó dễ dễ một lần đi?” Đó là một cuốn tiểu thuyết năm trăm trang có tên Sa – tăng: Tâm Lý Trị Liệu và Cách Chữa Trị của Bác sĩ Kém May Mắn Kassler, J.S.P.S của tác giả Jeremy Leven. Tôi mang nó về và đọc xong trong một ngày. Đó không phải là văn hóa cao cấp. Lẽ ra nó phải hài hước, nhưng lại không như vậy. Tuy nhiên, cuốn sách đã khẳng định một giả thiết bâng quơ rằng tâm trí chỉ là một thao tác của não bộ, đây là một ý tưởng gây một ấn tượng mạnh trong tôi. Nó làm chấn động hiểu biết ngây thơ của tôi về thế giới. Đương nhiên, điều đó hẳn phải đúng – bộ não chẳng làm chức năng đó thì còn chức năng nào khác? Dù chúng ta tự do ý chí, nhưng chúng ta cũng là những cơ thể sinh học – bộ não là một bộ phận cơ thể, cũng phải tuân theo tất cả quy luật vật lý! Văn học đã mang tới một câu chuyện phong phú về ý nghĩa của con người; bộ não như vậy phải là thứ cho phép điều đó. Giống như ma thuật vậy. Đêm đó trong phòng, tôi mở cuốn danh mục đỏ về các khóa học ở Stanford mà tôi đã đọc hàng chục lần và chộp lấy cây bút đánh dấu dòng. Bổ sung vào những lớp Văn học mà tôi đã chọn, tôi bắt đầu tìm kiếm các lớp Sinh học và Khoa học thần kinh.

Vài năm sau, tôi vẫn chưa thông suốt hơn về chuyện chọn nghề dù đã gần hoàn thành tấm bằng Văn học Anh và Sinh học người.

Động cơ thôi thúc tôi nhiều hơn không phải là những thành tựu mà là muốn tìm hiểu: Điều gì khiến cuộc đời con người có ý nghĩa? Tôi vẫn thấy văn học là công cụ biểu đạt tốt nhất về đời sống của một tâm hồn, còn khoa học thần kinh lại đặt ra những quy luật tinh tế về não bộ. Ý nghĩa, dù chỉ là một khái niệm mơ hồ, lại có vẻ không thể thoát khỏi các mối quan hệ con người và giá trị đạo đức. Đất Hoang của T.S. Eliot vang vọng mãnh liệt, liên kết sự vô nghĩa với cô lập và nỗi khao khát cùng cực về sự kết nối con người. Tôi nhận thấy những ẩn dụ của Eliot ngấm dần vào ngôn ngữ của chính tôi.

Những tác giả khác cũng có ảnh hưởng với tôi. Nabokov, với nhận thức của ông về sự thống khổ của bản thân khiến chúng ta chai lì với nỗi đau hiển hiện của người khác. Conrad, với cảm nhận minh triết về việc thất bại trong giao tiếp giữa người và người có thể ảnh hưởng to lớn đến cuộc sống của họ ra sao. Văn học không chỉ chiếu rọi trải nghiệm của một ai đó, mà tôi tin rằng nó còn cung cấp nguồn nguyên liệu phong phú nhất cho những ngẫm suy về đạo đức. Sự đột nhập ngắn ngủi của tôi vào thứ đạo đức hình thức của triết học phân tích có cảm giác khô khan như gạch ngói, thiếu vắng sự rối rắm và sức nặng của cuộc đời con người thực.

Trong suốt quãng thời gian đại học, việc tu học tri thức về ý nghĩa con người thường mâu thuẫn với sự thôi thúc được tôi rèn và thắt chặt các mối quan hệ con người vốn tạo ra ý nghĩa đó. Nếu một cuộc đời không-được-xem-xét là không đáng sống, vậy cuộc đời không-sống có đáng xem xét hay không? Bước vào mùa hè năm thứ hai, tôi nộp đơn cho hai công việc: một là thực tập ở Trung tâm Nghiên cứu Linh trưởng Yerkes, và hai là đầu bếp dự bị ở trại hè Sierra, một địa điểm nghỉ lễ gia đình cho các cựu sinh viên của Stanford nằm trên hai bên bờ nguyên sơ của hồ Fallen Leaf, tiếp giáp với vẻ đẹp hoang vu của Khu bảo tồn Desolation Wildeness trong Rừng Quốc gia Eldorado. Tờ in của trại hè hứa hẹn một mùa hè đẹp nhất trong cuộc đời bạn. Tôi khá ngạc nhiên và lấy làm hãnh diện vì mình được chọn. Dù vậy, tôi mới được biết rằng khi Macaque có một dạng văn hóa sơ khai và tôi rất háo hức đến Yerkes để xem điều gì có thể là cội nguồn tự nhiên của bản thân Ý nghĩa. Nói theo một cách khác, tôi chỉ có thể nghiên cứu về Ý nghĩa, hay là trải nghiệm nó.

Có thể bạn thích sách  Bảy Ngày Trong Đồng Tháp Mười

Sau khi trì hoãn hết mức có thể, tôi cuối cùng đã chọn trại hè.

Kế đó, tôi rẽ vào văn phòng giáo sư cố vấn sinh học để thông báo tin này. Khi tôi bước vào, ông đang ngồi bên bàn làm việc, chăm chú đọc tạp chí khoa học như thường lệ. Ông là mẫu người lặng lẽ kiệm lời, thân tình với đôi mắt nặng mi, vậy nhưng khi tôi nói về kế hoạch của mình, ông dường như biến thành một người hoàn toàn khác: đôi mắt trừng to, khuôn mặt ửng đỏ, vài tia nước bọt văng ra: “Cái gì?” ông nói. “Khi trưởng thành, cậu định làm một nhà khoa học hay là một… đầu bếp?” Cuối cùng học kì cũng đã kết thúc và tôi ở trên con đường núi đầy gió để tới trại hè, vẫn còn một chút lo lắng rằng tôi có lẽ đã phạm một sai lầm lớn. Dù vậy, nỗi nghi ngờ của tôi rất ngắn hạn.

Trại hè quả đã đưa đến những gì nó hứa hẹn, tập trung vào những khúc đồng quê của tuổi trẻ: vẻ đẹp hiển hiện trên những cái hồ, ngọn núi, con người; đậm đà trong trải nghiệm, đối thoại và tình bạn. Những đêm trăng tròn, ánh sáng ngập tràn vùng hoang dã khiến ta có thể cuốc bộ mà không cần tới đèn đeo trên trán. Chúng tôi có thể ra đến đường mòn vào lúc 2 giờ sáng, chinh phục đỉnh gần nhất Mount Tallac ngay trước khi mặt trời mọc. Đêm sao trong trẻo phản xạ xuống những hồ nước phẳng lặng trải dài bên dưới chúng tôi. Cùng nhau rúc trong các túi ngủ trên đỉnh núi cao gần 3000 mét, chúng tôi chiến thắng những cơn gió lạnh lẽo bằng cốc cà phê mà ai đó đã cẩn thận mang theo. Và sau đó, chúng tôi cùng ngồi ngắm những tia nắng đầu tiên hiện ra, một nét sáng nhẹ của màu xanh ngày mới he hé từ chân trời phía tây, dần xóa đi những ngôi sao trên trời. Bầu trời buổi sáng rồi sẽ mở rộng và cao vợi, cho tới khi những tia nắng mặt trời đầu tiên xuất hiện. Người đi làm buổi sớm dần khuấy động những con đường South Lake Tahoe phía xa. Nhưng hãy rướn cổ ra phía sau, bạn sẽ thấy màu xanh ban mai tối sẫm lại giữa bầu trời, và về phía Tây, bóng đêm hãy còn chưa bị khuất phục – một màu đen hắc ín, những ngôi sao le lói chập chờn, trăng tròn vẫn đính trên bầu trời cao. Về phía đông, ánh sáng hoàn hảo của ban ngày chiếu rọi bạn; về phía tây, màn đêm ngự trị và chưa có dấu hiệu chịu thua. Không nhà triết học nào có thể giải thích cái siêu phàm tuyệt hơn khi đứng giữa ngày và đêm.

Đây như thể chính là khoảnh khắc mà Chúa đã nói: “Hãy gieo ánh sáng!” Bạn không thể nào ngừng cảm thấy sự tồn tại mong manh như hạt bụi của chính mình trước những bao la rộng lớn của núi non, của trái đất, của vũ trụ nhưng vẫn cảm giác được đôi chân bằng xương bằng thịt xác nhận sự tồn tại của chính mình giữa những uy nghiêm.

Đó là một mùa hạ ở trại hè Sierra, có lẽ cũng không khác gì so với những trại hè khác, nhưng mỗi ngày đều tràn trề sức sống và những mối quan hệ đem đến ý nghĩa cho cuộc đời. Những đêm khác, nhóm chúng tôi ngồi trên sàn phòng ăn, nhấm nháp chút rượu whisky với phó giám đốc của trại hè, Mo, một cựu sinh viên Stanford đang nghỉ hè giữa chương trình tiến sĩ ngôn ngữ Anh, cùng bàn luận về văn học và những vấn đề có trọng lượng của quãng đời sau tuổi thanh niên. Năm sau đó, anh ta quay lại làm tiếp tiến sĩ, rồi thời gian sau, gửi cho tôi truyện ngắn đầu tay được xuất bản có kể sơ quãng thời gian chúng tôi ở cùng nhau: “Đột nhiên, tôi biết tôi muốn gì. Tôi muốn những người phụ trách dựng lên một giàn thiêu… và thả tro cốt của tôi lẫn với cát bụi. Đánh rơi xương tôi giữa đám củi rề và răng tôi giữa đám bụi cát… Tôi không tin vào sự thông thái của con trẻ, cũng như sự thông thái của tuổi già. Có một khoảnh khắc, một điểm lùi, khi tổng hợp của tất cả trải nghiệm thu gom lại đều héo mòn đi bởi những vụn vặt đời thường. Chúng ta không bao giờ thông thái đuợc như khi chúng ta sống trong chính khoảnh khắc này.” Quay trở lại trường học, tôi không thấy nhớ lũ khỉ chút nào.

Cuộc sống trở nên phong phú và trọn vẹn. Trong suốt hai năm kế tiếp, tôi duy trì nó, tìm kiếm sự thấu hiểu sâu sắc hơn về cuộc sống của tâm trí. Tôi học văn học và triết học để hiểu được điều gì khiến cuộc sống có ý nghĩa, học khoa học thần kinh và làm việc tại phòng thí nghiệm fMRI[10] để hiểu được làm thế nào mà não bộ có thể tạo ra một cơ thể sống có khả năng tìm kiếm ý nghĩa trên thế giới này, và đồng thời làm phong phú hơn mối quan hệ của bản thân với những người bạn thân thiết qua nhiều cuộc phiêu lưu phóng túng. Chúng tôi đột kích nhà ăn trong trang phục người Mông Cổ; tạo ra một hội nhóm giả, kết thúc bằng những sự kiện nhập môn giả trong căn hộ ở chung; làm dáng chụp ảnh trong bộ đồ con khỉ đột trước cổng điện Buckingham; đột nhập Nhà thờ Tưởng niệm vào giữa đêm chỉ để nằm xuống và lắng nghe âm vọng của tiếng mình trong giáo đường… (Sau đó tôi phát hiện ra Virginia Woolf có lần lên con tàu chiến trong trang phục của hoàng thân xứ Abyssinia, và đã bị trừng trị một cách thích đáng, chúng tôi ngừng huênh hoang về mấy trò ranh mãnh của mình). Vào năm cuối đại học, trong một trong những buổi học cuối cùng về Khoa học thần kinh và Đạo đức, chúng tôi đã đến thăm viện chăm sóc những người bị tổn thương não bộ nặng nề. Bước vào đại sảnh tiếp tân, chào đón chúng tôi là những tiếng rền rỉ thê lương. Người hướng dẫn chúng tôi, một phụ nữ thân thiện trạc ba mươi tuổi đang tự giới thiệu với nhóm, nhưng ánh mắt tôi vẫn không ngừng tìm kiếm nguồn cơn của tiếng động đó. Phía sau bàn tiếp tân là một chiếc tivi lớn đang chiếu chương trình truyền hình dài tập được đặt chế độ tắt tiếng. Trên màn hình tràn ngập hình ảnh một người phụ nữ da ngăm đen có mái tóc chải chuốt, đầu rung nhẹ vì xúc động, choán cả màn hình khi cô van nài ai đó đằng sau ống kính. Zoom về xa hơn chút, và hẳn là anh người tình hàm vuông, giọng thô ráp của cô, họ ôm nhau thắm thiết. Tiếng rền rĩ vút cao. Tôi bước gần hơn để nhòm vào quầy tiếp tân, và ở đó, trên tấm thảm màu lam ngay trước màn hình tivi là một phụ nữ trẻ trong bộ váy hoa đơn giản, có vẻ chừng hai mươi. Đôi bàn tay nắm chặt, ấn mạnh vào mắt, lắc mạnh từ trước ra sau, rền rĩ, và rền rĩ.

Khi cô lắc lư, tôi thoáng thấy phía sau đầu ở khoảnh tóc rụng là một mảng da lớn lợt lạt.

Tôi lùi lại hòa vào nhóm bạn đang chuẩn bị đi dạo quanh viện.

Nói chuyện với người hướng dẫn, tôi được biết rằng rất nhiều người trú tại đây đã suýt chết đuối khi còn nhỏ. Nhìn xung quanh, tôi không nhận thấy có vị khách ghé thăm nào ngoài chúng tôi.

Điều này có phổ biến không? Tôi hỏi.

Người hướng dẫn cho biết ban đầu người nhà sẽ tới thăm thường xuyên, hàng ngày hoặc thậm chí hai lần một ngày. Sau đó có lẽ là hai ngày một lần. Rồi chỉ vào cuối tuần. Sau vài tháng hoặc vài năm, những cuộc thăm viếng dần biến mất cho đến khi chỉ còn rút lại vào các dịp sinh nhật và Giáng sinh. Cuối cùng, đa số gia đình đều chuyển nhà đi, càng xa càng tốt.

“Tôi không trách họ,” cô nói. “Rất khó để có thể quan tâm đến lũ trẻ.” Cơn thịnh nộ nổi sóng trong tôi. Khó? Đương nhiên là khó khăn, nhưng làm sao mà cha mẹ có thể bỏ rơi những đứa trẻ này? Trong một căn phòng, bệnh nhân nằm trong cũi gần như bất động, thành những hàng thẳng tắp hệt như quân lính trong trại. Tôi bước xuống một hàng cho tới khi mắt chạm mắt với ai đó. Cô bé tầm mười chín đôi mươi với mái tóc rối đen. Tôi dừng lại và cố mỉm cười với cô bé thể hiện sự quan tâm. Tôi nắm một tay cô bé; mềm rũ. Nhưng cô phát ra âm thanh khùng khục, nhìn thẳng vào tôi, và mỉm cười.

“Tôi nghĩ cô bé đang cười,” tôi nói với người chăm sóc.

“Có thể,” bà nói. “Nhưng đôi khi rất khó nói.” Tôi chắc chắn là vậy. Có bé đã mỉm cười. Khi chúng tôi quay trở lại trường, tôi là người cuối cùng rời phòng cùng với giáo sư. “Cậu thấy sao?” ông hỏi.

Tôi bộc lộ thẳng thắn rằng mình không thể tin được việc cha mẹ lại có thể bỏ rơi những đứa trẻ đáng thương này và chuyện một đứa trẻ trong số đó thậm chí đã cười với tôi.

Giáo sư là một người thầy thông thái, một người có suy nghĩ sâu sắc về điểm giao nhau giữa khoa học và đạo đức. Tôi hy vọng ông đồng ý với mình.

“Đúng,” ông nói. “Tốt. Nhưng đôi khi, cậu biết đấy, tôi nghĩ giá kể họ chết đi sẽ tốt hơn.” Tôi chộp lấy túi xách và bỏ đi.

Chẳng phải cô bé đã cười hay sao? Chỉ đến sau này tôi mới nhận ra chuyến đi đó đã bổ sung một phương chiều mới cho hiểu biết của tôi về thực tế rằng não bộ đưa đến cho chúng ta khả năng tạo dựng các mối quan hệ và khiến cuộc sống có ý nghĩa. Đôi khi, chúng cũng phá vỡ nó.

*

Khi lễ tốt nghiệp dần đến, tôi có một cảm giác rầy rà rằng vẫn còn quá nhiều thứ chưa thể giải quyết được, rằng tôi vẫn chưa học xong. Tôi đăng kí học chương trình Thạc sĩ Văn học Anh ở Stanford và được nhận. Tôi đã dần coi ngôn ngữ như một năng lực gần như siêu nhiên tồn tại giữa người với người, mang bộ não được bọc kín trong vỏ sọ dày cả centimet của chúng ta đi tới chỗ giao tiếp được.

Một từ ngữ nào đó, chỉ có nghĩa giữa con người với nhau, và ý nghĩa của cuộc sống, đức hạnh của nó, luôn là gì đó liên quan đến chiều sâu của các mối quan hệ chúng ta kết thành. Chính khía cạnh quan hệ của con người – nghĩa là “tính chất quan hệ giữa người với người” – đã củng cố cho Ý nghĩa. Nhưng đôi khi, quá trình này tồn tại trong não bộ và cơ thể, làm theo các mệnh lệnh sinh lý của riêng chúng, dễ suy kiệt và thất bại. Tôi nghĩ, hẳn ngôn ngữ của cuộc sống như đã trải nghiệm – về đam mê, về ham muốn, về tình yêu – có liên quan nào đó, dù bện xoắn cỡ nào – với ngôn ngữ của nơron thần kinh, đường tiêu hóa và nhịp đập tim.

Tại Stanford, tôi rất may mắn được học cùng Richard Rorty, người mà có khi là nhà triết học vĩ đại nhất thời ông. Dưới sự chỉ bảo của thầy, tôi bắt đầu coi tất cả các bộ môn giống như việc sáng tạo ra vốn từ vựng, một tập hợp những công cụ nhằm tìm hiểu cuộc sống con người theo một cách riêng nào đó. Những tác phẩm văn học vĩ đại mang đến tập hợp công cụ của riêng chúng, thúc ép người đọc phải sử dụng vốn từ đó. Để làm đồ án tốt nghiệp, tôi nghiên cứu tác phẩm của Walt Whitman – nhà thơ mà một thế kỉ trước đau đáu với cùng những câu hỏi hiện đang ám ảnh tôi, người đã muốn tìm ra cách để hiểu và mô tả cái ông gọi là “Con người Sinh lý-Tinh thần.” Sau khi hoàn thành đồ án, tôi chỉ có thể kết luận rằng Whitman không hề may mắn hơn tất cả chúng ta trong việc xây dựng một vốn từ “sinh lý-tinh thần” mạch lạc, nhưng ít nhất cái cách mà ông thất bại thật rạng rỡ. Tôi cũng ngày càng chắc chắn rằng mình còn rất ít hứng thú để tiếp tục nghiên cứu văn học nơi tôi bắt đầu có ấn tượng rằng những trọng tâm của nó có quá nhiều tính chính trị và thường chống đối khoa học. Một trong những thầy hướng dẫn luận văn đã nhận xét rằng để tìm được một cộng đồng cho riêng tôi trong giới văn học có thể sẽ rất khó khăn, bởi vì đa số tiến sĩ Anh ngữ đều phản ứng với khoa học, theo cách mà ông nói thì, “như khỉ thấy lửa vậy, hoàn toàn sợ hãi.” Tôi không chắc cuộc đời mình sẽ đi đến đâu. Luận văn của tôi – “Whitman và sự Y khoa hóa Tính cách” – được ủng hộ nhiệt thành, nhưng nó không chính thống vì trong nội dung của nó, hàm lượng lịch sử tâm thần học và khoa học thần kinh cũng ngang bằng với hàm lượng phê bình văn học. Nó không phù hợp lắm với khoa Anh ngữ. Tôi không phù hợp lắm với khoa Anh ngữ.