Rất tiếc là cuốn sách Khám phá về các bí ẩn của con người và thế giới sống (môi trường và sự sống) được xuất bản sau khi tác giả của nó – anh Ngô Thành Đồng đã không còn nữa ! Anh đã ra đi quá sớm khi tài năng bắt đầu chín của cái tuổi chưa đến lúc “tri thiên mệnh” với những vòng hoa tang trắng trinh !
Anh Ngô Thành Đồng quê ở Nghệ An, sinh ra trong một gia đình “hay chữ” (nghe đâu có mấy người đã chết vì “cuồng chữ”) Hồi nhỏ người làng gọi anh là Thần đồng Học giỏi, có chí, đôi lúc được coi là “gàn”, anh được tuyển sang học ngành Sinh vật của Đại học Liên xô. Trong một cuộc thi tìm hiểu nguồn gốc sự sống anh đoạt giải thưởng toàn Liên bang (tiểu luận có nhan đề : Đối thoại với Giáo hoàng J. Paul II) và sau đó ảnh được nhà trường đề nghị cho làm chuyển tiếp sinh. Cuộc đời đầy nghịch lý : anh không được phép ở lại học tiếp và về Hà Nội sống với tiền lương ít ỏi của Vụ quản lý lưu học sinh, không đi nhận công tác để tiếp tục nghiên cứu đề tài khoa học mà anh ấp ủ trong cảnh “nước lọ cơm niêu” thiếu thốn trăm bề.
Những năm 80, anh đến Viện Nghiên cứu Đông Nam Á theo lời mời của tôi để tham gia chương trình : “Môi trường và ứng xử của cư dân nông nghiệp Đông Nam Á từ truyền thống đến hiện đại” do Giáo sư Từ Chỉ và tôi làm chủ nhiệm với đề tài khoa học cơ bản : Môi trường và sự sống. Anh đi tìm sự đồng cảm và sự hỗ trợ về mặt tinh thần. Khi đó tôi còn làm Viện trưởng, tôi biết minh không có kiến thức về sinh học, nên đã tổ chức một cuộc thảo luận để anh trình bày quan điểm của mình, với sự tham gia của các giáo sư Đào Văn Tiến, Hoàng Phương Vũ Khiêu, Phan Ngọc, các cử nhân Bùi Đảng Tuấn (sinh học), Lê Văn Trụ (vật lý),v.v… Mọi người đều cổ vũ động viên anh, nhưng không ai có một đánh giá nào về công trình ! Anh vẫn đọc, vẫn viết, vẫn đi kiếm sống. Anh viết xong một công trình bằng tiếng Nga 700 trang. Tôi đề nghị anh viết bản tóm tắt và đem sang Liên xô nhờ các nhà khoa học ở Viện lịch sử các Khoa học thuộc Viện Hàn Lâm Khoa học Liên xô giúp đỡ, nếu được thì cho bảo vệ PTS. Công việc chưa đi đến đâu thì Liên xô đổ. Tôi đề nghị anh viết ra bằng tiếng Việt dễ hiểu cuốn Môi trường và sự sống và nhờ nhà xuất bản Đà Nẵng in Vì có nhiều khó khăn về tài chính nên .cuốn sách chưa ra được. Anh bồn chồn, sốt ruột và tuần nào cũng đến tìm tôi, hoặc viết thư… Mãi đến nay nhờ có sự giúp đỡ của anh Đoàn Tử Huyến – một người đồng hương trọng tài năng, với sự đồng ý của nhà xuất bản Đà Nẵng, tác phẩm mà anh mong đợi từng ngày vừa ra đời thì anh đã qua đời ! Anh còn đưa cho chúng tôi một bản thảo thứ hai với nhan đề Lý thuyết về trí tuệ.
Tôi muốn giới thiệu đôi chút về anh, để khi bạn đọc tiếp xúc với tác phẩm, ngoài những điều anh đã viết, các bạn sẽ thông cảm với tâm trạng và hoàn cảnh của anh. Là một nhà sinh học, giỏi toán, hội nhập lý thuyết Đông – Tây, cổ – kim, anh đã đi sâu “khám phá” bản chất sự sống dựa trên mối tương tác giữa genotyp – phenotyp trong không – thời gian sinh học sáu chiều (khác với lý thuyết không thời gian vật lý bốn chiều của Anhxtanh). Anh coi nguyên lý tương tác là nguyên lý tổng hợp không những đối với thế giới tự nhiên, mà còn đối với xã hội, thế giới tinh thần và trí tuệ. Đó là nguyên lý khởi thủy của mọi sự cố trong thế giới vậy (tr 32). Từ đó anh phát hiện ra mối quan hệ giữa không gian, thời gian và sự sống, con người và môi trường, trí tuệ và xã hội, khái niệm về con người, về cái gọi là giác quan thứ sáu. Anh còn muốn giải thích những hiện tượng “thần bí” làm bận tâm nhiều thế hệ : giấc mơ của Lômônôxốp và việc nhà bác học này tìm được xác cha : giấc mơ của Đan, nhà triết học Anh về hạm đội của Napoléon bị đắm 4000 người chết gần đảo Hêlen, sau đó thành hiện thực nhưng chỉ có 400 người chết thôi về việc Lý Quảng, một danh tướng đời Tần bắn tên cắm vào đá khi ông tưởng đó là một con hổ !
Với hệ thống quan điểm nhất quán được công thức hóa theo ngôn ngữ toán học với những kiến thức cổ kim, Đông Tây, anh muốn góp phần làm sáng tỏ những vấn đề cơ bản mà loài người còn bận tâm. Tôi cố hình dung bộ óc anh có cả một bộ nhớ khổng lồ như bị dồn nén cứ muốn trào tuôn muốn diễn giải. muốn khám phá những bí ẩn của sự sống. Anh viết một mạch không chú thích. không ghi xuất xứ – anh cần ai để đối thoại hay minh chứng thì anh cứ mời họ ra từ Aristote, Kant, Hegel đến Anhxtanh…
Tôi không phải là một nhà sinh học, trình độ hiểu biết rất hạn chế, tôi đọc và tiếp nhận theo cảm thức, cho nên không dám đánh giá công trình của anh. Tôi chỉ biết đây là một tác phẩm khoa học được tiến hành với một khát vọng nóng bỏng, một bộ óc giàu trí tuệ của một con người có bản lĩnh phi thường – con người ấy có bình thường không, tôi không rõ, nhưng rất đáng khâm phục và trận trọng !
Anh không còn nữa ! Hy vọng rằng công trình của anh sẽ gây được hứng thú, để lại cho ta những tri thức, những kiến giải độc đáo, táo bạo… Và quan trọng hơn là để anh sống mãi trong ta như một người bạn chân tình không gặp may !
Hà Nội tháng 3 năm 1998 GS PHẠM ĐỨC DƯƠNG
Chủ tịch Hội Khoa học Đông Nam Á – Việt Nam