Kafka Bên Bờ Biển PDF EPUB

Kafka Bên Bờ Biển PDF EPUB

Tác giả:
Thể Loại: Tiểu thuyết
Nguồn: https://ebookvie.com
EPUBPDFAZW3ĐỌC ONLINE

Cuốn sách “Kafka bên bờ biển” của Haruki Murakami thực sự là một tác phẩm độc đáo và cuốn hút, với hai câu chuyện song song kể về cuộc hành trình của cậu bé Kafka Tamura và lão già Nakata.

Kafka Tamura, với bản ngã bí ẩn là Quạ, bắt đầu cuộc phiêu lưu sau khi bỏ nhà ra đi để tránh lời nguyền của cha. Trên đường đi, cậu gặp những biến cố bí ẩn và gặp gỡ những nhân vật đầy tính biểu tượng như cô gái Sakura và bà Miss Saeki. Cuộc hành trình của Kafka là một cuộc tìm kiếm về bản thân và về ý nghĩa của cuộc sống, đồng thời là một hành trình đầy kỳ diệu và nguy hiểm.

Trong khi đó, lão già Nakata, mất trí nhớ và có khả năng giao tiếp với loài mèo, cũng bắt đầu một cuộc phiêu lưu của riêng mình. Ông đi tìm con quỷ giết mèo hàng loạt và một phiến đá bí ẩn, đồng thời khám phá những khía cạnh kỳ lạ và hiện thực ngoại cảm trong cuộc sống.

“Kafka bên bờ biển” không chỉ là một cuốn sách giải mã về sự bí ẩn và kỳ diệu, mà còn là một tác phẩm nghệ thuật đầy sức sáng tạo và triết lý sâu sắc. Murakami đã kết hợp một cách tinh tế giữa hiện thực và mơ mộng, tạo ra một thế giới văn chương đầy mê hoặc và sâu sắc.

Cuốn sách này thực sự là một cuộc phiêu lưu đầy bất ngờ và hấp dẫn, khiến cho mọi con đường văn học và mọi cách tiếp cận văn học đều bàng hoàng và choáng ngợp. Mời các bạn đón đọc Cuộc săn cừu hoang của tác giả Haruki Murakami.
—-
óm tắt nội dung

Haruki Murakami, nhà văn Nhật đương đại nổi tiếng với những tác phẩm như Rừng Nauy; Xứ sở kỳ diệu vô tình và Nơi tận cùng thế giới; Phía Nam biên giới, Phía Tây mặt trời; Người tình Sputnik, Biên niên ký chim vặn dây cót và Kafka bên bờ biển.

“Kafka bên bờ biển” lạ lùng đến nỗi ngay cả những thứ cũ rích trong đó cũng khoác một vẻ huyền bí.” (Paul Lafarge, The Village Voice)

Cuốn tiểu thuyết gồm hai tuyến truyện kể tách biệt chạy song song và đan xen nhau.

Ở tuyến thứ nhất, những chương số lẻ, kể câu chuyện của Kafka ở ngôi thứ nhất. Vào đúng hôm sinh nhật lần thứ mười lăm của mình, con trai nhà điêu khắc trứ danh Koichi Tamura trốn nhà đi tìm mẹ và chị gái (đã bỏ đi từ lúc cậu bé hầu như chưa có ý thức gì về họ). Đúng ra là chạy trốn lời tiên tri độc địa của ông bố – một lời nguyền khủng khiếp gần như nguyên xi lời nguyền đè nặng lên odipe ngày xưa: “Một ngày kia, mày sẽ chính tay giết cha mày và ngủ với mẹ mày.” Phán quyết bất khả hóa giải của định mệnh. Mùi vị chát chúa của Sophocle và bi kịch Hy Lạp!

Tuyến thứ hai, những chương số chẵn, kể câu chuyện của Nakata ở ngôi thứ ba. Một lão già ngơ ngẩn, thiểu năng trí tuệ do một tai nạn kỳ bí hồi nhỏ – kì bí như rất nhiều sự việc kì bí khác trong cuốn sách này – nhưng được bù lại bằng khả năng nói chuyện với mèo (do đó trở thành một “chuyên gia” tìm mèo lạc) và đặc biệt là khả năng ngoại cảm. Sau khi bất đắc dĩ phải giết nhân vật quái đản Johnnie Walker kẻ – diệt mèo, hoàn toàn ngoài ý muốn của mình, để cứu thoát hai con mèo Goma và Mimi, Nakata buộc phải rời khỏi quận Nakano, lần đầu tiên trong đời lao vào một cuộc hành trình dài đi tìm một thứ mà lão không biết đích xác là cái gì và ở đâu… (Trích lời người dịch)

Cuối cùng con đường của Kafka và Nakata cũng giao nhau trên cả bình diện thực tại lẫn siêu hình.

Hai số phận đan xen vào nhau để trở thành một tấm gương phản chiếu lẫn nhau. Trong khi đó, trên đường đi, thực tại xào xạc lời thì thầm quyến rũ. Khu rừng đầy những người lính vừa thoát khỏi cuộc chiến tranh vừa qua, cá mưa từ trên trời xuống và gái điếm trích dẫn Hegel. “Kafka bên bờ biển”, câu chuyện hoang đường mở đầu thế kỷ XXI, cho chúng ta đắm chìm trong một chuyến du hành đầy sóng gió đầy chất hiện đại và mơ mộng trong lòng Nhật Bản đương đại.

Bạn hãy đọc cuốn sách để thấm nhuần những giá trị tư tưởng sâu sắc về cuộc đời, được thể hiện qua tài văn không ngừng sáng tạo của Murakami.

Chắc rằng “Kafka bên bờ biển” sẽ là một cuốn truyện để lại trong bạn nhiều dấu ấn.

Cái thằng tên là Quạ
“Vậy là cậu đã sẵn sàng về mặt tiền nong?” Cái thằng tên là Quạ hỏi bằng cái giọng uể oải đặc trưng của nó. Cái thứ giọng khi vừa thức giấc, miệng còn thấy nề nề và nhạt thếch. Nhưng nó chỉ giả bộ thế thôi. Nó hoàn toàn tỉnh táo. Như bao giờ cũng vậy?

Tôi gật đầu.

Bao nhiêu?”

Tôi nhẩm lại trong đầu. “Ngót ba lăm nghìn tiền mặt, cộng thêm một số có thể rút từ một điểm ATM[1] nào đó. Tớ biết thế không phải là nhiều, nhưng chừng nấy cũng đủ. Tạm thời thế đã.”

“Không tồi,” cái thằng cu tên là Quạ nói. “Tạm thời vào lúc này.”

Tôi lại gật đầu.

“Tớ đoán đây không phải là quà của ông già Noel nhân dịp Giáng sinh đấy chứ.”

“Ừ, cậu đoán đúng,” tôi đáp.

Quạ cười và nhìn quanh. “Tớ chắc cậu đã bắt đầu bằng cách lục lọi ngăn kéo của ai đó, đúng không?”

Tôi không nói gì. Nó biết rõ tiền đó là của ai, cần gì phải hỏi han dài dòng. Nó chỉ muốn hành tôi thôi.

“Không sao,” Quạ nói. “Cậu thật sự cần có số tiền ấy và cậu phải xoay xở để kiếm cho ra – xin xỏ, vay mượn hay lấy trộm. Đó là tiền của cha cậu, cho nên chẳng bận gì đến ai, phải không nào? Quơ được ngần nấy là cậu có thể đạt mục tiêu rồi. Tạm thời thế đã. Nhưng còn kế hoạch sau khi nhẵn túi thì sao? Tiền không như nấm trong rừng – nó không tự mọc lên, cậu biết đấy. Cậu sẽ cần có cái ăn, chỗ ngủ. Một ngày nào đó, cậu sẽ nhẵn túi.”

“Tớ sẽ nghĩ đến chuyện đó vào đúng thì đúng lúc,” tôi nói.

“Đúng thì đúng lúc,” Quạ nhắc lại như thể cân từng chữ trong lòng bàn tay.

Tôi gật đầu.

“Kiếm một việc làm, hay đại loại như vậy?”

“Có thể,” tôi nói.

Quạ lắc đầu. “Cậu biết đấy, còn ối thứ cậu phải học ở đời. Nghe đây – liệu một thằng nhóc mười lăm tuổi ranh có thể kiếm được công việc gì ở một nơi xa lắc trước đó nó chưa từng đặt chân tới? Cậu chưa học hết cấp hai. Cậu nghĩ ai sẽ mướn cậu?”

Tôi hơi đỏ mặt. Chẳng cần nói phũ lắm mới khiến tôi đỏ mặt.

“Thôi quên đi nhé,” nó nói. “Cậu mới chỉ bắt đầu, đáng ra tớ không nên nhồi cho cậu những điều ngán ngẩm như vậy. Cậu đã quyết định điều mình sắp sửa làm, giờ chỉ còn việc khởi động thôi. Tớ muốn nói đó là cuộc đời của cậu. Về cơ bản, cậu sống theo cách mà cậu cho là đúng.”

Chính xác. Xét cho cùng, đó là cuộc đời của tôi.

“Tuy nhiên, tớ sẽ nói với cậu một điều này. Cậu sẽ phải cực nhọc hơn rất nhiều nếu cậu muốn thành công.”

“Tớ đang cố gắng hết mình,” tôi nói.

“Tớ dám chắc thế,” Quạ nói. “Mấy năm vừa qua, cậu đã mạnh lên rất nhiều. Tớ phải công nhận thế.”

Tôi lại gật đầu.

“Nhưng ta hãy nhìn thẳng vào sự thật – cậu mới mười lăm tuổi,” Quạ nói tiếp. “Cuộc đời cậu mới chỉ bắt đầu và có vô số điều trên thế gian cậu chưa bao giờ để mắt tới. Những điều cậu không thể tưởng tượng nổi.”

Như mọi khi, chúng tôi ngồi bên nhau trên chiếc sofa cũ trong thư phòng của cha tôi. Quạ thích căn phòng này và tất cả những đồ vật nho nhỏ rải rác quanh đó. Lúc này, nó đang mân mê một cái chặn giấy bằng thủy tinh hình con ong. Nếu cha tôi có nhà, ắt chẳng đời nào Quạ mon men được tới gần đó.

“Nhưng tớ cần ra khỏi nơi này,” tôi nói với nó. “Không còn con đường nào khác.”

“Ờ, tớ đồ là cậu có lý.” Nó đặt cái chặn giấy lên bàn. “Bỏ nhà đi đâu có giải quyết được mọi chuyện. Tớ không muốn can ngăn cậu, nhưng nếu tớ là cậu, tớ sẽ không tính chuyện trốn khỏi nơi này. Bất kể đi xa đến đâu chăng nữa. Khoảng cách chẳng giải quyết được gì hết.”

Thằng cu tên là Quạ buông một tiếng thở dài rồi đặt hai đầu ngón tay lên hai mí mắt nhắm nghiền và nói với tôi từ trong bóng tối được tạo ra bằng cách đó.

“Có muốn chơi trò của chúng mình không?” nó nói.

“Được,” tôi nói. Tôi nhắm mắt lại và hít một hơi thật sâu.

“Ô-kê. Hãy tưởng tượng một trận bão cát ghê gớm,” nó nói. “Gạt bỏ mọi thứ khác ra khỏi đầu.”

Tôi làm theo lời nó, gạt mọi thứ khác ra khỏi đầu. Thậm chí quên cả mình là ai. Tôi là một cái gì hoàn toàn trống trơn. Rồi các thứ bắt đầu nổi lên. Những thứ mà, trong khi chúng tôi ngồi đây trên chiếc sofa bọc da cũ kỹ trong thư phòng cha tôi, cả hai chúng tôi đều có thể trông thấy.

“Đôi khi, số phận giống như một cơn bão cát nhỏ cứ xoay chiều đổi hướng liên tục,” Quạ nói.

Đôi khi, số phận giống như một cơn bão cát nhỏ cứ xoay chiều đổi hướng liên tục. Mày đổi hướng nhưng cơn bão cát đuổi theo mày. Mày lại quặt ngả khác, nhưng cơn bão cũng chỉnh hướng theo. Cứ thế quay tới quay lui, mày diễn tới cùng cái trò ấy như một điệu nhảy báo điềm gở với cái chết dữ ngay trước bình minh. Tại sao? Vì cơn bão cát ấy không phải là một cái gì từ xa thổi tới, một cái gì không liên quan đến mày. Cơn bão ấy là mày. Một cái gì bên trong mày. Cho nên tất cả những gì mày có thể làm là cam chịu nó, bước thẳng vào trong cơn bão, nhắm mắt lại và bịt chặt tai để cát khỏi lọt vào và từng bước một đi xuyên qua nó. Ở đó, không có mặt trời, không có mặt trăng, không phương hướng, cũng chẳng có ý thức gì về thời gian. Chỉ có cát trắng mịn xoáy lốc lên trời như xương nghiền tơi thành bụi. Đó là một thứ bão cát mà mày cần tưởng tượng ra.

Và tôi làm đúng như thế. Tôi tưởng tượng một cái phễu trắng dựng thẳng đứng như một sợi dây chão lớn. Mắt tôi nhắm nghiền, hai tay úp vào tai để cho những hạt cát nhỏ không lọt được vào. Cơn bão cát mỗi lúc một đến gần. Tôi có thể cảm thấy sức ép của không khí trên làn da. Nó thực sự đang nuốt chửng tôi.

Thằng cu tên là Quạ khẽ khàng đặt tay lên vai tôi và thế là cơn bão tan biến.

Có thể bạn thích sách  Chuyện Kể Năm 2000 - Bùi Ngọc Tấn PDF EPUB

“Từ giờ trở đi, bất kể thế nào, cậu cũng chỉ là trang thiếu niên mười lăm tuổi kiên cường nhất thế giới. Chỉ có bằng cách ấy cậu mới sống qua nổi. Và để làm điều đó, cậu phải hiểu rõ kiên cường nghĩa là thế nào. Cậu nghe tớ đấy chứ?”

Tôi tiếp tục nhắm mắt và không trả lời. Tôi chỉ muốn cứ thế này ngụp vào giấy ngủ với bàn tay nó đặt trên vai tôi. Tôi nghe thấy tiếng vỗ cánh rất nhẹ.

“Cậu sắp là trang thiếu niên mười lăm tuổi kiên cường nhất thế giới,” Quạ thì thầm trong khi tôi cố ngủ. Như thể nó đang khắc những lời đó thành một hình xăm xanh thẳm vào tim tôi.

Và mày thực sự sẽ phải vượt qua được cơn bão tượng trưng, siêu hình, dữ dội ấy. Bất kể nó có thể siêu hình hay tượng trưng đến đâu, chớ có mảy may lầm lẫn về nó: nó sẽ cứa vào thịt như cả ngàn lưỡi dao cạo. Nhiều người sẽ tướp máu và cả mày cũng sẽ tướp máu. Máu nóng đỏ tươi. Bàn tay mày sẽ dính máu ấy. Máu của chính mày và máu của kẻ khác.

Và khi cơn bão đã chấm dứt, mày sẽ không nhớ mình đã làm thế nào mà vượt qua được nó, làm thế nào mà mình đã sống sót. Thậm chí mày cũng sẽ không biết chắc là cơn bão đã thật sự chấm dứt hay chưa nữa. Nhưng điều này thì chắc chắn. Khi mày ra khỏi cơn bão, mày sẽ không còn là con người đã dấn bước vào nó. Ý nghĩa của cơn bão là như thế đó.

Vào dịp sinh nhật lần thứ mười lăm của mình, tôi sẽ trốn khỏi nhà, đến một tỉnh xa lắc và sống trong một góc của một thư viện nhỏ. Chắc phải mất cả tuần mới nói hết chuyện với đầy đủ chi tiết. Vậy nên tôi sẽ chỉ nêu điểm chính. Vào dịp sinh nhật lần thứ mười lăm của mình, tôi sẽ trốn khỏi nhà, đến một tỉnh xa lắc và sống trong một góc của một thư viện nhỏ.

Nghe hơi giống truyện thần thoại. Nhưng xin hãy tin tôi, đây không phải là truyện thần thoại. Bất kể bạn muốn cài vào đó ẩn ý gì đi nữa.

Chương 1
Tiền mặt không phải là thứ duy nhất tôi lấy từ thư phòng cha tôi khi bỏ nhà đi. Tôi còn lấy một cái bật lửa nhỏ cũ bằng vàng – tôi thích kiểu dáng của nó và cái cảm giác khi mân mê nó – và một con dao nhíp lưỡi rất sắc. Vốn được chế tạo để lột da hươu nai, nó có lưỡi dài hơn hơn mười hai phân và khá nặng. Có lẽ cha tôi đã mua nó trong một chuyến đi ngoại quốc. Tôi cũng lấy một cây đèn pin rất sáng, chắc khỏe, loại bỏ túi, từ một ngăn kéo. Cộng thêm chiếc kính râm nhãn Revo màu xanh da trời để che giấu tuổi.

Tôi tính lấy chiếc Rolex Sea-Dweller Oyster ưa thích của cha tôi. Đó là một cái đồng hồ đẹp, nhưng những gì sang trọng hào nhoáng chỉ tổ thu hút sự chú ý. Cái đồng hồ Casio rẻ tiền bằng plastic có chuông báo thức và nút bấm giờ của tôi cũng tốt chán và trên thực tế có thể hữu ích hơn. Cực chẳng đã, tôi trả chiếc Rolex về ngăn kéo của nó.

Từ đáy một ngăn kéo khác, tôi lấy ra một tấm ảnh cũ của tôi chụp chung với chị gái tôi hồi còn bé, hai đứa đang cười toét miệng trên một bãi biển đâu đó. Chị tôi nhìn nghiêng nên một nửa mặt bị tối khiến nụ cười gần như bị cắt làm đôi. Trông tựa như một cái mặt nạ bi kịch Hy Lạp trong một quyển sách giáo khoa về hai ý tưởng đối lập nhau. Ánh sáng và bóng tối. Hy vọng và tuyệt vọng. Cười vui và buồn bã. Tin tưởng và cô đơn. Còn tôi thì hiên ngang nhìn thẳng vào máy chụp hình. Chẳng có ai khác trên bãi biển. Hai chị em mặc đồ bơi – chị tôi mặc chiếc áo tắm một mảnh màu đỏ in hoa, còn tôi đánh chiếc quần đùi cũ lùng thùng màu lơ. Tôi cầm trong tay một cây gậy bằng chất dẻo. Bọt sóng trắng xóa xô bờ tràn lên chân chúng tôi.

Ai chụp tấm hình này, ở đâu và khi nào, tôi không sao nhớ ra nổi. Và làm sao mà nom tôi lại hớn hở đến thế? Và tại sao cha tôi lại chỉ giữ độc một bức ảnh này? Toàn bộ câu chuyện là một bí mật hoàn toàn. Hồi đó, chắc tôi mới lên ba, chị tôi lên chín. Chị em tôi có bao giờ thực sự hòa hợp nhau đến thế không nhỉ? Tôi không nhớ là đã có bao giờ đi nghỉ ở biển, hoặc bất kỳ đâu, với gia đình. Dù sao cũng chẳng thành vấn đề – cách gì tôi cũng sẽ không để lại tấm hình này cho cha tôi, vì vậy tôi nhét nó vào ví. Tôi không có tấm ảnh nào của mẹ tôi. Cha tôi vứt hết đi rồi.

Sau khi nghĩ một lúc, tôi quyết định mang theo chiếc điện thoại di động. Một khi biết là tôi đã lấy nó, có lẽ cha tôi sẽ báo cho công ty điện thoại cắt bỏ dịch vụ. Tuy nhiên, tôi vẫn cứ ném nó vào ba lô cùng với cục sạc. Chẳng nặng thêm máy tí, vậy thì tại sao không. Khi nào không dùng được nữa thì tôi sẽ quẳng đi.

Chỉ những thứ thiết yếu tối thiểu, đó là tất cả những gì tôi cần. Chọn quần áo mang theo là điều khó khăn nhất. Tôi sẽ cần một đôi áo len và mấy bộ đồ lót. Nhưng còn sơ mi và quần dài, quần soọc? Găng tay, khăn quàng, áo khoác? Bao nhiêu thứ kể sao cho hết. Tuy nhiên có một điều tôi biết chắc: tôi không muốn lang thang ở một nơi xa lạ với một cái ba lô tổ bố lạy-ông-tôi-ở-bụi-này. Ớ này mọi người, hãy kiểm tra cái thằng trốn khỏi nhà! Làm thế tất có người cảnh giác và để ý ngay. Tíêp đó cảnh sát sẽ bắt tôi tống thẳng về nhà. Nếu như trước đó tôi chưa rơi vào một băng đảng nào đó.

Dứt khoát loại trừ bất cứ nơi nào lạnh. Khá dễ, chỉ việc chọn ngược lại – một nơi ấm áp. Như vậy, tôi có thể bỏ lại áo khoác và găng, mà vẫn coi là tươm với nửa số quần áo. Tôi chọn loại giặt chóng khô không cần là, những đồ nhẹ nhất mà tôi có, gấp lại gọn gàng và nhét vào balô. Tôi cũng tống vào đó một cái túi ngủ ba mùa, loại có thể cuộn lại gọn và chặt, đồ dùng vệ sinh, áo mưa, sổ tay và bút, một cái Walkman với mười cái CD (tôi phải có âm nhạc riêng của mình chứ) kèm một bộ pin dự trữ. Đại loại thế thôi. Không cần đồ đun nấu nặng nề lỉnh kỉnh, chiếm quá nhiều chỗ, vì đồ ăn có thể mua ở cửa hàng thực phẩm địa phương.

Cũng mất chút thời gian, song tôi đã có thể loại khối thứ khỏi danh sách. Tôi cứ thêm thêm bớt bớt thứ này thứ nọ, rồi cuối cùng xóa đi hết.

Dịp sinh nhật lần thứ mười lăm của tôi là thời điểm lý tưởng để bỏ nhà ra đi. Trước đó thì quá sớm. Muộn hơn thì lỡ cơ hội.

Trong hai năm đầu tiên ở trường cấp hai, tôi đã vạch kế hoạch và luyện rèn cho ngày này. Tôi đã bắt đầu tập judo trong hai năm ở cấp một và vẫn tiếp tục khi lên cấp hai. Nhưng tôi không tham gia đội của trường. Hễ có thời gian là tôi lại tập chạy quanh sân trường, bơi hoặc đến phòng tập thể dục của địa phương. Các huấn luyện viên trẻ ở đây đã dạy tôi miễn phí, bày cho tôi loại bài tập căng giãn tốt nhất và cách dùng những máy móc thiết bị nâng cao sức khoẻ để làm cho thân thể nở nang. Họ dạy tôi những cơ nào ta dùng hằng ngày, những cơ nào chỉ có thể tăng cường bằng máy móc thiết bị, thậm chí cả cách chuẩn mực để cử tạ ở tư thế nằm trên ghế. Tôi vốn đã khá cao, và với tất cả những cách tập dượt ấy, vai và các bắp thịt vùng ngực của tôi phát triển khá rõ. Phần lớn những người lạ đều đoán tôi mười bảy. Nếu tôi trốn nhà đi mà nom bộ dạng đúng như tuổi thật của mình thì thể nào cũng nảy sinh khối vấn đề.

Ngoài các huấn luyện viên ở phòng tập và bà quả gia hằng ngày đến nhà chúng tôi – và tất nhiên, một số lượng người tối thiểu cần thiết để không gây chú ý ở trường – hầu như tôi không trò chuyện với ai. Đã khá lâu, cha con tôi tránh mặt nhau. Chúng tôi sống chung dưới một mái nhà, nhưng thời gian biểu của chúng tôi hoàn toàn khác nhau. Phần lớn thời gian ông ở trong phòng làm việc của mình, và tôi cố hết sức tránh mặt ông.

Trường tôi học là một trường phổ thông cơ sở tư thục dành cho trẻ con tầng lớp trên hay ít nhất cũng là con nhà giàu. Nó thuộc loại trường mà ở đó anh cứ tự khắc lên cấp hai ở ngay cùng khuôn viên trừ phi anh thực sự quá tốt. Tất cả học sinh đều ăn mặc gọn gàng, hàm răng đều tăm tắp, và chán thấy mồ. Cố nhiên, tôi chẳng có bạn nào cả. Tôi đã xây quanh mình một bức tường, không để ai lọt vào trong, còn bản thân thì cố không mạo hiểm ra ngoài. Ai có thể ưa một đứa như vậy? Tất cả bọn chúng quan sát tôi từ xa. Có thể chúng ghét tôi hay thậm chí sợ tôi, nhưng tôi lại thấy mừng là chúng không quấy rầy tôi. Vì tôi có hàng tấn việc phải lo toan, kể cả việc bỏ nhiều thời gian vào ngốn sách trong thư viện.

Tuy vậy, tôi rất chú ý nghe giảng trong lớp. Đúng như thằng cu tên là Quạ gợi ý.

Những sự việc và kỹ thuật hoặc bất cứ điều gì họ dạy cậu trong lớp sẽ chẳng mấy hữu ích trong thế giới thực tại, đó là cái chắc. Ta hãy nhìn thẳng vào sự thật, các thầy cô giáo, về cơ bản, là một lũ ngu đần. Nhưng cậu phải nhớ điều này: cậu đang bỏ nhà đi. Có lẽ cậu sẽ chẳng còn cơ may đi học nữa, cho nên dù muốn hay không, tốt nhất là cứ hấp thu bất cứ điều gì có thể trong khi cậu có cơ hội. Hãy trở thành giống như tờ giấy thấm và thấm hết vào. Sau này, cậu có thể hình dung ra cái gì nên giữ và cái gì nên trút bỏ.

Tôi làm theo lời nó như trong hầu hết mọi trường hợp. Với bộ óc như miếng bọt biển, tôi tập trung vào từng lời giảng để nó thấm vào trong đầu, hình dung ra ý nghĩa của nó và nhập tất cả vào bộ nhớ. Nhờ vậy, tôi hầu như không phải học ngoài giờ, mà bao giờ cũng xếp gần đầu bảng trong mọi kỳ thi.

Cơ bắp của tôi trở nên rắn như thép, trong khi tôi càng ngày càng kín đáo và lặng lẽ. Tôi cố hết sức không để lộ cảm xúc sao cho không ai – bạn cùng lớp cũng như thầy cô giáo – có được chút manhmối nào để đoán được tôi đang nghĩ gì. Chẳng bao lâu, tôi sẽ bị ném vào thế giới người lớn thô bạo và tôi biết mình cần phải cứng cỏi nếu muốn sống còn.

Có thể bạn thích sách  Tê Dại - Xuân Thụ PDF EPUB

Mắt tôi trong gương nom lạnh như mắt thằn lằn, thần thái trân trân không ai đọc nổi. Tôi không nhớ nổi lần cuối cùng tôi cười thành tiếng hoặc thậm chí nhếch mép với ai – kể cả chính mình – là bao giờ.

Tôi không định ngụ ý rằng giờ nào phút nào tôi cũng có thể giữ nguyên cái bề mặt lặng lẽ biệt lập ấy. Thi thoảng bức tường tôi dựng lên quanh mình đổ sập xuống. Cái đó không xảy ra luôn, nhưng đôi lần, trước khi tôi kịp nhận ra điều gì đang đến thì đùng một cái, tôi đã trơ khấc ra – trần truồng, chẳng có gì che đỡ và hoàn toàn rối trí. Những lúc như thế, bao giờ tôi cũng cảm thấy một điềm báo hiện ra trước mắt như một vũng nước đen ngòm hiện diện ở khắp nơi.

Một vũng nước đen ngòm hiện diện ở khắp nơi

Có lẽ lúc nào nó cũng thường trực ở đó, khuất kín đâu đây. Nhưng vào đúng thời điểm, nó lặng lẽ trào ra, làm ớn lạnh từng tế bào trong cơ thể mày. Mày đắm trong dòng lũ tàn bạo đó, hớp miệng ráng thở. Mày bám lấy một lỗ thông hơi gần trần nhà, vùng vẫy, nhưng chút không khí mày hít được khô rang, làm bỏng cổ họng. Nước và cơn khát, lạnh và nóng – những yếu tố được coi là đối lập ấy phối hợp lại để tấn công mày.

Thế giới là một không gian khổng lồ, nhưng chẳng tìm đâu ra cái không gian sẽ dung nhận mày, mà nào có cần rộng gì lắm đâu. Mày kiếm tìm một tiếng nói, nhưng mày được cái gì? Im lặng. Mày tìm im lặng, nhưng thử đoán xem cái gì đến? Tất cả những gì mày nghe thấy, nghe đi nghe lại, nghe tái nghe hồi, chỉ là tiếng nói của cái điềm báo ấy. Và đôi khi cái tiếng nói tiên tri ấy lại bật một cái nút bí mật gá sâu trong óc mày.

Tim mày như một dòng sông lớn sau một đợt mưa dài, nước tràn bờ. Tất cả các cột báo hiệu từng đứng trên mặt đất đều đi tiêu, chìm ngập hoặc bị cuốn đi bởi dòng nước lũ ấy. Và mưa vẫn cứ rào rào xuống mặt nước. Mỗi lần mày đọc thấy một tin lũ như thế, mày lại tự nhủ: Nó đấy. Trái tim mình đấy.

Trước khi trốn khỏi nhà, tôi rửa tay, rửa mặt, sửa móng tay móng chân, cọ sạch tai và đánh răng. Tôi cứ nhẩn nha kỳ cọ thật kỹ toàn thân cho chắc ăn. Đôi khi, thực sự sạch sẽ là điều quan trọng nhất. Tôi nhìn thật kỹ mặt mình trong gương. Gien của cha tôi và mẹ tôi – mặc dù tôi không hề nhớ diện mạo mẹ tôi ra sao – đã tạo nên khuôn mặt này. Tôi có thể ráng hết sức không để lộ một cảm xúc nào, giữ cho đôi mắt không bộc lộ bất cứ điều gì, tăng cường cơ bắp, nhưng với diện mạo của mình thì tôi bất lực. Tôi không sao thoát nổi cặp lông mày dài rậm của cha tôi với cái rãnh sâu ở giữa. Tôi có thể giết ông nếu tôi thực sự muốn – chắc chắn là tôi đủ mạnh để làm việc đó – và tôi có thể xóa mẹ tôi khỏi trí nhớ. Nhưng không cách nào xóa được cái gien họ truyền cho tôi. Nếu tôi muốn khử cái đó đi thì chắc tôi phải thủ tiêu chính mình.

Và lại có lời tiên tri ấy nữa. Cái cơ chế được gá bên trong tôi.

Một cơ chế được gá tận bên trong mày.

Tôi tắt đèn và ra khỏi buồng tắm. Một ắng lặng nặng nề, ẩm ướt bao trùm ngôi nhà. Tiếng thì thầm của những người không hiện hữu, hơi thở của những người đã chết. Tôi nhìn quanh, đứng im sững và hít một hơi thật sâu. Đồng hồ chỉ ba giờ chiều, hai chiếc kim lạnh lùng, xa cách. Chúng làm ra vẻ trung lập nhưng tôi biết chúng không đứng về phía tôi. Đã sắp đến lúc tôi phải nói lời từ biệt. Tôi khoác ba lô trên vai. Tôi đã đeo thử nó bao nhiêu lần, nhưng giờ đây tôi cảm thấy nó nặng hơn bội phần.

Tôi quyết định chọn Shikoku. Đó là nơi tôi sẽ tới. Tôi chọn Shikoku không vì lý do gì đặc biệt, mà chỉ bởi khi nghiên cứu bản đồ, tôi cảm thấy đó là nơi tôi nên nhắm tới. Càng nhìn vào bản đồ – thực tế là mỗi lần nghiên cứu nó – tôi càng thấy Shikoku hấp dẫn. Nó ở cách xa Tokyo về phía Nam, khí hậu ấm áp, lại có nước ngăn cách với đất liền. Tôi chưa tới đó bao giờ, chẳng có bạn bè hoặc bà con nào ở đó, cho nên nếu như người ta nảy ra ý định tìm tôi – điều mà tôi chẳng mấy tin là sẽ xảy ra – ắt chẳng ai nghĩ đến Shikoku.

Tôi đến quầy vé lấy chiếc vé đã đặt trước và leo lên chuyến xe buýt đêm. Đây là cách rẻ nhất để đi từ Tokyo đến Takamatsu – chỉ hơn mười ngàn yen[2] tí chút. Không ai để ý đến tôi, hỏi tôi bao nhiêu tuổi hoặc nhìn tôi đến lần thứ hai. Người lái xe soát vé của tôi tỉnh khô như cái máy.

Chỉ một phần ba số ghế có người ngồi. Phần lớn hành khách đi một mình như tôi và chiếc xe tĩnh lặng lạ kỳ. Đến Takamatsu là cả một chặng đường dài, theo ước định là mười tiếng đồng hồ, có nghĩa sáng sớm hôm sau mới tới. Nhưng tôi bất cần. Tôi có ối thời gian mà. Xe rời bến lúc tám giờ và tôi ngả lưng ghế ra phía sau. Vừa mới yên vị, ý thức của tôi đã lịm chìm như cục pin hết điện và tôi ngủ thiếp đi.

Một lúc nào đó, khoảng nửa đêm, trời bắt đầu mưa dữ. Thi thoảng, tôi thức giấc, hé tấm rèm ở cửa xe nhìn ra con đường xa lộ vùn vụt qua. Những giọt mưa đập vào mặt kính, làm nhòe những ngọn đèn ven đường trải dài hun hút với những khoảng cách bằng nhau như thể chúng được cắm để đo trái đất vậy. Lại một ngọn đèn nữa xô tới gần và loáng một cái đã vụt biến đằng sau chúng tôi. Tôi nhìn đồng hồ, thấy đã quá nửa đêm. Và, tự khắc bị đẩy ra sân khấu, sinh nhật lần thứ mười lăm của tôi liền xuất hiện.

“Chúc mừng sinh nhật,” thằng cu tên Quạ nói.

“Cám ơn,” tôi đáp.

Tuy nhiên, điềm báo vẫn đeo tôi như một cái bóng. Tôi kiểm tra cho chắc là bưc tường quây quanh mình vẫn còn nguyên. Rồi tôi khép rèm và ngủ tiếp.

Chương 2
Tài liệu sau đây, được Bộ Quốc Phòng Mỹ xếp loại Tối mật, đã được công bố vào năm 1986 theo Nghị định về Tự do Thông tin. Tài liệu này hiện được giữ tại Viện Lưu Trữ Quốc Gia ở Washington D.C. và có thể truy nhập tại đó.

Cuộc điều tra ghi lại dưới đây được tiến hành dưới sự chỉ đạo của Thiếu tá James P.Warren từ tháng Ba đến tháng Tư năm 1946. Cuộc điều tra tại hiện trường ở Hạt (tên bị xóa), tỉnh Yamanashi, do Trung Úy Robert O’Connor và Trung sĩ Harold Katayama thực hiện. Người hỏi cung trong tất cả các cuộc thẩm vấn là Trung úy O’Connor. Trung sĩ Katayama phiên dịch tiếng Nhật và Binh nhì William Cohen lo việc chuẩn bị tài liệu.

Các cuộc thẩm vấn được tiến hành trong thời gian mười hai ngày tại phòng tiếp khách của tòa thị chính của Thị xã (tên bị xóa) tỉnh Yamanashi. Những nhân chứng dưới đây trả lời những câu hỏi của Trung Úy O’Connor, riêng rẽ từng người: một cô giáo ở trường công Thị xã (xóa) Hạt (xóa), một bác sĩ ở cùng thị xã, hai tuần tra viên thuộc cảnh sát địa phương và sáu trẻ em.

Những bản đồ khu vực này, tỉ lệ 1/10.000 và 1/2.000 kèm theo đây do Viện Địa Hình, Bộ Nội Vụ cung cấp.

BÁO CÁO CỦA CỤC TÌNH BÁO QUÂN ĐỘI MỸ (MIS)

Ngày: 12 tháng Năm năm 1946

Tên: Báo cáo về sự kiện Đồi Bát Cơm, 1944

Tài liệu số: PTYX-722-8936745-42213-WWN

Dưới đây là bản ghi âm cuộc thẩm vấn Setsuko Okamochi (26 tuổi), cô giáo phụ trách lớp 4B trường công Thị xã (xóa), Hạt (xóa). Những tư liệu liên quan đến cuộc thẩm vấn có thể truy nhập theo số PTTX-722-SQ-u8.

Cảm giác của người thẩm vấn, Trung úy Robert O’Connor: Setsuko Okamochi là một phụ nữ bé nhỏ, hấp dẫn. Thông minh và có trách nhiệm, cô ta trả lời câu hỏi một cách chuẩn xác và trung thực. Tuy nhiên dường như cô vẫn còn hơi bị sốc bởi sự kiện đó. Trong khi moi óc cố nhớ lại, đôi khi cô trở nên rất căng thẳng và lúc nào như vậy, cô đều có khuynh hướng nói chậm lại.

Tôi nghĩ lúc đó chắc mới hơn mười giờ sáng một chút, tôi trông thấy một vệt sáng bạc ở tít trên trời. Một ánh bạc chói ngời. Đúng thế, đó rành là ánh sáng phản chiếu trên một vật bằng kim loại. Ánh sáng ấy chuyển động rất chậm trên trời từ Đông sang Tây. Chúng tôi đều nghĩ hẳn là một chiếc B-29. Nó bay thẳng đứng trên đầu chúng tôi thành thử muốn nhìn nó chúng tôi phải ngửa cổ lên. Trời bữa ấy trong xanh và rực sáng nên tất cả những gì chúng tôi có thể nhìn thấy chỉ là cái vật sáng bạc như đuy-ra ấy.

Nhưng chúng tôi không thể xác định được hình thù vì nó bay quá cao. Tôi đồ rằng họ cũng không nhìn thấy chúng tôi, nên chúng tôi không sợ bị tấn công hoặc bất thình lình bị một trận mưa bom trút xuống đầu. Dù sao đi nữa, ném bom ở cái vùng núi này cũng là vô dụng. Tôi hình dung là chiếc máy bay này đang trên đường đi ném bom một thành phố lớn ở đâu đó hoặc có thể từ một cuộc oanh kích trở về. Cho nên chúng tôi cứ tiếp tục đi. Tôi chỉ nghĩ có một điều: làm sao cái vệt sáng ấy lại có vẻ đẹp kỳ lạ đến thế!

– Theo hồ sơ quân sự thì không có cuộc ném bom nào của không lực Mỹ hoặc bất cứ loại máy bay nào khác bay qua vùng này vào thời điểm đó, tức khoảng mười giờ sáng ngày 7 tháng Mười một năm 1944.

Nhưng tôi trông thấy nó rõ ràng và cả mười sáu em học sinh lớp tôi cũng thấy. Tất cả chúng tôi đều nghĩ đó hẳn là một chiếc B-29. Bọn tôi đều đã thấy nhiều đội hình B-29, và đó là loại máy bay duy nhất có thể bay cao đến thế. Trong tỉnh chúng tôi có một căn cứ không quân nhỏ và thỉnh thoảng tôi có thấy máy bay Nhật bay nhưng tất cả đều nhỏ và không thể bay cao như cái tôi nhìn thấy bữa ấy. Với lại, cái cách đuy-ra phản chiếu ánh sáng không giống các loại kim khí khác, và loại máy bay duy nhất làm bằng đuy-ra là B-29. Tuy nhiên, tôi cũng thấy hơi lạ là nó bay độc trọi một mình, không trong đội hình.

Có thể bạn thích sách  Nữ Thần Báo Tử 5: Quyền Lực Bóng Tối PDF EPUB

– Cô có sinh ở vùng này không?

Không, tôi sinh ở Hiroshima. Tôi lấy chồng năm 1941 và đó là lúc tôi chuyển đến đây. Chồng tôi là thày giáo dạy nhạc ở một trường cấp hai của tỉnh này. Anh ấy bị gọi lính năm 1943 và chết trận ở Luzon tháng Sáu năm 1945. Theo như tôi được nghe kể lại sau đó, thì anh ấy làm nhiệm vụ bảo vệ một kho đạn ở ngoại tỉnh Manila và chết khi kho đạn bị Mỹ pháo kích và nổ tung. Chúng tôi không có con.

– Nhân nói đến trẻ con, xin hỏi trong cuộc đi dã ngoại ấy, cô phụ trách bao nhiêu học sinh?

Tổng cộng mười sáu em, cả nam lẫn nữ. Trừ hai em nghỉ bệnh, đó là toàn bộ lớp. Tám trai, tám gái. Năm em sơ tán từ Tokyo đến.

Chúng tôi xuất phát từ trường lúc chín giờ sáng. Đó là một cuộc đi dã ngoại điển hình của trường, nên ai nấy đều mang theo cà-mèn và bữa ăn trưa. Lần ấy, chúng tôi không lên kế hoạch nghiên cứu gì đặc biệt, chỉ đi lên đồi hái nấm và lượm những thứ cây dại ăn được thôi. Vùng chúng tôi sống là đất canh tác, nên không đến nỗi thiếu lương thực – nói vậy không có nghĩa là chúng tôi dồi dào cái ăn. Với chế độ phân phối khẩu phần chặt chẽ khi đó, đa số chúng tôi lúc nào cũng đói.

Thành thử bọn trẻ được khuyến khích lùng thức ăn ở bất cứ nơi nào chúng có thể tìm được. Xét cho cùng, đất nước đang chiến tranh và lương thực được ưu tiên hơn học tập. Ai nấy đều thích kiểu dã ngoại ấy – chúng tôi gọi là học ngoại khóa. Xung quanh trường chúng tôi toàn là đồi và rừng nên có khối chỗ tốt cho chúng tôi đến thường xuyên. Tôi nghĩ chúng tôi được ân sủng theo nghĩa đó. Dân các thành phố đều đói. Các tuyến đường tiếp tế từ Đài Loan và lục địa hồi ấy bị cắt đứt và các vùng đô thị bị thiếu lương thực và chất đốt ghê gớm.

– Cô nói năm học sinh của cô được sơ tán từ Tokyo. Chúng có hòa hợp được với các học sinh địa phương không?

Có, ít nhất là trong lớp tôi. Môi trường lớn lên của hai nhóm tất nhiên là hoàn toàn khác nhau – một nhóm ở nông thôn, nhóm kia ở trung tâm Tokyo. Chúng nói năng khác nhau, ăn mặc cũng khác nhau. Phần lớn các học sinh địa phương đều là con cái các gia đình nông dân, trong khi đa số học sinh từ Tokyo đều có cha làm việc ở các công ty hoặc dịch vụ dân sự. Cho nên chúng tôi không thể nói là chúng thực sự hiểu nhau.

Đặc biệt, thời gian đầu, người ta có thể cảm thấy một chút căng thẳng nào đó giữa hai nhóm. Tôi không có ý nói rằng chúng bắt nạt nhau hoặc gây gổ đánh nhau, bởi vì không phải thế. Tôi chỉ muốn nói là dường như nhóm này không hiểu nhóm kia nghĩ gì. Thành thử chúng có khuynh hướng khép kín, học sinh địa phương chơi với học sinh địa phương, còn bọn trẻ Tokyo thì khoanh trong nhóm nhỏ của chúng. Tuy nhiên, tình hình đó chỉ kéo dài hai tháng đầu. Sau đó, chúng hòa hợp dần. Ông lạ gì: con nít khi đã bắt đầu chơi chung và mải miết vào trò chơi thì chúng bất cần đến những thứ khác nữa.

– Tôi muốn cô tả hết sức tỉ mỉ nơi cô đưa lớp cô đến hôm ấy.

Đó là một quả đồi mà chúng tôi hay đến trong những dịp đi dã ngoại. Một quả đồi tròn hình thù giống như cái bát úp. Chúng tôi quen gọi nó là “owan yama” [Chú thích: “đồi bát cơm”]. Nó ở cách trường một quãng đi bộ ngắn về phía Tây và không dốc mấy, ai cũng trèo được. Với nhịp bước của trẻ con thì mất khoảng hai tiếng là lên tới đỉnh. Dọc đường, chúng tạt vào rừng kiếm nấm, rồi cả lớp ăn bữa trưa đạm bạc. Cố nhiên, bọn trẻ khoái những buổi ngoại khóa ấy hơn nhiều so với học ở trong lớp.

Cái máy bay lấp lánh chúng tôi nhìn thấy trên trời nhắc chúng tôi nhớ đến chiến tranh trong chốc lát, nhưng chỉ một thoáng thôi, rồi tất cả lại vui vẻ. Trời không một vẩn mây, lặng gió và tất thẩy đều im ắng quanh chúng tôi – chỉ nghe thấy tiếng chim líu ríu trong rừng. Chiến tranh dường như một cái gì ở một nơi xa lắc chẳng có gì liên quan với chúng tôi. Chúng tôi ca hát trong khi leo lên đồi, thi thoảng lại bắt chước tiếng chim chúng tôi nghe thấy. Tạm quên đi chiến tranh đang tiếp diễn, thì đó là một buổi sáng hoàn hảo.

– Một lát sau, khi thấy cái vật giống như máy bay ấy là cô vào rừng ngay, đúng không?

Đúng vậy. Tôi có thể nói là không đầy năm phút sau, chúng tôi đi vào rừng. Chúng tôi bỏ con đường chính dẫn lên đỉnh đồi để đi theo một đường mòn ngược lên cánh rừng. Đoạn này khá dốc. Sau khi leo độ mươi phút, chúng tôi tới một chỗ phát quang, một khoảng rộng, bằng phẳng như mặt bàn. Khi chúng tôi bắt đầu vào rừng, không khí tĩnh lặng hoàn toàn và ớn lạnh vì ánh nắng không lọt vào được, nhưng khi tới chỗ phát quang thì như thể đang ở giữa một quảng trường thành phố thu nhỏ với bầu trời rực sáng trên đầu. Lớp chúng tôi thường dừng chân ở chỗ này mỗi khi leo lên Owan yama. Nơi này có một tác dụng an bình và cách nào đó khiến tất cả chúng tôi đều cảm thấy khoan khoái và ấm cúng.

Chúng tôi dừng lại nghỉ khi tới “quảng trường” này, đặt ba lô xuống rồi bọn trẻ chia ra thành từng tốp ba, bốn đứa một vào rừng tìm nấm. Tôi nhấn đi nhấn lại, dặn chúng không lúc nào được rời mắt khỏi nhau. Trước khi xuất phát, tôi tập hợp tất cả, kiểm tra cho chắc là chúng đã hiểu. Chúng tôi biết rành nơi này, nhưng dù sao đó cũng là một khu rừng, ngộ nhỡ có đứa nào tách ra và lạc lối, chúng tôi sẽ phải vất vả đi tìm. Hơn nữa, ông nên nhớ, chúng là những đứa trẻ nhỏ, một khi đã lao vào săn lùng nấm, chúng rất dễ quên cái lệ ấy. Cho nên bao giờ tôi cũng phải đảm bảo là, trong khi bản thân mình cũng tìm nấm thì vẫn phải để mắt đến chúng và thường xuyên đếm đủ số đầu.

Chính vào khoảng mươi phút sau khi bắt đầu săn tìm nấm, bọn trẻ bắt đầu theo nhau gục ngã.

Khi thoạt tiên phát hiện thấy một nhóm ba em gục xuống đất, tôi chắc là chúng đã ăn phải nấm độc. Quanh đây có nhiều loại nấm rất độc, thậm chí có thể chết người. Bọn trẻ ở địa phương biết loại nào không nên hái, nhưng có một số loại rất khó phân biệt. Vì thế tôi luôn cảnh báo các em đừng bao giờ bỏ cái gì vào miệng trước khi trở về trường để chuyên gia kiểm định. Nhưng không phải bao giờ ta cũng có thể trông chờ con nít nghe lời, phải không?

Tôi chạy bổ tới chỗ mấy em vừa gục ngã và vực chúng dậy. Người chúng mềm nhũn như cao su để ngoài nắng. Như những cái vỏ ốc rỗng – bao nhiêu sức lực đã bị hút kiệt. Nhưng chúng vẫn thở tốt. Mạch vẫn bình thường và không em nào có nhiệt độ cao. Coi bộ chúng bình thản, không có vẻ gì là đau đớn cả. Tôi loại trừ các giả thuyết như ong đốt hoặc rắn cắn. Đơn giản là chúng bất tỉnh, vậy thôi.

Điều kỳ lạ nhất là cặp mắt của chúng. Người chúng mềm nhũn như đang trong cơn hôn mê, thế nhưng mắt chúng vẫn mở trừng trừng như đang nhìn một cái gì vậy. Thậm chí, thỉnh thoảng mắt chúng còn chớp, tức là không giống chúng đang ngủ. Và mắt chúng lia qua lia lại như thể đang nhìn bao quát một chân trời xa. Ít nhất mắt chúng vẫn tỉnh. Tôi phẩy tay qua lại vài lần trước mặt chúng, nhưng không thấy phản ứng gì.

Tôi lần lượt nhấc ba em học sinh lên, từng đứa một, và tất cả đều y hệt như nhau. Tất cả đều bất tỉnh, mắt vẫn chầm chậm đưa qua đưa lại. Đó là điều lạ lùng nhất tôi từng thấy.

– Hãy mô tả những em gục xuống trước nhất.

Đó là một nhóm con gái. Ba bé gái chơi thân với nhau. Tôi gọi tên chúng và tát vào má chúng khá mạnh, tát thật sự, nhưng chẳng thấy phản ứng gì. Chúng không hề cảm thấy gì hết. Thật là một cảm giác kỳ lạ. Cứ như chạm vào một khoảng chân không vậy.

Ý nghĩ đầu tiên của tôi là cử ai đó về trường cầu cứu. Một mình tôi thì không cách nào mang được ba đứa bất tỉnh xuống đồi. Vậy nên tôi bắt đầu kiếm đứa nào chạy nhanh nhất, một học sinh nam. Nhưng khi tôi đứng lên nhìn quanh thì thấy tất cả các em đều đã quỵ xuống. Toàn bộ mười sáu em đã ngã xuống đất, bất tỉnh. Người duy nhất còn tỉnh và đứng được là tôi. Cứ như là một… bãi chiến trường.

– Cô có nhận thấy cái gì bất bình thường tại hiện trường đó không? Một mùi hay một âm thanh khác thường – hay một luồng sáng?

[Nghĩ một lúc]. Không, như tôi đã nói, cảnh vật rất yên tĩnh và thanh bình. Không hề có âm thanh hoặc luồng sáng, hoặc mùi gì bất bình thường cả. Điều bất bình thường duy nhất là tất cả học sinh trong lớp tôi đều gục ngã và nằm đó bất tỉnh nhân sự. Tôi cảm thấy hết sức cô đơn, như thể mình là người cuối cùng còn sống trên Trái Đất. Tôi không thể mô tả cái cảm giác cô đơn tuyệt đối đó. Tôi chỉ muốn tan biết trong thinh không và thôi nghĩ về bất cứ cái gì nữa hết.

Cố nhiên tôi không thể làm thế được – tôi có bổn phận của một cô giáo. Tôi cố trấn tĩnh lại và lao xuống dốc chạy thật nhanh về trường với hết sức lực của đôi chân, để tìm sự trợ giúp.