Huyền thoại tàu không số của nhà văn Đình Kính ngay từ cái tên đã gợi cho người đọc một cảm giác huyền bí, linh thiêng. Nhưng đến khi đọc những gì ông viết, từng trang, từng trang một thì thấy hiện lên chân dung những con người thật bình dị, kiên cường. Khi trở về với cuộc sống thường nhật, gác lại một phần kí ức chiến tranh đã đi qua họ bị lẫn vào muôn vàn số phận của hôm nay để mưu sinh. Vậy mà chính họ đã viết lên bản anh hùng ca làm nên con đường huyền thoại Hồ Chí Minh trên biển thời kỳ chống Mỹ cứu nước. Cuốn Huyền thoại tàu không số của nhà văn Đình Kính kể lại cho chúng ta nhiều tấm gương anh hùng như thế, trong đó có câu chuyện về vợ một người lính của “tàu không số” được gặp chồng và mang thai. Nhưng vì phải bí mật không được tiết lộ cuộc gặp ấy mà bao nhiêu năm phải chịu mang tiếng chửa hoang, phải chịu cái nhìn khắt khe của họ hàng làng xóm… rồi bị khai trừ ra khỏi Đảng, mất hết danh dự. Vượt qua nỗi đau này, chị vẫn giữ bí mật và sống thật tốt cho đến khi giải phóng được minh oan. Mỗi chuyến đi, mỗi tình huống dù thành công hay thất bại đều có những con người anh hùng như thế, họ đã chứng minh sự mưu trí, dũng cảm, quyết đoán và lập trường Cách mạng của mình tạo nên một “huyền thoại” trong cuộc chiến tranh chống Mĩ cứu nước vĩ đại của dân tộc.*** Con đường vận chuyển vũ khí trên biển Đông trong những năm chiến tranh (vẫn gọi là đường Hồ Chí Minh trên biển, mấy thập niên qua trở nên thân thiết, gắn bó, là đề tài để tôi viết tiểu thuyết, viết truyện, viết phim tài liệu, phim truyện và viết báo… Tôi coi đây là chút duyên nhỏ mà số phận ưu ái định ra cho mình. Để chuẩn bị kỷ niệm 50 năm ngày thành lập đoàn 759 – tức đoàn 125 sau này (1961 – 2011, Hội truyền thống đường Hồ Chí Minh trên biển nhờ tôi viết một cuốn sách về các sự kiện thật, những người thật nơi con đường vận chuyển đó, theo phương cách thông qua lời kể của các nhân chứng. Tôi hồ hởi nhận lời. Nhưng hứa rồi, vừa mừng vừa lo. Mừng vì thêm cơ may hiểu sâu hơn về con đường và những người một thời vào sinh ra tử, làm nên huyền thoại có một không hai trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc. Nhưng lo, bởi chiến tranh qua đã gần 40 năm, đồng đội của chúng ta ai còn, ai mất? Nếu còn, các anh sống ở đâu? Và đã mất, các anh yên nghỉ chốn nào? Năm mươi năm là quãng thời gian chẳng phải ngắn, đủ để thiên nhiên và con người ít ý thức mài mòn, biến dạng những gì nguyên sơ. Đi tìm lại dấu tích về con đường vận tải chiến lược huyền thoại trên biển là công việc chẳng mấy dễ dàng… Và cũng hiểu rằng, bốn mươi năm mới tiến hành cái công việc mà chúng ta dư điều kiện để làm sớm hơn là quá muộn màng, tệ bạc… Tôi cùng đại tá Tô Hải Nam, nguyên Tổng biên tập báo Hải quân, lên đường vào một ngày nắng gắt. Dịp này hoa phượng đang cháy rực trên phố Hải Phòng. Chúng tôi mang theo sắc đỏ ấy cùng hương vị mấy cân chè xứ Bắc lên máy bay, làm quà cho anh em, bạn bè. Và chúng tôi bắt đầu lộ trình bằng cách lần theo nhưng gì cuốn lịch sử “ đoàn tàu không số” đã ghi lại…