Hùng Karô

Hùng Karô

Tác giả:
Thể Loại: Tiểu Thuyết Trung Quốc
Nguồn: https://thuviensach.vn
PDFĐỌC ONLINE

Cùng với Lê Lựu, Ma Văn Kháng, Bảo Ninh, Nguyễn Khắc Tường, Khuất Quang Thụy, Dương Hướng… Chu Lai là một trong những nhà văn tự khẳng định mình trong giai đoạn văn học sau 1975. Ông được đọc giả biết đến là một nhà văn quân đội ” đậm chất lính tráng”: rắn rỏi mạnh mẽ nhưng không kém phần sâu sắc. Chu Lai sáng tác trên nhiều thể loại khác nhau: tiểu thuyết, truyện ngắn, kịch, hồi ký, bút kí… Tất cả đã chứng tỏ ông là một nhà văn có sức viết khỏe và bền bỉ. Trong đó, tiểu thuyết của ông là bức tranh toàn cảnh gồm nhiều tầng, nhiều mảng khác nhau của hiện thực đời sống. Hùng Karô là một thể nghiệm bút pháp khác lạ của Chu Lai, câu chuyện kể về cuộc đời giông bão của nhân vật chính cùng tên Hùng Karô, một gã giang hồ có một tuổi thơ và cả tuổi trưởng thành lầm than khốc liệt. Gã từ hoang sơ cỏ dại đi lên, vượt qua mọi thăng trầm trong cuộc sống, vào tù rồi ra tù, hối cải để trở thành một công dân tử tế, rồi từ công dân tử tế thành một doanh nhân thậm chí là doanh nhân thành đạt để rồi nhận một cái kết thật buồn khi cuộc đời này, thể chế còn nhiều góc khuất chưa phân định sáng tối này đã đánh vào anh một đòn cuối cùng… Có thể nói, mỗi trang văn của Chu Lai là một câu chuyện của những cái tận cùng, cố gắng hướng đến cái tận cùng, nỗi khổ niềm vui, hy vọng và tuyệt vọng, can đảm và yếu hèn, tất cả đều được nổi lên một cách đậm nét và hết sức chân thực. *** Đại tá, nhà văn Chu Lai có tên khai sinh là Chu Văn Lai, sinh ngày 5 tháng 2 năm 1946, tại xã Hưng Đạo, huyện Phù Tiên, tỉnh Hưng Yên, hiện ở Hà Nội. Ông là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (từ năm 1980. Ông là con trai của nhà viết kịch Học Phi. Trong chiến tranh Việt Nam ông công tác trong đoàn kịch nói Tổng cục Chính trị rồi trở thành chiến sĩ đặc công hoạt động trong vùng Sài Gòn. Sau 1973, ông về làm trợ lý tuyên huấn Quân khu 7. Đến cuối năm 1974 ông tham dự trại sáng tác văn học Tổng cục Chính trị và sau đó học tại Trường Viết văn Nguyễn Du khóa 1. Sau khi tốt nghiệp, ông biên tập và sáng tác cho Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Nhà văn Chu Lai còn viết một số kịch bản sân khấu, kịch bản phim và tham gia đóng phim. Chu Lai là một trong những nhà văn quân đội có tên tuổi trong nền văn học sau 1975. Đã từng một thời khác áo lính, ông rất thành công với đề tài chiến tranh. Và tiểu thuyết là thể loại mà Chu lai đã khẳng định được tài năng và phong cách của mình. Nắng Đồng Bằng là một trong những tác phẩm để đời của nhà văn khi viết về đề tài chiến tranh với câu chuyện và những phận người đầy gai góc. Người lính trong Nắng đồng bằng không chỉ biết có chiến đấu vì lý tưởng, biết đấu tranh, giành giật sự sống trước bom đạn, trước kẻ thù mà cũng có những suy tư, tính toán thiệt hơn… nhưng cuối cùng họ vượt qua tất cả để góp phần làm nên chiến thắng vĩ đại của dân tộc. Chính Chu Lai từng bộc bạch “Cuộc đời có thể xô đẩy người lính, quăng quật người lính nhưng người lính vẫn bật lại để sống xứng đáng với màu xanh áo lính”. Có thể nói mỗi trang văn của Chu Lai là một câu chuyện của những cái tận cùng, cố gắng hướng đến cái tận cùng, nỗi khổ niềm vui, hy vọng và tuyệt vọng, can đảm và yếu hèn, tất cả đều được nổi lên một cách đậm nét và hết sức chân thực. *** Tôi tên là Hùng, gọi đủ theo giấy khai sinh là Trần Văn Hùng, nhưng người đời chẳng hiểu sao lại cứ thích gọi tôi là Hùng Ka Rô, Hùng tướng cướp, Hùng hung thần, tử thần, Hùng sát thủ máu lạnh rồi gọi cả cái tên xem ra có vẻ rất rắc rối này nữa: Kẻ đa tình dữ tợn!Vâng, thôi thì cứ để mặc cho người ta gọi, miệng lưỡi thế gian có khi nào không ngứa ngáy song tôi có đa tình hay dữ tợn thật không thì những trang viết vụng về dưới đây sẽ trả lời các bạn tất cả. Viết! Khổ! Tôi có viết lách bao giờ đâu. Từ nhỏ tôi đã kinh sợ cây bút và trang giấy, như sợ ma. Chữ nghĩa dưới tay tôi nó đùn ra lục cục, lôi thôi lắm, có lúc còn nhăng nhít, thô lậu nửa, ấy vậy nhưng mọi người cứ bảo tôi ngồi vào bàn đi, cuộc đời ông phong trần trồi sụt khác thường như thế, không viết nó phí đi, phí lắm! Rồi ngay cả.ông nhà văn già bất đắc chí ở phố núi tối tối mút xương gà như mút kẹo cũng bảo: “Tất cả bọn cầm bút thật hay giả ở cái nước không coi văn chương là trọng này đều ước muốn có một phần mười cái vốn sống mà cậu đã trải qua” Trời đất! Oách thế kia à? Vậy thì tôi viết, không, đúng ra là kể, chỉ kể thôi chứ viết nghe có vẻ sang quá, véo von vít vông quá, người ta cười, tức là thấy gì kể nấy, không thấy không kể, tức là dòng đời tôi thế nào tôi cứ cho nó tuôn ra ùng ục ra thế ấy, một mạch từ đầu đến cuối, thẳng đuột, phẳng lỳ, không chìm nổi, không lắt léo, không bịa đặt, không tô vẽ, không chơi chữ chơi nghĩa, không chương hồi, không lớp lang, không đảo lên đảo xuống, không cắt dán, không bố cục, không hồi tưởng, không đa chiều đa kích lằng nhằng, không màng đến tính nhân văn tính tư tưởng cao siêu gì gì đó mà có màng cũng chả được, và cũng không hư cấu tí tẹo nào hết, bởi tôi có biết hư cấu là cái quái gì đâu mà hư, hư bậy bạ, có khi lại thành cái thằng rao bán thuốc hôi nách thuốc hắc lào ngoài chợ. Kệ thì giống như kể câu chuyện mình đã trải qua, đã ngửi thấy, sờ thấy, nếm thấy vậy việc gì phải tính nọ tính kia cho rắc rối. Kệ, vả lại tôi viết rồi để đó, viết để lấp đầy im lặng, viết cho riêng tôi, viết cho khỏi cắn lưỡi mà chết chứ có viết cho ai đâu mà đo đắn nọ kia. Và còn vì điều này nữa tôi giấu cho riêng mình, giấu cả vợ, người đàn bà thân yêu nhất mà tôi đi tìm cả đời mới thấy, đó là tôi đã nhìn thấy cái lỗ huyệt há hoác đang từng phút chờ nuốt tôi vào cái bụng đen ngòm, tanh tưởi của nó. Những dòng chữ chắc chắn sẽ là hết sức nhức nhối này tôi muốn gửi lại như một món quà lòng thành tặng riêng cho cô ây, chỉ một cô ây thôi. Tất nhiên tôi cũng bắt chước thiên hạ là đánh số một số hai, ghi rõ phần một phần hai để cô ây dễ theo dõi. Cái này lại ông nhà văn già bất đắc chí ở phố huyện chỗ tôi thường gọi là: Thái độ tôn trọng người đọc. Tôi bắt đầu kể đây! Kể đúng theo ngôn từ, khẩu khí của một thằng đã trải qua những tháng ngày ở dưới đáy xã hội nên có thể sẽ rất nghịch nhĩ, rất dễ gây phản cảm, rất khó chịu nhưng cái tạng nó trót là vậy rồi, có muốn sửa cũng chả được.