Trần Lệ Xuân hay còn được gọi là bà Nhu, dù được yêu thích hay căm ghét, luôn là cái tên không thể bỏ qua trong một giai đoạn lịch sử quan trọng của Việt Nam. Từ trước tới nay, truyền thông vẫn nhắc đến bà như một “Dragon Lady” (theo nghĩa tiêu cực- một phụ nữ đam mê quyền lực đến tàn nhẫn. Là vợ của cố vấn và em trai của tổng thống, bà đóng vai trò quan trọng trong nhiều quyết định sai trái của chính quyền Ngô Đình Diệm, nổi tiếng nhất là sự vụ đàn áp Phật giáo, dẫn đến vụ tự thiêu của sư Thích Quảng Đức và sau đó bà thản nhiên bình luận: “Tôi sẽ vỗ tay khi thấy một vụ nướng sư khác”. Tuy nhiên, sau khi chồng và anh chồng bị sát hại trong vụ đảo chính năm 1963, bà đã rơi khỏi tâm điểm của sự chú ý. Bà bắt đầu sống lưu vong tại Ý và Pháp cùng con và sự xuất hiện của cựu đệ nhất phu nhân một thời trên báo chí chỉ còn liên quan tới những bi kịch của gia đình bà và cuộc chiến tranh giành gia tài mà cha mẹ bà để lại. Nguồn gốc của một nhân cách Tại sao đứa con của một gia đình xuất thân hoàng tộc, trí thức lại trở thành một phụ nữ đam mê quyền lực đến như vậy? Tại sao một người phụ nữ nhỏ bé lại có thể can thiệp sâu rộng đến thế vào chính quyền miền Nam Việt Nam một thời? Đó là điều mà tác giả Monique Brinson Demery sẽ trả lời cho bạn trong cuốn sách của cô. Và cách giải thích của cô không chỉ dựa trên những cuộc phỏng vấn trực tiếp với bà Nhu, những hiểu biết về tâm lý học, về lịch sử, các thông tin về tình hình chính trị xã hội Việt Nam một thời, mà còn từ vị thế của một người phụ nữ. Cuộc phỏng vấn đầu tiên của Demery với Trần Lệ Xuân được thực hiện vào năm 2005, và đó là lần đầu tiên người phụ nữ quyền lực một thời chịu tiếp đón một nhà báo phương Tây sau 20 năm sống khép kín. Demery tìm đến bà từ những thông tin rất mơ hồ, thậm chí còn không rõ là bà còn sống hay không. Và khi cô tìm ra được bà, trước mặt người phỏng vấn không còn là một phu nhân kiêu hãnh, tự tin, hét ra lửa; đơn giản đó là một phụ nữ đã đi qua mọi thăng trầm của cuộc đời. Và đó có thể là lý do mà Demery đã nhìn thấy được những khía cạnh mà nhiều nhà báo đã bỏ qua trước đây. Cuốn sách của một nữ nhà báo trẻ về một chứng nhân của thế kỷ trước là sự lý giải cho việc hình thành nhân cách của một con người, về nỗ lực để khẳng định vai trò của mình trong thế giới. Qua cuốn sách, người ta có thể nhìn thấy được ngay từ khi còn bé, Trần Lệ Xuân đã phải nỗ lực để tìm chỗ đứng cho mình trong gia đình. Bà sinh ra đã là một đứa con không được mong muốn, là nỗi thất vọng của một bà mẹ “Âu học” nhưng vẫn mang nặng trách nhiệm của một phụ nữ phương Đông: phải sinh ra con trai cho gia đình chồng. Tham vọng quyền lực của Lệ Xuân sau này, thực chất là sự phát triển cực độ của một người phụ nữ thông minh nhưng bị bỏ quên, cần được làm chủ, được lấn át và được công nhận.