Cinque Terre

Hồi Ký Song Đôi

Tác giả:
Thể Loại: Hồi Ký - Tuỳ Bút
Nguồn: https://www.thuvienpdf.com
PDF Đọc Online


Trước hết tôi xin nói về quê hương nhỏ của tôi tức là xã Ân Phú, thuộc huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, nay thuộc huyện Đức Thọ tỉnh Hà Tĩnh. Xã tôi là một xã bán sơn cước, nằm ở chân núi Mồng Gà, bên tả ngạn sông La, cảnh núi sông rất đẹp, nhưng trước cách mạng thì vắng vẻ và hắt hiu, mặc dù bên kia sông chợ Nướt, mỗi tháng họp chín kỳ (cứ ngày 3, ngày 6, ngày 9 âm lịch là phiên chợ) thu hút dân buôn bán và nông dân cả mấy huyện xung quanh thành một nơi tụ hội nổi tiếng. Anh Xuân Diệu khi nói về quê tôi đã viết “Cái làng nửa sơn cước, khuất nẻo bên sông vắng, có nhiều cây cọ – ở Hà Tĩnh gọi là cây tro – chao ôi, trước Cách mạng tháng Tám 1945 sao mà vắng vẻ hắt hiu đến thế! Nếu không thương bạn chưa chắc tôi đã về. Rất nhiều cá tính của đất đai, có thể nói mỗi mảnh đất đều tràn đầy xúc cảm, như tích tụ cái cổ sơ đâu từ hàng trăm năm trước. Làng quê hương đã cung cấp cho Huy Cận một cái vốn đất đai gì sâu thẳm như từ ruột của thời gian”. Sông núi đất đai ấy như đã làm ra xương thịt và tâm hồn tôi.
Tôi sinh ra ở miền sơn cước
Có núi làm xương cốt tháng ngày
Đất bãi tơi làm ra thịt mát
Gió sông như những mảng hồn bay.
(Tôi nằm nghe đất)
Tuổi nhỏ tôi trùm trong nhớ thương
Cách sông chợ Nướt, bến đò sương
Làng quê sơn cước chiều về sớm
Bóng núi dài lan mát ruộng nương
Ở dưới chân núi, chạy dọc bờ sông là một cánh đồng dài đất khá mầu mỡ, một phần nhỏ là ruộng nước, phần lớn là nương, tức là ruộng cạn, trồng lúc trỉa, hoặc là trồng mía. Đầu xuân, khi ngô mới nhú mầm, lá non mịn tơ như lông tuyết, xanh sáng như ngọc bích, cả cánh đồng ánh lên như một thảm nhung rất đẹp, mát mắt, tưởng như có thể xén từng mẩu đất mà nhai nuốt được. Buổi chiều về, gió sông thổi mát, bóng núi Mồng Ga lan dài trên cánh đồng như một cái chăn mỏng đắp lên làng xóm. Chính cái buổi chiều sớm ấy ở làng sơn cước đã gợi lên một nỗi buồn man mác. Ngày bị rút ngắn lại, sông núi ở ngay bên cạnh nhà mà được màu xa vắng. Chính trên cánh đồng chân núi ấy, lúc bốn tuổi, năm tôi đã theo cha mẹ, o tôi, chú tôi đi bừa, đi nhặt cỏ, đi gieo hạt. Thú nhất là đứng trên cái bừa đạp cho bò kéo đi như là đứng trên một chiếc xe, nghe từng cục đất vỡ tơi dưới chân bừa, xông lên mùi cỏ úa. Có khi còn lấy roi tre quất cho bò chạy nhanh, chiếc bừa xông lên như một cỗ xe thắng trận. Nhưng có một lần hứng thú như vậy tôi đã bị ngã, con bò cứ lướt tới, và tôi bị chẹt giữa cái bừa bị bò lôi đi, may mà không bị xây xát gì. Từ đó về sau cha mẹ tôi không cho tôi đi đứng bừa nữa. Tôi lại cưỡi trâu, trời cuối năm se lạnh, ngồi trên lưng trâu ấm lắm. Cầm dây thừng (ở Hà Tĩnh gọi là chạc mũi). Tôi điều khiển trâu như cầm cương ngực, và lấy hai chân thúc vào hông trâu chạy thật nhanh như ngựa phi. Có lần trâu chạy đến dốc vực Trộ đó, đột ngột trâu dừng lại, và tôi ngã phía trong vườn. May mà trâu dừng và tôi ngã, nếu không thì cả trâu lẫn người đã rơi tòm xuống vực sâu ở dưới có đá ong. Ở xã tôi hồi ấy, có tục lệ: cuối năm, hần teat, cả làng xóm cho trâu bò lên núi hàng mười ngày, nửa tháng. Các anh trai cày cho trâu lên núi, chặt cây rừng và lá cọ làm một cái lán gọi là chòi trâu. Có một lần tôi được đi theo các anh trai cày ấy, như tham gia một cuộc phiêu lưu, tạm xa nhà chừng ba bốn cây số mà tưởng là xa ngái lắm. Chiều cuối năm, gió trở lạnh, sườn núi hoang vắng, những cây sim, cây thanh hao (tức là cỏ trện) lắt lay trong gió càng tăng vẻ lạnh lẽo của sương chiều đã phủ mờ mờ trên lưng núi va 2trên cánh đồng sát chân núi. Các anh lớn bảo chúng tôi: “Ta hãy làm cái trống đất để tế trời”. Tôi không hiểu làm một cái trống đất là làm thế nào, lấy đất mà vắn thành trống, hay lấy một cục đất to mà đẽo thành hình trống chăng? Các anh ấy cầm dao tày, dao dựa, đào một lỗ xuống đất khoét thành đất cho tròn, sâu chừng ba bốn mươi phân và đường kính cũng chừng hai gang tay. Xong rồi các anh đi chặt một sợi rừng, loại sợi dẻo dai, vắt ngang cái hố đã đào, và hai đầu dây buộc chặt vào hai cái cọc đóng sâu bên miệng hố. Đoạn, các anh lấy một thanh cây gọt tròn như cái khăng đánh vào sợi dây rừng và tự nhiên vang lên một tiếng bịch bịch: đó là âm điệu rất cổ sơ của chiếc trống đất, và tang trống là cả bề dày của đất triền núi.