Hội Họa Trung Hoa Qua Lời Các Bậc Vĩ Nhân Và Danh Họa

Hội Họa Trung Hoa Qua Lời Các Bậc Vĩ Nhân Và Danh Họa

Tác giả:
Thể Loại: Khác
Nguồn: https://thuviensach.vn
PDFĐỌC ONLINE

Cuốn sách độc đáo này là tuyển tập bình chọn những lời nói, tư tưởng của các bậc vĩ nhân, danh họa Trung Hoa về chính nền nghệ thuật hội họa kỳ vĩ của quê hương. Tiến sỹ Lâm Ngữ Đường không chỉ làm công việc tổng tập, ông còn giải thích, bình luận và so sánh, đưa đến một cái nhìn bao quát cho cả tiến trình hội họa Trung Hoa. Không bao giờ tách rời khỏi lịch sử, tư tưởng triết học, mỹ học, hội họa là một phần vững chắc của nền văn minh Trung Hoa đồ sộ. Thú vị, sâu sắc và xác tín, tác phẩm làm sáng rõ một bộ phận của nghệ thuật để mang đến cả cái nhìn thấu đáo hơn về đất nước Trung Quốc.*** Giáo sư Lâm Ngữ Đường (1895-1976là người đất Chương Châu, Phúc Kiến, học Đại học Thượng Hải, Harvard và Leipzig, từng dạy văn học Anh tại Đại học Bắc Kinh và phụ trách Vụ Văn Học và Nghệ Thuật của UNESCO. Nổi tiếng nhất trong 35 tác phẩm viết bằng tiếng Anh của ông là cuốn My Country and My People (Dân tôi và Nước tôi, The Importance of Living (Sống mới là điều quan trọng, và The Chinese Theory of Art, một tuyển chọn các trích đoạn phát biểu về hội hoạ của các bậc thầy về nghệ thuật của Trung Hoa, mà chúng tôi hân hạnh được giới thiệu với độc giả Việt Nam qua bản dịch của Trịnh Lữ trong tập sách này.*** Ba bốn tuổi học cầm bút vẽ, cha tôi bảo “tha hồ thích gì vẽ nấy.” Lên chín lên mười, ông bảo, “Nhìn cho kỹ, thấy gì vẽ thế.” Đến lúc vỡ giọng, ông thường hỏi, “Định vẽ cái gì? Muốn vẽ ra sao?” Lại hối thúc phải học ngoại ngữ, đọc cho nhiều, xem cho rộng. Không được vào trường Mỹ thuật, ông bảo, “Càng tốt.” Rồi chiến tranh. Tôi kiếm sống đủ nghề, lang bạt nhiều nơi, lần nào nhận thư cha cũng thấy một câu ở cuối: “Mỗi ngày nhớ kí họa mấy cái, đừng bỏ luyện tập.” Bức thư cuối cùng, ông dặn, “Bom đạn chẳng còn gì, giữ được ít giấy tờ, bố để trong ba cái thùng tôn.” Bốn năm sau khi ông mất, tôi mới về được đến nhà. Trong ba cái thùng tôn ấy, tôi tìm được một chồng các vựng tập khổ lớn tranh và thư pháp Trung Quốc, với một cuốn sách nhỏ ngả vàng đã gẫy gáy, là cuốn The Chinese Theory of Art của cố giáo sư Lâm Ngữ Đường. Trong hai năm liền, tôi đọc đi đọc lại cuốn sách. Nó khiến cho tôi như được sống lại tuổi hoa niên, thấy lại mùi dầu lanh (linseed oilvà mùi xăng trong chiếc Simca mà cha tôi dùng làm nhà vẽ lưu động đi khắp các miền đất nước. Đặc biệt, nó làm cho tôi hay nhớ lại lần đầu tiên “đi vẽ ngoài”, tức là đi vẽ phong cảnh, lúc về bị mưa đá, chân trần ôm cặp giấy vẽ chạy dưới mưa, những hạt nước đá buốt lạnh dưới chân và trên mặt. Tại sao cuốn sách lại khiến tôi nhớ lại những cái đó, tôi không biết. Phải chăng nó làm tôi nhớ lại cái thế giới hội họa mà gần nửa thế kỷ qua, cuộc sinh tồn đã dìm xuống tầng tiềm thức của tôi? Cái thế giới với những khái niệm và tư tưởng thật tuyệt đối và cao nhã về một công việc đã khiến những cư dân trong hang Lascaux khẳng định được nhân tính linh thiêng của mình? Sau khi dịch cuốn “Cuộc đời của Pi”, các bạn trong nhóm xuất bản hỏi có cuốn sách nào tôi muốn làm tiếp không. Tôi đã nhiệt liệt đề nghị được dịch cuốn này. Lý do ích kỷ của tôi là làm được một việc tôi thật sự thích thú, mà lại có ít tiền. Ở đời có mấy khi được như vậy! May sao, mọi người đều tin rằng sự thích thú ích kỷ của tôi sẽ đem lại niềm vui và những lợi lạc thanh tao cho rất nhiều bạn đọc yêu thích hội họa. Đến khi bắt tay vào dịch tôi mới thấy là mình dại! Than ôi, cụ Lâm Ngữ Đường dịch từ Hán văn ra Anh văn, nay tôi lại dịch từ Anh văn ra Việt văn, là một thứ tiếng rất gần với Hán văn, làm sao cho khỏi tam sao thất bản. Nguyên chuyện tầm tra các âm Hán của những phiên âm Latin theo kiểu Đài Loan mà cụ Lâm sử dụng trong những năm 1960 cũng đã khổ rồi. Đọc tiếng Anh có thể cứ mặc kệ những pi-yung và mo-hua đấy mà vẫn sướng, chứ sang tiếng ta thì dứt khoát phải chua ra thành bút ung và mực hóa, rồi giải cho rõ nghĩa, thì mới truyền đạt được giá trị và vẻ đẹp của các khái niệm ấy đến với người đọc Việt. Cũng may là hồi trẻ tuổi tôi cũng võ vẽ học chữ Hán với cụ Lê Tư Lành (xin cầu cho cụ được yên nghỉđược một thời gian, thành thử đọc cách dịch của cụ Lâm cũng cảm được phần nào hơi văn và từ ngữ Hán trong nguyên tác. Nhóm xuất bản lại cam đoan sẽ có các chuyên gia giúp hiệu đính. Cho nên công việc lúc mới thì nặng nhọc, sau cũng được thư thái và vui vẻ hơn, đến những phần cuối thì lại còn thấy mình say sưa trong những luồng tư tưởng cao nhã cổ kính của họ. Nhưng cũng xin độc giả lượng thứ cho chút lộng ngôn như thế, vì tôi cũng tự biết rằng không thể tránh khỏi sai lầm, rất mong được chỉ bảo. Cụ Lâm Ngữ Đường đã có rất nhiều ghi chú, không những để giải thích thêm, mà còn nói rõ cả quan điểm riêng của cụ về từng vấn đề. Nhưng khi gặp những chỗ cần nói thêm, tôi vẫn mạo muội có ghi chú riêng của mình để công việc được thỏa đáng hơn. Những ghi chú của tôi có đề (ND. Nếu chúng có sai lầm gì là hoàn toàn do lỗi ở tôi. Xin cảm ơn nhóm xuất bản đã tiếp tục tin tưởng ở tôi, và xin cảm ơn tiên sinh Nguyễn Văn Cường, người đã hấp thụ văn hóa Trung Hoa từ trong trứng nước, đã bắt đầu chỉ giáo Hán tự cho tôi từ khi chúng tôi còn ở Thạch Lâm, Côn Minh hơn ba chục năm trước đây, và đã trực tiếp giúp đỡ tôi trong việc tầm tra các phiên âm Latin chữ Hán trong cuốn sách này. Còn bây giờ, xin bạn đọc bảo người nhà pha cho một ấm trà ngon, rồi thong thả ngồi một nơi mát mẻ mà lật trang. Trịnh Lữ