Tác giả được xem như sáng lập và nhà lý luận của chủ nghĩa tự nhiên trong văn học Pháp, nhưng ông đã trờ thành nhà văn lớn chính lại nhờ ông đã vượt lên trên những nguyên lý của chủ nghĩa tự nhiên để tiến gần đến chủ nghĩa hiện thực. Với một số điểm cách tân so với chủ nghĩa hiện thực phê phán cổ điển của Banzắc và Xtăngđan và mở ra thời kỳ của chủ nghĩa hiện thực phê phán. Thường được biết đến với tên Émile Zola, là một nhà văn nổi tiếng của văn học Pháp trong thế kỉ 19, người được coi là nhà văn tiên phong của chủ nghĩa tự nhiên (naturalism. Bên cạnh những tiểu thuyết nổi tiếng, Zola còn được biết tới như là một trong những nhân vật quan trọng dẫn tới việc xét xử lại Vụ Dreyfus. Sách của ông đa phần đều thuộc loại ăn khách. “Hiệu Hạnh phúc các bà” không trở thành cái gì nặng nề quá quắt như ở một số tác phẩm khác của Émile Zola, nó là nền tảng cho hai cuộc đấu tranh gay gắt và căng thẳng – Cuộc đấu tranh giữa buôn bán nhỏ và buôn bán lớn; cuộc đấu tranh nội bộ giữa các nhân viên bán hàng thể hiện cái học thuyết đấu tranh sinh tồn của của Charles Darwin.*** Denise cùng hai em trai xuống tàu Cherbourg ở ga Saint Lazare, đi bộ sau một đêm ngồi ghế cứng trên một toa xe hạng ba. Nàng dắt tay Pépé, Jean đi theo sau, cả ba mỏi nhừ vì chuyến đi, kinh hoàng và lạc lõng giữa Paris mênh mông, hếch mũi lên như các nhà, ở mỗi ngã tư lại hỏi thăm về phố La Michodière, nơi có nhà ông chú Baudu. Nhưng cuối cùng, khi tới quảng trường Gaillon, cô gái đột ngột dừng lại ngỡ ngàng. – Ôi! – Cô nói – Jean ơi, trông kìa! Và họ đứng sững, siết chặt lấy nhau cả ba đều mặc đồ đen đã cũ vì sắp mãn tang bố. Cô gái, mảnh khảnh với tuổi hai mươi, vẻ con nhà nghèo, tay xách một gói nhẹ; còn phía bên kia thì đứa em nhỏ lên năm, níu lấy tay, sau lưng là thằng anh lớn, mười sáu tuổi, vênh vênh, phơi phới, đứng thõng hai tay. – Chà, tuyệt, – Sau một phút im lặng cô nói – một cửa hàng như thế chứ! Đó là, ở góc phố La Michodière và phố Neuve Saint Augustin, một cửa hiệu tân phẩm, hàng bày nổi bật lên những màu rực rỡ trong ánh ngày tháng mười dịu nhạt. Chuông nhà thờ Saint Roch điểm tám giờ, trên bờ hè chỉ có dân Paris dậy sớm, những nhân viên tới sở và những bà nội trợ chạy các cửa hàng. Trước cửa hiệu, hai viên thư ký bán hàng len trên một chiếc thang đôi, sắp treo xong những hàng len, còn trong một tủ kính phố Neuve Saint Augustin thì một viên thư ký khác, ngồi xổm và quay lưng đang thận trọng xếp nếp một tấm lụa xanh da trời. Trong cửa hiệu còn vắng khách mà nhân viên, thì mới đến lác đác, râm ran như một tổ ong thức dậy. – Ui chao! – Jean nói – Nó đánh bạt Valognes… Hiệu của chị chẳng đẹp đến thế. Denise lắc đầu. Cô đã hai năm làm việc ở đó, nhà Comai, tay bán tân phẩm số một thành phố; thế mà cửa hiệu này, cô bắt gặp đột ngột, nó thật là đổ sộ đối với cô, khiến cô hào hứng, xúc động, chăm chú, quên hết mọi sự. Trên vạt tường cách ngang nhìn ra quảng trường Gaillon, chiếc cửa ra vào, toàn bằng gương, cao tới tầng một, giữa những trang trí phức tạp, mạ vàng khắp lượt. Hai nhân vật biểu tượng, hai người đàn bà tươi cười, hở vú và ưỡn ra, trương lên tấm biển: Hiệu hạnh phúc các bà. Rồi những tủ kính chạy dài, suốt dọc phố La Michodière và phố Neuve Saint Augustin, ngoài ngôi nhà ở góc, chúng choán bốn ngôi nhà khác, hai bên phải, hai bên trái, gần đây mới mua và được tu sửa. Cả một cuộc triển khai dường như vô tận, mất hút theo đường viễn thị, với những hàng bầy ở tầng dưới và những tấm gương không tráng ở tầng trên, qua đó người ta nhìn thấy cả cuộc sống bên trong của các quầy hàng. Ở phía trên, một cô gái, mặc đồ lụa, gọt một chiếc bút chì trong khi hai cô khác, gần đấy, mở ra những chiếc măng-tô nhung.
Nguồn: https://thuviensach.vn