Có thể nói là tiền sử Quảng Ninh từ lâu đã cuốn hút tôi cả về mặt thực tiễn, cả về mặt lý luận.
Cách đây đúng 30 năm, trong bài “Một số vấn đề về văn hoá Phùng Nguyên” (Nghiên cứu lịch sử số 112, 1968), tôi có nhắc đến một luận án đại học mà tôi vừa hướng dẫn, có tên “Nhóm di chỉ Hạ Long”, của sinh viên Tăng Văn Lễ. Lễ là sinh viên miền Nam, tốt nghiệp xong là trở về quê hương tham gia cuộc chiến tranh giải phóng. Nghe người ta nói hiện nay anh là cán bộ của một đài phát thanh. Nhưng hẳn Lễ, cũng như tôi, nhớ mãi những ngày đến Bảo tàng Lịch sử Việt Nam ở Hà Nội, nghiên cứu những hiện vật đá và đồ gốm mà Colani đã tìm được trong các di chỉ Quảng Ninh. Ngày đó, chưa có cái tên văn hoá Hạ Long. Rồi gần mười năm sau, tôi lại hướng dẫn Nguyễn Đình Chiến do những chiếc rìu và bôn ở khu vực này. Năm 1978, trong bài “Văn hoá Phùng Nguyên: Nhận thức mới và vấn đề” (Khảo cổ học số 1,1978), tôi đã thử nêu một số vấn đề về văn hoá Hạ Long, như liên hệ với Soi Nhụ, Hà Lùng, Đông Đặng, Eo Bùa…, và cả Cái Bèo, để cố tìm mối liên hệ dọc, và đặt bên cạnh các văn hoá Phùng Nguyên, Hoa Lộc, để tìm mối liên hệ ngang. Nhưng đó là các vấn đề chỉ mới bàn qua chứ chưa bao giờ đi đến tận cùng. Và vì vậy, đối với tôi, các vấn đề về tiền sử Quảng Ninh vẫn canh cánh bên lòng. Trong những chuyến đi Quảng Đông, Hồng Kông, Đài Loan, tôi vẫn chú ý tìm kiếm những mối liên hệ văn hoá ở các nơi đó với vùng Đông Bắc Việt Nam.
Về mặt lý luận, tôi cứ loay hoay với các mô hình giải thích sự phát triển văn hoá của các vùng, nhất là vùng Quảng Ninh, vùng văn hoá có sự chuyển biến môi trường: không biển và biển. Mấy hôm nay, tôi đang đọc lại cuốn “Khảo cổ học và phương pháp luận khoa học” (Archaelogy and the Methodology of Science) của J. Kelley và M. Hanen, nhà xuất bản Đại học New Mexico, năm 1990. Trong đó, các tác giả (ở các trang298-303) có phê phán lý thuyết truyền bá xuyên đại dương (transoceanic diffusion) của Paul Tolstoy, giáo sư Đại học Montréal ở Canada. Tôi lại nhớ đến buổi nói chuyện với Tolstoy ở Viện Khảo cổ học năm ngoái. Tôi thì nói đến các bàn đập vải vỏ cây ở văn hoá Phùng Nguyên còn ông thì nói về các bàn đạp vải vỏ cây ở Mexico, mà tôi có lần đã được xem ở Hawaii. Và chúng tôi đều thấy rằng chúng giống nhau như hệt. Ông cười, hỏi tôi là có tin vào sự truyền bá xuyên đại dương hay không. Xem ra, tôi cũng xiêu lòng. Giờ đây, tôi lại nhớ đến lý thuyết về cuộc thiên di của chủ nhân văn hoá Hạ Long từ xa đến của M.Colani. Tất nhiên là lý thuyết đó chưa đủ cơ sở. Nhưng cũng cần tìm xem có yếu tố nào là bên ngoài không trong nguồn gốc văn hóa Hạ Long? Tôi nghĩ rằng trong dòng chảy thời gian, sự phát triển văn hóa giai đoạn sau bao giờ cũng “thu” và “phát” mạnh hơn giai đoạn trước. Vì vậy, giải thích sự phát triển văn hóa tiền sử cho một vùng là khá phức tạp. Nhân tố nào là tự thân, nhân tố nào là thích nghi, nhân tố nào là ngoại nhập?
Trong khi đang băn khoăn về các vấn đề trên, thì tôi được Hà Hữu Nga và Nguyễn Văn Hảo đưa cho đọc bản thảo quyển “Hạ Long thời tiền sử” của các anh. Tôi đã đọc một mạch hết quyển sách với một tâm trạng khá phấn chấn. Tôi biết là anh Nguyễn Văn Hảo đã có công lớn trong việc nghiên cứu các di tích tiền sử Quảng Ninh. Anh đã để tâm huyết nhiều năm nghiên cứu văn hóa Hạ Long. Đáng tiếc đã từ lâu chúng ta không được đọc những bài viết mới của anh về vùng này. Nhưng thế rồi, anh đã cùng Hà Hữu Nga trình bày với chúng ta sự phát triển văn hóa ở đây trong cuốn sách này.
“Hạ Long thời tiền sử” đã miêu tả một cách tường tận con đường phát triển các văn hoá tiền sử ở vùng vịnh Hạ Long. Với các tài liệu đã có, các tác giả đã khái quát thành các bước của con đường: Văn hóa Soi Nhụ – Văn hóa Cái Bèo – Văn hóa Hạ Long. Có thể có người trong chúng ta chưa chấp nhận hay chưa quen với các khái niệm “văn hóa Soi Nhụ”, “văn hóa Cái Bèo”. Tôi nghĩ rằng, có những di tích chỉ có một thôi, cũng đã có thể coi là đại diện cho một văn hóa, huống hồ ở đây các tác giả đã đưa ra các di tích cùng tính chất, như bên cạnh Cái Bèo, đã có Hà Giắt, bên cạnh Soi Nhụ thì đã có Đồng Đặng, Hà Lùng và nhiều di chỉ khác. Với lại, cũng còn đợi sự thử thách của thời gian. JG.Andersson chẳng đã từng gọi văn hóa Hạ Long là “văn hóa Đanh Đô La” và Nguyễn Văn Hảo đã từng muốn gọi văn hóa này là “văn hóa Ngọc Vừng” nhưng không rõ từ đâu và từ lúc nào, cái tên văn hóa Hạ Long được mọi người chấp nhận. Quan trọng hơn là việc xác định nội dung các văn hóa. Về mặt này, chúng ta thấy các tác giả có lý.
Mặt nổi bật của quyển sách là các tác giả luôn luôn tìm cách giải thích các đặc điểm văn hóa vùng này bằng điều kiện sinh thái môi trường. Về văn hóa Soi Nhụ là như vậy mà cho đến các giai đoạn văn hóa Hạ Long cũng như vậy. Nếu chúng ta thấy cách giải thích đó chưa phải lúc nào cũng thành công thì ít nhất ta cũng phải thừa nhận đây là một đóng góp lớn cho việc nghiên cứu văn hóa vùng này của các tác giả. Đó là một phương pháp tiếp cận hay, đem lại cho chúng ta nhiều ý kiến mới. Có thể nói đó là điểm tôi thích nhất ở quyển sách này.
Các vấn đề mà trước đây tôi cứ thấy rối rắm và lờ mờ, thì giờ đây được các tác giả trình bày rõ ràng, sáng sủa và dứt khoát, chẳng hạn như các tác giả đã chứng minh các văn hóa vùng Hạ Long là phát triển liên tục. Điều đó làm người đọc thích thú, nhờ có được những nhận thức minh bạch hơn, cho dù họ còn chút nghi ngờ.
Do đó, tôi đánh giá cao quyển sách này. Đây là quyển chuyên khảo đầu tiên về tiền sử vùng Hạ Long. Nó chẳng những cung cấp cho chúng ta tài liệu về các di tích về thời đại đá trong vùng một cách đầy đủ mà còn vạch ra được sự phát triển văn hóa tiên sử theo một con đường riêng nhưng không biệt lập của khu vực. Dường như quyển sách muốn nói với chúng ta về cách ứng xử của con người trước biển trong quá khứ. Hiển nhiên kiến thức này còn cần thiết cho tất cả chúng ta ngày hôm nay.
Chính vì thế, tôi rất vui khi được giới thiệu quyển sách này, không chỉ với giới khảo cổ học mà với bạn đọc rộng rãi, những người yêu thích lịch sử sáng tạo của con người trên một vùng mỹ lệ của thiên nhiên.