Giáo Trình Thống Kê Xã Hội Học

Giáo Trình Thống Kê Xã Hội Học

Tác giả:
Thể Loại: Tài Liệu Học Tập
Nguồn: https://www.thuvienpdf.com
PDFĐỌC ONLINE

Xác suất – Thống kê là một chuyên ngành khó của Toán học, nhưng lại là chuyên ngành có nhiều ứng dụng trong thực tiễn, và là một trong các công cụ nghiên cứu nhiều chuyên ngành khác. Các chuyên ngành Đại học thuộc khối Xã hội và Nhân văn, cũng như tất cả các trường Cao đẳng, theo Chương trình Khung của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đều phải học môn này là một minh chứng rất rõ cho nhận định trên.

Cái khó khi biên soạn giáo trình này không phải là ở nội dung toán học của nó, mà là viết cho đối tượng ít được trang bị về toán, nhất là đối với người học khối Xã hội và Nhân văn. Ngoài kiến thức Toán học ở phổ thông ra, khá nhiều bạn đọc không được trang bị gì thêm về toán cao cấp. Vì vậy, trong giáo trình này Tác giả đã chọn cách trình bày và cố gắng diễn đạt sao cho dễ hiểu nhất đối với bạn đọc. Các khái niệm, các kết quả được trình bày và diễn giải một cách nhẹ nhàng, dễ hiểu, tránh dùng các thuật ngữ, khái niệm trừu tượng, khó hiểu đối với bạn đọc. Việc chứng minh các kết quả cũng được chú ý nhưng ở mức độ vừa phải. Việc giải thích ý nghĩa của khái niệm, ý nghĩa thực tế của bài toán, các bước thực hành cụ thể, v.v… được chú trọng nhiều hơn.
Nội dung chi tiết của giáo trình này phù hợp với nội dung chi tiết môn Thống kê xã hội học hiện đang được giảng dạy trong các trường. Hơn nữa, nội dung chi tiết của giáo trình cũng khá phù hợp với chương trình chi tiết của môn Xác suất thống kê (B) dùng cho các trường Cao đẳng mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành. Vì vậy, giáo trình này thích hợp và hy vọng là tài liệu có ích cho cả người dạy cũng như người học môn Thống kê xã hội học ở các trường Đại học khối Xã hội và Nhân văn cũng như môn Xác suất thống kê (B) ở các trường Cao đẳng.

Có thể bạn thích sách  Giáo trình hệ vi điều khiển

Hiện nay, ở các trường, môn Thống kê xã hội học được giảng dạy với hai mức thời lượng : 45 tiết và 30 tiết. Vì vậy, tác giả cũng biên soạn giáo trình này ở cả hai mức tương ứng. Nếu với thời lượng 45 tiết, bạn đọc hãy dùng Chương I (22 tiết) và Chương II (23 tiết). Nhưng ở mức độ 30 tiết bạn đọc hãy bỏ qua Chương I và thay vào đó là phần Phụ lục I (8 tiết), sau đó là Chương II (22 tiết).

Riêng đối với Chương I, phần biến ngẫu nhiên và các khái niệm liên quan (1.6; 1.7; 1.8) yêu cầu thực hành chỉ đặt ra đối với biến rời rạc, còn đối với biến liên tục chỉ yêu cầu bạn đọc biết được các khái niệm và công thức tương ứng.

Mặc dù đã cố gắng, song khó tránh khỏi sai sót. Tác giả mong nhận được sự lượng thứ và đóng góp ý kiến của bạn đọc. Mọi ý kiến xin gửi về Ban Biên tập Sách Đại học – Cao đẳng, CTCP Sách Đại học – Dạy nghề, Nhà Xuất bản Giáo dục – 25 Hàn Thuyên – Hà Nội.

Hà Nội, ngày 31/12/2006

TÁC GIẢ