Trong điều kiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, pháp luật dân sự là phương tiện pháp lý quan trọng để các chủ thể xác lập, thực hiện các quyền, nghĩa vụ dân sự nhằm thoả mãn các nhu cầu vật chất trong sinh hoạt, tiêu dùng hoặc trong sản xuất, kinh doanh. Đây là những quan hệ xã hội có tính chất phổ biến trong cuộc sống của mỗi người dân, của mỗi cơ quan, tổ chức trong hoạt động quản lý hoặc trong sản xuất, kinh doanh.
Xác định được ý nghĩa quan trọng của pháp luật dân sự trong việc thúc đẩy nền kinh tế – xã hội phát triển, tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá IX, Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thông qua Bộ luật dân sự ngày 28 tháng 10 năm 1995 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1 tháng 7 năm 1996). Sau gần mười năm thực hiện, tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XI, Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua Bộ luật dân sự mới, ngày 14 tháng 6 năm 2005 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1 tháng 1 năm 2006). Với ý nghĩa đó, Điều 1 Bộ luật dân sự năm 2005 tiếp tục quy định: “Bộ luật dân sự có nhiệm vụ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, lợi ích Nhà nước, lợi ích công cộng, bảo đảm sự bình đẳng và an toàn pháp lý trong quan hệ dân sự, góp phần tạo điều kiện đáp ứng các nhu cầu vật chất và tinh thần của nhân dân, thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội”.
Bộ luật dân sự năm 2005 đã tiếp tục pháp điển hoá một bộ phận quan trọng các quan hệ xã hội trong lĩnh vực tài sản và nhân thân, tạo cơ sở pháp lý nhằm tiếp tục giải phóng mọi năng lực sản xuất, phát huy dân chủ và bảo đảm công bằng, quyền con người về dân sự; quy định địa vị pháp lý của cá nhân, pháp nhân và các chủ thể khác trong giao lưu dân sự xây dựng chuẩn mực pháp lý cho cách ứng xử của các chủ thể khi tham gia quan hệ pháp luật dân sự. Từ kết quả khảo sát tình hình thực thi các quy định trên thực tế, Bộ luật dân sự năm 2005 đã sửa đổi, bổ sung những quy định không còn phù hợp, sửa đổi những quy định còn mang tính chất chung chung; loại bỏ các quy định mang tính chất hành chính trong quan hệ dân sự (tại những phần tương ứng); sửa đổi những bất cập, mâu thuẫn liên quan đến các đạo luật khác như quy định về quyền sử dụng đất của cá nhân, tổ chức và việc chuyển quyển sử dụng đất theo Luật đất đai năm 2003; các quy định liên quan đến đối tượng sở hữu công nghiệp; sửa đổi để bảo đảm tính tương thích với các điều ước quốc tế, thông lệ, tập quán quốc tế, nhất là các quy định về hợp đồng, sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ.
Là một bộ luật lớn, có tới 777 điều luật và với những đặc trưng riêng về đối tượng điều chỉnh, phương pháp điều chỉnh, nên nếu chỉ đọc Bộ luật dân sự thì sẽ khó có thể hiểu toàn bộ các quy định trong Bộ luật và sẽ khó khăn trong vận dụng cũng như áp dụng. Khoa học Luật dân sự không chỉ là những quy định cụ thể trong từng điều luật mà còn có sự liên quan, chi phối của ngay chính các điều luật trong Bộ luật dân sự và trong các văn bản pháp luật có liên quan được Bộ luật dân sự dẫn chiếu.
Nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu học tập của học viên hệ Đào tạo từ xa và những người làm công tác nghiên cứu, giảng dạy quan tâm, Viện Đại học Mở Hà Nội tổ chức biên soạn cuốn “Giáo trình Luật dân sự Việt Nam” theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2005 và các văn bản pháp luật có liên quan. Tham gia biên soạn giáo trình là những giảng viên có kinh nghiệm và đã giảng dạy nhiều năm tại Trường Đại học Luật Hà Nội.
Do mục đích ban đầu, giáo trình được biên soạn cho đối tượng học viên hệ từ xa là chủ yếu. Tuy nhiên, cuốn giáo trình này cũng rất bổ ích đối với sinh viên hệ đào tạo chính quy và các hệ đào tạo tập trung khác.
Mặc dù đã có nhiều cố gắng trong quá trình biên soạn, tập thể tác giả không thể tránh khỏi những hạn chế và thiếu sót, rất mong nhận được ý kiến đóng góp của các độc giả, học viên, và các đồng nghiệp để chỉnh lý cho lần xuất bản sau được hoàn thiện hơn.
Nguồn: https://www.thuvienpdf.com