Gắng sống đến bình minh là một truyện vừa khai thác đề tài cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại (1941 – 1945của nhà văn Vasil Bykaŭ, ra đời năm 1973. Tác phẩm là một câu chuyện sinh động và nhiều cảm xúc về những suy nghĩ, hành động của một sĩ quan trẻ trước gian nguy thử thách, trong đó thấp thoáng hình bóng của chính tác giả. Bối cảnh truyện diễn ra vào mùa thu năm 1941. Anh chiến sĩ 22 tuổi Igor Ivanovsky mới tốt nghiệp trường sĩ quan, chàng trai trẻ đã trải qua một mối tình tuyệt đẹp với một nữ sinh. Và tình yêu đã gắn kết họ vào lúc bình minh. Trong một trận đánh, Igor bị thương tới mức gần như kiệt sức. Anh đành nằm phơi mình trên đường cái, chờ lúc bình minh thức giấc, chờ quân thù đi qua để tiêu diệt và họa may ra mới hoàn thành nhiệm vụ. Chàng Trung úy trẻ chợt nhớ về những kỷ niệm xưa. Nhiều nhất là mối tình với một người, một bạn học, một đồng chí, một điệp viên Hồng quân – Yaninka. Anh bỗng nuối tiếc vì không thể nói ra tình cảm của mình khi chia tay.*** “Gắng Sống Đến Bình Minh” là một truyện vừa đầy sinh động và cảm động về hành động của một sĩ quan trẻ, trong đó thấp thoáng hình bóng của chính tác giả – một sĩ quan trẻ đã tham chiến và chứng kiến các sự việc được kể ra trong truyện. Cùng với truyện “Đài tưởng niệm”, hai truyện “Gắng Sống Đến Bình Minh” và “Đài tưởng niệm” đã đưa tác giả tới bục vinh quang: được tặng giải thưởng cao quý – Giải thưởng văn học Quốc gia Liên Xô (cũ. Như một tiền định, chàng sĩ quan trẻ Ivanôpxki 22 tuổi, mới tốt nghiệp trường sĩ quan ra cầm quân, gặp gỡ một tình yêu bất ngờ với cô học sinh chuyên nghiệp con một họa sĩ. Và tình yêu gắn kết họ vào lúc bình minh. “Ra tới bờ sông, chỗ này hoàn toàn yên tĩnh, chỉ thấy hơi oi bức. Ianinca chạy theo những hòn đá nhăn xuống tận mép nước. – Xuống đi anh, trong lúc bố còn đang ngủ; em sẽ chỉ cho anh xem vườn cảnh của em. Hoa rồng rồng bắt đầu nở đấy. Anh biết hoa rồng rồng không? Nó chỉ toả hương vào lúc bình minh, hương bay ngào ngạt”. Và trước một trận đánh đơn độc chỉ còn một mình trung úy chỉ huy 22 tuổi là anh, anh chờ đợi nổ tung cả bản thân mình. Nhưng muốn làm công việc vĩ đại đó vì lòng dũng cảm hi sinh cho đất nước, anh cần chờ đến bình minh. Vì sao vậy? Anh đã bị thương kiệt quệ sức lực, không còn có thể tiến đánh hoặc nấp chờ giặc lúc đêm tối. Anh đành nằm phơi mình trên đường cái, chờ bình minh thức dậy, lúc đó kẻ địch sẽ đi trên đường và hi vọng tiêu diệt kẻ thù họa may ra mới thực hiện được. “Khoảng thời gian đó băng giá và buốt lạnh cứ thấm dần vào nội tạng, anh cảm thấy rất rõ. Tuy đang ở trong trạng thái mơ mơ tỉnh tỉnh, nhưng anh vẫn tri giác được cái lạnh giá đột nhập vào cơ thể kiệt quệ của anh. Anh cần cố phải sống, chờ đến bình minh”. Tình yêu mở đầu vào lúc bình minh và cố sống – không cho phép mình được chết dù cơ thể đã cạn kiệt – tới bình minh để thực hiện nhiệm vụ cao cả của mình: hi sinh cho tổ quốc vĩ đại. Toàn bộ truyện toát lên khí thế anh hùng của lớp trẻ được rèn luyện và giáo dục, trung thành vì tổ quốc. Đất nước cần và mãi mãi cần những con người anh hùng như thế, như trung úy 22 tuổi Ivanôpxki trong truyện này. Tác giả Vasil Bykaŭ đã từng có nhiều truyện được dịch ra tiếng Việt ở Việt Nam, như các truyện vừa đầy xúc động: Bài ca núi Anpơ, Phát tên lửa thứ ba, Xôtnhicôp… “ Gắng Sống Đến Bình Minh” cũng là một loại truyện đầy bút lực của nhà văn. Tất cả những tình huống đầy kịch tính, hiểm nghèo xảy ra với người chiến sĩ Xô Viết, tưởng chừng có thể đánh quỵ ý chí của họ. Nhưng không, bằng sức mạnh tinh thần, bằng đạo đức chân chính của người chiến sĩ vì tổ quốc – như Ivanôpxki – họ vượt khỏi sự gục ngã, không tuyệt vọng buông xuôi mà cố tìm một con đường, một cách để chiến thắng anh dũng vì tổ quốc. Truyện làm chúng ta thật sự cảm động và tin tưởng vào con người – những con người bắt nguồn từ một nền giáo dục trong sáng, rèn luyện ý chí mạnh mẽ với đạo đức của người anh hùng. “Gắng Sống Đến Bình Minh” luôn mang tới những cảm giác mới cho mọi người chúng ta và vì vậy, truyện luôn luôn là cần thiết và có ích. Cũng cần phải nói tới nghệ thuật xây dựng nhân vật và cách kết cấu tác phẩm giúp ta có cái nhìn đầy đủ, không nhàm chán. Nhà xuất bản xin được giới thiệu “Gắng Sống Đến Bình Minh” từ bản dịch của PGS. TS. Nguyễn Trọng Báu và Thành Châu tới các bạn đọc. Nhà xuất bản Văn Hóa Thông tin *** Bị cóng lạnh vì rét buốt, nhưng dù sao Ivanôpxki vẫn tỉnh lại được, anh nhớ ra ngay: anh đang ở đâu và cần phải làm gì. Mục đích cuối cùng của anh vẫn sống trong anh ngay cả khi anh bất tỉnh, anh chỉ không biết rằng anh đã bị ngất bao lâu và không biết mình có còn khả năng nữa không. Phút đầu tiên tỉnh lại anh lo sợ mình đã bị chậm: trên đường im ắng, không có một tiếng động nào vọng tới. Gió rít từng cơn trên cánh đồng và bỗng một trận gió tuyết thốc tới phủ kín đến tận vai anh, đôi cánh tay tê dại đến nỗi những ngón không sao cử động nổi. Nhưng anh vẫn nhớ phải bò cho được tới đường cái, chỉ đến tận đấy cuộc hành trình của anh mới được coi là kết thúc. Một cuộc giao tranh tuyệt vọng với tuyết lại bắt đầu, Ivanôpxki bò chậm, chỉ mong mỗi phút được một mét, không hơn. Sức đã kiệt lắm rồi, anh không còn tựa được lên bằng khuỷu tay, mạng sườn ngập sâu vào tuyết và sức tựa chủ yếu bằng chân. Anh cũng không hiểu sao chân bị thương lúc này không cảm thấy đau. Nhưng ở ngực tất cả lại như đang bị thiêu đốt, mọi đau đớn bây giờ như tập trung cả ở đây. Anh rất sợ, một lần nữa máu lại ộc ra khỏi họng, đến lúc đó đối với anh, mọi cái sẽ kết thúc, vì thế anh tránh thở sâu, anh không cho phép mình khạc nhổ ra. Anh giữ gìn lá phổi đã bị bắn thủng như giữ một thứ cần nhất, vì những giây phút cuối cùng của đời anh hoàn toàn phụ thuộc vào nó. Thể lực của Ivanôpxki đã giảm sút tới mức quá tồi tệ và anh rất hiểu điều đó. Còn tri giác của anh, giống như một diễn viên đi trên dây, luôn luôn đung đưa giữa cái đang tồn tại và cái mê man bất tỉnh, bát cứ lúc nào cũng sẵn sàng rơi vào cái chết, anh cố sức chịu đựng cái đau đớn quá lớn đang choán hết tâm trí. Anh không cho phép mình bị mê man bất tỉnh chừng nào chưa tới đường.
Nguồn: https://thuviensach.vn