Một người sáng đi ra định bắt tay vào một công việc quan trọng. Ra ngõ gặp gái liền quay về, hôm ấy không đi nữa. Đúng là mê tín. Một người thứ hai cũng ra đi, lỡ chân bước hụt tam cấp suýt ngã. Cho là điềm gở cũng không chịu đi nữa. Một nhà “khoa học” cười là mê tín. Nhưng nếu hỏi Freud ông sẽ bảo người này làm đúng. Vì lỡ chân suýt ngã không phải là điềm gở mà biểu hiện một vướng mắc trong tâm tư, cho biết là người kia chưa thực sự sẵn sàng hào hứng bắt tay vào công việc định làm. Sự kiện “lỡ chân” ấy là biểu hiện của vô thức. Freud không phải người đầu tiên nêu lên khái niệm vô thức nhưng là người đầu tiên bày ra cái “thuật” để thăm dò tìm hiểu vô thức và từ đó để chữa những bệnh rối nhiễu tâm lý. Thuật phân tâm Sigmund Freud (1856 – 1939xuất thân là một bác sĩ sinh ra và lớn lên ở Viên, thủ đô nước Áo vào cuối thế kỷ XIX là một nước lớn ở Tây Âu. Là một bác sĩ xuất sắc, Freud đã tiếp nhận sâu sắc những phương pháp cơ bản của y học Âu châu vào cuối thế kỷ XIX với 2 bộ phận chủ yếu: một bên là lâm sàng kỹ lưỡng rồi vận dụng những phương tiện vật lý học nghiên cứu thể chất con người, tạo nên một nền y khoa sinh học, phát hiện những thực tổn và căn nguyên của các bệnh tật. Mỗi một giả thuyết đều phải được chứng minh thông qua thực nghiệm. Tốt nghiệp y khoa, Freud vào công tác ở một phòng thí nghiệm sinh lý thần kinh và đã có những công trình đáng kể về mặt này. Nhưng theo Freud ghi lại trong hồi ức thì cần phải tìm một nghề có thù lao khá hơn là làm phòng thí nghiệm, nên phải chuyển sang nghề chữa bệnh và ông đã đi vào chuyên khoa các bệnh gọi là thần kinh. Vào thời ấy, mặc dù giải phẫu sinh lý thần kinh và bộ não đã có những thành tựu đáng kể, ngành y vẫn vấp phải một loại hiện tượng tâm lý, dù hết sức tìm tòi cũng không thể nào phát hiện được tổn thương thực thể, bệnh không để lại một dấu tích thể chất nào cả, thật là những bệnh “vô tích sự”. Đặc biệt là một chứng bệnh khá phổ biến, với một loại triệu chứng xuất hiện từng cơn, hiện ra, biến mất, đột xuất không hiểu vì đâu. Cứ như là bệnh nhân đóng kịch vậy, bỗng nhiên liệt chân không đi được, mù không thấy, câm tịt không nói nữa, rồi một lúc nào đó bệnh lại biến mất. Y học gọi đó là hystêri. Các bác sĩ thời ấy, người thì nhún vai bĩu môi bảo là bệnh tưởng tượng, chẳng cần quan tâm đến, người thì cho rằng thế nào rồi vật lý học tiến lên sẽ tìm ra tổn thương ở hệ thần kinh, nhất là ở não, người thì cho rằng phải tìm nguyên nhân không phải trong thể chất mà trong cái “tâm”. Nhưng lý luận thế nào thì chưa rõ, bệnh nhân và gia đình vẫn đòi hỏi được chăm chữa. Bắt đầu, Freud dùng phương pháp thôi miên được thông dụng thời ấy. Kết quả nhiều khi ngoạn mục, có những bệnh nhân bại liệt hàng tháng, mù câm, đau bụng, đau đầu, nhức xương kinh niên, sau thôi miên “thầy” chỉ cần bảo: đứng dậy mà đi, nói đi, bệnh của anh hết rồi, là lành bệnh. Freud và ông bạn chí thân là Bruer vận dụng thôi miên bắt đầu nổi tiếng. Nhưng dần thấy rõ kết quả thôi miên không được lâu dài và sau một thời gian, hết chứng này lại xuất hiện những hiện tượng khó hiểu. Trong bệnh hystêri có những ca bệnh nhân tưởng tượng là mình có thai, bụng phình lên và tâm tư thay đổi đúng như một người thai nghén. Một hôm, một phụ nữ xinh đẹp xông vào phòng khám của bác sĩ Breuer bảo: tôi sắp sinh con của ông đấy. Breuer hoảng hốt vì đã có có vợ con, phải bỏ trốn khỏi thành phố Viên mấy tuần sau đó, bỏ luôn cả nghề chữa bệnh thần kinh. Freud vẫn tiếp tục, rồi phát hiện ra là những người hystêri như vậy có những nét tâm lý đặc biệt và khác với người bình thường, có những hành vi, những lời nói hình như bị ai xui khiến không làm chủ được. Bình thường trong cuộc sống hàng ngày, phải đối phó với thế giới vật chất và phản ứng của những người khác trong một nền văn hóa xã hội nhất định, cho nên mọi hành vi đều phải có ý thức để thích nghi với thực tế. Làm việc gì thường có ý định, có ý nghĩa, tức là phù hợp với hoàn cảnh thực tế, có lý lẽ phù hợp với lý lẽ thông thường của xã hội. Nhưng cũng có biết bao hành vi vô lý, vô nghĩa, làm như con người bị “ma quỷ” nào thúc ép hay cấm đoán. Điển hình nhất là những giấc mộng diễn ra bất kể thời gian, không gian nào với những câu chuyện vô lý nhất. Freud dần dần nhận ra những triệu chứng của nhiều bệnh nhân, cùng với giấc mộng, những hành vi lỡ tay, lỡ lời đều là những hiện tượng rất gần gũi nhau và phỏng đoán từ những hiện tượng này đều có đường dẫn đến những cấu trúc và cơ chế của vô thức. Muốn hiểu phân tâm học, bước đầu tiên là phải hiểu cái thuật phân tâm là phương pháp cơ bản để nhìn vào vô thức và chữa trị bệnh nhân. Và muốn phê phán phân tâm học không thể bắt nguồn từ triết lý, từ hệ tư tưởng mà từ sự đối chiếu kết quả chẩn đoán và chữa trị các rối nhiễu tâm lý. Luận thuyết phân tâm học Với cái vốn học vấn đồ sộ của bản thân, Freud không thể bằng lòng với kinh nghiệm chữa bệnh thuần túy. Từ những kinh nghiệm cụ thể, Freud đã kiến tạo ra một hệ thống những khái niệm cơ bản để lý giải những phức tạp của tâm lý học. Hệ thống ấy gọi là métapsychologie, có người dịch là siêu tâm lý học. Thực chất đây không có gì là siêu nhiên cả, đây là một luận thuyết trong nhiều luận thuyết khác của tâm lý học. Bài tựa này không đi sâu vào những khái niệm sẽ được trình bày trong sách, chỉ nêu lên ý nghĩa của một vài từ. Luận thuyết Freud mang tính thứ nhất là topique. Topos là vị trí, khu trú, có ý xem cái tâm của con người được chia ra thành những khu riêng biệt với nhân cách con người có những ngôi riêng biệt với những vị trí riêng biệt. Luận điểm cơ bản thứ hai mang tên là dynamique, có ý nói là mọi hành vi hiện tượng tâm lý đều phải có một nguồn năng lượng mới thể hiện ra được và cái tâm thường xuyên ở vào tình trạng động với một xu thế chuyển động nhất định. Luận điểm thứ ba ông gọi là économique tức kinh tế, ở đây phải hiểu theo nghĩa là nguồn năng lượng nói trên được phân phối như thế nào, đầu tư vào đâu. Cái lực thúc đẩy tâm lý học thường gọi là bản năng (instinctvà nhận ra hai bản năng cơ bản: bản năng bảo vệ sự tồn tại của cá thể và bản năng bảo đảm sự tái sinh sản nòi giống. Lúc đầu Freud cũng chấp nhận hai bản năng này, nhưng sau nhiều năm tiếp xúc với thực tiễn và nghiền ngẫm, ông đã đi đến kết luận là có hai bản năng (ông gọi là xung năng – tiếng Pháp: pulsion – tiếng Anh: drive – tiếng Đức: Triebe: một là Eros vừa là tính dục vừa là xung năng sống, hai là Thanatos tức là xung năng chết. Ông cho rằng sinh ra là ngay từ đầu con người đã mang trong mình bản chất cái chết, chứ không phải trong con người chỉ có bản năng tự bảo tồn để sống mãi. Luận thuyết này đã gây ra những tranh cãi hết sức sôi nổi, đến nay vẫn chưa ngã ngũ. Một điều đáng chú ý là Freud từ những hiện tượng bệnh lý của người lớn đã vạch ra cả một quá trình phát triển tâm lý suốt thời bé và nhấn mạnh những gì đã xảy ra vào thời tấm bé có ảnh hưởng quyết định đến cả cuộc đời của một con người. Freud chỉ quan sát con của ông một vài lần và chỉ nghiên cứu một ca bệnh trẻ em, thế mà những khái niệm và luận điểm ông nêu lên về sự phát triển tâm lý ở tuổi bé phần lớn sau này được những học giả chuyên về trẻ em công nhận là đúng. Ngày nay, giở bất kỳ một quyển sách khoa tâm lý nào, của bất kỳ nước nào (quyển Tâm lý học Trung Quốc chúng tôi mới nhận được năm 1996cũng thấy trình bày những khái niệm Freud đã đưa ra. Học tập nghiên cứu tâm lý, nhất là tâm lý trẻ em không thể không biết đến phân tâm học.
Nguồn: https://thuviensach.vn