Dựa lưng nỗi chết là nhan đề một trường thiên tiểu thuyết do tác giả Phan Nhật Nam xuất bản tại Sài Gòn năm 1973. Đây là thiên truyện thứ nhì sau Ải trần gian (1970, vẫn lấy đề tài quen thuộc với tác giả là chiến tranh. Tác phẩm gồm 7 chương và một đoạn kết nằm ngoài cấu trúc chung, những lần tái bản ở hải ngoại về sau còn thêm bài tựa của bạn văn Đào Vũ Anh Hùng. Ở thời điểm Dựa lưng nỗi chết vừa công bố, tác giả Phan Nhật Nam đã được đánh giá là một trong những cây bút thượng hạng trong giới văn chương về đề tài chiến tranh. Vì trước hết trong khoảng 10 năm ông đã đi hết những chiến trường khốc liệt nhất Việt Nam với tư cách người lính, sau rốt, ông cũng là một cây bút có “chân tài” (chữ của Đào Vũ Anh Hùng. Trong tác phẩm này, quê hương Thừa Thiên hiện lên vừa bi tráng vừa khắc khoải, cũng là văn phẩm hiếm mà tác giả Phan Nhật Nam đề cập đến tình cảm lứa đôi. Không khí trong truyện là cuộc Chiến tranh Việt Nam đang đà khốc liệt, thế giới trong truyện là thế giới của đàn ông: Người lính, người trí thức trong cơn lửa loạn, người thanh niên bất mãn, nhà tu hành. Cái chết bi thảm của những người bị hệ tư tưởng chia rẽ đưa đến những dấu hỏi về khái niệm thuận nghịch và anh hùng. Rồi trong cảnh chiến tranh tương tàn, đâu là chỗ đứng của một nhà chân tu. Truyện của Phan Nhật Nam được dựng lên trong một không gian gắn thiết thân với tâm trạng của mỗi nhân vật. Sau cùng, thế giới cảm tính của tác giả dần được biểu lộ. Đào Vũ Anh Hùng (Tựa: “Lần cuối cùng, tôi gặp Phan Nhật Nam, vào một sáng Chủ Nhật, đâu khoảng hơn tháng trước ngày miền Nam rơi vào tay cộng sản. Nam đang đứng nói chuyện với nhà văn Vũ Bằng và nhà văn Mặc Thu trên lề đường trước nhà ông Chu Tử và vợ chồng Đằng Giao, 104 đường Công Lý. Thấy Nam trẻ trung tươi sáng trong bộ quân phục Nhảy Dù vải kaki vàng thẳng cứng nếp hồ với đầy đủ lon lá, huy chương và sợi giây Bảo Quốc rực rỡ, tôi thoáng ngạc nhiên vì lần gặp gỡ trước Nam đã nói với tôi rằng vừa giải ngũ. Tôi hỏi đùa: “Bạn tôi quân cách rềnh ràng đi lãnh thưởng?”. Tôi có ý trêu Nam về số tiền một triệu ông Chu Tử đề nghị báo Sóng Thần tặng Nam về tác phẩm Tù Binh Và Hòa Bình để bỉ thử giải Văn học Nghệ thuật bần tiện của [Nguyễn Văn] Thiệu. Nam cười lớn: “Cái giải thưởng của bố già cậu sài mẹ nó hết rồi, có cụ Vũ Bằng biết đấy”. Rồi Nam tự giải thích khi thấy tôi hóm hỉnh nhìn Nam với bộ quân phục: “Cậu Nam giải ngũ nhưng cậu Nam vẫn là lính Nhảy Dù hợp lệ. Nhưng mà giải ngũ rồi chán quá mi ơi, buồn cóc biết làm gì và thèm mặc lại quân phục”. Xong Nam dịu giọng nói như than thở: “Có lẽ tao lại phải làm đơn xin tái ngũ, giải ngũ mà tao có cảm tưởng xấu hổ như một thằng đào ngũ”. Tôi có chuyện cần, vội gặp ông Chu Tử nên không nán lại góp chuyện với ba người và tìm hiểu chuyện Nam giải ngũ là đùa hay thật. Tôi chào và leo lên gác. Lúc trở xuống thì Nam đã không còn đấy nữa, và đó là lần cuối cùng tôi gặp Phan Nhật Nam, cho đến ngày di tản và cho đến bây giờ là sáu năm chia biệt”.