Du Ký Việt Nam là một tuyển tập gồm 3 tập giới thiệu những bài du ký in trên tạp chí Nam Phong (1917-1934), giới thiệu những cuộc hành trình đi qua các vùng đất ở Việt Nam và một vài nơi ở nước ngoài vào đầu thế kỷ, khi mà các phương tiện giao thông còn thô sơ, việc đi lại còn rất hạn chế và khó khăn. Từng địa danh nổi tiếng trên bản đồ đất nước, từng cảnh đẹp và di tích lịch sử hiện dần lên trước mắt người lữ hành. Đây là hồ Ba Bể và núi Dục Thúy, kia là Chùa Thầy cùng với Chùa Hương… Một chuyến Ai Lao hành trình hay một lần Pháp du cũng là dịp để mở rộng tầm nhìn ra thế giới…
Qua tập du ký, người đọc có thể hình dung một phần cuộc sống và sinh hoạt của dân ta ở mọi miền đất nước đầu thế kỷ, thấm được cái tình của cha ông ta đối với non sông gấm vóc, cùng niềm tự hào về đất nước quê hương.
Đầu thế kỷ XX, trước “làn gió” hiện đại của phương Tây, văn học Việt Nam chịu ảnh hưởng và tiếp thu nhiều nét mới: cùng với Thơ mới, tiểu thuyết, truyện ngắn, phóng sự, kịch… các tác phẩm tùy bút, du ký… phát triển khá nhiều. Trên Nam Phong tạp chí, tờ báo chuyên về học thuật, uy tín của học giả Phạm Quỳnh đã xuất hiện đều đặn, thường xuyên mục Du ký. Mục này nhận được sự cộng tác thường xuyên của nhiều cây bút từ Bắc vào Nam.
Trên Nam Phong tạp chí, độc giả được thưởng thức những bài du ký về thắng cảnh của một địa phương, mang tính chất địa lý, lịch sử như Bài ký phong thổ tỉnh Tuyên Quang của Nguyễn Văn Bân, loạt bài viết về phong cảnh Hà Tiên của Đông Hồ, Mộng Tuyết… Hay các bài viết về những chuyến đi vượt ra khỏi biên giới Việt Nam lúc bấy giờ như Pháp du hành trình nhật ký của Phạm Quỳnh, ghi chép những điều tai nghe mắt thấy trong chuyến đi Pháp 6 tháng, Hạn mạn du ký của Nguyễn Bá Trác lấy bối cảnh Thái Lan (Siam), Nhật Bản, Trung Quốc. Ai Lao hành trình của Trần Quang Huyến thì miêu tả một chặng đường dài từ Hà Nội lên Hải Phòng, đi tàu thủy vào Sài Gòn, sang Campuchia, lên Lào… Các bài viết như thế đều mang đậm yếu tố lịch sử, xã hội.
Việt Nam giai đoạn này là một xã hội thuộc địa, nửa thực dân, nửa phong kiến, với việc phân chia đất nước thành ba miền, chia để trị, chế độ kiểm duyệt khắt khe. Chính vì vậy, việc đây đó qua các bài viết đăng trên Nam Phong tạp chí có những dòng ca ngợi Nam triều, ca ngợi nước Pháp và người Pháp như là những người có công bảo hộ, khai phá văn minh… là điều dễ hiểu. NXB Trẻ cho biết, tôn trọng những yếu tố chân thực của bối cảnh lịch sử, những người thực hiện bộ sách quyết định vẫn giữ nguyên không lược bỏ những đoạn viết như thế.
Bởi vì, chính Phạm Quỳnh, ông chủ bút của Nam Phong tạp chí cũng đã thể hiện tình cảm thiết tha, mặn nồng với quê hương đất nước qua ngòi bút: “Huống chi tuy khác xứ mà cũng đất nước nhà, tuy người lạ mà cùng là anh em, thời càng quen biết lại càng đậm đà cái tình máu mủ, càng đằm thắm cái nghĩa quê hương” (trích Một tháng ở Nam Kỳ).
Anh Vân
***
Với biết bao điều thú vị được thấy, được nghe, được biết, ba tập sách gần 2.000 trang in lại 62 tác phẩm được coi là du ký đã đăng trên tạp chí Nam Phong trong vòng 17 năm (1917-1934) là cả một kho tư liệu quí giá.
Lịch sử địa dư văn hóa phong tục của nhiều vùng miền khắp đất nước VN, ra cả những xứ sở lân bang 30 năm đầu thế kỷ 20, được ghi lại, được diễn tả, được trình bày từ chính mắt thấy tai nghe của những nhà văn, nhà báo, nhà khảo cứu, cả đến những người dân thường, thích đi đây đi đó, thích khám phá tìm hiểu, thích đem những cái mình biết từ phương xa về kể lại cho đồng bào mình cùng biết.
Nhờ thể tài du ký, tuy mới du nhập vào văn chương báo chí VN, nhưng đã được những người có lòng với đất nước sử dụng nên người đọc hồi đó và cả bây giờ có thể “ngồi một chỗ thấy ngoài muôn dặm”.
Đọc sách này để theo chân Phạm Quỳnh lang thang “mười ngày ở Huế”, sống “một tháng ở Nam Kỳ” rồi nghe ông “thuật chuyện du lịch ở Paris”; để được Nguyễn Bá Trác đưa đến Hương Cảng, Nhật Bản, Trung Quốc; để cùng Nguyễn Mạnh Hồng “thưởng ca ở làng Tả Thanh Oai”; để đi với Đông Hồ “thăm đảo Phú Quốc”; để theo Nguyễn Trọng Thuật “nam du đến Ngũ Hành Sơn”…
Đọc để hiểu biết, có thêm thông tin, tri thức là một lẽ. Đọc những tác phẩm du ký này còn để hiểu thêm nghĩ suy, cảm xúc của những con người đứng ở buổi đầu nền văn hóa văn học hiện đại, muốn truyền tải và gửi gắm đến quốc dân trong một nước đang tìm cách thoát lạc hậu đến văn minh. Văn du ký ở đây tả thì tả kỹ, cảm thì cảm mạnh, nghĩ thì nghĩ sâu.
Họ, những người viết du ký, có lẽ đều có chung một niềm cảm khái như Phạm Quỳnh khi đi đến một miền xa trở về: “Từ khi tôi về đến nay, các ngài quen biết nhiều ông có bụng yêu ân cần hỏi: “Chuyến này đi Tây về có được gì không?”. Tôi hỏi: “Được gì?”. “Được bội tinh, được thăng thưởng chớ gì!”. Nghe câu hỏi mà tôi riêng lấy làm thẹn… Không! Chuyến này đi Tây tôi cũng có cái sở đắc, nhưng không phải sở đắc như thế, sở đắc được một điều: là được sáng mắt thêm ra, biết cái chân tình thế trong thiên hạ, biết cái chân giá trị của người ta, biết cái gì là cao, cái gì là sang, cái gì là trọng, cái gì là quí… Không, chuyến này đi Tây tôi cũng có cái sở đắc, nhưng sở đắc là được sáng mắt ra như thế, chớ không phải sở đắc cái hư vinh gì để huyễn diệu bà con”. Những lời này viết ra từ 85 năm trước còn cập thời đến nay biết bao!
Phó giáo sư, tiến sĩ văn học Nguyễn Hữu Sơn, người biên soạn và giới thiệu bộ sách du ký trên Nam Phong này là người cẩn trọng và nghiêm túc về mặt tư liệu và khảo cứu. Bài giới thiệu của anh vừa đủ thông tin để người đọc biết được khái lược sự hình thành và phổ biến của thể tài du ký VN từ trung đại đến hiện đại. Anh đã tạm phân định các tác phẩm du ký in trên Nam Phong thành mấy dòng sau: dòng quan phương, sự vụ; dòng viễn du; dòng khảo cứu một địa điểm cụ thể; dòng khảo sát một vùng văn hóa; dòng nghệ thuật.
Chỉ riêng một đề mục “du ký” này thôi đã phần nào cho thấy nội dung và đóng góp to lớn của tạp chí Nam Phong cho nền văn hóa văn học hiện đại nước nhà buổi mới sơ khai. Bước đầu đây là những gợi ý cần thiết cho giới nghiên cứu, cũng như là những chỉ dẫn bổ ích cho độc giả. Công phu này của người biên soạn đã được NXB Trẻ đáp lại bằng một bộ sách in đẹp, trang nhã, bề thế, rất xứng với các giá trị nó mang chứa trong mình.
Mong sao tên gọi Du ký Việt Nam là tên chung của cả một loạt sách rồi đây sẽ còn có tiếp những cuốn, những bộ khác nữa sưu tập các tác phẩm du ký trên các tạp chí lâu năm (như tờ Bách Khoa ở Sài Gòn trước 1975), trên các sách báo Việt ngữ suốt một thế kỷ qua. Làm được thế vừa là thỏa mãn khát khao đọc và đi của độc giả, vừa là lập thành một kho tư liệu quí cho các ngành văn hóa, xã hội khai thác, sử dụng.
PHẠM XUÂN NGUYÊN
***
Xem những thước phim tài liệu xưa, khán giả dễ có cảm giác bồi hồi về quá khứ, cảm tưởng như mình đang sống trong một khoảng thời gian đã qua của lịch sử. Đọc các bài viết trong bộ sách 3 cuốn Du ký Việt Nam do NXB Trẻ xuất bản tháng 3-2007, bạn đọc cũng sẽ có một cảm giác tương tự.
Du ký là một thể loại văn học dựa trên sự ghi chép của bản thân tác giả khi có dịp đi xa hay tiếp xúc với những điều kỳ thú. Hình thức của du ký cũng rất đa dạng, có thể là ghi chép, ký sự, nhật ký, thư tín, hồi tưởng… Và cũng chính vì sự đa dạng trong hình thức và nội dung đã đem lại sự đa dạng cho bộ sách Du ký Việt Nam.
Không ngoa khi nói rằng bộ sách Du ký Việt Nam như một cỗ máy thời gian đưa người đọc về với những thập niên đầu thế kỷ 20. Khác với những tác phẩm văn học thường tập trung vào một góc độ của cuộc sống, bộ sách Du ký lại mở rộng ra rất nhiều nội dung. Để thuận tiện cho người đọc, PGS-TS Nguyễn Hữu Sơn, người sưu tầm và giới thiệu các tác phẩm, đã tạm chia những bài du ký trong bộ sách thành 4 loại: Du ký mang tính quan phương, sự vụ, công vụ do các trí thức, ký giả, công chức ghi lại trên con đường công tác của họ.
Dòng du ký viễn du do những người đi đến các quốc gia xa xôi ghi lại, trong điều kiện giao thông còn hạn chế; những bài du ký này thực sự là cách tốt nhất để người đọc biết thêm về những chân trời mới. Lại có loại du ký mang tính khảo cứu doanh nhân lịch sử, truyền thuyết và sự tích của một địa danh hay cả một vùng văn hóa lớn. Cuối cùng là những bài du ký mang đậm tính nghệ thuật do người viết ghi lại những cảm nhận của mình về một cảnh đẹp, một hình ảnh cuộc sống đời thường hay một lễ hội, đình đám.
Cũng giống như những bộ phim tư liệu xưa gây ấn tượng bằng nội dung với những hình ảnh đen trắng xưa thì những bài du ký trong Du ký Việt Nam tạo cảm giác của một thời xa xưa thông qua cách hành văn quốc ngữ đầu thế kỷ. Những lối hành văn không chỉ lạ với người đọc hôm nay mà còn phản ánh cả vai trò, nghề nghiệp của người viết một cách khá rõ ràng. Cùng Các phái viên Nam Kỳ của Thượng Chi, Pháp du hành trình nhật ký của Phạm Quỳnh, Ngự giá Nam tuần hành trình ký của Song Cử… mang đậm nét ghi chép của quan chức khi quan tâm đến cả những vấn đề quân sự, diễn biến chính trị những vùng đất tác giả đi qua, là những bài ký mang đậm tính thưởng ngoạn, lãng mạn của các văn nhân.
Ở đây cũng phải nhìn nhận rằng nhiều bài ký do các quan chức, nhân viên công sở Pháp viết, đăng trên một tờ báo chính thức thời Pháp thuộc nên không thể tránh khỏi những tư tưởng thân Pháp, nghiêng về chính quyền thực dân. Tuy nhiên, nếu để qua một bên những vấn đề chính trị đó, người đọc vẫn có thể thấy rõ một tình cảm yêu quê hương đất nước của các tác giả.
Cùng với sự phát triển của kỹ thuật thông tin, giao thông, những chân trời mới lạ ngày nào đã trở nên quen thuộc, các bài du ký mất dần vẻ mới lạ của nó, đề tài du ký dần dần cũng bị quên lãng. Chính vì thế, khi đọc lại Du ký Việt Nam của các tác giả cách đây gần 100 năm, người đọc mới giật mình khi không chỉ nhìn thấy lại những cảnh đẹp, cuộc sống xã hội ngày xưa của quê hương, mà còn thấy bồi hồi nhớ lại một dòng văn học đầy thú vị mang đậm những dấu ấn cá nhân, vừa có giá trị văn học vừa mang tính tư liệu đầy hấp dẫn.
Mời các bạn đón đọc Du Ký Việt Nam Tập 1 của tác giả Nguyễn Hữu Sơn.