Đong tấm lòng là tập tản văn mới của Nguyễn Ngọc Tư, với những trang viết dung dị và nhiều ý nghĩa như Mua đi bán lại một đám đông; Chỗ nào cũng nắng; Cúi xuống che chung; Cách nào cũng nhớ; Giữa người với người; Gọi tên nỗi sợ… Vẫn là cách viết quen thuộc đã làm nên một tên tuổi Nguyễn Ngọc Tư: qua những chuyện bình thường hàng ngày để khái quát về thân phận con người, những chiêm nghiệm về cuộc đời… rất giản dị mà sâu lắng. Là một tập sách đáng đọc trong những ngày đầu năm để ta có thể “lập trình” bản thân cho một năm mới nhiều ý nghĩa hơn. Đặc biệt, tập sách có các bức ký họa do chính tác giả Nguyễn Ngọc Tư thể hiện.*** Nguyễn Ngọc Tư viết nhiều, đến mức người đọc luôn có cảm giác chị ăn ngủ trong không khí văn chương. Dường như mọi con đường chị đi qua, sẽ có lúc nào đó hiện lên trong văn chị, mọi con người chị gặp sẽ có một ngày bước vào truyện của chị. Kiểu như nhân vật Mười – người đàn bà không chịu tự mình tỏa sáng mà cứ phải lệ thuộc vào tình yêu của Cao Bồi. Nhân vật nữ mà kiểu gì tác giả cũng sẽ bị càm ràm, cho dù người viết có chục lần dự định cho chị tách khỏi tình yêu của đời mình, cũng sẽ chục lần không thực hiện được, bởi vì Mười sẽ không làm như thế. Và chỉ cần đôi chữ bóng gió viết rằng Mười đã mỏi mòn, nhân vật cũng sẽ lập tức phản ứng, tỉnh rụi bảo: “Đâu có”. “Tui không nghĩ nhân vật của tui có bóng dáng của tui, mà rất nhiều người hơi biết tui một chút đều nói văn tui với người… trớt quớt” – Nguyễn Ngọc Tư tự sự. Chị cho biết: “Văn của tui hoàn toàn chẳng có trải nghiệm gì của cá nhân mình trong đó, chẳng hạn như khi viết về cảm giác lòng tự trọng bị thương tổn của một người đàn ông phải chịu nhục trước bạn gái mình, tui hình dung ra thôi”. *** Năm trước đưa thằng nhỏ đầu lòng thẳng vô lớp một chỉ tốn chai rượu tây xách tay, năm nay nhà trường nhận chuẩn quốc gia nên phải lót đường năm triệu cho con nhỏ em qua cổng. Nói gì xa, góp tiền cúng đình cũng phải tăng gấp đôi coi mới được. Thằng em học đại học Mỹ thuật xong, giờ ngồi vẽ bảng hiệu, bởi vì bán chữ nhiều tiền hơn, ai cũng muốn treo mấy chữ Tài Lộc trong nhà. Đá Đỏ bị đem bán cho tư nhân làm du lịch, họ sẽ san núi bạt rừng trồng mấy con rồng xi măng lên, sơn màu hàng mã cho coi. Vườn chùa ngoại thành đang bán mấy chỗ nằm đẹp, nhà có người già nên mua để sẵn, sau này biết đâu không còn đất. Những câu chuyện bán mua rời rạc này chúng ta vẫn thường nhặt nhạnh từ buổi ăn vặt, cuộc cà phê hay trong lúc chờ xe rời bến. Cái giọng điệu của người góp chuyện cũng bình thản như cảm giác của người nghe. Dù hàng hóa trong những cuộc mua đi bán lại đó không phải mấy món thông dụng kiểu như gạo, rau, hay nắm xôi, cái áo. Bất cứ gì cũng là hàng hóa, lạ chi. Sống trong tâm thế của một kẻ đi chợ, và cả nước là một cái chợ khổng lồ, hàng họ đa dạng đến mức mua gì cũng có, kể cả mua thần bán thánh, chức tước, trinh tiết, nội tạng người… chúng ta bớt bỡ ngỡ đi. Giống như câu mà trẻ con hay đùa, “trước còn mắc cỡ giờ đỡ nhiều rồi”. Người ta có thể mua dặm dài bờ biển để làm khu nghỉ dưỡng, mua một vùng đất để khai khoáng, mua cả dòng sông làm thủy điện, thậm chí biết đâu còn mua lại được mạng sống từ cái án tử hình. Dừng lại vài phút ở chương trình tiêu dùng chán ngắt của truyền hình tỉnh lẻ, thấy được lý do vì sao nó chán ngắt. Người xem bây giờ đâu chỉ quan tâm tới giá vàng thế giới, và mặt hàng thiết yếu đâu chỉ gạo với xăng. Họ rất muốn biết giá của bằng tiến sĩ, vị trí kế toán của một sở cấp tỉnh hay phó phòng cấp huyện, để mà nuôi nấng những giấc mơ, thứ giấc mơ chỉ cần đủ tiền sẽ thành sự thật. Sống chết cùng cái chợ hình chữ S này, ít nhiều chúng ta cũng thắc mắc giá thành thật sự của một công trình xây dựng trụ sở sau những rơi rụng, cuộc mặc cả nhập nhoạng trên đường về thành phố của một cô giáo vùng sâu, hay cánh cửa phía sau của cuộc đề bạt cán bộ.