“Đố tục giảng thanh và giai thoại chữ nghĩa” ra mắt lần đầu tiên đã phát hành trên một vạn bản. Sự hấp dẫn và lôi cuốn của cuốn sách trước hết là nội dung của nó và sau nữa là lỗi viết uyển chuyển, dẫn dắt vấn đề và những sưu tầm dị bản, những chú giải có tính nghiên cứu, gợi mở khiến người đọc thích thú như được cung cấp nhiều tri thức mới.
Cũng có thể xem “Đố tục giảng thanh và giai thoại chữ nghĩa” thuộc văn học dân gian bởi các câu hát đối đáp, các câu đối, câu đố, lối chơi chữ, giai thoại về chữ nghĩa nhuốm màu sắc dân dã. Song trên thực tế, phần lớn các câu đối, các giai thoại… đều do các bậc trí thức lớn, các quan chức, các nhà Nho học có tiếng làm ra, và ngay cả các câu đối hiện đại cũng hẳn phải do lớp người mới có học thức viết nên. Cái thú khi đọc “Đố tục giảng thanh và giai thoại chữ nghĩa” là, qua các lời hát đối – đáp, các truyện kể tục- thanh, các câu đố…, ta nhận ra các lễ hội dân gian vui vẻ và hồn hậu ở làng quê, ta có dịp trở lại với cội nguồn, với thôn xóm.
Lần xuất bản “Đố tục giảng thanh và giai thoại chữ nghĩa” này, PGS. TS Nguyễn Trọng Báu đã bổ sung, sửa chữa nhiều, nhất là các chú giải về các dị bản, gợi ý để bạn đọc tham khảo. Việc sử dụng lối chơi chữ trong các câu đối, câu đố và giai thoại về chữ nghĩa được phân tích với cách viết đơn giản, dễ hiểu. Người ta thường nghĩ chủ yếu lối chơi chữ chỉ có trong tiếng Hán Việt, thật bất ngờ là có những lối chơi chữ dân gian thuần Việt và lối chơi chữ kiểu chữ quốc ngữ hiện đại.
Nhà xuất bản Văn hóa – Thông tin trân trọng giới thiệu “Đố tục giảng thanh và giai thoại chữ nghĩa” cùng bạn đọc và mong muốn sự góp ý kiến để cho sách lần tái bản sau được tốt hơn.