Đô thị hóa là quá trình tất yếu đối với các quốc gia chậm phát triển khi bước vào công nghiệp hóa. Đô thị hoá có tác động tích cực to lớn, sâu sắc tới mọi mặt đời sống kinh tế – xã hội của mỗi quốc gia, trong đó có khu vực nông nghiệp nông thôn, như thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng trường, tạo việc làm và thu nhập, cải thiện việc cung cấp và thụ hưởng các dịch vụ xã hội – đô thị, nâng cao đời sống cho người dân.
Tuy nhiên, trong quá trình đô thị hóa, bên cạnh mặt tích cực cũng đang nảy sinh những tác động tiêu cực, thiếu bền vững tới khu vực nông nghiệp, nông thôn. Trong bối cảnh toàn cầu hóa mạnh mẽ, các nước đang phát triển như Việt Nam muốn nhanh chóng rút ngắn khoảng cách so với thế giới, đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa nhưng trình độ quản lý chưa theo kịp nên đã và đang bộc lộ nhiều bất cập, dẫn đến những hậu quả và các “hệ lụy” không mong muốn như: gây xáo trộn và bất ổn xã hội; gia tăng thất nghiệp và nghèo đói ở nông thôn; người nông dân mất đất canh tác không còn kế sinh nhai, bất đắc dĩ phải di cư ra thành phố nhập vào đội quân thất nghiệp tìm kiếm việc làm.
Đô thị hóa cũng làm biến đổi nhanh chóng cơ cấu ngành nghề ở nông thôn, một số ngành nghề gắn với sản xuất nông nghiệp truyền thống bị thu hẹp. Các hoạt động ngành nghề – dịch vụ và chỗ làm việc mới tạo ra tại địa phương vẫn không đủ bù đắp được số việc làm bị mất, ngoại trừ một số địa phương có các ngành nghề truyền thống được khơi dậy, đánh thức. Hơn nữa, không phải ai cũng có điều kiện và khả năng chuyển đổi nghề (khả năng học và thực hành thành thạo một nghề mới ngoài nông nghiệp), nhất là với những người nông dân “quanh năm chân lấm tay bùn, cày sâu cuốc bẫm”, hay đối với những người lớn tuổi thì cơ hội chuyển đổi nghề và đảm bảo cuộc sống càng khó khăn. Vấn đề còn trở nên gay gắt hơn nếu chúng ta để ý đến con số thống kê về lao động và việc làm trong hơn 10 năm qua ở Việt Nam: số lượng lao động từ 15 tuổi trở lên làm việc tại khu vực nông thôn hằng năm vẫn tăng khả đều đặn. Đô thị hóa đang đem lại nguy cơ làm cho đông đảo hộ nông dân thiếu việc làm, thu nhập thấp và suy giảm dần.
Thực tế thời gian qua cho thấy, không phải tất cả lao dộng dư thừa do mất đất nông nghiệp đều có việc làm mới. Một bộ phận rất lớn nông dân mất đất phải tìm việc làm một cách tự phát, không ổn định, với nhiều nghề kiếm sống. Trong đó, phổ biến là di cư ra thành phố, vào các khu công nghiệp, khu đô thị để làm thuê bằng đủ các loại nghề với tiền công rẻ mạt, hoặc tìm việc làm tại các chợ lao động vùng ven. Tập trung nhiều nhất là ở các thành phố lớn, các đô thị mới trong vùng và cả nước. Mỗi năm, cả nước có cả chục triệu lao động thời vụ nhập cư vào các thành phố hoặc có đăng ký hoặc không có đăng ký chính thức. Người nông
dân vốn quen với công việc đồng áng, giờ đây bất đắc dĩ phải làm quen với môi trường xã hội và với đủ loại công việc mới mẻ ở đô thị. Các hiện tượng trên có thể gọi là “đô thị hóa cưỡng bức”, đang gây ra những “hệ lụy kép” nghiêm trọng với cả thành thị và nông thôn.
Từ những thành công và thất bại của quá trình đô thị hóa của các nước, Quỹ dân số Liên hợp quốc (UNFPA) khuyến cáo không thể để quá trình đô thị tự phát như vết dầu loang mà cần có tầm nhìn dài để đảm bảo phát triển, giảm đói nghèo, tôn trọng quyền con người và quyền của người nghèo sống ở thành thị.
Trong cuốn sách Tác động của đô thị hóa đối với lao động, việc làm ở nông thôn ngoại thành Hà Nội, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hải Vân đã dụng công đề cập đến những vấn đề trên thông qua việc lấy thủ đô Hà Nội làm địa bàn nghiên cứu.
Thủ đô Hà Nội, nơi đất chật người đông, các tác động tiêu cực của quá trình đô thị hóa tới lao động, việc làm của người dân càng bức xúc hơn bao giờ hết. Đặc biệt, đối với Hà Nội sau khi mở rộng địa giới hành chính, diện tích tăng lên gấp 3,5 lần và dân số tăng lên gấp 2 lần, với 3.344,7km² và 6,350 triệu người. Khu vực nông nghiệp, nông thôn còn chiếm tỷ trọng lớn, 59% dân số (3,816 triệu người – năm 2009) và xấp xi 50% lực lượng lao động trên địa bàn. Yêu cầu Hà Nội phải hoàn thành công nghiệp hóa – hiện đại hóa về trước cả nước vào trước năm 2020 khiến cho các vấn đề đô thị hóa, lao động việc làm trên địa bàn nói chung cũng như của khu vực nông thôn ngoại thành càng trở nên bức xúc.
Người đọc có thể tìm thấy ở cuốn sách này những đánh giá và dự báo để đưa ra giải pháp xử lý căn cơ và bền vững cho những vấn đề trên nhằm hoàn thiện mô hình công nghiệp hóa và đô thị hóa thủ đô Hà Nội theo hướng kết hợp hài hòa giữa đô thị hóa và tam nông, gắn kết công nghiệp – dịch vụ với phát triển nông nghiệp ven đô theo hướng sinh thái bền vững. Đây cũng có thể xem như những khuyến nghị chính sách phát triển đô thị chung của cả nước.
TS. Chử Văn Lâm
Hội Khoa học kinh tế Việt Nam
Nguồn: https://www.thuvienpdf.com