Định Mệnh Chiến Tranh PDF EPUB

Định Mệnh Chiến Tranh PDF EPUB

Tác giả:
Thể Loại: Lịch Sử - Chính Trị
Nguồn: https://ebookvie.com
EPUB

Cuốn sách “Định Mệnh Chiến Tranh” của Graham Allison là một tác phẩm đầy sức ảnh hưởng và đầy ý nghĩa trong việc phân tích và đánh giá tình hình quốc tế, đặc biệt là trong mối quan hệ căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc. Graham Allison đã thành công trong việc áp dụng khái niệm “Bẫy Thucydides” để giải thích và dự đoán những biến động trong cạnh tranh giữa các cường quốc.

Cuốn sách không chỉ đơn thuần là về Trung Quốc mà còn là về sự thay đổi trong quyền lực và thế cân bằng toàn cầu khi một cường quốc mới nổi lên. Graham Allison đã đưa ra một góc nhìn sâu sắc và suy luận rõ ràng về tình hình này, và thông qua việc trình bày các lập luận và dẫn chứng, ông đã thuyết phục được độc giả về sự cấp bách và quan trọng của việc hiểu biết và đối phó với tình hình này.

Cuốn sách không chỉ dành cho giới học giả và chính trị gia mà còn dành cho mọi người quan tâm đến tình hình quốc tế và tương tác giữa các quốc gia lớn. Việc không đưa ra khuyến nghị chính sách cụ thể trong cuốn sách là một điểm mạnh, giúp tạo ra sự kích thích và thú vị cho độc giả, đồng thời khuyến khích họ tự suy nghĩ và đưa ra những quan điểm cá nhân riêng.

Cuốn sách “Định Mệnh Chiến Tranh” đã nhận được nhiều đánh giá tích cực từ giới chuyên môn và có tiềm năng gây ra sự chú ý và tranh luận sâu rộng trong cộng đồng quốc tế. Mời các bạn đón đọc Định Mệnh Chiến Tranh – Mỹ Và Trung Quốc Có Thể Thoát Bẫy Thucydides? của tác giả Graham Allison.
—-
Lời nói đầu
Hai thế kỷ trước, Napoleon từng cảnh báo, “Hãy để Trung Quốc ngủ yên; một khi quốc gia này thức dậy, thế giới sẽ rung chuyển.” Ngày nay Trung Quốc đã tỉnh giấc, và thế giới đang bắt đầu rung chuyển.

Thế nhưng, nhiều người Mỹ vẫn phủ nhận sự chuyển đổi của Trung Quốc từ một nước nông nghiệp lạc hậu thành “cường quốc lớn nhất trong lịch sử thế giới” có ý nghĩa gì đối với Mỹ. Tư tưởng căn bản của cuốn sách này là gì? Chỉ một câu ngắn gọn: Bẫy Thucydides. Khi một cường quốc đang trỗi dậy đe dọa thế chỗ một cường quốc đang thống trị, những tiếng chuông cảnh báo liền vang lên: nguy hiểm phía trước. Trung Quốc và Mỹ hiện đang trong quá trình xung đột tiến đến chiến tranh – trừ phi cả hai bên tiến hành những hành động khó khăn và đau đớn để đảo ngược nó.

Khi sự trỗi dậy nhanh chóng của Trung Quốc thách thức vị thế thống trị quen thuộc của Mỹ, thì cả hai quốc gia này đều có nguy cơ rơi vào một cái bẫy chết người mà sử gia Hy Lạp cổ đại Thucydides là người mô tả đầu tiên. Viết về cuộc chiến đã tàn phá hai thành bang Hy Lạp cổ đại hàng đầu hai thiên niên kỷ rưỡi trước, ông đã giải thích: “Chính sự trỗi dậy của Athens và nỗi sợ hãi mà nó gây ra ở Sparta đã khiến chiến tranh trở thành điều tất yếu.”

Nhận thức căn bản này mô tả một xu hướng lịch sử đầy nguy hiểm. Khi nhìn lại lịch sử 500 năm vừa qua, Dự án Bẫy Thucydides mà tôi chỉ đạo tại Harvard đã tìm ra 16 trường hợp, trong đó sự trỗi dậy của một quốc gia lớn đã phá vỡ vị thế của một quốc gia đang ở thế thượng phong. Một ví dụ tai tiếng nhất là đầu thế kỷ XX, một nước Đức công nghiệp làm lung lay vị thế đã được thiết lập của Anh trên đỉnh của trật tự thế giới đương thời cách đây một thế kỷ. Hệ quả thảm khốc của cuộc cạnh tranh giữa họ đã làm ra đời một khái niệm mới về xung đột bạo lực: chiến tranh thế giới. Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy 12 trường hợp đối đầu này đã dẫn tới chiến tranh còn bốn trường hợp thì không – đó không phải là một tỉ lệ đáng yên tâm đối với cuộc đối đầu địa chính trị quan trọng nhất của thế kỷ XXI.

Đây không phải là một cuốn sách về Trung Quốc. Mà là một cuốn sách về tác động của một Trung Quốc đang trỗi dậy đối với Mỹ và trật tự toàn cầu. Trong vòng bảy thập kỷ kể từ Thế chiến II, một khuôn khổ dựa trên luật chơi do Washington dẫn dắt đã định hình trật tự thế giới, tạo ra một kỷ nguyên không có chiến tranh giữa các cường quốc lớn. Hầu hết mọi người đều nghĩ rằng điều này là bình thường. Các sử gia gọi đó là một “Nền hòa bình Kéo dài” hiếm hoi. Ngày nay, một Trung Quốc ngày càng hùng mạnh đang dần phá vỡ trật tự này, thách thức nền hòa bình mà nhiều thế hệ vẫn coi là đương nhiên.

Năm 2015, tờ Atlantic đã đăng bài viết “The Thucydides Trap: Are the US and China headed for War?” (Bẫy Thucydides: Liệu Mỹ và Trung Quốc có đang hướng tới chiến tranh?). Trong bài viết này, tôi lập luận rằng phép ẩn dụ lịch sử đó cung cấp lăng kính phù hợp nhất để soi sáng mối quan hệ Mỹ – Trung ngày nay. Kể từ đó, khái niệm Bẫy Thucydides đã gây ra khá nhiều tranh cãi. Thay vì đối mặt với bằng chứng và suy nghĩ về những điều chỉnh khó khăn nhưng cần thiết mà cả hai bên cần phải có, giới hoạch định chính sách và các nguyên thủ lại cố ngụy biện xung quanh quan điểm của Thucydides về tính “tất yếu”. Rồi họ lại tự tay phá bỏ quan điểm đó khi lập luận rằng chiến tranh giữa Washington và Bắc Kinh không phải là điều tất định. Tại Hội nghị Thượng đỉnh năm 2015, Tổng thống Barack Obama và Chủ tịch Tập Cận Bình đã thảo luận khá lâu về Bẫy Thucydides. Obama nhấn mạnh rằng bất chấp những áp lực về mặt cấu trúc do sự trỗi dậy của Trung Quốc gây ra, “cả hai nước đều có khả năng kiểm soát những bất đồng.” Đồng thời, họ thừa nhận rằng, theo lời của Tập Cận Bình, “nếu các nước lớn thường xuyên mắc phải những sai lầm trong tính toán chiến lược, họ có thể tạo ra những cái bẫy như thế cho chính mình.”

Tôi đồng ý: chiến tranh Mỹ – Trung không phải là điều chắc chắn sẽ xảy ra. Thực tế thì Thucydides cũng thừa nhận như thế về cuộc chiến giữa Athens và Sparta. Xét về bối cảnh, rõ ràng ông có ý cường điệu hóa quan điểm của mình về tính tất yếu: Sử gia người Hy Lạp đã nói quá lên để nhấn mạnh quan điểm của mình. Bẫy Thucydides ở đây không phải là thuyết định mệnh hay sự bi quan. Thay vào đó, nó cho chúng ta thấy được những gì vượt khỏi mấy dòng tít trên báo chí và sự mị dân của chế độ, để nhận biết được các áp lực khủng khiếp về mặt cấu trúc mà Bắc Kinh và Washington phải kiểm soát để xây dựng một mối quan hệ hòa bình.

Nếu Hollywood đang làm một bộ phim trong đó Trung Quốc đối đầu với Mỹ và dẫn tới chiến tranh, chắc chắn họ không thể tìm ra hai diễn viên chính nào tốt hơn Tập Cận Bình và Donald Trump. Cả hai đều là hiện thân cho khát vọng sâu sắc về sự vĩ đại của đất nước mình. Cũng giống như sự kiện Tập Cận Bình được bổ nhiệm là lãnh đạo của Trung Quốc vào năm 2012 đã nhấn mạnh vai trò của một cường quốc đang trỗi dậy, việc Mỹ bầu cho Donald Trump trong một chiến dịch tranh cử bài xích Trung Quốc hứa hẹn một phản ứng mãnh liệt hơn từ cường quốc đang thống trị. Về mặt cá nhân, Donald Trump và Tập Cận Bình không thể khác biệt hơn. Tuy nhiên, là những nhân vật chính trong cuộc đấu tranh giành vị trí số một, họ lại giống nhau một cách kỳ lạ. Cả hai

Đều được thúc đẩy bởi cùng một tham vọng: Khôi phục sự vĩ đại cho quốc gia mình.
Nhận ra rằng quốc gia này bị quốc gia kia dẫn dắt là trở ngại chính trên con đường hiện thực hóa giấc mơ của họ.
Tự hào về năng lực lãnh đạo có một không hai của riêng mình.
Tự coi mình đang đóng vai trò chủ đạo trong việc phục hưng quốc gia.
Đưa ra những chính sách đối nội gây nản chí nhằm kêu gọi những thay đổi triệt để.
Khơi dậy sự ủng hộ của các nhóm dân túy dân tộc chủ nghĩa nhằm chống tham nhũng* ở trong nước và đương đầu với các nỗ lực của bên còn lại với mục tiêu cản trở sứ mệnh lịch sử của đất nước họ.
Liệu sự va chạm sắp tới giữa hai siêu cường này có dẫn tới chiến tranh? Liệu Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình, hay những người kế nhiệm họ, có đi theo bước chân đầy bi thảm của giới lãnh đạo Athens và Sparta hay Anh và Đức? Hay họ sẽ tìm thấy một con đường nào đó để tránh được chiến tranh, như Anh và Mỹ đã làm một thế kỷ trước, hay như Mỹ và Liên Xô đã làm trong suốt bốn thập kỷ Chiến tranh Lạnh? Rõ ràng là không ai biết trước được. Tuy nhiên, chúng ta có thể chắc chắn rằng xu hướng lịch sử mà Thucydides đã đề cập sẽ trở nên căng thẳng hơn trong những năm sắp tới.

Có thể bạn thích sách  Học Tập Đạo Đức Bác Hồ

Phủ nhận Bẫy Thucydides không làm cho nó trở nên ít thực tế hơn. Thừa nhận nó cũng không đồng nghĩa với việc thừa nhận bất kỳ điều gì có thể xảy ra. Chúng ta phải đương đầu với một trong những xu hướng tàn khốc nhất của lịch sử như là một cách để đảm bảo cho các thế hệ tương lai và làm tất cả những gì có thể để vượt qua khó khăn.

01
“Cường quốc lớn nhất trong lịch sử thế giới”
Các người không hiểu người Athens là loại người như thế nào đâu. Họ luôn nghĩ ra những âm mưu mới và sẽ nhanh chóng bắt tay tiến hành những âm mưu đó. Họ lập ra một kế hoạch, và nếu nó thành công thì thành công đó sẽ không là gì so với những điều mà họ sẽ làm tiếp theo.

Thucydides, sứ giả thành bang Corinth phát biểu trước Nghị hội Sparta, năm 432 TCN

Hãy để Trung Quốc ngủ yên; một khi quốc gia này thức dậy, thế giới sẽ rung chuyển.

Napoleon, năm 1817

Chỉ một thời gian ngắn sau khi cậu ta trở thành giám đốc Cục Tình báo Trung ương Mỹ vào tháng 9 năm 2011, tôi đã tới thăm vị tướng thành công nhất thời hiện đại của nước Mỹ tại nhiệm sở ở Langley, bang Virginia. David Patreus và tôi gặp nhau lần đầu tiên vào thập niên 1980, khi cậu ta vẫn còn là nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Princeton, còn tôi đang làm hiệu trưởng Trường Kennedy ở Harvard. Chúng tôi đã giữ liên lạc suốt từ đó tới nay, khi David liên tục thăng tiến trong hàng ngũ Lục quân Mỹ, còn tôi tiếp tục công việc học thuật của mình và giữ một số chức vụ tại Lầu Năm Góc. Sau khi thảo luận sơ qua về công việc mới của David, tôi hỏi cậu ta liệu những tay kỳ cựu ở Cục đã bắt đầu hé răng với cậu ta về một số thông tin mật quý giá hay chưa – đó là những thông tin và hồ sơ về những bí mật sâu thẳm nhất, được bảo vệ nghiêm ngặt nhất của Chính phủ Mỹ. Cậu ta cười ma mãnh và nói, “Chắc thầy cũng biết mà”, và sau đó chờ đợi tôi phát biểu thêm.

Sau khi dừng lại một lúc, tôi hỏi cậu ta có biết bất cứ chuyện gì về “những người nằm vùng” hay không: đó là những cá nhân mà Cục thiết lập mối quan hệ với họ, nhưng nhiệm vụ của những người này là tiếp tục sinh sống và lập nghiệp tại một quốc gia nước ngoài để có thể thu thập toàn bộ hiểu biết về văn hóa, con người và chính phủ của quốc gia đó. Với cam kết sẽ giúp đỡ phát triển sự nghiệp của họ theo những cách khó có ai nhận biết được, Cục chỉ yêu cầu những cá nhân này rằng, khi được liên lạc – dĩ nhiên theo cách thức ngầm, có lẽ chỉ trong một đến hai lần trong cả một thập niên – họ sẽ cung cấp cái nhìn sâu sắc và thẳng thắn về chuyện đang xảy ra tại quốc gia đó, cũng như chuyện có thể sẽ xảy ra trong tương lai.

Ngay lúc đó, David nghiêng người về phía chiếc bàn trong khi tôi mở báo cáo từ một người mà những hiểu biết sắc bén và nhìn xa trông rộng của người đó có thể gợi ý cho Washington cách đối phó với thách thức địa chính trị lớn nhất trong thời đại của chúng ta. Như tôi đã nói với vị giám đốc mới, cá nhân này đã đạt được thành công vượt xa mong đợi. Ông ta có cái nhìn cận cảnh về những rung chuyển ở bên trong Trung Quốc từ Đại Nhảy vọt và Cách mạng Văn hóa trong thập niên 1960 cho tới quá trình xoay trục tư bản của Đặng Tiểu Bình những năm 1980. Trên thực tế, ông ta đã thiết lập các mối quan hệ công việc với nhiều nhà lãnh đạo Trung Quốc, bao gồm cả vị Chủ tịch tương lai Tập Cận Bình.

Tôi bắt đầu đọc những câu hỏi đầu tiên trong bản vấn đáp dài 50 trang với những nội dung sau:

Các lãnh đạo hiện tại của Trung Quốc có nghiêm túc trong việc thay Mỹ trở thành cường quốc số một tại châu Á trong tương lai gần hay không?
Chiến lược để trở thành số Một của Trung Quốc là gì?
Những trở ngại chính trong quá trình thực hiện chiến lược này của Trung Quốc là gì ?
Khả năng thành công của Trung Quốc ở mức nào?
Nếu Trung Quốc thành công, hệ quả mà những láng giềng của Trung Quốc ở châu Á phải đối mặt là gì? Đối với nước Mỹ thì sao?
Liệu xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc có phải là một điều chắc chắn hay không?
Cá nhân này đã cung cấp những câu trả lời vô giá cho các câu hỏi nêu trên, và còn nhiều hơn nữa. Ông ta đã tiết lộ nhiều điều mới mẻ về cách suy nghĩ của các lãnh đạo Trung Quốc. Ông tỉnh táo phân tích về rủi ro sắp tới trong trường hợp hai quốc gia có thể đối đầu nhau đầy bạo lực vào một ngày nào đó. Và ông còn mang lại những thông tin tình báo có khả năng áp dụng được vào thực tế nhằm ngăn điều không ai nghĩ tới trở thành sự thật.

Lý Quang Diệu, dĩ nhiên, không phải là một gián điệp của CIA. Trí óc, trái tim và tâm hồn ông thuộc về Singapore. Thế nhưng, vị lãnh đạo lâu năm đó, người đã qua đời vào năm 2015, là cả một bầu trời trí tuệ ẩn mình trước những con mắt tầm thường. Bản báo cáo tôi đưa cho David là bản xem trước của cuốn sách Lee Kuan Yew: The Grand Master’s Insights on China, the United States, and the World (Lý Quang Diệu: Bàn về Trung Quốc, Hoa Kỳ và thế giới), cuốn sách mà tôi là đồng tác giả vào năm 2013 cùng với Robert Blackwill và All Wyne. Là người lập quốc cũng như lãnh đạo lâu năm của một đảo quốc tí hon, Lý Quang Diệu đã biến một làng chài nhỏ, nghèo nàn, tầm thường trở thành một siêu đô thị hiện đại. Là người gốc Hoa, ông từng học Đại học Cambridge và là hiện thân của sự hòa quyện giữa truyền thống Khổng học với các giá trị thượng lưu Anh. Cho tới khi qua đời năm 2015, không ai dám phủ nhận Lý Quang Diệu chính là chuyên gia quan sát Trung Quốc hàng đầu thế giới.

Các nhận định sâu sắc của Lý Quang Diệu về những gì đang xảy ra ở Trung Quốc cũng như trên toàn thế giới biến ông trở thành một cố vấn chiến lược được các tổng thống và thủ tướng ở mọi châu lục thường xuyên tham vấn – bao gồm tất cả các Tổng thống Mỹ từ Richard Nixon cho tới Barack Obama. Hiểu biết sâu sắc của ông về Trung Quốc được phản ánh không chỉ qua “sự nhạy bén khác thường về chiến lược”, như những gì mà Henry Kissinger đã miêu tả, mà còn thông qua đòi hỏi mãnh liệt cần phải biết càng nhiều càng tốt về gã khổng lồ đang say giấc này của bản thân ông. Mặc dù sức mạnh về kinh tế và chính trị của Trung Quốc dưới thời Mao Trạch Đông – vốn áp dụng quan điểm chủ nghĩa xã hội nông nghiệp Marxism – chưa thực sự rõ ràng, nhưng Trung Quốc vẫn là một gã khổng lồ, và đảo quốc nhỏ bé của Lý Quang Diệu đã phải cố gắng đấu tranh để có thể tồn tại dưới cái bóng của người khổng lồ đó. Lý Quang Diệu là một trong những người đầu tiên nhận thức được bản chất thật sự của Trung Quốc, cũng như toàn bộ tiềm năng của nước này.

Điều đặc biệt là, trong khi Lý Quang Diệu tìm hiểu về Trung Quốc và các lãnh đạo của nước này thì ngược lại, Trung Quốc cũng tìm hiểu về ông và đất nước của ông. Vào cuối những năm 1970, khi Đặng Tiểu Bình bắt đầu tìm cách dẫn dắt Trung Quốc tiến nhanh vào cơ chế thị trường, các lãnh đạo Trung Quốc hướng về Singapore như một nơi thí điểm không chỉ về kinh tế, mà còn về chính trị. Lý Quang Diệu đã dành hàng nghìn giờ đồng hồ để nói chuyện trực tiếp với các vị Chủ tịch nước, Thủ tướng, quan chức nội các, và những lãnh đạo đang nổi lên của “người láng giềng phương Bắc”.* Mọi lãnh đạo Trung Quốc từ Đặng Tiểu Bình cho tới Tập Cận Bình đều gọi ông là “tiên sinh”, một danh xưng rất được coi trọng trong văn hóa Trung Quốc.

Có thể bạn thích sách  Lịch Sử Văn Minh Thế Giới Phần XI: Văn Minh Thời Đại Napoléon (tập 2) PDF EPUB

Thứ quan trọng nhất mà tôi có thể rút ra được từ Lý Quang Diệu để có thể chia sẻ với vị giám đốc mới của CIA liên quan tới câu hỏi khó nhằn nhất về xu hướng phát triển của Trung Quốc: Quá trình chuyển đổi đáng kinh ngạc của Trung Quốc sẽ có tác động như thế nào tới cán cân quyền lực toàn cầu? Câu trả lời của Lý Quang Diệu rất sâu sắc: “Mức độ thay đổi sự cân bằng toàn cầu của Trung Quốc lớn đến nỗi thế giới cần phải tìm ra một sự cân bằng mới. Việc chỉ coi Trung Quốc như một cường quốc khác hoàn toàn không khả thi. Đây là cường quốc lớn nhất trong lịch sử thế giới.”

Liệu nước Mỹ có trở thành số hai?

Trong khóa học về an ninh quốc gia ở Harvard, bài giảng của tôi về Trung Quốc bắt đầu với một loạt những câu hỏi. Câu hỏi đầu tiên so sánh tương quan giữa Trung Quốc và Mỹ vào năm 1980 với thứ hạng hiện tại của hai quốc gia. Hầu như lần nào cũng vậy, các sinh viên đều cảm thấy sốc với những gì mà họ được nhìn thấy. Chỉ cần nhìn lướt qua các bảng biểu với các số liệu từ năm 2015, chúng ta có thể hiểu tại sao.

Chỉ trong vòng một thế hệ, một quốc gia trước đây chưa bao giờ xuất hiện trong bất cứ một bảng xếp hạng quốc tế nào đã nhảy vọt lên vị trí đầu bảng. Vào năm 1980, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc ít hơn con số 300 tỷ đô la; năm 2015 con số này là 11 nghìn tỷ đô la – biến quốc gia này trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới dựa trên tỷ giá thị trường. Năm 1980, thương mại giữa Trung Quốc với thế giới bên ngoài ít hơn 40 tỷ đô la; năm 2015, con số này gia tăng 100 lần, lên 4.000 tỷ đô la. Kể từ năm 2008, cứ mỗi hai năm thì tăng trưởng GDP ở Trung Quốc lại lớn hơn toàn bộ nền kinh tế Ấn Độ*. Thậm chí ngay cả khi tốc độ tăng trưởng sụt giảm vào năm 2015, kinh tế Trung Quốc cũng đã tạo ra một sản lượng kinh tế có giá trị tương đương với Hy Lạp chỉ trong vòng 16 tuần, và tương đương với Israel chỉ trong vòng 25 tuần.

KINH TẾ TRUNG QUỐC SO VỚI MỸ (%)
1980 2015
GDP 7 61
Nhập khẩu 8 73
Xuất khẩu 8 151
Dự trữ 16 3.140
Số liệu được đo lường bằng đồng đô la Mỹ
Nguồn: Ngân hàng thế giới

Trong suốt quá trình phát triển ngoạn mục từ năm 1860 cho tới năm 1913, khi Mỹ khiến các nước châu Âu bị sốc bằng cách vượt qua Anh để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới, tốc độ tăng trưởng trung bình hằng năm của Mỹ chỉ vào khoảng 4%*. Nhưng kể từ năm 1980, nền kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng với tốc độ 10% mỗi năm. Theo Quy tắc 72 – lấy 72 chia cho tốc độ tăng trưởng hằng năm để xác định xem khi nào thì một nền kinh tế hay một khoản đầu tư sẽ gia tăng gấp đôi thì cứ mỗi bảy năm, nền kinh tế Trung Quốc sẽ phát triển gấp đôi.

Để có thể đánh giá mức độ ngoạn mục của quá trình phát triển này, chúng ta cần đặt nó trong một khoảng thời gian dài hơn. Vào thế kỷ XVIII, nước Anh là nơi ra đời của Cách mạng Công nghiệp, hình thành nên thế giới hiện đại mà chúng ta đã biết như ngày nay. Năm 1776, Adam Smith xuất bản The Wealth of Nations (Của cải của các dân tộc) giải thích tại sao sau hàng thiên niên kỷ sống trong nghèo đói, chủ nghĩa tư bản thị trường đang tạo ra sự thịnh vượng và một tầng lớp trung lưu mới. 17 năm sau, một sứ giả của Vua George III (chính là “vua George điên”, người đã thất bại trong cuộc chiến tranh giành độc lập của Mỹ) đã tới Trung Quốc đề nghị thiết lập quan hệ giữa hai quốc gia. Tại thời điểm đó, công nhân Anh có năng suất lao động lớn hơn rất nhiều so với các công nhân ở Trung Quốc*. Người Trung Quốc rất đông, như họ vẫn thế trong suốt hàng thế kỷ qua. Nhưng họ lại rất nghèo. Trong mỗi một ngày lao động, một công nhân Trung Quốc chỉ có thể làm việc đủ để nuôi sống bản thân và gia đình của anh ta, đồng thời tạo ra rất ít thặng dư cho nhà nước để chi trả cho binh lính hay đầu tư vào các loại vũ khí và quân đội ví dụ như hải quân (hầu như trong suốt hơn bốn thiên niên kỷ, các hoàng đế Trung Quốc không bao giờ đầu tư cho hải quân, ngoại trừ trong một khoảng thời gian ngắn 500 năm) để có thể triển khai sức mạnh của mình xa bên ngoài biên giới quốc gia. Ngày nay, các công nhân Trung Quốc có năng suất bằng 1/4 công nhân Mỹ. Nếu trong vòng một hoặc hai thập niên nữa, họ có thể gia tăng năng suất lên bằng 1/2 so với công nhân Mỹ, nền kinh tế Trung Quốc sẽ lớn gấp đôi nền kinh tế Mỹ. Nếu năng suất cả hai bên bằng nhau, Trung Quốc sẽ sở hữu một nền kinh tế lớn gấp bốn lần kinh tế Mỹ.

Những phép tính đơn giản như trên tạo ra một vấn đề mang tính nền tảng cho những nỗ lực của Washington nhằm “tái cân bằng” áp lực tăng trưởng đến từ Trung Quốc. Năm 2011, bằng một cách tương đối khoa trương, cựu ngoại trưởng Hillary Clinton tuyên bố về một sự “xoay trục” quan trọng trong chính sách đối ngoại của Mỹ, chuyển sự chú ý và nguồn lực từ Trung Đông sang châu Á. Như lời của Tổng thống Obama, “sau một thập kỷ mà trong đó chúng ta phải tham dự vào hai cuộc chiến tranh đầy tốn kém, cả về sinh mạng lẫn tài sản, nước Mỹ đang chuyển sự chú ý của mình sang khu vực châu Á – Thái Bình Dương đầy tiềm năng”. Ông hứa sẽ gia tăng sự hiện diện về ngoại giao, kinh tế, và quân sự ở châu Á – Thái Bình Dương, đồng thời phát tín hiệu về quyết tâm của Mỹ trong việc đối phó với ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc ở khu vực. Tổng thống Obama nhấn mạnh, quá trình “tái cân bằng này là một trong những thành tựu đối ngoại quan trọng của chính quyền ông ở thời điểm đó.

Một trợ lý ngoại trưởng Mỹ dưới thời Obama và Ngoại trưởng Clinton là Kurt Campbell đã đi đầu trong nỗ lực này. Cuốn sách xuất bản năm 2016 của ông là The Pivot: The Future of American Statecraft in Asia (Xoay trục: Tương lai chính sách đối ngoại của Mỹ ở châu Á) đã coi viễn cảnh sáng sủa nhất của quá trình tái cân bằng vĩ đại” không đơn thuần là một khát vọng. Tuy nhiên, mặc dù đã cố gắng hết sức, Kurt Campbell không thể tìm thấy đầy đủ số liệu để hỗ trợ cho lập luận của mình. Dù đã căn cứ vào sự quan tâm của Tổng thống, thời gian diễn ra các cuộc họp của Ủy ban Chủ chốt và Ủy ban Đại biểu thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia, những dịp tiếp kiến các lãnh đạo khu vực, những lần máy bay xuất kích, thời gian mà các tàu chiến tiến hành nhiệm vụ và số tiền đã được chi, Kurt vẫn không thể khẳng định được là sự xoay trục đã diễn ra. Các cuộc chiến đang tiếp diễn ở Iraq, Afghanistan, cùng với cuộc chiến mới ở Syria và cuộc chiến chống lại ISIS trên khắp Trung Đông gần như chiếm trọn tất cả không gian của chính sách đối ngoại Mỹ dưới thời kỳ Obama, cũng như thời gian làm việc mỗi ngày trong suốt tám năm nắm quyền của Tổng thống. Như một quan chức Nhà Trắng thời Obama nhớ lại: “Chúng tôi không hề cảm thấy mình đã xoay trục khỏi Trung Đông. Khoảng 80% các cuộc họp chính ở Hội đồng An ninh Quốc gia đều tập trung vào các vấn đề ở Trung Đông.”

Thậm chí, nếu sự quan tâm của Mỹ không đặt ở một nơi nào đó khác, Washington vẫn sẽ phải nhọc nhằn chống lại các quy luật về trọng tâm kinh tế. Hãy so sánh tương quan sức nặng của cả hai nền kinh tế và Trung Quốc như hai đối thủ ngồi ở hai đầu bập bênh. Kết luận vừa rõ ràng lại vừa đau đớn. Người Mỹ vẫn đang tranh luận xem liệu họ có nên giảm bớt sức nặng ở chân trái của mình (Trung Đông) để gia tăng thêm sức nặng ở chân phải (châu Á) hay không. Trong khi đó, Trung Quốc vẫn không ngừng phát triển. Và kết quả là vị trí của nước Mỹ trên chiếc bập bênh đó đã bị nghiêng về một phía mà không bao lâu nữa cả hai chân của họ sẽ bị nhấc bổng lên khỏi mặt đất.

Có thể bạn thích sách  28 Ngày Đêm Quyết Định Vận Mệnh Trung Quốc - Thái Nguyễn Bạch Liên full mobi pdf epub azw3 [Lịch Sử]

Đây chính là ẩn ý đằng sau câu hỏi đầu tiên trong loạt câu hỏi của tôi trên giảng đường. Câu hỏi thứ hai còn gây ám ảnh hơn. Đó là: Khi nào nước Mỹ sẽ thật sự nhận ra mình đứng thứ hai? Đến năm nào Trung Quốc sẽ vượt qua Mỹ để trở thành thị trường xe hơi số một, thị trường hàng xa xỉ lớn nhất, hay thậm chí là nền kinh tế lớn nhất trên thế giới?

Hầu hết sinh viên đều hết sức kinh ngạc khi biết được rằng trong mọi chỉ số, Trung Quốc đã vượt qua Mỹ. Là nhà chế tạo tàu biển, thép, nhôm, đồ nội thất, quần áo, dệt may, điện thoại di động lớn nhất, Trung Quốc đã trở thành công xưởng của thế giới. Họ còn ngạc nhiên hơn khi phát hiện Trung Quốc đã trở thành quốc gia tiêu thụ lớn nhất của hầu hết mọi loại sản phẩm. Nước Mỹ là nơi sản sinh ra xe hơi, thế nhưng Trung Quốc hiện tại lại là nhà sản xuất và là thị trường tiêu thụ xe hơi lớn nhất. Người tiêu dùng Trung Quốc đã mua 25 triệu xe hơi trong năm 2015 – hơn 3 triệu chiếc so với số xe đã bán tại Mỹ. Trung Quốc cũng là thị trường tiêu thụ điện thoại di động và thương mại điện tử lớn nhất thế giới, đồng thời có số lượng người dùng Internet lớn nhất. Trung Quốc nhập khẩu nhiều dầu mỏ hơn, tiêu thụ nhiều năng lượng hơn, lắp đặt nhiều nhà máy năng lượng mặt trời hơn tất cả các quốc gia khác. Có lẽ điều gây tổn thương nhất tới “cái tôi” của nước Mỹ chính là vào năm 2016 – kể từ khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 – Trung Quốc vẫn tiếp tục là động lực chính của tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Nhưng đó là điều không thể!

Đối với những người Mỹ lớn lên trong một thế giới mà ở đó nước Mỹ là số một – ở đây có nghĩa là tất cả những người Mỹ sinh ra từ năm 1870 – quan điểm cho rằng Trung Quốc có thể thay thế nước Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới là điều không tưởng. Nhiều người Mỹ xem sự thống trị về mặt kinh tế là một thứ gì đó không thể thay thế được, đến mức quan điểm này đã trở thành một phần trong bản sắc dân tộc họ.

Mối liên hệ giữa nước Mỹ và vị thế số một của nó giải thích tại sao một cơn bão lửa đã bùng lên trong cuộc họp của Quỹ Tiền tệ Quốc tế/Ngân hàng Thế giới ở Washington năm 2014, khi IMF công bố báo cáo thường niên về kinh tế toàn cầu. Như dòng tít mà báo chí đã đưa: “Nước Mỹ hiện tại là số Hai”. Trang MarketWatch cũng nhấn mạnh: “Thật không dễ dàng khi nói ra điều này, nhưng tôi vẫn phải nói: ‘Chúng ta không còn là số Một nữa’.” Ảm đạm hơn, tờ Financial Times tóm tắt thông điệp của IMF: “Đã chính thức rồi. Vào năm 2014, IMF đã dự đoán rằng quy mô nền kinh tế Mỹ là 17.400 tỷ đô la và quy mô nền kinh tế Trung Quốc là 17.600 tỷ đô la.” Financial Times tiếp tục: “Cho tới năm 2005, quy mô của nền kinh tế Trung Quốc vẫn chưa bằng một nửa nền kinh tế Mỹ. Đến năm 2019, IMF dự báo kinh tế Trung Quốc sẽ lớn hơn 20% so với kinh tế Mỹ.”

IMF đã đo lường GDP Trung Quốc thông qua sức mua tương đương, hay PPP, vốn là tiêu chuẩn hiện hành đang được sử dụng bởi các thể chế quốc tế lớn có nhiệm vụ so sánh nền kinh tế của các quốc gia. Như CIA đã khẳng định, PPP “cung cấp xuất phát điểm khả dĩ nhất để so sánh sức mạnh kinh tế và phúc lợi giữa các quốc gia”. IMF giải thích rằng, “tỷ giá thị trường thường không ổn định và việc sử dụng tỷ giá có thể tạo ra những biến động lớn trong việc đo lường tổng giá trị tăng trưởng ngay cả khi tốc độ tăng trưởng ở một nền kinh tế cụ thể nào đó là ổn định, PPP thường được xem là một công cụ đo lường phúc lợi tổng thể tốt hơn”. Nếu đo lường bằng sức mua tương đương, Trung Quốc không những vượt qua Mỹ mà còn chiếm tỷ trọng gần 18% GDP toàn cầu, so với chỉ 2% trong năm 1980.

Đối với những ai xem sự thống trị của nước Mỹ như một đức tin, tuyên bố của IMF đã kích động một cuộc tìm kiếm ráo riết những số liệu chứng minh rằng Mỹ vẫn là số một. Những số liệu này bao gồm GDP bình quân đầu người, hay số liệu mới có liên quan tới chất lượng cuộc sống hay phúc lợi, cùng những lập luận mới ủng hộ việc sử dụng tiêu chuẩn đo lường GDP thông qua tỷ giá thị trường như trước đây. Do vấp phải sự không đồng tình của một vài đồng nghiệp đáng kính, tôi đã hỏi ý kiến của giáo sư hàng đầu thế giới Stanley Fischer, người đang làm việc tại Cục Dự trữ Liên bang, cựu giáo sư tại MIT, về cách thức chúng ta nên dùng để đo lường kinh tế Mỹ trong tương quan với Trung Quốc. Fischer đã viết sách giáo khoa về kinh tế vi mô, là thầy của Ben Bernanke (cựu Chủ tịch Hệ thống Dự trữ Liên bang) và Mario Draghi (người đứng đầu Ngân hàng Trung ương châu Âu), đã từng giữ chức vụ Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Israel, và hiện tại là Phó Chủ tịch FED. Ông biết rõ những điều mình nói. Và theo đánh giá của ông, PPP chính là thước đo tốt nhất trên thực tế và không chỉ để đánh giá sức mạnh kinh tế một cách tương đối. “Trong việc so sánh quy mô của các nền kinh tế quốc gia,” ông nói với tôi, “đặc biệt với các mục tiêu như đánh giá tiềm lực quân sự, với vai trò của phép tính xấp xỉ đầu tiên, công cụ tốt nhất chính là PPP. Công cụ này sẽ đánh giá có bao nhiêu máy bay, tên lửa, tàu chiến, thủy thủ, phi công, máy bay không người lái, căn cứ quân sự và các nguồn lực quân sự khác mà một quốc gia có thể mua, và giá trị mà quốc gia này sẽ phải chi trả dựa trên đồng tiền của chính quốc gia ấy”*. The Military Balance, ấn bản thường niên có sức ảnh hưởng của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, cũng đồng ý với nhận định trên, cho rằng “quan điểm ủng hộ sử dụng PPP thể hiện rõ nét nhất trong trường hợp của Trung Quốc và Nga”.

Khi tôi viết những dòng này, câu chuyện được báo chí phương Tây ưa thích là nền kinh tế của Trung Quốc sẽ “chậm lại”. Khi tìm kiếm các báo cáo có liên quan đến kinh tế Trung Quốc từ 2013 tới 2016 thì đó chính là cụm từ được sử dụng thường xuyên nhất để mô tả những gì đang xảy ra*. Tuy nhiên, ít ai quan tâm rằng: Chậm lại so với ai? Trong cùng khoảng thời gian đó, tính từ mà báo chí Mỹ ưa thích khi mô tả nền kinh tế Mỹ là “đang hồi phục”. Nhưng khi so sánh sự “chậm lại” của Trung Quốc với quá trình “đang hồi phục” của Mỹ, liệu tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc đã chậm lại bằng với tốc độ tăng trưởng của Mỹ chưa? Hay là cao hơn một chút? Hay cao hơn rất nhiều?