Tôi Tự Học (Thu GiangKịch bản không có gì đặc biệt. Hai cô cậu học trò cuối cấp và cái thai không mong muốn, cuộc trốn chạy của chàng trai vô trách nhiệm. Cô gái cố gắng sống bình thường, quên đi cậu bạn và chạy trốn sự cô đơn… Nhưng Dấu vết của mẹ là một cuốn tiểu thuyết đặc biệt, với một sự già dặn đặc biệt, nhất là khi tác giả viết nó lúc chưa tròn hai mươi. Với dấu vết của mẹ, Marta Dzido đã bước vào hàng ngũ những nhà văn trẻ quan trọng nhất của Ba Lan.*** Năm 1956. Một mùa hè ngột ngạt. Hai người phụ nữ ngồi chờ trước phòng khám phụ sản. Một người rất trẻ, gần như một cô bé, vì ai cũng chỉ đoán cô mười tám tuổi là cùng mặc dầu cô đã hai mươi sáu tuổi – có hẹn đến phá thai. Cô có hai con nhỏ, một ông chồng lao phổi, không việc làm, không kế sinh nhai. Người phụ nữ thứ hai – già hơn, ăn mặc chỉn chu và lịch sự – bị vô sinh, tuy nhiên bà ta vẫn đến bác sĩ với hy vọng được giúp đỡ. Họ bắt đầu nói chuyện. Cô gái chờ làm thủ thuật nói rằng cô ta không thể có đứa con thứ ba, cô không biết phải xoay sở thế nào, rằng chồng cô sắp chết, rằng cô đã kiệt sức và rằng… Người không thể có con nói: – Em cứ để đẻ đi, chị sẽ nhận cháu bé, chị sẽ nuôi dạy nó, yêu thương nó… – Không, không thể như thế được – cô gái muốn bỏ cái thai nói. – Chị sẽ trả tiền cho em – người thứ hai nài nỉ. – Không mà, chị… – Nhưng chị sẽ trả thật mà. Nhiều… – và chị ta rút từ ví ra một tệp tiền. – Đây, em cầm đi, em cứ cầm rồi suy nghĩ, được không? – Xin chị để cho tôi yên – cô gái chờ làm thủ thuật nói. Cô ta đứng dậy rồi chạy khỏi bệnh viện. Sáu tháng sau cô ta sinh một bé gái. Hai mươi bốn năm sau bé gái ấy sinh một bé gái khác. Năm 2000. Cô gái út trong số ba chị em gái đã lớn. Mặc dù đã hai mươi tuổi nhưng trông cô như một đứa trẻ con và không một ai có thể nghĩ rằng cô lại là mẹ của một bé gái mấy tháng tuổi. Lại một mùa hè ngột ngạt, và cô gái ngồi trong bệnh viện, chờ vào khoa phụ sản. Bây giờ để phá thai phải trả hai ngàn zloty. Ngồi cạnh cô là một phụ nữ ăn mặc chỉn chu và lịch sự, nhưng họ không chuyện trò gì. Cô gái đã hẹn với bác sĩ, người sẽ làm cái việc phá thai. Từ hai ngàn, anh ta giảm xuống tám trăm, có lẽ anh ta thấy thương cho cô. Cô ta đến chỗ bác sĩ với cái thai năm tuần tuổi và một đứa bé ba tháng tuổi trên tay, cô nói là bác sĩ của bệnh viện bảo cho con bú sữa mẹ đều đặn là biện pháp tránh thai tốt nhất. Rằng hoóc môn của thuốc tránh thai sẽ vào sữa và có hại cho đứa trẻ, còn đặt vòng thì lại quá sớm. Cô ta tin, vì bác sĩ cơ mà, nhất định phải biết thế nào là tốt nhất chứ. Và giờ đây cô đang mang thai, cái thai mà chỉ một tiếng nữa thôi sẽ không còn nữa. Khi mọi việc đã xong xuôi, cô gái như trút được gánh nặng, nhưng lại thấy xấu hổ vì không biết sẽ phải kể về chuyện này như thế nào và với ai. Cô không biết cái việc cô vừa làm xong được gọi là gì. Cô im lặng rất lâu, cho tới khi không giữ nổi nữa cô bèn viết sách. Về phá, nạo, vét, về phương pháp hút chân không, về sẩy thai, về tiết dịch và máu. Cô viết cuốn sách mà chỗ này chỗ kia còn khập khiễng, non nớt, lộn xộn, ngây thơ, một số câu bộc lộ vẻ ngoài kiêu căng của một nữ sinh trung học. Cô viết xong và lại thấy nhẹ nhõm. Cô mang cuốn sách đến nhà xuất bản, nhưng giám đốc nhà xuất bản, chị Beata S. nói với cô rằng không thể để thế được, rằng nếu đã viết cuốn sách về nạo phá thai thì cần phải có quan điểm rõ ràng, ủng hộ hay phản đối, và phải nói được điều đó một cách sáng sủa, dễ hiểu. Làm sao để độc giả không phải băn khoăn. Và nói chung là cần phải đầu tư thêm thời gian công sức. Nhưng cô gái đã không còn muốn nữa, cô cứ để cuốn sách nguyên xi như vậy, và mấy năm sau cô viết một cuốn sách khác. Lần này thì cuốn truyện thành công. Viết về thất nghiệp, về dân thủ đô hợm hĩnh ngạo mạn và về những cuộc hôn nhân thất bại. Cô gái xuất hiện trên báo chí và truyền hình, ở đấy cô không biết phải nói gì, mà họ thì hỏi đủ thứ – về nữ quyền, về giáo hoàng và về thế hệ gì gì đấy. Cô cười tươi, rụt rè nói: “vâng, vâng” hoặc là “không, không”. Không được một câu dài hơn. Cuối cùng người xuất bản, ông Piotr M. thuộc công ty đưa ra dự kiến: – Hay là chúng ta in cái cuốn về phá thai ấy? Nhưng cô gái do dự. Vì đã sáu năm rồi và có lẽ bây giờ tốt hơn nên viết cuốn mới chứ đừng có lôi mấy cái chuyện cũ rích ấy ra, không được đâu, mà cô cũng không muốn mất công vào đó nữa… Cuối cùng cô trả lời: – Nhưng đấy đâu có phải là văn chương hay ho gì… – Không sao – tiếng của người xuất bản trong ống nghe – nó chân thực và nói về một vấn đề quan trọng… – Nhưng em sợ – cô gái nói vào ống nghe – là mọi người sẽ hỏi đây có phải là viết về em không và có đúng là em phá thai không? – Đừng sợ, em có con cơ mà, đó là minh chứng tốt nhất cho việc em không phá thai… – Piotr M. nói.
Nguồn: https://thuviensach.vn