Sách Đại-Học gồm trên một trăm chữ rút ở một thiên Lễ Ký ra cùng với sách Trung-Dung, Luận-Ngữ và Mạnh Tử, là bốn sách cổ-điển căn-bản của Khổng-học. Thời Hán-học còn thịnh hành ở Việt-Nam, những người theo đòi cửa Khổng sân Trình đều bắt đầu bằng sách này cả.
Đại-Học cũng như sách Phương-pháp luận của Descartes bên Thái-Tây, là một bộ sách luận về phương pháp của họ Khổng-ở Cực-Đông.
Phương-pháp luận của Descartes là phương-pháp duy lý, dạy người ta cách dùng lý-trí để suy xét cho xác đáng, còn Đại-Học thì dạy người ta phương-pháp luyện tập cho con người xã-hội trở nên sáng suốt và hoàn toàn. Nghĩa là cả tâm lẫn trí phải điều hòa, không thiên lệch, không làm cho tâm thắng trí mà cũng không làm trí thắng tâm. Tâm và Trí quân bình tức là con người Duy-Nhất, con người lý-tưởng trong quan-niệm xã-hội của Nho-giáo. Và nếu xét rằng Nho-giáo đã phổ thông ở Nhật-Bản, Trung-Hoa và Việt-Nam là dường nao, thì người ta có thể nói đấy là quan niệm con người lý-tưởng ở xã-hội Cực-Đông trong bao nhiêu thế hệ vậy.
Phương-pháp luận của Descartes nhằm mục-địch đấu trí với Tạo-hóa, giúp cho con người thắng đoạt những thế-lực của tự-nhiên. Phương-pháp luận của họ Khổng nhằm mục-đích tu thân, muốn cho người ta tự thắng lấy mình, tự mình làm chủ được mình, điều khiển được những thế-lực trong nội giới, không để cho ý-thức trôi theo dòng vật-dục. Một đằng thì theo đuổi cái tri-thức khách quan. Một đằng thì tìm thực-hiện cái ý-thức khách quan, cái ý-thức của một tâm-hồn hoàn toàn vô tư, đã thực hiện được lý-tưởng khắc kỷ của Cam-Địa ngày nay, là trừ bỏ cái tư-dục đến chỗ không, « Je me réduis à zéro ».
Cái tri-thức khách quan của Tây-phương đem đến cho xã-hội kết quả tất nhiên là chủ-nghĩa cá-nhân tuyệt đối, còn ý-thức khách quan của Khổng giáo quan niệm người ta là một phần-tử của đoàn-thể, lấy cá-tính của đoàn-thể làm cá-tính của mình, cùng với đoàn-thể mà tiến-hóa, tiến từ đoàn-thể gia-đình qua quốc-gia, xã hội nhân-loại cho tới tuyệt-đích là cùng với trời đất làm một : « Dữ thiên địa tham hỹ ».
Đứng trước cảnh-tượng tân Xuân Thu, ngày nay, đang tái diễn trên phạm-vi thế-giới, cuộc cách-mệnh kỹ-nghệ ở Tây-phương đã xô đẩy cả nhân-loại vào con đường bá-đạo, thượng mưu-trí mà khi thị tâm-tình ; trong sự giao-tế chỉ biết có « bán mua sòng phẳng, dìm bao tính-tình quân-tử, nghĩa-vụ thủy-chung vào trong nước đá ». Đứng trước cái họa mạnh được yếu thua, cốt nhục tương tàn, muôn dân như đàn con đỏ kề miệng hùm beo, kêu trời còn xa, kêu người thì người đã hóa ra quỷ, chúng tôi, thiển nghĩ các nhà ưu thời mẫn thế sốt sắng cho tuần nước vận dân, cho sự kiến-thiết hòa-bình trong nhân loại, trước hết hãy lo kiến thiết lại con người, xây đắp lại nền-tảng từ bên trong nội-giới, họa may mới phải là chữa bệnh từ nơi gốc vậy.
Sách Đại-Học, ý-nghĩa hàm súc, chính là « phương-pháp » để xây dựng lại thế quân-bình trong con người, điều hòa cả « Tâm » lẫn « Trí », tức là con người Duy Nhất mà thế-giới đang mong đợi. Phê bình về hạng người kiểu mẫu này mà Khổng-học muốn đào tạo, nhà văn-sĩ Doeblin vừa đây mới viết rằng :
« Học-thuyết của Khổng-tử lập nên giữa chính-phủ và nhân-dân một giai cấp có thể nói là nó tranh đấu về tinh-thần chống hai mặt, một bên là chính phủ mà nó muốn hướng dẫn và nếu cần thì nó phụ chính và một bên là nhân-dân mà nó có nhiệm-vụ giáo hóa để đưa đến một trình-độ khôn ngoan hơn… Khổng-tử đã có thể gây nên một giai-cấp đặc biệt, có ảnh-hưởng lớn vào chính-phủ, ấy là giai-cấp công-chức vừa là bác-học, vừa là triết-nhân ». (Confucius của Alfred Doeblin trang 9).
Thực vậy, con người Duy Nhất này không phải là con người đặt trong trừu-tượng, biệt lập với nhân-quần, xã-hội, như bức họa người tiên để làm cảnh mà là con người hành động, con người nhập thế, có nhiệm-vụ lịch-sử phải ý-thức và phải làm.
Trước khi hành động phải tìm phương-pháp. Hành động có phương-pháp, có đường-lối trước sau, có trình-tự tiến triển thì mới mong có kết-quả. Cho nên Tây-phương khoa-học hay Đông-phương Đạo-học, đứng trước vấn-đề nhân-sinh và nhận-thức là vấn-đề căn bản cả nhân-loại phải giải quyết, đều bắt đầu bằng phương-pháp luận. Phương pháp luận của Khổng-học, dung hòa cả nhận-thức luận lẫn nhân-sinh quan, là phương-pháp đang cần cho tinh-thần khủng hoảng của nhân-loại hiện thời, ở phạm-vi quốc-gia cũng như ở phạm vi quốc-tế, cho nên chúng tôi muốn nhắc lại với anh-em thanh-niên quốc-gia cái phương-pháp luận của Đông-phương « tri hành hợp nhất » đã lâu ngày quên bỏ.
Văn-chương Đại-Học là một thứ văn-chương cổ kính, phản-ảnh của một xã-hội quá khứ, một hoàn-cảnh thực tế từ mấy ngàn năm về trước có thể khác hẳn với hoàn-cảnh ngày nay. Tuy nhiên, về khoa-hoc nội-giới tâm-linh thì nhân-loại còn chậm tiến và những bài học kinh-nghiệm của cổ nhân còn đầy ý-nghĩa có thể giúp ta nhiều về phương-pháp để làm chủ lấy mình, thắng tri bản-tính tự nhiên nội-tại.
Để nguyên-văn thì khó hiểu, cho nên tác-giả phải làm sống lại bằng tinh-thần khoa-học ngày nay với tất cả cách-thức diễn giải có hệ-thống của nó, để độc-giả khỏi phải tốn công suy nghĩ.
Riêng về chữ « thân dân », tác-giả xét nên để là « Thân » như Vương-dương-Minh đã chủ trương chứ đọc là « Tân » như Chu Hy thì không có nghĩa.
Hanoi, ngày 10 tháng 5 năm 1949
N.Đ.T
***
Người ta sinh ra sẵn có nhiều khuynh-hướng tự-nhiên do sự di-truyền của tổ tiên và tất cả tư-tưởng cùng hành-vi từ trước tổng cộng lại gọi là quá-trình tiến-hóa của con người ; đời kiếp nghiệp lại lọc đi tích lại, đã kết tinh ra vậy. Tuy nhiên, đứng trong vũ-trụ là một trường thế-lực, thì người ta cũng chỉ là một trường thế-lực nhỏ, tuy so với vạn vật, hòn đá, cái cây, con thú, thì người ta còn phong phú hơn nhiều. Trong cái khuynh-hướng tự nhiên của người ta, có hai khuynh-hướng chính, nó chi phối tất cả hành-động và tư-tưởng, thân-thể và tinh-thần, trong xã-hội cũng như trong vũ-trụ, ấy là khuynh-hướng tìm tòi để hiểu biết và lòng thương yêu thân-cận, mà thông thường người ta gọi là tâm và trí, tình-cảm và trí-thức. Vì có khuynh-hướng hiểu biết, vì trí-năng ở người ta phát triển trội hơn vạn vật, cho nên người ta không chịu đóng vai thụ động trên trường thiên diễn này, mặc cho sự vật vần xoay, như thế nào không hề thắc mắc.
Không kể từ cổ xưa người ta đã biết quan-sát những hình-tượng chung quanh người ta, và tò mò tìm tòi, xếp đặt, để dò la manh mối, chứ không như các giống khác trên mặt đất. Người ta cũng không lấy sự khoái-lạc làm cứu-cánh cho sự sống, mà luôn luôn muốn thoát khỏi chỗ ngu tối, coi như tù giam. Ấy là mục-đích tối cao của các triết-học Đông-phương vậy.
Ngoài năng-khiếu hiểu biết, nó thúc giục trong lòng người ta, có kẻ quên ăn, quên ngủ vì nó, thì lại còn một năng-khiếu nữa, không kém tính cách phổ thông, có lẽ còn phổ-biến hơn nữa, tràn ngập vạn vật, ấy là tình yêu vậy. So với năng-khiếu biết, thì năng-khiếu thương yêu của người ta còn mạnh hơn nhiều. Làm người ai không có tình. Vô tình, thì họa may có vật vô tri, còn ngoài ra, con hổ là loài ăn sống nuốt tươi mà cũng không ăn thịt con nó ; con kiến, loài ong, đều biết sống thành đoàn-thể, cũng vì có tình với nhau thì mới hợp quần. Vậy loài người vô tình thì lấy gì làm dấu hiệu sinh linh, sao không sống cô độc, mỗi kẻ một nơi, mà lại phải kết giao thành đoàn-thể xã-hội nhỏ và lớn ? Bảo rằng gỗ đá vô tình, thì vị tất. Lấy nghĩa rộng của chữ tình mà nói, thì tình yêu tức là cái lực hấp-dẫn vật nọ với vật kia. Nếu vũ-trụ này, bắt đầu từ nguyên-tử trở lên, không lấy tình yêu, là lực hấp-dẫn, làm nền tảng cho sự kiến thiết cấu thành, thì còn đâu là vạn vật. Vũ-trụ trong giây lát sẽ tan tành rời rạc, nát vụn, tả tơi.
Nếu trí-năng chi phối hành-vi của người ta trong xã-hội và vũ-trụ, thì tình yêu còn chi phối hơn nữa. Thiếu trí-năng, người ta có thể còn sinh sống một cách u-mê chất phác được, chứ thiếu tình cảm, người ta sẽ trở về với cát bụi.
Ấy tình-cảm và trí-thức quan hệ cho cuộc sống còn và tiến-hóa của nhân-loại là như thế, cho nên, từ cổ xưa người ta đã phải chú-ý đến sự rèn luyện, làm phát triển và hướng dẫn hai năng-khiếu ấy ở con người, đặng không trái với cái hòa-điệu đại đồng ở vũ-trụ, tức là đạo vậy. Cho nên Đại Học bắt đầu : « Đại học chi đạo, tại minh minh đức, tại tân dân, tại chỉ ư chí thiện » 1. Con đường học làm người ở chỗ làm phát triển năng-lực của tinh-thần về trí-thức, và phát triển tình yêu, đồng cảm với nhân-loại, và nhằm mục-đích cực hay cực tốt mà tiến tới. Tuy nhiên, tình-cảm và trí biết ai cũng có thật, nhưng, nếu không biết cách sớm luyện và hướng dẫn nó vào con đường ngay thẳng chân chính, phải nên, thì trí biết có thể đưa đến chỗ ngụy biện sai lầm, cũng như có thể đưa đến chân-lý được, và tình-cảm có thể đưa đến chỗ giết hại lẫn nhau, phá hoại cái hòa-điệu trong nhân-quần xã-hội, cũng như nó có thể đưa đến chỗ vui hòa, đồng nhất thể cả với vạn vật, làm một với Thiên Địa để cùng trời đất hợp tác trong cuộc sinh thành tiến hóa của toàn-thể.
Tình yêu ở nhân-loại hiện ra có nhiều trạng-thái. Yêu đến coi người khác tựa như mình vậy, cái gì mình không thích không đem cho người ta, chịu đựng ví như bậc Nhân Đức ở Khổng Nho, hay là hơn nữa, không còn oán giận mà vẫn thương yêu được kẻ thù như ở Cơ-Đốc Giáo, hay là cảm tới cái bụng đói của con thú dữ mà tự hiến thân mình làm mồi cho nó, như bậc bác-ái từ-bi ở Phật-Giáo, v.v… Cũng lại có kẻ yêu tiền, yêu của, phải tìm cách ăn trộm, ăn cướp ; yêu quyền, yêu thế, đến anh giết em, con giết cha, bầy tôi giết vua, ấy cũng do tình yêu cả, chỉ vì hướng dẫn khác nhau, cùng một bầu tình-cảm nồng nàn nhưng, hướng dẫn ra hai ngả tương phản.
Trí biết ở người ta cũng có nhiều bậc. Biết như con vịt, mới nở đã tìm ra bờ nước bơi lội, biết như con gà con, mới lìa vỏ trứng thấy diều-hâu vội nấp vào cánh của mẹ. Ấy là cái biết bản nhiên do tập-quán tích lũy từ trước, nay biến thành bản-tính. Biết như cái biết có suy nghĩ, hợp phép lý-luận thông thường, có thể lấy lý biện luận tại sao cái này thẳng, cái kia cong, hay là cũng có thể bẻ cái cong ra thẳng được ; có cái biết căn cứ vào thực-nghiệm, lại vừa hợp lý nữa, có thể làm cho người ta biết lợi dụng năng-lực của vật-chất vị kỷ, hay là để phá hoại nhân-loại và văn-minh trong các cuộc chinh-chiến, hay là dùng nó để giải phóng cho nhân loại về nhu-cầu vật chất, đặng rộng đường phụng sự chân-lý, như mộng-tưởng của các nhà khoa-học chân chính Âu-Tây. Còn có cái biết tâm linh, siêu lên trên cả lý trí và thực-nghiệm mà không mâu thuẫn với lý-trí, ấy là cái biết đồng-nhất của tinh-thần, đứng làm chủ quan và sự vật ở địa-vị khách quan, hai cái đối tượng, vật để biết với người quan sát hòa-hợp làm một, ấy là biết siêu-thức, tiên tri vậy. Cái biết ấy là cái biết vượt lên trên lý nhân và quả, thời-gian và không-gian, thống-quan, bao trùm được cái lý duy-nhất, nó chi phối toàn thể các lý trong vũ-trụ.
Ấy đấy, đại khái tình yêu và trí biết có nhiều thứ bậc như vậy, cho nên, không thể không tìm cách luyện tập, để hướng dẫn nó vào con đường phải và mục-đích hay. Và, đã luyện tập được như thế, không lẽ lại không theo đuổi công-trình tiến triển của nó tới chỗ cùng cực, tình yêu thì tới chỗ đại đồng, và trí biết cũng đạt tới chỗ thông suốt vạn vật, hoàn toàn phổ biến, ấy là chỗ Chí Thiện. Cho nên mục-đích của Đại Học là Chí Thiện, mà công-trình và điều kiện học tập của Đại Học là làm cho sáng trí-tuệ và khuếch xung tình-cảm đến triệt để vậy.
Lý-tưởng của con người duy-nhất ở xã-hội là Chí Thiện thì không những nó chỉ biết làm sáng cái đức sáng bản nhiên ở tinh-thần nó mà thôi, hay là chỉ biết thân yêu đồng cảm với nhân loại làm đủ, mà hơn nữa, phải đồng thời phát-triển cả hai năng-khiếu, trí và tình, cho quân bình đồng điệu. Trí-thức hay làm cho con người khô khan, khi người ta chưa đạt tới chỗ cùng cực của sự biết, là cái trí-thức thống-quan duy-nhất. Tình cảm hay làm cho người ta thiên vị, nhu nhược, thiên mê, khi người ta chưa phát triển được đến chỗ phổ biến, đại đồng. Cho nên, tâm với trí luôn luôn phải đi đôi, thì không những nó không mâu thuẫn phá-hoại lẫn nhau, như-ở Tây-phương cận đại đã hiểu lầm, mà trái lại, còn bổ khuyết lẫn cho nhau nữa. Bởi vì cả hai đều bắt nguồn từ sinh-lực. Sinh-lực suy nhược, thì trí-tuệ cũng lu mờ và tình-cảm cũng không thể phong hậu. Cả trí sáng suốt lẫn tình thâm thiết, chỉ nảy nở, ở cái sinh-lực khang kiện thanh tao. Vì thân-thể người ta là một trường thế-lực chuyển biến, mà tình-cảm hay trí-tuệ là những tác-động. Biết điều khiển được những thế-lực kia, không cho phiếm tán và phá hoại lẫn nhau, thì khi tập trung nó vào trí-tuệ, trí-tuệ sẽ có sức thông suốt, khi tập trung vào tình-cảm, tình-cảm sẽ thấm-thiết sâu xa. Vả lại, trí-thức ở đâu mà ra ? Ở những quan-niệm minh bạch, ý-tưởng phân minh, như Descartes, một triết-gia Pháp đã nói, và ý-tưởng lại do sự vật bên ngoài xúc động vào giác-quan. Cổ nhân nói « tình thâm nhi văn minh » có nghĩa là tình-cảm thâm thiết thì ấn-tượng mới rõ ràng, quan-niệm mới minh bạch.
Người xưa, khi bắt đầu suy xét tìm hỏi, thì trước hết bèn nhìn lên trời xem hình-tượng tinh tú, cúi xuống nhận xét sự vật trên mặt đất, hết thẩy đều vần xoay, biến chuyển, thay đổi không ngừng, không còn biết lấy gì làm chuẩn-đích để bấu víu, khác nào như ghi trên mặt nước chảy, đánh dấu vào mây bay, sự tìm tòi trí-thức ở ngoại giới vạn vật, thiên biến vạn hóa, thiên si vạn biệt, không đưa người ta đến một kết-quả gì vững chắc cả. Thất vọng, người ta bèn quay nhìn vào nội-giới tâm-hồn, để cố tìm lấy một cột trụ vững chắc hơn. Tuy từ ngoài đi vào, người ta thấy hiện-tượng tâm giới đổi thay, biến chuyển như hiện-tượng ngoại giới ; nhưng người ta cứ đi sâu vào mãi, thì thấy, càng xa lìa hiện-tượng ngoại vật bao nhiêu, càng đi mãi vào nội trung tâm bao nhiêu, người ta càng nhận thấy sự biến-dịch dần dần bớt đi, người ta cảm thấy càng ngày càng yên tĩnh mãi và có thể đến chỗ bất di, bất dịch, không động, không biến nữa, ví như từ cái bánh xe quay tít, lần qua những tay hoa cho đến tận ổ trục của nó, nơi không di dịch, khi mà cả bánh xe cứ quay vậy.
Người ta bèn lấy trung tâm nội giới duy tinh, duy nhất, làm chuẩn đích cho sự nhận thức, và khám phá nội giới cùng với những phép-tắc vận động của những hiện tượng tinh-thần, sự tương quan của nó với ngoại vật như thế nào, và làm thế nào để đi đến cái biết đích xác, cái thực tại sự vật ngoại giới đại vũ-trụ, cũng như ở tiểu vũ-trụ nội giới.
Nhưng trước khi đi tìm cái trí-thức về sự vật, người ta phải tự sửa cái khí cụ dùng để nhận thức, người ta phải chỉnh đốn cái phương-pháp qui mô để khám phá sự thật ở vũ-trụ. Bởi vì tài liệu dù có thừa, mà không có phương-pháp hay, thì cũng không thể đi đến kết-quả gì cả. Cho nên các nhà tư-tưởng Đông-Tây, sớm muộn, đều bắt đầu bằng phương-pháp-luận, ví như Descartes ở Thái-Tây với sách Đại-Luận về phương pháp, và Khổng Nho ở Cực-Đông với Đại Học vậy.
Cái khí-cụ để nhận thức tất nhiên là cái ý-thức tâm-lý, nó thu nhận những ấn-tượng do cảm quan dẫn vào thần-kinh-hệ, tới não bộ. Giác-quan phải tinh nhuệ, thì những ba-động của ngoại-vật mới dễ xúc động ; dây thần-kinh cũng phải linh diệu, thì sự truyền những ba-động đi mới mau lẹ. Vào tới não-bộ, những xúc-động, những ấn-tượng mới, sẽ gặp những ấn-tượng cũ còn nằm trong ký-ức ; rồi tâm-ý hay là ý-thức, ở đấy, thu nhận tin-tức, đưa lên cho tâm-trí, hay trí-tuệ, để phân biệt, so sánh, cắt đặt ra từng thứ loại, thì mới có kết-quả của sự nhận-thức. Ý-thức và trí-tuệ, cũng như là cảm giác, hãy còn có tính-cách thay đổi ; và nơi nào còn thay đổi, thì chưa phải là cái đích của sự nhận-thức, chưa phải trung-tâm lĩnh hội những ấn-tượng. Ở đằng sau ý-thức và trí-tuệ, còn có cái gì bất dịch bất động nữa kia, chính cái ấy, nó chi-phối tất cả con người từ tinh-thần lẫn thân-thể, cái ấy là tâm-linh hay linh-hồn, nó lĩnh hội những ấn-tượng ở bên ngoài vào, và nó ban truyền những mệnh-lệnh ra cho ý-chí (volonté) để phản ứng với bên ngoài. Chính cái tâm-linh ấy là Minh Đức bản-nhiên của con người ta, và chính cái tâm-linh ấy, nó mới thông suốt được vạn vật, bởi vì nó siêu lên trên chỗ biến dịch của sự vật, và nó tiềm tại trong sự vật để chi phối toàn thể sự vật. Cái tâm linh ấy, người ta ai cũng có, chỉ khác nhau ở chỗ sáng và tối, tùy theo trình-độ tiến hóa mà thôi.
Mời các bạn đón đọc Đại Học của tác giả Nguyễn Đăng Thục.
Nguồn: https://www.dtv-ebook.com.vn