Là Bộ Manga Được Xuất Bản Năm 1990 Của Hiroshi Takahashi Và Sau Này Đã Được Dựng Thành Bộ Phim Crows Zero Đình Đám Được Sản Xuất Năm 2007 (Phần 1) Và Năm 2009 (Phần 2).
Đây là một trong những bộ hiếm hoi mình thích mà nổi (hồi xưa thôi) và có hẳn hai cái phim chuyển thể khá đình đám là Crows Zero 1 và Crows Zero 2, của đạo diễn Takashi Miike (đồng thời cũng là đạo diễn phim Ichi the killer *cúi đầu*). Hai phim này mình xem hoài không chán (hóng phần tiếp theo dài cổ nhưng đến cái Explode thì dở dở sao sao đó, không coi được). Cũng chính hai phim này, cách đây mười năm về trước, đã khiến mình phải quay cuồng lên và đi kiếm manga coi, coi vài chap thì chính thức biến thành fan của M-A. (Không chính thức thì có truyện Detective Conan nhưng giờ mình ghét nó kinh khủng). Ngoài ra, truyện này còn có phần tiếp theo là Worst (thế hệ tiếp theo của trường Suzuran), QP (chưa đọc), vài cái spin off (ngoại truyện) nữa, rồi một bộ truyện vẽ lại y như trong phim chuyển thể kia – thứ lỗi không nhớ tên gì – vì phim khá khác so với manga: manga kể về Bouya Harumichi trong khi main trong phim là Genji, câu chuyện của hai người hơi khác nhau nhưng cả hai đều hay. Bài review này chủ yếu tập trung vào manga Crows nhưng cũng có đôi chút cảm nhận về hai phần phim nhé.
Tên manga: Crows
Tác giả: Hiroshi Takahashi
Thể loại: action, humour, school life
Năm phát hành: 1990 – 1998
Giới thiệu nội dung: Về một đám nam sinh cấp ba đánh nhau sống qua ngày, đôi khi sẽ vào bệnh viện nghỉ ngơi rồi… đi đánh tiếp.
I. Những điểm ấn tượng:
Đây là một trong những manga mà mình, một đứa cả thèm chóng chán, đọc bao nhiêu lần cũng không – thể – chán – được. Tại sao nhỉ? Gu của mình là những bộ manga/phim có art/diễn viên đẹp cơ mà. Truyện action thì cũng có đầy bộ khác hay ho, sao vẫn cứ cắm đầu vô cái bộ xưa rồi này? Chắc là vì sự hấp dẫn của nó được mang lại từ tất cả những gì cấu thành bộ truyện, không có gì thừa thãi. Người viết xin phân tích một vài yếu tố đặc sắc nhất ngay dưới đây:
1. Có những hình ảnh mang tính biểu tượng xuất hiện lặp đi lặp lại xuyên suốt câu chuyện, tạo nên một “truyền thống”, thương hiệu riêng (trong văn học gọi là motif).
Trước tiên, là hình ảnh con quạ. Con này dường như là “linh vật” đắt giá nhất xuất hiện trong những bộ truyện deep dark, tạo không khí hơn cả mấy con hung dữ như chim ưng, kền kền ăn xác… Không chỉ vì nó đen thui mà còn mang ý nghĩa sâu sắc đằng sau bề nổi điềm xui, tiếng kêu thống thiết, bước đi lầm lũi… Các bạn có thể bắt gặp hình ảnh con quạ trong manga Gintama các arc chính, trong phim của Kim Dung (Anh hùng xạ điêu), trong những câu chuyện dân gian, trong truyện chữ (như fantasy Ngục Thánh của anh Get Backer, highly recommend). Trong bộ Crows này thì, hình ảnh con quạ tượng trưng cho học sinh của trường Suzuran, những con quạ lầm lì, trẻ trâu, muốn khẳng định bản ngã và khao khát tự do. Mình vẫn còn nhớ câu thoại khá hay của ông đại ca Yakuza hỏi thằng bạn cũ có-vẻ-loser: “Mày làm sao vậy? Cái trường học bầy quạ không dạy cho mày điều gì à?” (trong bản phim). Rồi trong đoạn nhạc đầu phim, những góc quay viễn cảnh lẫn góc theo con quạ bay lượn khắp trường luôn làm mình nổi hết da gà.
Thứ đến là trang phục, phụ kiện và kiểu tóc cực kì trẻ trâu: học sinh Suzuran thì mặc đồ đen thui như con quạ, có mấy thằng đeo khẩu trang 24/7 không vì lý do gì, để tóc dài tết thành hai bím cực xinh, đeo dây xích lủng lẳng ở quần rất cool (cái này là mốt ngày xưa). Học sinh Housen (trường đối đầu) thì mặc đồ màu xám, cạo trọc đầu hết, những thằng thủ lĩnh máu mặt mới được để tóc. Ngầu lòi nhất là băng TFOA (The Front of Armament): chuyên đi mô tô, mặc áo khoác sau lưng có hình đầu lâu xương chéo. Những tạo hình này lên phim thấy chất kinh khủng. (Nhưng kiểu tóc undercut vuốt ngược, hai bên cạo vài vạch của Oguri Shun vẫn là đẹp trai nhất.)
Tiếp theo là quang cảnh ấn tượng với những bức graffiti vẽ trên tường trường học (và cả những từ ngữ bậy bạ, tất nhiên rồi). Tiện thể nói về cảnh, thì (không phải motif) bối cảnh không gian trong truyện cũng rất phóng khoáng, thích hợp để đánh nhau: đường phố, bờ sông, nhà bỏ hoang, …; nơi thích hợp để nói chuyện so deep thì là sân thượng, bệnh viện, toilet.
Còn một cái motif nữa là chi tiết mỗi khi có thằng nào đến trường đòi thách đấu với kẻ mạnh nhất thì câu trả lời của những học sinh Suzuran luôn là “Rindaman”, dù Rindaman là người đứng ngoài chiến tranh, chưa bao giờ tham gia giành chức “vua của Suzuran”.
2. Xây dựng nhân vật đặc sắc, gần gũi; có đủ thành phần tạo nên một “sân chơi” hấp dẫn.
Main bá khủng khiếp, nhưng logic sống khá đơn giản: bám theo và bảo vệ thằng bạn để bạn giới thiệu chị gái cho (thanh niên FA mê gái), thấy một thằng lạ hoắc ngồi khóc vì bị gái từ chối liền bay đến khóc cùng và kết nghĩa anh em bất chấp mọi thứ
, đi đánh nhau không cần kế hoạch gì hết, thành công hoàn toàn dựa vào sức mạnh.
Truyện có một Rindaman như thể huyền thoại/tượng đài về sức mạnh trong trường, ai nghe cũng phải nể sợ. Nhân vật này có một câu chuyện thú vị, được thêu dệt là kẻ máu lạnh giết cha, nhưng thực ra cũng là một người bình thường thôi, đánh nhau với main tưởng thua rồi nên nhục quá tránh mặt, trong khi đó main cũng tưởng mình thua và cũng tránh mặt, hai thằng gặp nhau trong những tình huống khá hài.
Truyện cũng có những con sói cô đơn, những “quân bài Joker” lạnh lùng cô độc, qua những trận chiến gay cấn mới biết có bạn bè thật ra vui vcđ.
Có những thằng bá quá nên phải qua thị trấn khác kiếm đối thủ và cái kết cực thỏa mãn (nghe như Daizemon Kaze của Gantz).
Và có những thằng đàn em trung thành, dù đại ca có thua người ta, có bầm dập thế nào thì trong tim em anh vẫn bá nhất. Ngược lại, anh đại ca sẵn sàng combat với những thằng dám động đến đàn em của nó.
Nhưng mình thích nhất là Hiromi Kirishima. Nhân vật này so với những “con quái vật” khác chẳng là gì, chỉ là, nó vừa tham gia “chiến tranh” vừa giống như một reviewer, chứng kiến mọi chuyện và đưa ra những nhận xét so deep. Đấu nhau mà chẳng có bình luận viên thì mất vui nhiều lắm phải không? Và chính bản thân Hiromi vì đi theo main mà học được những điều thú vị để dần dần trưởng thành. Đồng thời Hiromi cũng là người biết nhiều nhất về quá khứ của Rindaman cũng như chiến tranh cũ giữa Suzuran với trường Housen nhờ đánh bạn với một ông cựu học sinh, sau này thì lại chính ổng được những đàn em khóa dưới đến học hỏi
.
(Riêng bản phim thì mình thích Genji với Serizawa bằng nhau. Genji nói chuyện dễ thương còn Serizawa có lối sống tự do, thoải mái.)
3. Phong cách đánh nhau.
Dù còn trẻ (con) nhưng đa số nhân vật đánh nhau rất quân tử. Đánh tay đôi, hai bên phải cùng đang phơi phới về thể chất, một thằng vào viện thì thằng kia về đợi. Đánh xong, đa phần là trở thành bạn. Hồi mới xem phim có mấy bạn bình luận: “Đánh gì mà kì, thằng kia đấm một cái rồi thằng này đánh lại một cái, ai gục xuống trước là thua.”, nhưng mà mình nghĩ đánh thế mới biết ai mạnh và dai sức hơn chứ nhỉ
.
Đọc đến đây bạn hỏi, nếu không phải ai cũng chơi quân tử thì sao? Thì đây, truyện cũng có những màn úp sọt, phản bội, và một trong những nút thắt chính là sự kiện một học sinh của Suzuran dùng dao đâm chết đàn anh bên trường Housen rồi đi tù. Từ đó hai trường “kí hiệp ước” hòa bình, không gây nhau nữa. Để rồi câu chuyện lên cao trào khi hiệp ước bị phá vỡ. Giữa manga và phim đều có vụ này nhưng mình thích manga hơn, nó khai thác nhân vật phụ thực sự sâu sắc. Không chỉ vì tình anh em mà còn khắc họa khao khát khẳng định cái tôi, quá trình khám phá bản thân và nhận ra cái gì quan trọng.
II. Điểm trừ: Đánh nhau suốt, không thấy học hành gì sất =))))))))).
Tóm lại, truyện gợi nhớ đến tuổi trẻ của cả một thế hệ. Riêng với cá nhân mình, dù có đọc bao nhiêu manga thì bộ này vẫn đứng ở hàng “anh cả”, không gì thay thế được. Highly rec nếu bạn chưa đọc.
#BlueCat
P/s: Trong hình là Bandou và đại ca cũ của TFOA. Mình thích nhất chuyện về băng TFOA. Btw, cảm ơn nhóm Deathplace (hình như dead rồi
) đã dịch truyện này.
Mời các bạn đón đọc Crows của tác giả Hiroshi Takahashi.