Tôi gặp Y Ban vào một ngày không mưa, không nắng. Trái hẳn với sự đồn thổi và cái vẻ táo tợn bên ngoài là sự dịu dàng, tốt bụng của một người đàn bà. Ở cái đất nước quỷ quái này muốn tìm một nơi tĩnh lặng hòng cho tâm hồn thư thái một chút cũng khó. Chúng tôi chẳng biết đi đâu đành rủ nhau sang đền Đô. Muốn tiêu cho hết thời giờ cũng không phải dễ. Tôi định đưa cô bạn dịch giả mới từ Nga về Nguyễn Thị Kim Hiền và Y Ban sang thăm nhà lưu niệm Văn học Nga bên Phù Lưu mà không thành. Nói không thành cũng không đúng. Chỉ là không làm cách nào liên lạc được với dịch giả Thuý Toàn. Hơn chục cuộc gọi đều rơi vào hư vô. May mà cuối cùng nhờ người hàng xóm tốt bụng mở cửa cho chúng tôi vào xem. Chắc ông thấy chúng tôi đứng bần thần khá lâu bên tấm biển đồng nên mủi lòng. Thật ra tôi đã sáng kiến đặt máy ảnh chế độ tự động, chụp cả bọn bên tấm biển. Nó là bằng chứng, rằng chúng tôi đã có mặt như đã hẹn trước từ chiều qua với bác Thuý Toàn. Còn khối thì giờ, chúng tôi kéo lên đê sông Hồng chụp vài bức hình làm kỷ niệm. Chỗ chúng tôi chụp ảnh vắng tanh, vắng ngắt, nghe rõ cả tiếng gió thì thào lướt trên mặt sông. Yên tĩnh quá. Tôi cứ có cảm giác mình đang ở đâu đó thâm sơn cùng cốc, chứ không phải chỉ cách cái ồn ào náo nhiệt có nửa bước chân…**** Vẫn còn thì giờ. Y Ban kéo chúng tôi về nhà cô. Sau một hồi uốn lượn xe chúng tôi cũng dừng lại trên một vạt đất của nhà ai bỏ quên, chưa kịp xây. Cỏ lún phún xanh. Tổ ấm của Y Ban rất đáng yêu. Chồng cô là nhà điêu khắc có biệt danh “Cơ Điên” – vì quá yêu mến mà anh em trong giới đã tặng cho. Cơ dùng luôn tầng một làm xưởng. Chân dung đàn ông, đàn bà, cao thấp, to nhỏ bày la liệt. Những cái đầu bằng đất với đôi mắt hoắm sâu chả gợi cho tôi điều gì. Có chăng là sự dư thừa tiền bạc. Cậu con trai cao vổng, thừa hưởng những gì ưu việt nhất từ bố mẹ. Trần Đăng Khoa thốt lên: – Nhà thím quá tuyệt vời. Rộng rãi, yên tĩnh. Không khí gần sông trong lành. – Nhà em sắp phải chuyển đi chỗ khác rồi đấy. Nằm trong diện giải tỏa mà anh. – Thím sống ở đây được mấy năm rồi mà phải chuyển thì tiếc thật. Giá mà dinh tê cả nhà cửa, cây cối, vườn tược đi theo thì tốt quá… – Chỗ họ đền bù cho nhà em xa lắm. Mà chả được rộng như thế này, chỉ mấy chục mét vuông thôi.**** Y Ban pha trà mời khách. Cô mang ra một nải chuối, một đĩa hoa quả gọt sẵn. Cô còn cho chúng tôi thưởng thức món su hào mà cô tự tay muối. Trần Đăng Khoa nắc nỏm khen ngon. Y Ban cười rất tươi nói lúc về sẽ tặng chúng tôi mỗi người một túi. Chúng tôi theo Y Ban dạo một vòng xem cơ ngơi của cô. Nhìn cái góc xinh xinh nơi mà từ đó những trang viết theo nhau nằm dưới tay bạn đọc, tôi tự nhủ: “Thì ra, mọi cái to tát, sóng gió của cuộc đời, mọi cái nhỏ nhoi, tinh tế của người đàn bà đâu cần nhiều không gian lắm. Tất cả được dồn nén, chất chứa trong cái đầu xem ra chả có gì khác thường của người đàn bà kia.” Cái tên Y Ban lâu nay gợi cho tôi nhớ về một mùa hoa ban nơi góc rừng Tây Bắc của một thời xa xưa. Những cuốn truyện dưới bút danh Y Ban từng làm tôi, làm bạn đọc tưởng cô là người dân tộc. Trong một lần vui chuyện cô kể mới té ngửa ra cái bút danh Y Ban chả có gì bí hiểm. Chỉ đơn giản là cô làm trong ngành Y tên Ban, khi viết truyện cô bèn lấy luôn “Y Ban” cho tiện. Y Ban kéo chúng tôi lên sân thượng, chỉ cho chúng tôi con sông đang nhoà đi trong cái nắng heo hắt. Mấy cây hoa cô trồng mọc hồn nhiên như nó vốn có. Tôi thích điều này. Những thứ được tỉa tót, chăm bón kỹ nơi dinh thự của những dân ăn chơi, sành điệu, lắm tiền làm tôi khó chịu. Nó cứ giả giả như chủ nhân của nó vậy. Của đáng tội, nhiều người bạn của tôi cũng từng đã có lúc mơ giấc mơ về chúng. Giấc mơ no đủ. Chồng Y Ban là một ông chủ hiếu khách. Ngoài dịch giả Kim Hiền đã quen, Trần Đăng Khoa, tôi và nhà thơ Hoàng Xuân Tuyền đều lần đầu tiên đến đây. Chủ nhà kể cho chúng tôi câu chuyện anh chứng kiến trên máy bay trong một lần công tác từ nước ngoài về. Say rượu. Tây ta đều như nhau cả. Trong cơn say, người ta thường khó mà kiềm chế được những hành động khiếm nhã, những cử chỉ thô tục. Và để kết thúc câu chuyện “Cơ Điên” nở một nụ cười hiền. Nhìn Cơ cười, ai dám bảo anh là người có cá tính bạo liệt, có lúc như điên điên cơ chứ. **** Ngoài những lúc viết sách, Y Ban luôn bận rộn. Ngoài trách nhiệm chăm lo phần hồn cho thiên hạ, cô còn là người mẹ chỉn chu trong công việc nội trợ, chăm lo con cái, chăm sóc gia đình. Tôi cũng từng biết có những cặp vợ chồng văn nghệ sĩ khác. Họ, mỗi người mơ giấc mơ của mình. Con cái thả phóng. Hồn nhiên chơi, hồn nhiên lớn. Chia tay bà chủ ngôi nhà, chúng tôi ra về với lời hẹn, lần sau gặp lại. Dẫu biết rằng cái lần sau ấy lâu lắm. Ai cũng bận rộn. Cái hẹn bị chìm lấp bởi cái bề bộn mưu sinh thường ngày. Hồi đi Trại sáng tác trên Tam Đảo, tôi nhận lời mời đến chơi nhà của họa sĩ Nguyễn Quốc Thái, vậy là phải mười ba năm sau tôi mới thực hiện được. Tôi thực sự may mắn và hạnh phúc khi có được những người bạn. Dẫu không thường xuyên gặp nhau nhưng đâu đó trong một góc khuất, nhỏ nhoi của tâm hồn, luôn có hình bóng của nhau. Với tôi, điều này là quá đủ.Mùa thu 2017. LÊ THANH MINH