Con Người Phi Thường Và Cỗ Máy IBM

Con Người Phi Thường Và Cỗ Máy IBM

Tác giả:
Thể Loại: Kinh Tế - Quản Lý
Nguồn: https://www.thuvienpdf.com
PDFĐỌC ONLINE

“Gần đây, người ta hỏi tôi rằng liệu tôi có sa thải một nhân viên vừa mắc sai lầm gây thiệt hại cho công ty 600.000 đô la hay không. Tôi đã trả lời là không mà thực ra tôi đã chi 600.000 đô la để đào tạo cậu ấy. Vậy thì tại sao tôi lại để cho các công ty khác tận dụng mất kinh nghiệm của cậu ấy cơ chứ?”. Thomas Watson Sr. (Watson Cha), người mà tên tuổi đã gắn liền với 3 chữ cái IBM danh tiếng đã nói như thế. Được coi là người đưa IBM lên bục vinh quang, Watson đã đi cùng IBM tới tận cuối đời mình và để lại rất nhiều bài học quý giá trong phong cách lãnh đạo và kinh doanh của ông.

Cuốn sách này là một trong rất ít những cuốn sách hiếm hoi phác họa được đầy đủ con người và sự nghiệp của Watson. Trước khi cùng độc giả khám phá những bước thăng trầm của nhà lãnh đạo tài ba này, chúng tôi xin được khắc họa đôi nét về tập đoàn IBM, con thuyền mà Watson đã từng lèo lái tới đỉnh cao vinh quang.

Nguồn gốc của IBM huyền thoại bắt đầu từ năm 1889, khi nhà phát minh người Mỹ Herman Hollerith (1860 – 1929) đã tìm cách tự động hóa tính toán kết quả điều tra dân số của Mỹ, công việc mà trước đó phải mất tới 10 năm tính toán cho mỗi lần điều tra. Hollerith sử dụng các thẻ đục lỗ để ghi thông tin qua một cỗ máy đếm chạy bằng điện gọi là “Punch Card Tabulating Machine”, giúp cho công việc tính toán từ 10 năm thu lại chỉ còn 6 tuần. Hollerith thành lập Công ty Máy lập bảng (TMC) vào năm 1896, đưa phát minh của mình vào thế giới kinh doanh. Khách hàng của ông là các cơ quan điều tra thống kê từ nhiều nước và một số công ty bảo hiểm. Năm 1911, TMC sáp nhập với hai công ty khác thành Công ty Ghi âm – Tính toán – Lập bảng.

Khi Watson Cha (1874 – 1956) trở thành Chủ tịch TMC vào tháng 5 năm 1914, công ty mới chỉ có khoảng 400 nhân viên. Ông đã phải đương đầu với một cơ cấu tổ chức rất phức tạp và đã phải rất khéo léo khi làm việc với các nhân vật cấp cao khác trong công ty như Hollerith, người mà tên tuổi đã gắn liền với máy đếm tự động. TMC đổi tên thành International Business Machines (IBM) vào năm 1924 và là nhà cung cấp 90% máy tính tại thị trường Mỹ khi đó.

Từng làm giám đốc bán hàng cho Công ty Máy đếm tiền Quốc gia (NCR), Watson là người đưa ra khẩu hiệu “THINK” nổi tiếng, sau này trở thành biểu tượng của IBM. Người ta luôn nhắc tới ông với thuật tạo động lực rất tốt cho lực lượng bán hàng của công ty. Gắn IBM với khẩu ngữ “Hòa bình thế giới thông qua thương mại thế giới” (World Peace Through World Trade), Watson luôn nỗ lực phát triển các quan hệ quốc tế và trở thành Chủ tịch Phòng Thương mại Quốc tế vào năm 1937.

Là một chuyên gia bán hàng kì cựu, Watson luôn chú ý tới khách hàng, nhưng bên cạnh đó vì luôn nhận thức được rằng đội ngũ nhân viên của mình cũng quan trọng không kém nên ông luôn đi đầu trong việc tạo động lực cho họ bằng nhiều cách, trong đó có việc tăng lương – thưởng xứng đáng. Mặc dù bị nhiều người xem là một nhà quản trị khá độc đoán, Watson vẫn luôn được kính phục bởi việc tạo dựng được một nền móng văn hóa công ty nổi tiếng, yếu tố quan trọng đưa IBM tới thành công.

Watson được phong là Chủ tịch danh dự của IBM trước khi ông mất năm 1956, trao lại trọng trách điều hành công ty cho Thomas Watson Jr. (Watson Con) (1914 – 1993). Watson Cha được tạp chí Business Week coi là nhà công nghiệp tiên phong trong ngành công nghệ thông tin, là giám đốc điều hành (CEO) lớn đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ và là người đã tạo ra một tổ chức với cái tên IBM đã làm thay đổi cả thế giới.

Có thể bạn thích sách  Kỷ Yếu Hội Thảo Khoa Học Quốc Gia Kinh Tế Truyền Thông: Lý Luận, Thực Tiễn Và Kinh Nghiệm

Trở thành chủ tịch IBM cuối những năm 1950 nhưng không giống như người cha chỉ tập trung vào hệ thống thẻ điện cơ học chứ không đánh giá cao các máy tính điện tử, Watson Con dẫn dắt công ty theo một hướng khác. Ông tuyển hàng trăm kỹ sư điện tử để thiết kế các máy tính cỡ lớn. Năm 1960, IBM quyết định thực hiện dự án dòng máy tính 360 với ý tưởng tất cả các máy tính cùng dòng có thể sử dụng cùng phần mềm và cùng thiết bị ngoại vị. Quyết định này hàm chứ rủi ro rất lớn đối với IBM bởi dòng máy này không tương thích với các máy tính được sản xuất trước đó. Mặc dù ra đời trễ hơn dự kiến vào năm 1964, dòng 360 cỡ lớn đã được thị trường đón nhận và đem lại lợi nhuận hàng tỷ đô la Mỹ cho IBM.

Phát minh thiết bị bán dẫn đã thay thế các ống chân không trong ti vi, đài và máy tính. Kích thước của máy tính nhờ đó đã giảm đi đáng kể. Ngôn ngữ máy được thay thế bằng ngôn ngữ assembly (tập hợp), cho phép các mã lập trình ngắn gọn thay thế các mã nhị phân dài dòng và khó hiểu. Các nghề nghiệp mới xuất hiện như lập trình, phân tích hệ thống… cùng với ngành công nghiệp phần mềm.

Vào cuối thập kỷ 1970, các công ty lớn, đều kể cả IBM và DEC, không tin tưởng mấy vào tương lai của máy tính cá nhân. Mặc dù xem đó là một mối đe dọa đối với thị trường máy tính cỡ lớn, IBM đã không đánh giá được ngay tiềm năng của dòng máy tính này nên đã để ngỏ cửa cho các đối thủ cạnh tranh như Digital Equipment Corporation, Hewlett-Packard, và Data General.

Tuy nhiên, IBM vẫn xúc tiến các hoạt động thăm dò khả năng phát triển của máy tính cá nhân so với các sản phẩm máy tính cỡ lớn. Một kế hoạch bí mật được bàn bạc với Microsoft trong việc phát triển các phần mềm cho máy tính cá nhân trong trường hợp cần xuất xưởng tức thì. Cùng lúc, Microsoft thương lượng mua lại hệ điều hành Q-DOS của Seattle Computer. May cho Microsoft là IBM lúc đó đã giữ quá kín kế hoạch của mình nên cuối cùng Q-DOS đã lọt vào tay Microsoft chỉ với giá 50 ngàn đô la Mỹ. Q-DOS sau trở thành MS-DOS, bước ngoặt lớn trong lịch sử của Microsoft nói riêng và của ngành công nghiệp máy tính nói chung.

Sau khi xác định rằng máy tính không còn chỉ dành riêng cho các hoạt động kinh doanh lớn hay các hợp đồng với chính phủ mà đã đi vào đời sống hàng ngày, tháng 8 năm 1981, IBM giới thiệu máy tính cá nhân IBM PC sử dụng hệ điều hành 16-bit Microsoft MS-DOS phiên bản 1.0, cùng với Microsoft BASIC, Microsoft COBOL, Microsoft Pascal, và các trình ứng dụng khác của Microsoft. Máy tính này có 16 kilobyte bộ nhớ (có thể mở rộng tới 256 kilobyte), có đĩa mềm và màn hình màu. Sang năm 1982, số lượng người sử dụng máy tính cá nhân đã tăng từ 2 triệu lên 5,5 triệu. Mười năm sau đó, số lượng PC vượt ngưỡng 65 triệu máy. Máy tính vẫn tiếp tục thu nhỏ kích thước và tăng tốc độ, từ máy để bàn (desktop) tới máy xách tay (laptop) rồi máy bỏ túi (palmtop). Máy tính của những năm 80 được gọi là thế hệ máy tính thứ năm với tốc độ cực cao. Ngày 20 tháng 11 năm 1985, Microsoft ra mắt phiên bản hệ điều hành Microsoft Windows đầu tiên, một hệ điều hành mở rộng của MS-DOS sử dụng môi trường đồ họa. Cũng trong năm này, IBM đưa ra mạng LAN sử dụng cấu trúc token-ring có thể chia sẻ máy tính, máy in, dự liệu và các thiệt bị khác trong cùng một tòa nhà. Cấu trúc token-ring trở thành tiêu chuẩn cho các mạng LAN sau đó.

Có thể bạn thích sách  Siêu Kinh Tế Học Hài Hước

Vào cuối những năm 1980, IBM là công ty lớn nhất thế giới về các loại máy tính máy văn phòng, bao gồm cả máy đánh chữ và máy photocopy. IBM cũng là nhà sản xuất lớn nhất về mạch tích hợp, được sử dụng trong các sản phẩm của riêng công ty. Tuy nhiên, máy tính cá nhân IBM khi ấy bắt đầu bị cạnh tranh dữ dội bởi các dòng máy tính tương thích IBM với giá rẻ hơn.

Thời kì suy thoái kinh tế Mỹ đầu thập kỷ 90 đã khiến IBM điêu đứng, buộc 40.000 nhân viên bị mất việc làm năm 1992, cũng là năm IBM chào bán máy xách tay ThinkPad với con chuột được gắn giữa bàn phím có cái tên mới TrackPoint. Tuy nhiên, IBM trở nên trì trệ trước những thay đổi liên tục của thị trường. Lần đầu tiên trong lịch sử của IBM, giá cổ phiếu của công ty giảm xuống chỉ còn phân nửa so với trước đó khi công ty thua lỗ 15 tỷ đô la, khiến John F. Akers, chủ tịch công ty từ năm 1985 từ chức vào đầu năm 1993.

Louis V. Gerstner được cử làm chủ tịch công ty từ tháng 4 năm 1993. Không giống với các nhà quản lý trước đó của IBM, Louis Gerstner xuất thân từ những ngành chẳng liên quan gì đến máy tính. Có lẽ cũng chính vì thế mà Louis Gerstner dám mạo hiểm và thích một thử thách lớn khi đảm nhiệm việc cải tổ bộ máy cồng kềnh đồ sộ của một đại công ty như IBM.

Louis Gerstner đã tuyên bố “cái mà IBM cần nhất hiện nay không phải là một chiến lược dài hơi” và ông bắt tay vào trực tiếp rà soát và thu hẹp rất nhiều bộ phận hoạt động không hiệu quả, đặc biệt trong các bộ phận hành chính và cắt giảm chi phí tối đa. Chỉ trong 2 năm đầu tiên, số lượng nhân viên của IBM từ gần 400.000 người giảm xuống còn 219.000 người, tiết kiệm được gần 20 tỷ đô la Mỹ. Bộ máy hoạt động tinh giản đã giúp IBM có được một cơ chế kinh doanh thông thoáng và linh hoạt.

Dưới sự dẫn dắt của Louis Gerstner, IBM còn là một trung tâm cung cấp mọi dịch vụ tin học. Năm 1995, IBM bỏ ra 3,5 tỷ đô la để mua lại công ty phần mềm Lotus Development nhằm mở rộng phạm vi sang ngành công nghiệp phần mềm. IBM cũng chủ động tham gia các dự án mã nguồn mở, đặc biệt là dự án Linux hợp tác với Linux Technologie Center. Với bài học về hệ điều hành DOS trước kia, Louis Gerstner đã chớp thời cơ quảng bá cho hệ điều hành Linux và khuyến khích các máy chủ (server) có quy mô nhỏ sử dụng Linux và IBM là nhà cung cấp các máy chủ ấy.

Sau gần 10 năm rất thành công với cương vị Chủ tịch điều hành của IBM, Louis Gerstner đã nhường vị trí này cho cựu phó chủ tịch Palmisano năm 2002. Năm 2005, IBM đã quyết định bán bộ phận sản xuất máy tính cá nhân cho công ty LeNoVo, nhà sản xuất máy tính cá nhân hàng đầu của Trung Quốc có 57% vốn nhà nước, với giá 1,75 tỷ đô la Mỹ và chỉ giữ lại 19% cổ phần. LeNoVo sau đó gồm 19.000 nhân viên, trong đó có 10.000 nhân viên cũ của IBM. Ngoài ra, IBM cũng đã mua lại các công ty phần mềm như Tivoli, Rational và Informi. Bước đi này không những giúp IBM giảm thiểu rủi ro từ bộ phận máy tính cá nhân mà còn là bước đệm vững chắc giúp công ty đưa các dịch vụ và phần mềm của mình vào thị trường Trung Quốc.

Có thể bạn thích sách  Chế Độ Ngân Sách Và Tài Chính Xã - Hệ Thống Báo Cáo Tài Chính Và Báo Cáo Quyết Toán

Để giúp bạn đọc yêu thích kinh doanh và thuật lãnh đạo có thêm một bài học quý từ một nhà quản trị kinh doanh kiệt xuất, đã gắn tên tuổi mình với một trong những nhãn hiệu có giá trị nhất trong mọi thời đại, Alpha Books đã chọn xuất bản cuốn sách Thomas Watson Sr. – Con người phi thường và cỗ máy IBM dịch từ nguyên bản tiếng Anh “The Maverick and His machine: Thomas Watson Sr. and the Making of IBM”, bản quyền của John Wiley & Sons, Inc., do tác giả Kevin Maney dày công nghiên cứu và xây dựng. Cuốn sách sẽ làm giàu thêm cho Tủ sách AlphaBiz/Lãnh đạo và Quản lý hiện đang được bạn đọc đánh giá rất cao. Thông qua lối viết giản dị nhưng hết sức lôi cuốn, Kevin Maney, người phụ trách chuyên mục Công nghệ của tạp chí USA Today nổi tiếng, sẽ cho chúng ta thấy tài năng của Watson trong việc biến một tổ chức lộn xộn, thiếu định hình thành một bộ máy hoạt động trơn tru, hiệu quả tạo nên thương hiệu công nghệ thông tin hàng đầu thế giới.

Cùng với các cuốn đã xuất bản như “Henry Ford – Cuộc đời và sự nghiệp của tôi” dịch từ nguyên bản tiếng Anh “My life and work” của Henry Ford; “Sam Walton – Cuộc đời kinh doanh tại Mỹ” dịch từ nguyên bản tiếng Anh “Made in America” của Sam Walton – chủ tịch tập đoàn bán lẻ Wal-Mart, bản quyền của Random House; “Đường lối lãnh đạo HP” dịch từ nguyên bản tiếng Anh “The HP Way” của David Packard – người đồng sáng lập tập đoàn HP; “Made in Japan: Akio Morita and the Sony” của Akio Morita – nhà lãnh đạo tài ba của tập đoàn Sony, bản quyền của Penguin Group; và các cuốn sắp xuất bản tới đây gồm “Tự truyện của Andrew Carnegie”, nhà đại tư bản ngành thép của Mỹ, một nhà từ thiện nổi tiếng của thế giới, người đã đóng góp hầu như toàn bộ cơ nghiệp của mình để xây dựng những bệnh viện và thư viện trên thế giới; cuốn “Cuộc cách mạng của Nokia” về bài học và con đường thành công của tập đoàn điện thoại di động số 1 của thế giới đã phát triển từ một hãng sản xuất nhỏ ở Bắc Âu thành người thống trị thị trường di động toàn cầu; cuốn “Con đường Toyota” về phương thức sản xuất có hệ thống nổi tiếng với một nền tảng văn hóa công ty đặc sắc đã đưa Toyota tới thành công…, cùng thuộc tủ sách Alpha Biz/Gương doanh nhân và tập đoàn, chúng tôi mong muốn cung cấp các bài học kinh nghiệm từ các nhà quản trị tài ba và từ con đường phát triển của những tập đoàn hùng mạnh nhất thế giới cho các độc giả Việt Nam, cho những nhà quản lý, những doanh nhân, những sinh viên và tất cả những người mong ước tìm tòi và có khát vọng vươn lên trong cuộc sống.

Qua những tác phẩm này, chúng tôi mong muốn mang lại cho độc giả một tinh thần kinh doanh thực sự vì con người, vì xã hội của những nhà lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu thế giới, và đóng góp chung cho sự phát triển của các doanh nghiệp Việt Nam. Chúng tôi rất mong nhận được ý kiến đóng góp của bạn đọc cho những cuốn sách này.

Tháng 4/2006

TRỊNH MINH GIANG
Sáng lập VietManagement
Công ty Sách Alpha