Con Đường Thoát Hạn không phải là một cuốn tiểu thuyết trinh thám nhưng nó sẽ đưa bạn từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Cuốn sách mô tả nhiều kế hoạch tưởng chừng là điên rồ nhưng lại được thực thi và tạo nên cuộc cách mạng về nước như “đường dẫn nước Quốc gia”, hay những đường ống dẫn nước đắt đỏ được ví như những “đường ống dẫn sâm banh”. Những đường ống đắt đỏ đó lại được triển khai bằng mô hình “xã hội hóa” nhằm thu hút sự đóng góp của toàn xã hội cho một tầm nhìn dài hạn về quản trị nguồn nước. Có những kỹ thuật tưởng chừng như không tưởng vào những năm 1960-1970 của thế kỷ trước lại được áp dụng hiệu quả như tưới nhỏ giọt, tưới dưỡng chất, khử mặn và tái sử dụng nước thải. Bạn cũng có thể bất ngờ với việc người Israel bảo tồn nguồn nước mà chẳng cần tốn nhiều tiền bạc bằng cách tăng giá nước để giảm nhu cầu. Thậm chí có những thời điểm họ thiếu cả nước thải để tái sử dụng vì người dân dùng nước quá tiết kiệm. “Nước không phải thứ miễn phí” là một thông điệp xuyên suốt toàn cuốn sách và cũng là thông điệp ăn sâu vào nếp nghĩ của người Israel hiện nay. Người Israel luôn coi nước là một nguồn tài nguyên có giá trị, thiêng liêng và trẻ em được dạy ngay từ cấp tiểu học về giá trị của tiết kiệm nước thông qua việc tắt nước vòi tắm khi đang xoa xà phòng, tắt vòi nước trong khi đánh răng, và tầm quan trọng của hệ thống xả kép cho bồn vệ sinh. Siegel cho rằng người Israel không chỉ có một tư duy về việc trân trọng nước mà còn có một cảm giác về sự giới hạn và chính điều đó giúp họ không phung phí mà tiết kiệm nước đến từng giọt.