Thế kỷ XX đã qua đi trong “sóng gió” của khoa học và công nghệ nhưng sự khủng hoảng sâu sắc về nền tảng tư tưởng của vật lý học nói riêng và khoa học tự nhiên nói chung khiến chúng ta không thể không suy ngẫm và trăn trở: vật chất liệu có đúng là được sinh ra từ Big Bang? Và không gian, thời gian cũng được sinh ra từ đó? Liệu có tồn tại một Đấng sáng thế điều khiển mọi quá trình ngay từ giây phút đó với mục đích để loài người xuất hiện? Và rồi những hiện tượng “tâm linh” như việc đi tìm mộ của Đỗ Bá Hiệp, Nguyễn Văn Liên, Phan thị Bích Hằng… liệu có nói lên rằng ý thức có thể thực sự tồn tại bên ngoài vật chất? Bước sang thế kỷ XXI, những dư âm của “một thời đã qua” vẫn đè nặng lên tâm tư của những người làm khoa học một cách thật sự nghiêm túc. Vào năm 1988, khi một lần nữa tôi có dịp quay lại nghiên cứu một cách bài bản về môn “triết học Mác-Lênin”, vì phải trả thi tối thiểu trong chương trình nghiên cứu sinh tại trường Đại học Bách khoa Ki-ev, U-cra-in-na (Liên xô cũ, tôi đã lựa chọn đề tài luận văn triết học với tựa đề “Phân tích các phạm trù cơ bản của triết học” (tất nhiên là bằng tiếng Ngamà sau này đã làm cơ sở cho tư duy của tôi. Nhờ trang bị được một phương pháp luận duy vật biện chứng triệt để, tôi bắt đầu chuyển cách nghiên cứu vật lý theo một hướng khác: “đặt lại toàn bộ nền móng tư tưởng cho vật lý” với phương châm: “trả lại vật lý cho vật lý” vì vật lý hiện đại đã bị “siêu hình hóa” và “toán học hóa” tới mức có thể nói “không còn là vật lý nữa”! Vậy là sau hơn 35 năm “đơn thương độc mã” trên con đường đi tìm một lý thuyết thống nhất cho vật lý học, cuối cùng tôi cũng đã đạt được những kết quả phù hợp với hầu hết các hiệu ứng và thực nghiệm hiện có trong vật lý, và có lẽ như người đời thường nói “may hơn khôn”! Còn, nói như Newton có lẽ đúng hơn chăng: “vì tôi đứng trên vai những người khổng lồ”. Vâng! Những người khổng lồ đó là K. Marx, F. Anggel, I. Newton, A. Einstein,… Lý thuyết của các ông là xuất phát điểm cho những nghiên cứu và cũng là điều kiện tiên quyết cho mọi thành công của tôi – thành thật kính cẩn nghiêng mình trước những thiên tài của mọi thời đại! Đây là tác phẩm đầu tiên của tác giả sau hơn 35 năm nghiên cứu mà trước đó chưa được đăng tải bất cứ một công trình nào. Một phần vì tiếng Anh của tôi chỉ tàm tạm để đọc các tài liệu khoa học, không thể chuyển tải được những nội dung mà tôi đã thực hiện, trong khi ở trong nước không có lấy một tạp chí vật lý bằng tiếng Việt nào; một phần khác là tự xét thấy các vấn đề được nêu ra và giải quyết chưa thật trọn vẹn trong một bối cảnh chung thì rất khó thuyết phục khi hầu như toàn bộ “giới vật lý chính thống” đều đang say xưa với “Mô hình chuẩn”, với “siêu đối xứng”… mà nếu so sánh với nó, thì trong con mắt của họ, những gì tôi đang làm chẳng khác gì “đồ chơi con trẻ”! Mặc dù vậy, cũng có lúc tôi đã thử cố gắng kết giao với những nhà vật lý có tên tuổi trong nước, nhưng đều bị chối từ, vì có lẽ không một ai tin vào một “nhà vật lý nghiệp dư” với một hướng đi “lạ kiểu” mà dường như quá “tầm thường”, vì ở đây, hầu như chỉ có các khái niệm “lành mạnh”, trong khi lẽ ra phải “siêu hình” và hơn thế nữa – phải thật “điên rồ”! Vả lại, gần đây ở nước ta, xuất hiện quá nhiều những nhân vật “hoang tưởng” cũng có xuất xứ na ná như vậy, tự tuyên bố rằng đã “lật đổ được Newton và Einstein” và rằng lý thuyết của họ mới thật sự là đúng đắn và thậm chí là “cách mạng”! Nhưng cái cảnh “trăm voi không được bát nước xáo” này cũng gây nên tình trạng dị ứng nặng nề của giới vật lý đối với những “công trình” có tiêu chí tương tự mà công trình này của tôi cũng không phải là ngoại lệ! Tuy nhiên, viết cuốn sách này, tác giả hy vọng trình bầy được một cách hệ thống các kiến thức mới trong một trật tự lôgíc khả dĩ nhất có thể trong phạm vi khả năng của tác giả, và có lẽ cũng chỉ như vậy mới hy vọng làm cho mọi người có thể hiểu được mình và đặt niềm tin vào hướng đi mới này để cùng nhập cuộc, rồi biết đâu đấy, có ai đó sẵn lòng nhiệt tình giúp dịch ra tiếng Anh để có thể lấy ý kiến đánh giá của cộng đồng khoa học quốc tế.