Con Đường Đau Khổ

Con Đường Đau Khổ

Tác giả:
Thể Loại: Tiểu Thuyết Phương Tây
Nguồn: https://thuviensach.vn
PDFĐỌC ONLINE

Con đường đau khổ là đỉnh cao chói lọi của tài năng A.Tôlxtôi, là cuốn tiểu thuyết cổ điển của nền văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa. A.Tôlxtôi đã viết bộ tiểu thuyết này trong hơn hai mươi năm (từ 1919 đến 1941và quá trình viết cuốn tiểu thuyết ấy cũng là quá trình lớn lên trong tầm nhận thức của nhà văn đối với cách mạng. Tập đầu của bộ tiểu thuyết, cuốn Hai chị em, có thể xem là một thiên tự sự về vận mệnh cá nhân của các nhân vật trí thức đang tìm đường giữa những biến động dữ dội của cuộc sống. Mở đầu cuốn sách, A.Tôlxtôi đưa ta vào không khí của kinh thành Pêtecburg năm 1914, những ngày trước chiến tranh. Pêtecburg và cả nước Nga đang sống trong những ngày tháng hấp hối của xã hội tư sản, những ngày tháng chán chường, phờ phạc, sặc nồng mùi vốtka và ái ân không tình yêu. Xã hội tư sản đang sống những ngày tàn của nó và những nguời trí thức tiểu tư sản, như “những con bướm”, “không dính dáng gì đến khía cạnh nào của nước Nga cả”, đang khắc khoải, hoảng hốt đi tìm “con đường thứ ba” làm giải pháp phá vỡ bế tắc của cuộc sống. Sống trong không khí xã hội ấy, những nhân vật của A.Tôlxtôi do bản chất của mình, cũng đã dấn mình vào những cuộc tình phù du, những cuộc “dạ đàm” triết học và nghệ thuật, vào những suy tư dằn vặt vô vọng và đau đớn để tìm cách thoát ra khỏi xã hội và thoát ra khỏi chính mình. Katia, Đasa, Rốtsin… kẻ ít người nhiều, đều đã sống như những “thân phận cô đơn”, những kẻ bị “lưu đày” trong xã hội ấy. Cuối cùng, họ sẽ đi tới đâu với những ưu tư ấy? Như tác giả sau này sẽ cho thấy, con đường của họ sẽ là con đường lạc lối, nếu không có một giải pháp thực sự cách mạng. Mặc dù trong tập đầu này, A.Tôlxtôi không có ý định mô tả chính quá trình lịch sử và có ý định viết một cuốn tiểu thuyết sử thi về nội chiến và cách mạng, Hai chị em vẫn không phải là một cuốn tiểu thuyết thuộc loại sinh hoạt gia đình tầm thường. “Hai chị em không phải là tiểu thuyết lịch sử. Đó là hình ảnh thời đại qua những ấn tượng riêng tư” (A.Tôlxtôi. Trong tập đầu tác phẩm này, A.Tôlxtôi đã chú ý xác định mối quan hệ giữa trí thức và cách mạng hơn là mô tả những biến cố đang diễn ra trên dòng lịch sử. Vào thời bấy giờ, đây chính là vấn đề thời sự của toàn thể giới trí thức Nga. Âm điệu của cuốn tiểu thuyết là âm điệu triết lý xã hội đi đôi với trữ tình cá nhân và điều đó được thể hiện ngay từ những trang đầu của cuốn tiểu thuyết. Sức hấp dẫn của tác phẩm trước hết là ở chỗ này, ở chỗ vận mệnh cá nhân các nhân vật đã được A.Tôlxtôi thể hiện trong sự tha thiết đối với vận mệnh của nước Nga, trong nhiệt hứng cải biến cách mạng, mặc dù chính tác giả đã không hiểu rõ thực chất của cách mạng. Nghệ thuật của tác giả trong việc tạo ra những bức tranh giàu màu sắc, trong việc sử dụng ngôn từ và chất thơ trữ tình đằm thắm, sự “miêu tả lý thú và tinh tế tâm lý của một người con gái Nga đến tuổi yêu đương” như lời nhận xét của Gorki… tất cả đã góp phần tạo nên hứng thú đặc biệt của cuốn sách. Kết thúc tập I, tác giả, qua lời nhân vật Rốtsin như muốn nói lên một tư tưởng chính của tác phẩm: “Năm tháng sẽ trôi qua, những cuộc chiến tranh sẽ im ắng dần, những cuộc cách mạng sẽ thôi gào thét và sẽ còn lại không phôi pha tấm lòng em nhẫn nại dịu dàng và chan chứa tình yêu thương…” Các nhân vật trong tập I đã tìm đến với tình yêu và nghĩ rằng tình yêu ấy sẽ là điểm chót cùng của hạnh phúc và hi vọng. Tình yêu muốn vượt lên cao hơn cuộc sống, tự biến thành vương quốc của tự do, vịnh biển bình yên cho những con tàu trong bão táp. Đối với A.Tôlxtôi, đây là một tư tưởng không mới. Đây chỉ là một tư tưởng mà A.Tôlxtôi khẳng định lại một lần nữa trong hoàn cảnh khác. Trong phần mở đầu vở kịch Ngày chiến trận viết từ năm 1914, qua lời nhân vật của mình, A.Tôlxtôi cũng đã tuyên bố sức mạnh toàn năng của tình yêu: “Những ngày của chúng ta sẽ trôi qua, những cơn bão táp sẽ lắng dần, lúc bấy giờ niềm vui sẽ trở thành sức mạnh thống trị toàn năng… Cần phải tin vào thời đại trị vì của niềm vui và biết rằng con đường của nó dẫn đến những cánh cổng vàng của tình yêu…”. Nhưng chủ đề đi tìm hạnh phúc cá nhân, chủ đề chủ yếu trong phần đầu của cuốn tiểu thuyết, về sau đã bị phủ định vì chính cuộc sống đã bác bỏ quan niệm cũ kỹ này. Và nếu như tác phẩm kết thúc ở đấy, thì chính A.Tôlxtôi đã bỏ rơi các nhân vật của mình vào lúc cuộc sống của họ bước vào một giai đoạn gay go hơn bao giờ hết trước những biến chuyển đột ngột của cuộc đời. Thực ra, đây là một vấn đề dễ hiểu vì chính bản thân A.Tôlxtôi cũng đang choáng váng trước những chuyển động cách mạng, bản thân ông cũng đang ở trong tâm trạng hoài nghi, đau đớn. Với một tâm trạng như vậy làm sao có thể tìm thấy lối ra cho nhân vật? Tác giả bế tắc, thì nhân vật cũng bế tắc, đó là điều có tính quy luật trong nghệ thuật. Trong một bức thư viết sau này. A.Tôlxtôi đã giải thích sự kết thúc Hai chị em trong tâm trạng ấy: “Tôi đã viết xong Con đường đau khổ ở Campa, nơi đây tôi đã viết các chương cuối trong vòng một tháng. Đoạn cuối tôi đã thất bại, và tôi đã có lần xé nó đi, vứt qua cửa sổ. Sở dĩ tôi thất bại trong phần cuối là do một mẫn cảm sâu sắc có tính quy luật của nghệ sĩ, vì ngay từ lúc bấy giờ tôi hiểu rằng cuốn này chỉ là phần đầu của một thiên anh hùng ca và thiên anh hùng ca đó sẽ khai triển. Chính vì thế mà có sự thất bại ở phần cuối chứ không phải vì như người ta nói, hồi bấy giờ tôi chưa bước lên những đỉnh cao để nhìn lại những sự việc đã xảy ra. Người nghệ sĩ còn có thể bước lên đỉnh cao như thế nào khi mà anh ta bắt đầu hiểu rằng mình đang ở trong sương mù, đang mò mẫm trong bóng tối, rằng mọi sự đều trở thành mơ hồ, rối ren, và muốn hiểu được những điều ấy thì phải đợi đến một lúc nào đó trong tương lai. Ngay khi tôi đã chữa lại, cuốn tiểu thuyết này vẫn không thể nói là có một kết thúc. Vả chăng không thể có như thế được vì nó chỉ là phần đầu của một bộ tiểu thuyết ba tập”.