Con người là sản phẩn của tự nhiên (nên được gọi tên là Con, cùng nghĩa với con thú, con vật) nhưng đồng thời là sản phẩm của xã hội (nên được gọi là người với nghĩa là thành viên không cô lập của xã hội loài người).
Con người có đầy đủ các đặc điểm của một hệ thống sống: trao đổi chất, tính tự tổ chức, nhận và phản ứng đối với tác động của môi trường, tính di truyền, tự điều chỉnh để thích nghi với môi trường sống, mặt khác nhiều đặc tính sinh lý, tâm lý và tư duy là duy nhất chỉ có ở người, không một sinh vật nào có được. Con người không phải là tổng của một phép cộng các đặc tính cấu trúc, chức năng của các bậc tiến hóa sinh học mà là sản phẩm của bước nhảy vọt về chất, khác hẳn các loài sinh học khác. Những đặc tính như đi thẳng người, hai tay được giải phóng khỏi chức năng vận chuyển để thực hiện một chức năng mới- chế tạo công cụ lao động, ngôn ngữ và tư duy xuất hiện, từ đó hình thành đời sống xã hội có văn hóa, con người trở thành thành viên không tách rời của xã hội và chính các nhân tố xã hội đã là các nhân tố chọn lọc tạo nên con người, lấn át các yếu tố của chọn lọc tự nhiên (là nhân tố chủ yếu tác động trong thế giới động vật). Không thể không ngạc nhiên khi so sánh ADN của họ Pan (đại diện là khỉ lớn Chimpanze) với họ Homo (họ người gồm người cổ – Homo erectus và người hiện đại – Homo sapiens) độ sai khác chỉ đạt 1%. Cần nhấn mạnh rằng độ sai khác về ngôn ngữ, tư duy và hoạt động xã hội của hai đại diện trên thì lại vượt 90%. Nhưng nếu cho rằng con người là sản phẩm của “vũ trụ”, của “thượng đế” không có liên quan gì đến thế giới sinh vật trên quả đất này thì rõ ràng là không đúng với thực tế và đã phạm một sai lầm lớn. Từ Liné qua Darwin đến sinh học phân tử, khoa học về sinh học người đã chứng minh rằng: con người là sản phẩm cao nhất của tiến hóa sinh học. Nghiên cứu sinh học người không chỉ có ý nghĩa lý thuyết, nhằm xác lập mối quan hệ hữu cơ giữa cơ thể người với động vật giới – cơ thể người từ tổ chức phân tử qua tổ chức tế bào, mô, cơ quan được tiến hóa trên cơ sở của tổ chức cơ thể động vật, nhưng đồng thời là cơ sở vật chất cho sự hình thành con người như là một sản phẩm của xã hội loài người. Chính trên cái sai khác 1% ADN giữa khỉ Chimpaze và người, các nhân tố xã hội mới có cơ sở vật chất để tác động tạo nên các đặc điểm của con người. Sinh học người cố gắng cung cấp kiến thức để biết rõ ta là ai, từ đâu đến, được sinh ra, sống, trưởng thành, già và chết như thế nào? Bệnh tật, sức khỏe, hạnh phúc cá nhân, gia đình và xã hội liên quan với nhau ra sao. Để hoàn thiện mình và hoàn thiện xã hội loài người nhằm giảm dần tính chất con và gia tăng tính chất người, ta phải biết rõ bản chất tính chất đó và sự hình thành, phát triển của các tính chất đó.
Giáo trình này gồm 18 chương, nội dung của 16 chương đầu nhằm cung cấp những kiến thức về cấu tạo và hoạt động của cơ thể từ mức phân tử, tế bào, mô và cơ quan cũng như các vấn đề quan trọng trong sự di truyền người, di truyền quần thể người và tiến hóa người. Chương 17 và chương 18 đề cập tới sinh thái người và xã hội loài người, là cơ sở để hiểu biết con người là sản phẩm của xã hội, là một cấu thành không tách rời của một hệ tồn tại xã hội loài người – mức tiến hóa cao nhất của quá trình tiến hóa vật chất trong vũ trụ.
Giáo trình mang đậm nét cơ sở sinh học người, có thể dùng cho các sinh viên chuyên ngành sinh học người, nhân chủng học, dân số học, hoặc có thể dùng làm tài liệu học tập và tham khảo của các ngành tâm lý học, xã hội học, thể dục thể thao, y dược, … và những ai quan tâm tới con người.
Sinh học người là một khoa học rộng lớn và phức tạp, nó liên quan đến sinh học phân tử, tế bào học, giải phẫu và sinh lý học, di truyền học, sinh thái học, tiến hóa luận, dân số học v.v.. nên thật khó có một tổng quan ngắn gọn khái quát hết tất cả các vấn đề trong khuôn khổ của giáo trình. Vì trình độ và khả năng của tác giả có hạn nên không tránh khỏi thiếu sót khi đề cập tới vấn đề rộng lớn và phức tạp còn nhiều tranh cãi như sinh học người, mong rằng các độc giả đóng góp ý kiến để có thể hoàn thiện dần giáo trình này. Trong giáo trình này chúng tôi có sử dụng tư liệu và một số hình vẽ hoặc ảnh của một số tác giả đã đăng tải trên các sách báo, chúng tôi xin được cảm ơn các đồng nghiệp.
Chúng tôi xin được bày tỏ sự biết ơn tới PGS.TS. Nguyễn Mộng Hùng và PGS.TS. Trịnh Xuân Hậu đã đọc bản thảo và góp nhiều ý kiến qúy báu.
Các tác giả