NHỜI NÓI ĐẦU Người xưa dẫu khuất, truyện cũ còn ghi. Trăm năm bia đá thì mòn, nghìn năm bia miệng hãy còn chơ chơ. Nói một câu mà muôn đời sử sanh còn chép, luận một nhẽ mà mấy kiếp miệng thế còn chuyền. Nhất ngôn hưng bang nhất ngôn táng quốc, một nhời nói ra mà nước vững nhà yên, một nhời nói ra mà bể dao núi động. Quan-hệ thay là lời nói! Xét ra các bậc đế-vương, vĩ-nhân, anh-hùng, hào-kiệt; chí-khí hiên ngang, công-danh cái thế, sự-nghiệp ngang-tàng, non song chung đúc, kể đã bao phen vật đổi sao dời, mà tiếng tăm còn lừng-lẫy, muôn thuở nào quên. Ấy chẳng phải là những người đã dìu-dắt dậy khôn cho hậu-sinh dư! Gương sáng ví tầy nhật nguyệt, khí thiêng tựa với càn khôn; những nhời vàng tiếng ngọc đó, ta há nỡ quên sao? Vậy nên lưu chữ lấy mà mở mang chí-khí, mà nghiền mà nghĩ cho kỹ-càng cho thấm-thía, họa may óc non dổi nên sắt đá, khỏi phải như sáp, mà muốn nận vuông nên vuông, nận tròn nên tròn, mang tiếng nhược-nhu. Vậy thì anh em ta, đang lúc ở vào buổi Âu Á dao thời này, cũng nên đọc mấy câu cổ ngữ sau đây chẳng cũng là một phương thể thao cho tinh-thần dư? Mong thay! Mong lắm thay!Ngày mồng 3 tháng chạp năm Mậu-Thìn (13 Janvier 1929T. T. V. *** Cống-Chỉnh là một tay dan hùng đời Lê, trước sau không một, chỉ biết lợi mình. Khi bỏ ngoài Bắc vào theo Tây-Sơn, rồi dắt quân Tây-Sơn ra Bắc sâm lấn, làm lắm điều tàn bạo. Chỉnh có một người bạn thân tên là Thế-Long. Một hôm hai người nói truyện việc nước, Chỉnh có ý thương tiếc chúa Trịnh; Thế-Long nhân dịp muốn toan mưu dúp đỡ nhà Chúa mới nói rằng: « Ông tuy nói thì nhân nghĩa mà bụng ông thì tàn-bạo. Trước ông xuất thân, được danh giá cũng nhờ có chúa Trịnh, nay ông lại dúp Tây-Sơn mà diệt Trịnh, kể tội chúa Trịnh là hiếp vua, sao ông không xét công chúa Trịnh phù Lê hơn 200 năm. Ông theo người mới hại người cũ là bất nghĩa; kể tội người, không kể công người là bất nhân. Làm đời trượng-phu mà lại đeo tiếng ấy sao? » Cống-Chỉnh nghe song thẹn nói rằng: « Tôi vì đạo nhớn thiên-hạ mà diệt Trịnh tôn Lê, đó là rất nhân-nghĩa, sao gọi được là tàn-bạo. » Thế-Long nói: « Vua Lê vẫn tôn mà nước vẫn yên, can gì phải nhờ đến ông dúp, chẳng qua ông chỉ mượn tiếng là tranh cướp. Ông đưa quân Tây-Sơn về hại dân hại chúa, cả nước ai cũng cho ông là thú dữ, tôi nói tàn bạo là còn nể ông đấy ông đừng dữ mãi lỗi cáo đội lốt cọp mà rồi nhân tâm ngày một thêm thù oán. Ông sẽ là người có tội với cả nước, thì rồi cả nước dong ông làm sao được, » Cống-Chỉnh nghe xong giận quá, nhưng mà cứ điềm nhiên nói rằng: « Thôi anh đã chót bạn với thú dữ thì nên nghĩ mưu gì hộ thú dữ với! » Thế-Long nói: « Nay ông dẹp bọn kiêu binh đã song, chỉ nên điều-đình với Tây-Sơn cho rút quân về, rồi tìm người hiền nhà Trịnh lập lên là yên. » Chỉnh nói: « Thế thì anh cứ về xem có người hiền nhà Trịnh nào, sẽ đem nhời ra nói mà kiếm đường tiến thân nhé! » Thế-Long từ dở ra, Chỉnh nói một mình rằng: « Tên nó là Long, long là rồng, rồng nên cho nó xuống nước mới được, kẻo để trên cạn nó hại người! » Nói song mật sai người ra đón Long ở ngoài cổng, bắt chói quăng xuống sông Nhị Hà.