Chúng Tôi Ăn Rừng – Georges Condominas full mobi pdf epub azw3 [Dân Tộc Học]

Chúng Tôi Ăn Rừng – Georges Condominas full mobi pdf epub azw3 [Dân Tộc Học]

Tác giả:
Thể Loại: Tiểu Thuyết Phương Tây
Nguồn: https://www.dtv-ebook.com.vn
EPUBMOBIPDFĐỌC ONLINE

Năm 1948, có một thanh niên Pháp, 27 tuổi, vừa tốt nghiệp trường Cao đẳng thực hành và khoa Dân tộc Đại học Paris, tìm đến Tây Nguyên, để chuẩn bị một luận văn tiến sĩ. Anh tên là Georges Condominas. Dừng chân ở Buôn Ma Thuột, thoạt đầu anh định tập trung vào tộc người Ê Đê, theo chế độ mẫu hệ, với cơ cấu hai bào tộc độc đáo, hấp dẫn, kích thích óc tò mò của anh, chính anh nói, “như một loài chim lạ với bộ lông sặc sỡ”. Nhưng rồi bác sĩ Jouin, bấy giờ phụ trách y tế toàn Đắc Lắc đồng thời là một nhà dân tộc học uyên bác khuyên anh nên tìm đến với một tộc người chưa có nhà khoa học nào động đến, người Mnong Gar, một nhánh nhỏ của dân tộc Mnong. Condominas được đào tạo bởi những nhà bác học lớn, trong đó có nhà nhân học hàng đầu thế giới Claude Lévy Strauss, nhiễm được ở họ một tinh thần khoa học cực kỳ nghiêm túc và say mê. Anh biết khi một nhà khoa học đến nghiên cứu một dân tộc khác, nhất là một dân tộc thiểu số, được coi là ở trình độ phát triển thấp kém hơn nhiều, thì bao giờ anh ta cũng là đứng từ những chuẩn mực nền văn hóa của mình, được nghiễm nhiên coi là cao hơn, mà nhìn nhận và, dù muốn dù không, đánh giá nền văn hóa kia, xã hội và những con người kia. Một nhà dân tộc học nghiêm túc phải cố gắng đến tối đa khắc phục cái nhìn chủ quan từ bên ngoài, từ bên trên đó. Phải cố gắng tạo cho được “một cái nhìn từ bên trong”, như chính người Mnoong Gar tự nhìn nhận, tự hiểu mình. Anh tìm đến một làng Mnong Gar bên bờ sông Krong No, làng Sar Luk, chìm trong rừng sâu, ngày ấy vô cùng hoang vắng, cách Buôn Ma Thuột 100 km, và cách Đà Lạt cũng đúng chừng ấy đường đất. Anh xin dân làng cho anh làm một căn nhà ngay trong làng, thật sự trở thành một “hộ” Mnong Gar như tất cả những hộ Mnong Gar khác của làng. Lúc đầu anh còn phải nhờ một người phiên dịch, nhưng rồi nhanh chóng học được tiếng Mnong Gar, thạo đến mức về sau Condominas bảo rằng đêm nằm mơ anh cũng mơ toàn bằng tiếng Mnong Gar chứ không còn bằng tiếng Pháp nữa. Anh tham gia mọi sinh họat của làng, chịu chung mọi thăng trầm trong số phận của làng… Kỳ thực vấn đề còn tinh tế, phức tạp hơn nhiều. Anh còn phải hết sức cố gắng không để cho sự hiện diện của một “nhân tố lạ”, nhất là khi nhân tố lạ ấy là một người da trắng mắt xanh mũi lõ, làm biến dạng một cách tất yếu đời sống chung của làng, của cả từng người trong làng, từ suy nghĩ, hành vi ứng xử của họ, không làm méo mó cái thực tế xã hội nhỏ vốn tự nhiên và khắng khít ấy. Song mặt khác, anh lại không được hoàn toàn “xóa” hẳn mình đi, anh vẫn phải là một nhà dân tộc học tỉnh táo và sắc sảo, chăm chú quan sát mọi sự diễn ra quanh mình, từng ngày, từng giây phút, nhận xét, phân tích, ghi chép… Condominas đã giải quyết thành công mối quan hệ khó khăn đó. Anh được dân làng gọi là Yoo Condo, Yoo là cách người Mnong Gar dùng để gọi một người nơi khác đến một cách vừa kính trọng vừa thân thiết, như đã hoàn toàn trở thành thành viên thực sự của cộng đồng Mnong…

Hơn một năm sau anh bị một trận ốm thập tử nhất sinh, một căn bệnh đặc biệt từng đánh gục nhiều người châu Âu đến Tây Nguyên. Tay chân hoàn toàn tê liệt. Rất may đang là mùa khô, dân làng Sar Luk đã khiêng Yoo Condo thân thiết của mình đi gần trăm km về đến Buôn Ma Thuột, cho hai bác sĩ rất giỏi là Jouin và Soulage cứu sống… Trong khi đó ở Paris, vị giáo sư hướng dẫn sốt ruột thúc giục Condo phải hoàn thành bản luận văn “sẽ đảm bảo cho anh một chỗ đứng dưới vầng mặt trời khoa học”. Condo lễ phép viết thư trả lời thầy: khi cái chết đang còn đe dọa anh từng ngày như hiện tại, anh cho rằng nghĩa vụ thiêng liêng của anh là một nghĩa vụ tình bạn, chứ chưa phải là một nghĩa vụ khoa học. Anh phải trả ơn những người Mnong Gar làng Sar Luk đã chấp nhận anh, nuôi dưỡng và dạy dỗ anh một cách sống, một lẽ sống mới mà anh chưa hề tìm thấy được trong xã hội xuất thân của anh. Anh còn mấy chục cuốn sổ ghi chép bằng một thứ tiếng Mnong Gar được mã hóa theo cách riêng mà chỉ có anh mới đọc được. Nếu anh chết đi mà không kịp viết thì tất cả sẽ mất hết, sẽ tiêu tan, và trên toàn thế giới từ nay về sau, mãi mãi sẽ không còn ai biết đến cái làng Sar Luk, cái xã hội Mnong Gar chừng thô mộc mà tiềm chứa biết bao giá trị văn hóa thâm trầm, sâu xa kia. Gần như trên giường bệnh, Condominas viết thiên tác phẩm dân tộc học không phải bằng những phân tích và luận giải, mà là một bút ký độc đáo mô tả tỉ mỉ đời sống một làng Mnong Gar trong trọn chu kỳ một năm nông nghiệp, từ lúc hạ rừng, đốt rẫy… cho đến khi hoàn thành mùa thu hoạch. Tác phẩm mang cái tên khác thường “Chúng tôi ăn rừng Đá Thần Gô”. Người Mnong đo thời gian bằng không gian. Họ đánh dấu một năm trong cuộc đời lâu dài của cộng đồng bằng cách gọi tên khoảnh rừng mà làng đã khai phá để làm ra cái ăn trong năm nông nghiệp ấy, cái năm làng “ăn” khoảnh rừng đó . Từng chương mô tả tỉ mỉ một cuộc già làng đi tìm đất làm rẫy, cách thử đất, cách khoanh rừng để tìm cái ăn đồng thời bảo vệ rừng lâu dài và hiệu quả hơn bât cứ phương pháp khoa học nào từng có, một cuộc đốt rẫy và tỉa lúa, một đám cưới, một đám tang, cách làm quan tài trong rừng, đêm khóc người chết, buổi an táng, và cuộc chia của tiếp sao đó, một vụ loạn luân và cách thức làng “phạt” đôi trai gái loạn luân, vụ tự tử của anh chàng Tiêng đẹp trai, lễ hội lớn kết nghĩa giữa hai nhân vật có vai vế ở hai làng lân cận, những nghi lễ ăn mừng mùa lúa mới…

Cuốn sách viết để trả ơn người Mong Gar ở Sar Luk vượt xa một luận văn tiến sĩ dân tộc học xuất sắc. Nó được đón nhận nồng nhiệt và được in ở một nhà xuất bản danh tiếng nhất nước Pháp, nhà Mercure de France, nơi chỉ chuyên in những tác văn học của các nhà văn Pháp nổi tiếng nhất, những Verlaine và Rimbaud… Và người thầy lớn, nhà nhân học hàng đầu, chào đón tác phẩm như một phát hiện quan trọng. Ông viết: cuốn sách “đánh dấu sự đăng quang trong nền văn học dân tộc học của một thể loại hoàn toàn mới, nổi bật vì sự gắn bó với hiện thực bản địa, sâu sắc hơn tất cả những gì đã từng có trước nay”. Nó đã thật sự trở thành một tác phẩm văn học-khoa học độc đáo, vừa chặt chẽ khoa học, chuẩn xác đến từng chi tiết, chứa đựng những suy gẫm minh triết sâu xa, vừa hấp dẫn và vang vọng như một cuốn tiểu thuyết hết sức sống động. Nó cũng hé cho chúng ta một Tây Nguyên kỳ lạ, thăm thẳm cho những khám phá bất tận…

Năm 2007 Georges Condominas lần nữa trở lại Việt Nam và một cuộc triển lãm mang tên “Chúng tôi ăn rừng” được tổ chức liên tiếp ở Paris và ở Hà Nội. Sau triển lãm, ông già trên 80 tuổi ấy lại lên Tây Nguyên. Ông tìm về ngôi làng Sar Luk quê hương của ông, và các thế hệ người Mong Gar Sar Luk vẫn truyền đời nhớ ông, Yoo Condo thân thiết của họ./.

Có thể bạn thích sách  Máu Của Hoa

Nhà văn Nguyên Ngọc

***

“Chúng tôi ăn rừng” (tên gốc: “Nous avons mangé la forêt de la Pierre-Génie Gôo”) là một công trình nghiên cứu dân tộc học mang tính kinh điển của Georges Condominas, vừa được NXB Thế giới và Omega Plus ấn hành.
Georges Condominas và “Chúng tôi ăn rừng”

Sự đăng quang trong nền văn học dân tộc học

Tuyển tập dựa trên tư liệu ông ghi chép, quan sát và tìm hiểu tại chỗ, không qua phiên dịch, trong hai năm, từ năm 1946, sống với người Mnông Gar ở Sar Luk, những người bán du mục ở Cao nguyên Việt Nam. Xuất bản lần đầu trên tạp chí Mercure de France năm 1957, cuốn sách ngay lập tức được các nhà dân tộc học xuất chúng như Claude Lévi-Strauss và các nhà phê bình văn học như Maurice Nadeau, Édouard Glissant… khen ngợi khi mang đến một góc nhìn mới về cuộc sống cũng như bản mô tả cấu trúc xã hội của người Mnông vào giữa thế kỷ thứ XX.

Tác giả Georges Condominas (1921-2011) là Tiến sĩ văn học và khoa học nhân văn, Giám đốc Trung tâm tư liệu và nghiên cứu về Đông Nam Á và khu vực Nam đảo, Giáo sư thỉnh giảng tại một số trường Đại học ở Mỹ, Nhật Bản… Ông được đánh giá là một trong những nhà dân tộc học xuất sắc nửa sau thế kỷ 20, là người đại diện cho một thế hệ, một trường phái “điền dã” kinh điển trong nghiên cứu khoa học xã hội. Trong “Chúng tôi ăn rừng”, Condominas, không chỉ trình bày những khía cạnh khác nhau trong đời sống của một cộng đồng Mnông Gar, mà qua đó tác giả còn dựng lên một mô hình cấu trúc xã hội. Cuốn sách là một bản sưu tập những tư liệu thô thu nhặt được và rút ra từ các sổ tay ghi chép của chính tác giả trong thời gian lưu trú dài ngày tại Sar Luk.

Với “Chúng tôi ăn rừng”, đời sống của nhóm người Mnông hiện lên qua những thí dụ cụ thể rút ra từ thực tế hằng ngày. Chẳng hạn, thay vì đưa ra một lễ Tâm Bôh Mnông Gar lý thuyết, Condominas sẽ trình bày một Lễ Trao đổi hiến sinh trâu cụ thể có ngày tháng và được đặt lại trong bối cảnh cuộc sống thường ngày – cuộc trao đổi giữa Baap Can và Ndêh: Tức có phong phú thêm những chi tiết nằm ngoài chủ đề chính. Tương tự, tác giả không phác thảo một lược đồ hôn nhân điển hình của người Mnông Gar, mà kể lại đám cưới của Srae và Jaang đã diễn ra như thế nào, với mọi tình tiết cụ thể.

Mục đích của cuốn sách này là trình bày những tư liệu thô về cuộc sống một làng Mnông Gar hiện tại. Một làng, bởi vì đơn vị chính trị cổ truyền của bộ lạc này không vượt quá phạm vi đó: Chính thông qua đơn vị này ta có thể cảm nhận ra quá trình thích nghi của nó với đời sống hiện đại. Các tư liệu được thu thập trong diễn biến của một chu kỳ nông nghiệp trọn vẹn trong một năm; vì đó là biểu hiện đặc trưng cho một tổng thể thời gian có thể nắm bắt được trọn vẹn nhất. Một bức tranh chính xác và tỉ mỉ.

Kirkus Reviews nhận xét: “Condominas là một phóng viên xuất sắc, không chỉ ghi lại các thủ tục nghi lễ và nhiều sự kiện trong đời sống thường ngày mà còn cả những lo lắng và sự kháng cự nhất thời của họ”. Còn Claude-Lévi Strauss cho rằng: “Chúng tôi ăn rừng đã đánh dấu sự đăng quang trong nền văn học dân tộc học của một thể loại hoàn toàn mới, nổi bật vì sự gắn bó và hiện thực bản địa, sâu sắc hơn tất cả những gì đã từng có trước nay”.

Xin giới thiệu một trong số các trang ghi chép của Condaminas về người Mnông Gar ở Tây Nguyên.

Người Mnông Gar hay Phii Brêe (“Những con người của rừng”) Sar Luk

Dù ghé lại nơi nào dọc bờ biển miền Trung Việt Nam, ta đều nhìn thấy một dãy dài liên tục những ngọn núi cao quay mặt về hướng Đông, như một tấm phông nền, ở đôi chỗ còn vươn dài thành những mũi đất hùng dũng kéo ra tận biển. Phía sườn trông ra biển, dãy Trường Sơn dựng thành một bức tường dốc đứng nhìn xuống những đồng bằng hẹp rất màu mỡ, là vùng cư trú của người Việt, nơi những người Chăm láng giềng phương Nam của họ đã sống cách nay vài thế kỷ. Sườn Tây, ngược lại, không sụt xuống đột ngột, mà trải dần theo một loạt cao nguyên cho tới sông Mê‑kông, con sông lớn tải nước từ Lào và miền Đông Thái Lan, và khi qua Campuchia được điều hòa bởi dòng Tonlé Sap với bể chứa nước lớn Biển Hồ trước khi tỏa ra trên châu thổ Nam bộ mênh mông.

Khi từ bờ biển Trung kỳ tiến vào sâu trong đất liền theo hướng Tây, điều làm khách đi đường chú ý là sự tương phản cực lớn giữa dân cư đồng bằng ven biển với dân cư vùng núi nội địa. Các đồng bằng ven biển, tuy nhỏ hẹp, vẫn nuôi sống một cư dân rất đông đúc, là người kế thừa những nền văn minh cổ đại: Những người Việt chịu ảnh hưởng của văn hóa Hán đã hoàn tất công cuộc quy hoạch nước Chăm Pa cổ mà những di tích rực rỡ rải rác khắp xứ là bằng chứng của ảnh hưởng Ấn Độ sâu sắc xưa kia. Nhưng ngay khi ta đặt chân tới những ngọn núi đầu tiên, thì cảnh quan thay đổi hoàn toàn, ruộng lúa nước và làng mạc trù phú nhường chỗ cho rừng rậm. Những khu rừng ấy che phủ khắp vùng núi và cao nguyên mênh mông, trải dài từ các đồng bằng ven biển đến đôi bờ sông Mê‑kông. Cư trú thưa thớt tại vùng này là cả một đám những bộ lạc thuộc cái nền cổ xưa nhất về mặt văn hóa của các dân tộc Đông Dương. Trong tiếng Việt, những bộ lạc này được gọi bằng cái tên rất khinh bỉ là Mọi, nghĩa là “man di”, do tiếng tăm về sự hung dữ và quyền năng ma thuật, tính độc lập vô chính phủ và lối sống du cư của họ; một sự nổi tiếng tai hại, càng bị làm nặng nề thêm vì chốn cư trú của họ, mà người ta bảo là đầy thú dữ, bị nhiễm độc vì bệnh sốt rét chết người và ma quỷ ám hại.

Xứ sở Mnông Gar

Người Mnông Gar hay Phii Brêe – “Những con người của rừng” – theo cách gọi của người Kudduu – cư trú ở hai bờ trung lưu sông Krong Knô – (trong tiếng Ê Đê là “con sông Đực”) – nhánh phía nam của dòng Srê Pok, một chi lưu của sông Mê‑kông. Sau khi khởi nguồn từ gần các đỉnh của dãy Trường Sơn, dòng Daak Kroong (tên Mnông của sông Krong Knô) cuồn cuộn chảy qua một vùng có địa hình rất gồ ghề, nơi sinh sống của người Mnông Cil – mà người Mnông Gar gọi là “Người Cil thượng nguồn”; rồi nó lại uốn lượn thành những vòng rộng qua những vùng mà người Gar và người Cil gọi là “đồng bằng”, kỳ thực chỉ là một dải phù sa bị bó chặt giữa hai dãy núi gần như song song và có độ cao trung bình. Ở hạ lưu, bắt đầu từ làng Phii Dih, con sông vượt qua một ghềnh đá gra‑nit trước khi chảy đến vùng đất Bih nơi nó bắt gặp sông Krong Ana – người Ê Đê gọi là “sông Cái” – là con sông lấy nước tràn từ hồ Daak Laak; sau khi chảy qua vùng người Ê Đê ở tây nam Buôn Ma Thuột, thủ phủ hành chính của xứ Thượng miền Nam, dòng sông oai vệ này lại mang một cái tên Campuchia là Srê Pok và đổ vào sông Mê‑kông tại Stung Treng.

Có thể bạn thích sách  Babel_ Vòng Quanh Thế Giới Qua 20 Ngôn Ngữ - Gaston Dorren & Hoàng Đức Long (dịch) full mobi pdf epub azw3 [Văn Hóa]

Người Mnông Gar sinh sống trên “đồng bằng” sông Daak Kroong và các nhánh núi bao quanh phía Bắc và phía Nam đồng bằng này. Lãnh thổ của họ dừng lại ở ven rìa vùng trũng của hồ Lac màu mỡ, nơi người Mnông Rlâm cùng những người láng giềng phía tây của họ là người Bih khai phá thành ruộng nước. Về phía tây nam và phía nam, một dãy dài núi cao chặn xứ sở người Gar lại theo một vòng cung khổng lồ và tách nó ra khỏi các cao nguyên Lang‑Biang và Đồng Nai Thượng, nơi sinh sống của những dân trồng lúa khác: Người Laac quanh Đà Lạt và người Kudduu quanh vùng Fyan. Người Cil Koon Ddôo’ và người Cil Bboon Jaa có xu hướng rõ rệt muốn mở rộng lãnh thổ của họ nằm trên phần phía nam của dãy núi lớn về phía vùng người Gar, và người Cil Bboon Jaa thì thậm chí còn mua của dân Phii Ko’ phần đất ở phía nam sông. Cuối cùng, nên lưu ý là, về phía đông, “Những người của rừng” tiếp xúc trực tiếp với “Người Cil thượng nguồn” cư trú tại vùng thượng lưu 6 con sông, và về phía tây với người Mnông Prong vốn chiếm vùng đất phía nam Daak Kroong ở hạ lưu kể từ làng Phii Dih.

Thẳng góc với trục của sông Đực, một đường mòn chạy qua xứ sở người Gar từ bắc xuống nam. Chạy qua Đồn Lac và Fyan, nó nối Buôn Ma Thuột với quốc lộ đi từ Đà Lạt về Djiring và từ đó đổ về Sài Gòn. Con đường mòn này cắt qua dòng Daak Kroong tại Phii Ko’, nơi có một chiếc phà tạm, rồi vượt qua dãy núi phía nam bằng ngọn đèo cao 1.303m trên mặt biển. Người Gar còn có một con đường mòn truyền thống để đi đến Đangkia và Đà Lạt; họ vượt qua Mbur theo đường thẳng, leo lên gần đến 2.000m, rồi lại đổ xuống cao nguyên Lang‑Biang chỉ còn cao 1.500m trên mặt biển.

Miền đất của người Gar rất lắm núi đồi, toàn những chỗ nhấp nhô. Thậm chí nơi được gọi là “đồng bằng” – ở độ cao 500m so với mặt biển – cũng lởm chởm những ngọn đồi, ngay chỗ rộng nhất cũng không đạt đến 8 cây số đường chim bay. Cảnh quan thực vật của “vùng đồng bằng” chẳng khác cảnh quan “vùng núi” bao nhiêu, trừ một điểm là ở đây có nhiều đầm lầy mà ta chỉ thường thấy ở các thung lũng; rừng, bụi rậm và tre bao phủ toàn bộ miền đất của người Gar.

Các khoảng không gian thông thoáng duy nhất – các miir (rẫy) – đang canh tác -, cùng các trảng cỏ tranh (imperata) tiếp liền đấy, cho phép ta phát hiện ra một mảnh chân trời; bấy giờ ta mới có thể nhìn thấy các mảng rừng cây cao dày đặc, nơi cư ngụ của các Thần linh, do đó, chẳng bao giờ bị lưỡi rìu của người trồng trọt động đến.

Muốn đi lại trong vùng này, ta có con đường mòn xe cộ có thể đi lại về mùa khô, chạy từ bắc xuống nam và từ đấy một nhánh nhỏ tách ra ở quãng Bboon Dlei Laac Yô’, xuyên qua các vùng Paang Dong, Sar Luk, Sar Lang và Ndut Sar để đến Ndut Lieng Krak. Năm 1949, đoạn này được kéo dài đến tận Dam Roong (Chính trong dịp này đã phát hiện ra được cây đàn đá tiền sử Ndut Lieng Krak. Cần nhắc lại rằng ngày trước con đường nhánh này không xuất phát từ Bboon Dlei, mà từ bến đò ngang Phii Ko’ và chạy dọc theo sông. Nhưng rồi vì có nhiều cầu phải sửa chữa nên vào năm 1948 người ta đã bỏ con đường này). Trước chiến tranh Đông Dương, con đường này là lối duy nhất xe cộ có thể đi lại được giữa Buôn Ma Thuột và Djiring hay Đà Lạt; về phương diện kinh tế, lợi ích của nó đã mất đi vào năm 1946 khi người ta làm đường cái nối Djiring với Buôn Ma Thuột qua Kinda. Tuy nhiên, dân Mnông vẫn thích đi lối đó để tới những làng mà nó chạy qua, nó có lợi thế là rộng rãi và như vậy đảm bảo một mức an toàn nhất định chống lại thú dữ. Nhưng một vài làng mạc này chỉ là một phần nhỏ của vùng và do nhu cầu, những con đường giao thông cổ truyền vẫn luôn là những lối người ta đi lại nhiều nhất. Đấy là những con đường mòn hẹp nối làng này với làng khác, và khi có thể thì men theo lòng các thung lũng ở đấy người ta phải lội suối hoặc vượt suối trên những chiếc cầu thô sơ đôi khi có thêm một cành cây được giữ theo chiều ngang làm tay vịn.

Còn với dòng Daak Kroong, có thể đi lại bằng thuyền độc mộc ở nhiều đoạn bị giới hạn bởi các ngọn thác, nên ít khi người ta dùng đường sông cho những chuyến đi dài. Dẫu thế nào con sông không hề là rào chắn giữa hai bờ. Vậy mà, từ mười lăm năm nay, nó được dùng làm ranh giới hành chính giữa hai tỉnh Đắc Lắc và Đồng Nai Thượng.

Cái vết gãy phi lý này chia đôi bộ lạc Mnông Gar. Trong khi người phía bắc Daak Kroong, dù ở xa nhất, chỉ mất một ngày thật dài đi bộ để tới cái Đồn Lac nơi cai quản họ về mặt hành chính, thì người bên nam – tức khoảng một phần ba tộc người – phải đi ba ngày vất vả mới tới được Dran, tỉnh lỵ của họ.

Sar Luk

Ngôi làng có 146 cư dân này, nơi tôi chọn làm địa bàn nghiên cứu và sống tại đó từ tháng 9 năm 1948, chiếm một vị trí trung tâm trong thung lũng giữa của dòng Krong Knô. Nó nằm cách điểm “văn minh” gần nhất là Đồn Lac 55km về phía nam, đồn này do một phân đội Vệ binh Thượng lúc bấy giờ đặt dưới quyền chỉ huy của một nhân viên hành chính – tập sự, đóng giữ. Từ nơi này, vào mùa khô, có thể dễ dàng đi theo con đường mòn lớn rồi đi tiếp theo một nhánh của nó qua Bboon Dlei Laac Yô’ để đến Sar Luk; chỉ phải đi bảy cây số trên đường nhánh này là tới Paang Dong và Trường học Vùng sâu, rồi tiếp đến là làng Sar Luk. Về mặt hành chính hai làng này được coi chung là một làng: Bboon Rcae (Đây thực ra là tên một làng thứ ba ngày nay đã biến mất, làng này vốn nằm sát làng Paang Dong, làng Bboon Rcae cuối cùng đã khiến người ta quên bẵng mất hai tên gốc của cái làng kép này; và tôi đã gặp những người Mnông Laac coi cái tên biệt danh Mnông của tôi, Yoo Sar Luk, là tên chính thức của tôi).

Lần đầu tiên khi tôi đến vùng trung lưu sông Daak Kroong vào tháng 5.1948, lúc ra khỏi rừng và các khóm cây bụi, tôi thấy bên phải trước mắt là làng Paang Dong náu mình giữa đường mòn và con sông, còn ở bên trái cách đó một trăm mét là những mái tranh của Trường học Vùng sâu nhô lên sau dãy cọc nhọn cao làm hàng rào.

Có thể bạn thích sách  Cơ Sở Văn Hóa Việt Nam - Trần Ngọc Thêm full mobi pdf epub azw3 [Biên Khảo]

Đi qua trường, tôi gặp ngay tức khắc một quang cảnh khá ấn tượng: Những túp nhà đổ nát, mái tranh thủng toang hoác, nằm trên một nền cao um tùm cỏ và bụi rậm: Sar Luk đấy. Một trận dịch trầm trọng vừa tàn phá ngôi làng; dân cư đã bỏ làng, đến sống ở chòi rẫy hay các căn lều được dựng lên trong dịp này, ven rẫy. Tháng 8 năm 1948, khi các Thần đã ưng thuận cho chọn địa điểm mới, người ta đã dựng lại làng Sar Luk sau một chỗ khuỷu lớn của con sông, cách trường học một cây số. Rời khỏi làng, bạn sẽ đi qua một khoảng đất rộng đã được dọn quang bụi rậm, nơi các phu trạm (những người làm xâu chuyên chuyển công văn hành chính) dắt ngựa của chánh và phó tổng đến ăn cỏ. Rồi bạn đi qua một chiếc cầu do chính phủ bắc, sườn cầu là những khúc gỗ tròn lớn ghép lại, trên phủ phên tre đan. Tiếp đến là một rừng tre lớn, rồi một khu rừng cao. Ra khỏi cánh rừng này bạn sẽ gặp làng Sar Luk đúng như nó được dựng lại hồi tháng 8 năm 1948.

Quả vậy, ra khỏi rừng, ta bước ngay vào một mảnh đất rộng hình chữ nhật đã khai quang mà con đường mòn chạy xuyên qua theo chiều dọc, con đường này có một nhánh rẽ đâm đúng vào sau lưng làng. Vì Sar Luk nằm kẹt giữa sông và đường mòn, quay lưng lại phía rừng cao. Muốn nhìn toàn cảnh ngôi làng thật rõ hơn, cần phải ngược dòng Daak Kroong một quãng. Làng Sar Luk nằm vắt cao trên một vách đá, xếp thành tầng trên một khoảnh đất thoai thoải cho đến dãy nhà dưới cùng thì đột ngột đổ dốc thẳng đứng xuống một con suối lớn nằm cách đấy khoảng ba mươi mét, con suối Daak Mei mà chỗ nối với dòng sông lớn là nơi người ta vẫn ra lấy nước. Phần đất dưới thấp này lúc nước to thì bị ngập, còn nếu không thì được dùng làm thành vườn. Đôi lùm cây lá rậm rạp cùng những cây nêu và cây cột hiến sinh đung đưa vượt hẳn lên trên các đường song song của những mái nhà lợp tranh; phía trái, trên bờ vách đá, một khối kiến trúc lạc lõng làm xấu cả tổng thể của cảnh quan: Đó chính là ngôi nhà của nhà dân tộc học.

Điều đập ngay vào mắt ta trong vẻ ngoài của các nhà Mnông Gar là chiều dài của chúng – ở Sar Luk, có hai ngôi nhà dài tới gần bốn mươi mét – và cái khối mái nặng nề. Đúng ra, chỉ nhìn thấy có mái. Từ mỗi phía của một gờ nóc cao từ ba tới bốn mét, hai mái tranh phủ xuống cho đến cách mặt đất chỉ sáu mươi phân, che khuất cả phần lớn bức vách thấp bằng liếp tre. Gờ mái lượn tròn ở hai đầu nhà. Cửa ra vào là những lối mở hẹp và thấp trổ vào vách mặt trước nhà, một vòng cung bằng mây nâng gờ mái lên để người ta có thể ra vào. Gần các cửa ra vào, dưới vạt tranh là các chuồng gà hẹp nép vào vách. Đấy là những lồng thuôn dài bằng ván hoặc bằng tre đan hoàn toàn đóng kín chật tới mức gà trong đó chẳng có chỗ mà cựa quậy.

Khoảng trống trước mỗi nhà, tách nhà này khỏi nhà trước mặt, nói chung khá sạch và được giữ gìn cẩn thận: Thỉnh thoảng người ta phát cỏ, và một số người thậm chí còn quét mỗi ngày một lần; nhưng vào mùa mưa, những mảnh sân này không thể nào không biến thành những vũng bùn. Sát một vài nhà của các kuang, tức những người có thế lực, là những thân cây gạo thẳng tắp đầy gai, ngọn được chạm trổ, bên trên cắm những đoạn tre có trang trí, đấy là các cột đâm trâu cũ; một số cột còn cũ hơn nữa đã mọc trở lại thành những cây cao và đẹp, luôn là bằng chứng sống động cho uy thế của những người đã trồng chúng. Trước những ngôi nhà này, đôi khi có một cây tre lớn có thể cao tới hai chục mét, trang hoàng rực rỡ, phóng thẳng lên trời, đung đưa những cánh tay bằng lá cọ của chúng, hoàn thiện cảnh trang trí nghi thức này. Trước cửa nhà mỗi kuang có thể còn sót lại một cái hiên bằng liếp, dựng trên cọc sàn rất thấp; chúng cũng được dựng nhân một dịp lễ hiến sinh quan trọng.

Nhưng thứ ta thấy nhiều hơn trên những mảnh sân này là những căn lều dựng trên cọc cao và giống những chiếc chòi ngoài rẫy, và nhất là những chuồng lợn thấp bè, xung quanh có hàng rào nhỏ làm bằng những khúc gỗ tròn cắm khít vào nhau. Một vài cây ăn quả hiếm hoi – xoài hay cam – và còn thêm những tổ mối không cao lắm choán đầy những mảnh sân suốt ngày rộn rịp người, chó, lợn và gia cầm đi lại. Trâu chỉ xuất hiện ở đấy chốc lát vào buổi chiều, lúc trai làng đi tìm chúng từ trong rừng, dắt về những bãi quây chật hẹp nơi chúng được nhốt lại ban đêm. Còn phải thêm vào đấy một kiến trúc đặc biệt ở Sar Luk: Những chuồng ngựa, viên chánh tổng và người phó của ông ta mỗi người có một con ngựa. Chuồng ngựa trông giống như những ngăn nhốt kín bưng, ngựa chẳng có được mấy chỗ trống mà cựa quậy.

Những biện pháp đề phòng như thế là cần thiết vì mùi ngựa rất gắt có thể khiến hổ mò đến. Chính cũng vì sợ hổ mà người ta phải phát quang khu vực quanh làng rộng đến thế…

***

Đôi nét về tác giả

Ông sinh ra tại Hải Phòng. Sau khi học trung học tại Pháp, cử nhân Luật và Mỹ thuật tại Hà Nội, Văn học và Dân tộc học tại Paris, ông quay trở lại Việt Nam thực hiện chuyến điền dã đầu tiên ở vùng người Mnông Gar. Khác với nhiều nhà Dân tộc học phương Tây đương thời, những nghiên cứu của Georges Condominas (Condo) ở Việt Nam xuất phát từ đam mê khoa học thuần túy và ông kịch liệt phản đối việc sử dụng các kết quả nghiên cứu của mình vào mục đích phục vụ chính quyền thực dân cai trị, trấn áp có hiệu quả hơn các dân tộc thiểu số.

Các tác phẩm tiêu biểu của ông: “Chúng tôi ăn rừng”; “Fokon’olona và những tập thể nông thôn ở Imerina”; “Không gian xã hội vùng Đông Nam Á”; “Đạo Phật ở làng”.
Mời các bạn mượn đọc sách Chúng Tôi Ăn Rừng của tác giả Georges Condominas & Trần Thị Lan Anh, Phan Ngọc Hà
Trịnh Thu Hồng, Nguyễn Thu Phương (dịch).