Chủng tộc Technion ( Amnon Frenkel, Shlomo Maital and Ilana Debare )
Israel là mái nhà được người Do Thái dựng lên để bảo vệ họ. Ta có thể biết về nơi đây như một quốc gia của hoang mạc và chiến tranh nhưng có thể ta chưa được biết về Israel như là một quốc gia của những con người Do Thái luôn mang trong người niềm động lực phấn đấu bền bỉ, sáng tạo không ngừng để vượt qua những khó khăn và thử thách.
Câu chuyện về Israel ngày nay là câu chuyện về một quốc gia với sự phát triển thần kì và nhiều người tin rằng Đại học Technion là một trong những xuất phát điểm để tạo nên sự thần kì trên. Người Do Thái biết mình không thể phụ thuộc vào những sự giúp đỡ hay nguồn tài nguyên thiên nhiên sẵn có, họ phải tự lực cánh sinh và chỉ có thể trông cậy vào trí óc của bản thân. Trước cả khi nhà nước Israel ra đời 36 năm, các nhà tư tưởng đã đặt nền móng cho một trường đại học khoa học và công nghệ để chuẩn bị cho sự ra đời trên. Lợi ích mà đại học Technion mang lại không chỉ gói gọn trong biên giới quốc gia mà còn đóng góp cho cuộc sống của người dân trên toàn thế giới. Tuyên ngôn sứ mạng của Technion chính là “ vì sự tiến bộ của Nhà nước Israel và toàn nhân loại”.
Israel ngày nay đã không còn chỉ gắn với chiến tranh bom đạn mà nó còn gắn với hình ảnh những thành tựu khoa học nhiều lĩnh vực. Đơn cử như chiếc thẻ nhớ, ứng dụng trò chuyện trực tuyến, hệ thống tưới nước nhỏ giọt, dược phẩm hàng đầu trong việc điều trị Parkinson, phương pháp điều trị bệnh ung thư mới, cải tiến tấm pin mặt trời bằng công nghệ nano, những chiếc chip máy tính ít hao pin hơn mở đầu cho các thiết bị cầm tay và vô vàng những thành tựu khác nữa. Có những thành tựu mà chúng ta chưa biết hoặc quên mất đi nhưng tựu chung lại chúng đều có nguồn gốc từ Technion và những sinh viên đã tốt nghiệp Technion. Technion sẽ luôn khiến chúng ta ngạc nhiên về những đóng góp cho toàn nhân lại.
Để có được Technion của ngày hôm nay, bản thân Technion đã phải vượt qua muôn vàn khó khăn từ cuộc tranh cãi về ngôn ngữ và giáo trình giảng dạy cho đến sự thiếu tài trợ do khủng hoảng kinh tế hay sự giảm bớt chi tiêu cho giáo dục của Nhà nước… Trên tất cả Technion luôn chiến thắng và không ngừng sản sinh ra những doanh nhân khởi nghiệp và công ty khởi nghiệp góp phần làm thay đổi thế giới.
Technion xứng đáng là một tấm gương tiêu biểu cho các đại học và các sinh viên trên thế giới về động lực học hỏi, khả năng sáng tạo, tinh thần khởi nghiệp, ý chí kiên định vượt qua khó khăn thử thách và tinh thần cống hiến cho Tổ quốc và nhân loại.
Một lần nữa, tôi lại được hân hưởng những dòng suy tưởng đầy trí tuệ và nhiệt huyết của Giáo sư Shlomo về kinh tế, sáng tạo, khởi nghiệp, và về lòng yêu nước, yêu dân tộc của ông, cũng như của những người được nhắc tới trong cuốn sách này.
Chắc hẳn đã có nhiều bạn biết đến cuốn Quốc gia khởi nghiệp và âm hưởng của nó tại Việt Nam hơn ba năm qua. Phải chăng, tinh thần khởi nghiệp tại Việt Nam trong những năm này được khích lệ phần nào từ tinh thần Do Thái mà các bạn khám phá được từ cuốn sách đó? Hôm nay, trên tay các bạn là một cuốn sách tuyệt vời như thế, cho tất cả các thế hệ, đặc biệt là thế hệ trẻ, của các trường đại học.
Được cùng học với những người bạn Do Thái thời Liên bang Xô Viết, tôi thực sự kinh ngạc trước trí tuệ siêu việt và sự bền bỉ, kiên gan của họ: Luôn đứng đầu tất cả các môn học một cách lặng lẽ, bất chấp sự phân biệt đối xử hay kỳ thị ở những nơi họ học tập. Tinh thần Do Thái có mặt ở khắp nơi trên thế giới, đặc biệt là trong môi trường đại học, và Technion chính là trường đại học thể hiện rõ nhất tinh thần đó, qua những thành tựu to lớn của nhiều thế hệ, từ thế hệ sáng lập đến các thế hệ giảng viên, sinh viên tiếp theo.
Những con người của Technion, trường đại học hàng đầu Israel, được các tác giả nhắc đến trong cuốn sách này như một “chủng tộc” riêng, khác biệt, là tinh hoa của trí tuệ khoa học công nghệ tại quốc gia nhỏ bé nhưng có tầm ảnh hưởng toàn thế giới này.
Chủng tộc Technion cho thấy khoa học công nghệ chính là động lực phát triển quan trọng hàng đầu của các quốc gia, nhất là những quốc gia nhỏ bé và đơn độc như Israel.
Họ hiểu rõ tinh thần khởi nghiệp trong trường đại học bằng cách đưa các nghiên cứu khoa học công nghệ vào cuộc sống thực tế để phát triển kinh tế, chăm lo cho con người, bảo đảm an ninh quốc gia… thông qua các doanh nghiệp – yếu tố cốt lõi cho sự thành công và đóng góp của một trường đại học đối với đất nước.
Chủng tộc Technion đã chỉ ra rằng những thành tựu khoa học công nghệ của họ dành cho đất nước Israel là chưa đủ. Họ luôn giữ tinh thần đóng góp trí tuệ và tài năng của mình cho sự an toàn và phồn vinh của nhân loại.
Technion xứng đáng là tấm gương cho bất kỳ trường đại học nào trên thế giới với ý chí vươn lên mọi thử thách, tinh thần sáng tạo, tinh thần khởi nghiệp, tinh thần phụng sự cho Tổ quốc và nhân loại.
Kỷ niệm khó quên của tôi với Giáo sư Shlomo Maital trong những ngày tháng còn học tập ở Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) là sau khi chấm một bài luận về kinh tế Việt Nam của tôi, ông mời tôi đi ăn trưa và nói rằng: Bài làm của anh khiến tôi thấy sao Việt Nam lại có nhiều điểm tương đồng với Israel thế! Hai dân tộc đều trải qua những cuộc chiến tranh liên miên, đều thông minh, sáng tạo, có ý chí vươn lên vì độc lập, tự do.
Với tôi, phải chăng Việt Nam còn những điều căn bản khác mà chúng ta cần học hỏi từ đất nước và con người Israel?
Chủng tộc Technion sẽ cho chúng ta một phần của câu trả lời.
Mời các bạn đón đọc Chủng Tộc Technion của tác giả Amnon Frenkel & Shlomo Maital & Ilana Debare.