Chúa Ruồi

Chúa Ruồi

Tác giả:
Thể Loại: Tiểu Thuyết Phương Tây
Nguồn: https://thuviensach.vn
PDFĐỌC ONLINE

Chúa Ruồi là tác phẩm đầu tay và cũng là tác phẩm nổi tiếng nhất của William Golding. Thông qua một hệ thống các biểu tượng giàu ý nghĩa, ông thể hiện cuộc chiến khốc liệt giữa cái Thiện và cái Ác trong mỗi con người. Từ trong lịch sử phát triển của nhân loại, ánh lửa đã là một biểu tượng mang những ý nghĩa đối lập nhau. Ánh lửa vừa gợi lên không khí ấm áp, quây quần của những buổi hội họp lại vừa là một mối họa hủy diệt bởi lửa có thể thiêu đốt mọi thứ ngáng đường nó. Trong “Chúa Ruồi”, ánh lửa là nguồn gốc nảy sinh mối xung đột không thể giải quyết giữa Ralph và Jack. Với tư cách là người đứng đầu, Ralph luôn tâm niệm việc thắp lên ngọn lửa để tàu thuyền có thể trông thấy và đến cứu là công việc hệ trọng nhất đối với lũ trẻ. Cậu bé tìm mọi cách để khiến lũ trẻ hiểu ra điều đó song đó là một nỗ lực vô vọng bởi hầu hết bọn trẻ không thể tập trung làm việc gì quá 5 phút và chúng dễ bị thu hút bởi những hoạt động huyên náo hơn là ngồi một chỗ và trông chừng đống lửa. Đi ngược lại với nỗ lực của Ralph, Jack chỉ quan tâm đến việc đi săn. Niềm say mê săn đuổi đã xâm chiếm tâm hồn cậu bé và lây lan nhanh chóng trong đám trẻ. Jack cũng sớm nhận ra việc kiếm được thịt tạo cho nó quyền chỉ huy đám trẻ. Đối với Jack, ngọn lửa không có ý nghĩa là một tín hiệu cầu cứu bởi nó đã thích nghi được với hoàn cảnh khắc nghiệt trên đảo hoang. Nó sẵn sàng hạ những nhát dao chí tử vào các con mồi để duy trì sự sống và nhất là sự quyền lãnh đạo tối cao của mình. Với Jack, ngọn lửa bập bùng là thứ để nấu chin thức ăn cho buổi tiệc tùng man dại. Điệu nhảy xung quanh ánh lửa của những bộ mặt nạ vằn vện biến chúng thành một lũ mọi. Sự giao tranh khốc liệt giữa hai phe luôn được hỗ trợ bởi những tia sét rạch ngang bầu trời và đó là những điềm báo đầy tai ương với cuộc sống của lũ trẻ. Mặc dù cuối cùng, hành động thắp lên ngọn lửa biến hòn đảo trở thành một đảo lửa của Ralph đã giúp tàu hải quân phát hiện và cứu lũ trẻ xong ám ảnh về ánh lửa và những cuộc tranh giành tàn bạo để có được ngọn lửa vẫn sẽ ám ảnh lũ trẻ. Chúng có thể bước ra khỏi làn khói mịt mờ của khu rừng trên hoang đảo nhưng chúng sẽ phải đạt chân vào một thế giới ghê rợn hơn. Đó là cuộc chiến tranh nguyên tử của người lớn. Ánh lửa lại làm một ranh giới đưa chúng từ một bi kịch nhỏ đến một bi kịch lớn hơn và lần này, liệu chúng có may mắn được cứu thoát? Hòa mình với cuộc sống hoang dã, những đứa trẻ dần quên đi nền văn minh đang tồn tại bên ngoài hòn đảo. Dưới sự lôi kéo của Jack, lũ trẻ từ bỏ những chiếc lều bên bãi biển để sống trong hang đá. Hình dáng những cậu bé đáng yêu không còn mà thay vào đó là những tên mọi tí hon vẽ mặt vằn vện. Chính cái mặt nạ đó đã khiến chúng “không còn biết xấu hổ dưới ánh mặt trời”. Với giọng văn lạnh lùng và đanh thép, William Golding đã miêu tả hành trình ngược về cõi u mê của những đứa trẻ bị bỏ rơi trên đảo hoang. Thông qua một hệ thống các biểu tượng giàu ý nghĩa, ông thể hiện cuộc chiến khốc liệt giữa cái Thiện và cái Ác trong mỗi con người. Tác giả: William Gerald Golding sinh năm 1911 tại Cornwall nước Anh. Xong trung học, ông theo ngành vật lý để vừa lòng cha mẹ. Được hai năm, thấy không thích khoa học tự nhiên nên ông chuyển sang văn học và triết. Năm 1935, sau khi tốt nghiệp, Golding lấy thêm bằng sư phạm và dạy tại nhiều trường khác nhau và từ năm 1935 đến 1940, trong đó có một trường dành riêng cho nam sinh. Năm 1940, khi thế chiến II bùng nổ, Golding phục vụ trong Hải quân Hoàng gia Anh. Là thuyền trưởng, ông đã lập được nhiều chiến công xuất sắc. Golding từng có mặt trong chiến dịch đổ bộ lên Normandie (Phápnăm 1944 của quân Đồng minh. Năm 1945, chiến tranh kết thúc, ông trở lại với nghề sư phạm. Golding cho rằng những thảm họa ông từng chứng kiến trong chiến tranh: sự dã man của con người, đặc biệt là tội ác diệt chủng của Đức Quốc xã… tất cả chỉ có thể giải thích được qua cái Ác Bẩm sinh. Chúa Ruồi (Lord of the Flies, cuốn tiểu thuyết đầu tay và nổi tiếng nhất của Golding xuất bản năm 1954 mang đậm ưu tư này của tác giả. Truyện kể về diễn tiến bi thảm trong cuộc sống của mấy chục đứa trẻ khoảng từ sáu đến mười hai tuổi may mắn sống sót trên một hoang đảo ở Nam Thái Bình Dương sau khi chiếc máy bay chở chúng đi sơ tán bị trúng đạn trong một cuộc chiến tranh nguyên tử. Cũng bối cảnh là hoang đảo, nhưng khác với loại chuyện phiêu lưu có hậu kiểu Robinson Crusoe hay Đảo giấu vàng… Chúa Ruồi là một câu chuyện ngụ ngôn, tư tưởng của tác giả ẩn sau rất nhiều ẩn dụ và biểu tượng. Mới đầu, khoảng hai mươi nhà xuất bản ở Anh đã từ chối bản thảo của Golding. Cuối cùng, cuốn sách được nhà xuất bản Faber and Faber tại London phát hành, song chẳng gây được tiếng vang gì. Tuy nhiên, hai, ba năm sau, cuốn tiểu thuyết được nồng nhiệt đón nhận ở Mỹ. Điều này không thể giải thích rằng “Bụt chùa nhà không thiêng”, mà vì người dân Anh mới trải qua hai cuộc thế chiến thảm khốc chỉ trong vòng hơn hai mươi năm, họ đâm ra kỵ loại truyện có nội dung u ám, bi quan. Từ đó, Chúa Ruồi trở nên nổi tiếng, được đưa vào giáo trình văn học ở Anh, Mỹ và nhiều nước Châu Âu, tác phẩm còn được dựng thành phim hai lần – năm 1963 và 1990. Sau Chúa Ruồi, Golding còn cho ra đời nhiều tác phẩm khác, phần lớn đều mang nỗi trăn trở của ông về hai chữ Thiện và Ác của con người. Năm 1980, Những nghi lễ của chuyến đi (Rites of Passage, tập đầu trong bộ truyện ba quyển với chủ đề tương tự Chúa Ruồi, đoạt giải Booker. Năm 1983 Golding được trao giải Nobel văn học vì sự nghiệp của ông. Năm 1988 ông được Nữ hoàng Elizabeth II ban tước Sir. William Golding mất ngày 19 tháng Sáu 1993. Đánh giá: “Nếu Chúa Ruồi chỉ đơn thuần là một tác phẩm văn học thiếu nhi, ắt hẳn nó sẽ vô cùng rạo rực và tươi sáng, nhưng tác giả của nó là Golding, người đã trải qua đủ ác mộng để hiểu rằng: nơi nào con người không kiềm chế được cái ác bản năng thì dẫu chỉ là trò chơi của trẻ nít, vườn địa đàng sớm muộn cũng thành địa ngục.” – The Times Trong một cuộc chiến tranh nguyên tử, mấy chục đứa trẻ chưa đến tuổi thiếu niên “may mắn” sống sót trên một hoang đảo sau khi chiếc máy bay chở chúng đi sơ tán bị trúng đạn. Chúng tập họp dưới bầu trời Nam Thái Bình Dương nắng gắt, chia sẻ gánh nặng và đặt niềm tin vào thủ lĩnh. Nhưng rồi, cái đói và thiên nhiên khắc nghiệt từng bước vắt kiệt bọn trẻ. Bản năng sinh tồn đã dần bóp nghẹt sự ngây thơ – từ đây thực tại của chúng tan hòa vào ác mộng. Một câu chuyện ngụ ngôn đau đớn và hãi hùng, ngập tràn những tư tưởng ẩn sâu dưới hàng hàng lớp lớp ẩn dụ và biểu tượng. Với Chúa Ruồi, một kiệt tác văn học kinh điển đầy ám ảnh, William Golding đã khiến các nhà phê bình văn học hao tốn giấy mực chỉ để tranh luận về một vấn đề: Có thực “nhân chi sơ tính bản thiện” hay chăng là… ngược lại? “Chỉ vài tuần giữa nơi hoang vắng đã đủ khiến con người quay lại với bóng tối u mê, nơi hắn đã phải mất hàng ngàn năm để rũ bỏ. Chúa Ruồi là câu chuyện phiêu lưu giả tưởng gần nhất với thực tại.” – The New York Times