Cuốn sách các bạn cầm trên tay của tác giả Nga Leonid Mlechin là một cuốn sách đặc biệt vì nó kể về những người lãnh đạo một công tác mà ở Liên Xô trước đây và Nga hiện nay gọi là “công tác đặc biệt”; và bản thân những người đó cũng có những số phận đặc biệt. Đó là các Chủ tịch KGB.
Cơ quan an ninh Liên Xô được thành lập từ những ngày đầu cách mạng tháng Mười với nhiệm vụ trấn áp các lực lượng phản cách mạng trong nước để bảo vệ chính quyền với tên gọi là Ủy ban đặc biệt, về sau đã trở thành một cơ quan kiểm soát toàn diện xã hội và một cơ quan tình báo quốc tế bậc nhất. Với tên gọi là KGB từ năm 1954, cơ quan quyền lực hùng mạnh này đã trở thành nỗi kinh hoàng đối với số đông người và niềm kính nể đối với đồng nghiệp an ninh quốc tế.
KGB là một hiện tượng lịch sử trong thế kỷ 20, nó được xây dựng bằng công sức, trí tuệ và cả xương máu của nhiều thế hệ người Xô viết. Suốt 74 năm tồn tại Liên Xô (1917 – 1991); KGB sống song hành cùng Liên Xô. Những chặng đường các Chủ tịch KGB đã đi là những chặng đường của lịch sử Liên Xô vinh quang và cay đắng. Và số phận cá nhân vừa oanh liệt vừa bi thảm của họ cũng không nằm ngoài lịch sử đó.
Đây là lần đầu tiên, một cuốn sách kể về cuộc đời và sự nghiệp của tất cả các Chủ tịch KGB (mười bảy vị) từ thời Lênin cho đến khi Liên Xô tan rã.
Đọc cuốn sách này, người ta hiểu biết thêm nhiều về lịch sử chính trị và an ninh Liên Xô. Trong sách có đề cập đến những lãnh tụ và nhân vật lịch sử như Lênin, Stalin, Trotski và một số nhân vật còn có những đánh giá khác nhau như Beria, Tukhachevski và một số vụ việc còn nhiều bí ẩn như vụ ám sát Kirov, “Vụ án các bác sĩ”, vụ “Đảng bộ Lêningrad “v.. v… Một số sự kiện lịch sử như việc Stalin bắt tay với Hitle để trì hoãn chiến tranh, sự biến ở Hung-ga-ri năm 1956 v.v… được đề cập và phân tích khá sâu trong mối quan hệ chính trị – ý thức hệ – an ninh.
Sách cũng cung cấp thêm tư liệu và lý giải về những diễn biến nhân sự ở hậu trường trong những bước ngoặt lớn chuyển giao lãnh đạo của Liên Xô. Hầu hết các nhà hoạt động nhà nước nổi tiếng của Liên Xô được nhắc đến trong sách này.
Đây không phải là cuốn sách về một ngành công tác. Đây là câu chuyện kể về những bước ngoặt lịch sử của đất nước Liên Xô, mà trên mỗi bước ngoặt đó đều có vai trò của KGB.
Do đó nó không chỉ bổ ích về nghiệp vụ mà còn có giá trị nghiên cứu, tham khảo rất quý đối với đông đảo bạn đọc.
L.Mlechin trong mấy năm gần đây là một tác giả ăn khách ở Nga, vì sách của ông thường viết về đề tài an ninh, trên cơ sở khai thác kho tư liệu lưu trữ phong phú của Liên Xô và KGB. Tuy nhiên, nằm trong trào lưu tư tưởng dân chủ cấp tiến của xã hội Nga hiện nay, tác giả có xu hướng phân tích một cách phê phán đối với lịch sử nước nhà, đối với Stalin.
Đó là điều phổ biến và khó tránh được hiện nay. Nhiều điều đã được biết hoặc trở thành bình thường đối với xã hội Nga có thể không được chấp nhận hoặc chia sẻ đối với chúng ta. Mặc dù vậy, giới thiệu cuốn sách này với độc giả kính mến, chúng tôi tin rằng cuốn sách có giá trị tái hiện lịch sử sinh động, lại được viết bằng giọng văn chính luận hấp dẫn, chắc chắn nó sẽ mang lại cho bạn đọc nhiều điều bổ ích và phát hiện lý thú.
Dịch giả HÙNG SƠN
***
FELIX EDMUNDOVICH DZERJINSKI
Chủ tịch Ủy ban đặc biệt toàn Nga (từ tháng 12/1917 đến tháng 2/1922).
Cục trưởng Cục chính trị quốc gia (từ 2/1992-7/1926).
Ban đầu, không ai ở nước Nga đánh giá hết được ý nghĩa của sắc lệnh thành lập Ủy ban đặc biệt toàn Nga, được thành lập trong những ngày đầu sau cách mạng tháng Mười, nhằm mục đích đấu tranh chống phản cách mạng và sự phá hoại ngầm của các viên chức cũ đối với chính quyền mới, tổ chức tiền thân này của KGB với tên gọi giản dị là VSK hoặc SK (viết tắt tiếng Nga của “Ủy ban đặc biệt toàn Nga”) sẽ là nỗi kinh hoàng của khá đông người suốt gần hai thập kỷ.
Hiện nay ở Xanh Petecbua, góc giữa phố Gorokhova và đại lộ Admiral vẫn còn giữ lại ngôi nhà mà tháng 12/1917 đã từng là trụ sở thành lập Ủy ban đặc biệt mà Chủ tịch đầu tiên là Felix Edmundovich Dzerjinski.
Dzerjinski sinh ngày 30/8/1877 tại tỉnh Vilen, hiện nay thuộc Minsk (Belarus) trong một gia đình địa chủ nhỏ. Đang học dở trung học, năm 18 tuổi ông tham gia “Đảng Xã hội – Dân chủ của Ba Lan và Litva”. Từ đó đến năm 1917, ông chỉ làm công tác Đảng, trở thành một nhà cách mạng chuyên nghiệp như người ta thường gọi.
Năm 1897, Dzerjinski bị bắt và đưa đi đầy 3 năm ở Viatka, được một năm thì trốn thoát về Vilno, từ đó chạy sang Varsava tuyên truyền trong công nhân. Năm 1900 Dzerjinski lại bị bắt, ngồi tù ở Varsava hai năm rồi bị đi đầy ở Sibir năm năm. Trên đường bị giải đi Sibir, Dzerjinski chạy thoát và trốn ra nước ngoài.
Nhưng ít lâu sau ông lại trở về nước và tháng 6/1905 lại bị bắt. Nhưng cách mạng Nga 1905 nổ ra, và ông được ân xá. Cuối 1906 ông lại bị bắt, và lại được bảo lãnh thả ra. Năm 1908, Dzerjinski lại bị bắt, lại bị đầy ở Sibir, lại trốn thoát, sau đó hoạt động ở Varsava Năm 1912, chính quyền lại bắt Dzerjinski và lần này giữ chặt bằng cách cho đi tù khổ sai ba năm ở Orel. Mãn hạn, người ta giải ông về Matxcơva và năm 1916 cộng thêm sáu năm nữa vì tội trạng cũ. Nhưng chỉ một năm sau thì cách mạng tháng Hai nổ ra, ông cùng các tù chính trị được giải phóng.
Dzeriinski tham gia cuộc họp lịch sử ngày l0/10/1917 của Ban chấp hành Trung ương Đảng Bônsêvich tại Petrograd – cuộc họp thông qua quyết định chuẩn bị tiến hành khởi nghĩa vũ trang. Tại cuộc họp này, chính Dzerjinski là người nêu ra sáng kiến về việc thành lập một Bộ Chính trị trong Ban chấp hành Trung ương Đảng. Sáng kiến này được hoan nghênh, và từ đó cơ quan lãnh đạo đặc biệt này đã tồn tại trong tất cả các đảng cộng sản các nước xã hội chủ nghĩa cho đến tận ngày nay.
Dzerjinski tham gia ủy ban quân sự – cách mạng Petrograd và tham gia lãnh đạo cách mạng tháng Mười. Sau đêm khởi nghĩa, khi những người Bônsêvich cướp được chính quyền, Dzerjinski được giao chiếm bưu điện trung tâm và bảo vệ cung điện Smolny – trụ sở tham mưu của cách mạng.
Dzerjinski đã ký giấy phép ra vào cho nhà báo Mỹ John Reed đi lại trên lãnh thổ Smolny và Petrograd và viết cuốn “Mười ngày rung chuyển thế giới”.
Ngày 20/12/1917, Lênin giao cho Dzerjinski nhiệm vụ chính của đời hoạt động cách mạng của ông là thành lập và lãnh đạo Ủy ban đặc biệt toàn Nga.
Đã 11 năm ngồi tù, Dzerjinski biết rõ hơn ai hết bộ máy cưỡng chế. Ông đã rút ra được những bài học gì từ kinh nghiệm bản thân?
Thứ nhất, ông căm ghét và khinh bỉ sự đê tiện của những tên tay sai của Sa hoàng. Thứ hai, ông nhớ ông và các đồng chí của ông đã có thể dễ dàng lừa bọn lính canh ngục và cảnh sát như thế nào, và ông không muốn lặp lại sai lầm đó của đối phương.
Tháng 3/1918, một cuộc họp của ban lãnh đạo Ủy ban đặc biệt (SK) đã ra nghị quyết cấm sử dụng biện pháp khiêu khích và gây hấn trong hoạt động của SK. Nhưng ý định tốt lành đã không thực hiện được khi vấp phải thực tế.
Dzerjinski đã cho áp dụng phương pháp cài điệp viên vào trà trộn cùng với tù nhân để khai thác tin tức và moi lời khai đặc biệt đối với các tù chính trị. Việc điều tra đối với các vụ án chính trị nhiều khi không có điều kiện tiến hành một cách thực sự, do đó các nhân viên mật vụ trở thành nguồn nhân chứng, công cụ chính của việc điều tra. Họ chỉ cần đạt được sự thú tội của đương sự là đủ.
QUYỀN XỬ BẮN LÀ CỰC KỲ QUAN TRỌNG
Mời các bạn đón đọc Các Chủ tịch KGB – Những Hồ Sơ Lộ Sáng của tác giả Leonid Mlechin.