Chợ-Trời biên giới Việt-Nam – Cao-Miên đã vào lịch sử từ đầu năm 1955.
Tác giả thường qua lại các vùng biên cảnh, có ý muốn ghi lại một sự kiện lạ lùng nhất trong tình trạng kỳ dị giữa hai quốc-gia sát cạnh nhau, trình bày suốt dải biên thùy Việt-Miên có bao nhiêu ngã đường chính thức và không chính thức, bao nhiêu ngôi Chợ-Trời lớn nhỏ, vị trí của từng chợ, những lý do tại sao có Chợ-Trời biên giới, những điều lợi, hại của Chợ-Trời, tại sao chánh quyền không ngăn cấm, những món hàng đặc biệt của chợ mà chợ khác không có, những chuyện thật bên lề, những kẻ sống nhờ Chợ-Trời và chết vì Chợ-Trời, những khía cạnh kinh-tế, thương-mãi, văn-hóa, xã-hội, chính-trị.
Quý vị được tác giả đưa đi thăm từng vùng một và sẽ ngạc nhiên, thích thú trước những chuyện lạ lùng ở bên này hay bên kia biên cương kèm theo những hình ảnh rất hiếm có.
Sau cuộc kháng chiến đuổi Thực dân Pháp và khi hai quốc-gia thu hồi nền độc lập thật sự, người Việt-Nam và người Cao-Miên mới bắt đầu nói đến biên giới và khơi động vấn đề biên giới. Trước kia, người Việt sang đất Miên cũng như người miền Nam ra Trung-Việt, Bắc-Việt. Biên giới là cây trụ xây bằng gạch cắm cạnh quốc-lộ ghi hàng chữ « Ranh giới Việt-Nam – Cao-Miên ». Cả hai bên không có đồn, ải, quán hàng gì cả.
Tính từ chỗ giáp ranh ba nước Việt-Miên-Lào thẳng xuống đến bờ vịnh Thái-Lan ta thấy có tất cả 12 ngã đường vào lãnh thổ bạn. Đó là những đường chánh thức có tên đàng hoàng và hiện giờ có nơi bị bỏ hoang, có nơi có cơ quan chánh quyền trú đóng. Ngoài ra còn vô số ngã khác không thể đếm vì không có đường lớn cho xe cộ thông thương, không có sông to cho tàu bè qua lại.
Vào năm 1955, khi việc giao thông bị ngăn chặn vì quyền lợi dị biệt của hai quốc-gia, giới buôn bán xoay qua lối chạy hàng lậu sẽ cố nhiên là dễ tiêu thụ và có lời nhiều, có lời mau hơn bán chánh thức. Địa điểm trao đổi hàng hóa là các vùng giáp giới, nơi mà con buôn quen mặt với nhân viên chánh quyền hai bên, có thể qua đất bạn vài giờ rồi trở về không cần xin giấy tờ gì cả. Những nơi tụ họp như thế càng ngày càng thu hút nhiều « thân chủ », từ nhóm nhỏ ngồi theo lề đường, bờ ruộng đến các hàng quán che tạm cạnh nhau hóa thành chợ hẳn hoi. Danh từ « Chợ-Trời biên giới » phát sinh vào lúc ấy.
Nhưng không phải trong suốt 12 ngã biên cương đều có 12 ngôi Chợ-Trời. Suốt lằn ranh chỉ có 4 nơi có chợ hẳn hoi, trong đó, có 2 chợ hoạt động mạnh nhất, ngoài ra còn 2 nơi khác đồng bào mua bán theo xóm, trong nhà chứ không họp ngoài trời. Lý do có thể cho rằng vì địa thế, vì đường giao thông thuận tiện hay không. Chợ họp từ sáng sớm đến trưa, không thể kéo dài đến chiều, đến tối vì vấn đề an ninh. Người mua hay bán phải tính giờ đi đến chợ và giờ trở về nhà. Không ai dám ở trễ hay ngủ lại nhà người quen gần đồn bót vì hôm sau, chính quyền địa phương sẽ cật vấn, nghi ngờ nạn nhân vượt biên giới « qua bên kia » làm những gì ? Trường hợp nầy đã xẩy ra cho vài Việt kiều ở Prâsaut, quận Chipou, tỉnh Svayriêng ở cách Chợ-Trời Gò-Dầu-Hạ 28 cây số. Những người gặp vận rủi vì lỡ chuyến xe đò chót phải ở lại xã Bavet sát đồn canh. Khi về nhà, nhân viên Công-an mời đến « điều tra » ngày này qua ngày khác, kỳ đến lúc lòi một số tiền kha khá mới yên thân ! Điều quan trọng là phương tiện di chuyển hàng hóa đến nơi tiêu thụ. Hai ngôi chợ thịnh vượng nhất nước Việt-Nam nhờ « chiếm » được quốc lộ số 1 và con sông Cửu-Long nên mới đứng vững với thời gian và có cơ bành trướng mãi mãi.
Bắt đầu từ ba biên giới Việt-Miên-Lào xuống đến ba biên giới cũ Việt-Miên-Trung của người Pháp đặt ra (gọi là Trois Frontières) chỉ có một ngã độc đạo : quốc lộ số 10 nối liền tỉnh Pleiku của ta với tỉnh Stung-Treng của Miên. Suốt mấy mươi năm đô hộ, người Pháp chỉ cắm một cây trụ xây bằng gạch mang mấy chữ « Ranh giới Annam – Cao-Miên », tuyệt không có nhà cửa của đồng bào cũng như của nhân viên chánh quyền. Đó là con đường mà người Pháp gọi là đường chiến lược, dùng để chuyển quân khi có sự xích mích với Thái-Lan và để tẩu thoát khi Nhật chiếm Đông-Dương. Nhưng chưa kịp sử dụng lần nào, Thực dân đã đầu hàng Phát xít trong một đêm ! Quốc lộ số 19 nằm im trong rừng rậm.
Cách lằn ranh vài cây số, ta gặp xóm Mok Den của người Thượng, khi vượt biên thùy hàng 10 cây số nữa mới đến xóm Apia của dân miền núi Cao-Miên, gọi là người « Lơ », nghĩa là ở trên cao. Năm 1935, một người Pháp cùng vợ lái xe từ tỉnh lỵ Stung-Treng đi Pleiku, đến gần biên giới gặp trận mưa bão quá lớn, quật ngã một cây to nằm chắn ngang quốc lộ. Ông ta phải quay lại xóm Apia tạm trú với thổ dân 2 ngày mới trở về nhà. Ông bèn viết một bài ký sự đăng báo ở Nam-Vang ca tụng tánh hiếu khách của nhóm người sống xa ánh sáng văn-minh mà dân thành thị thường cho là lạc hậu, cổ lỗ. Bài báo có kèm theo 4 tấm ảnh đã được giới chánh quyền chú ý đặc biệt. Vài người hiếu kỳ đã tổ chức cuộc du ngoạn viếng xóm người Lơ. Khi Việt-Nam và Cao-Miên hoàn toàn độc lập, chánh phủ xây tại biên giới đồn Đức-Cơ.
– « Ngã thứ nhì » : là quốc lộ số 14 ở tỉnh Phước-Long tại ba biên giới cũ Việt-Miên-Trung của người Pháp mượn đất Cao-Miên đắp một đoạn. Xưa kia người ta dùng ngã này để đi vòng sang tỉnh Ban-mê-thuột vì lúc ấy chưa có con đường đi ngang Đồng-Xoài. Khi đắp đường nầy xong, quốc lộ 14 không ai dùng nữa. Bên Miên không mấy khi có ai sử dụng đoạn đường đi từ 1 tỉnh của Việt-Nam (Phước-Long) đến một tỉnh khác của Việt-Nam (Ban-mê-thuột) mà nằm trên đất mình !
– « Ngã thứ ba » : là con đường được dùng nhiều nhất trước ngày đoạn giao với Cao–Miên để sang Ai-Lao là quốc-lộ số 13 từ tỉnh Bình-Long sang tỉnh Kratié. Địa điểm cuối cùng của ta là sóc Panang, bên kia là quận lỵ Snoul. Mười năm nay không ai được đi ngã ấy, sự liên lạc với Ai-Lao chỉ nhờ đường hàng không.
– « Ngã thứ tư » : cũng bị bỏ hoang là quốc lộ 22 từ tỉnh Tây-Ninh sang tỉnh Kompongcham. Trạm cuối cùng là ấp Tầm-Phô bây giờ gọi là Samách ở cách tỉnh lỵ 45 cây số. Hiện thời (năm 1968) đồng bào liên-lạc bằng xe « Lam » và chỉ đi được 6 cây số an-ninh, ngoài ra, từ xã Tân-Hưng đến xã Tân-Hội đi ngang qua xã Tân-Long (quận Phù-Khương) thì không mấy gì bảo đảm. Vào năm 1952, một người Hoa-kiều chủ hãng xe đò ở Kompongcham đưa hành khách theo đường này đi Saigon. Mục đích của ông ta là chở hàng lậu thuế xuyên qua nhiều quãng rừng rậm và vườn cao su hơn là một dúm người xuôi, ngược. Nhưng dạo ấy, nghề buôn tắt chưa mấy gì phát đạt nên ông ta bị lỗ vốn khá nhiều, phải ngưng ngang sau một năm chịu đựng. Người ta nói rằng ông chủ xe chở thuốc phiện mua ở Lào, nhưng ông không cạnh tranh nổi với các chủ xe hàng đi thẳng Vạn-Tượng, Paksé qua ngã Kratié, Bình-Long theo quốc-lộ số 13. Dù dân làng bẹp ở Saigon lúc nào cũng còn « mạnh giỏi » như thường nhưng giá cả ở thị trường được mấy chú Ba ấn định hẳn hoi, không ai có thể viện lý lẽ gì để bán mắc hơn được. Ông chủ xe phải bỏ nghề cũng vì thế. Sau ông, không ai dám mạo hiểm nối chí ông, quốc lộ 22 vắng bóng xe đò từ ngày ấy.
– « Ngã thứ năm » : là một tỉnh lộ nối liền Tây-Ninh với tỉnh Svay Riêng. Từ tỉnh lỵ đến biên giới 15 cây số, qua ấn Tân-Sinh Bến-Sỏi đến xã Phước-Tân, quận Phước-Ninh. Tại Bến-Sỏi có chiếc đò chở xe hơi, chống qua con sông nhỏ bằng sào. Bên kia ranh giới là xã Bosmon, thuộc quận Romdoul, quận lỵ tên Kompong Chaak, đọc là Công Bông Chót, Việt kiều quen gọi là Chót. Trước thời khói lửa, kiều bào ở Svay Riêng đi xe đạp viếng Núi Bà theo ngã nầy. Công chức Việt kiều thường sang Tây-Ninh trong ngày Chúa nhật. Cũng như bốn ngã trên, tại biên giới chỉ có một cột trụ xây bằng gạch chơ vơ bên lề đường. Ngày nay tỉnh lộ bị cấm hẳn. Dân chúng ở gần lằn ranh thì tự do qua lại buôn bán công khai. Hàng hóa ? Đặc biệt có ma túy cần sa, trâu bò, heo, gà, loại « sản phẩm địa-phương » mà người Việt cho rằng người Miên « có tay nuôi » nghĩa là khéo săn sóc, chăn dắt kỹ-lưỡng, mặc dầu dấu vết trên thân thể con trâu, con bò không bao giờ giống theo giấy tờ. Lối buôn bán nầy đã có từ thời Pháp thuộc ; một số người Miên chuyên môn « dắt nhầm » súc vật của người khác đem đến biên giới phát mãi với giá hời. Tiếng nhà nghề gọi là « bán buông đuôi ». Việt kiều và đồng bào ở gần đây rất thích món hàng bở nầy, nhất là khi có đám tiệc cần phải ngã một, hai « con sừng ».
Mời các bạn đón đọc Chợ Trời Biên Giới Việt Nam của tác giả Cao Miên – Lê Hương.