Khi được tin Sơn bị thương ở mặt trận Tây Nam, Tuyết lo lắng đứng ngồi không yên:
– Không biết anh bị thương ra sao, có hề gì không, đang nằm điều trị ở đâu?
Tuyết hồi hộp chờ Lan, em gái Sơn, đem tin về cho Tuyết biết nơi Sơn nằm điều trị là Tuyết sẽ xin phép cha mẹ đi thăm Sơn. Tuyết cho đó là bổn phận mà mình phải làm. Người ta không quen nhau, chưa có cảm tình với nhau, mà các em gái hậu phương còn đem quà ủy lạo các thương binh nằm ở Quân y viện, thì lẽ nào Tuyết lại làm ngơ khi nghe Sơn bị thương?
Tuyết và Sơn là bạn học từ khi còn ngồi “ê, a” trên ghế trường làng. Tình bạn thời thơ ấu đã đưa họ đến tình yêu khi cả hai khôn lớn. Biết bao lần Tuyết và Sơn bàn đến chuyện tương lai, hy vọng được cha mẹ chấp thuận để tình yêu họ được kết thúc bằng một đám cưới.
Nhưng rồi cũng như bao thanh niên khác trong khi nước nhà có chuyện binh đao, Sơn nhập ngũ đi làm nghĩa vụ đối với Tổ quốc và Tuyết ở nhà đỡ đần cha mẹ, may vá thêu thùa chờ ngày Sơn hoàn thành nghĩa vụ trở về.
Hai năm nay, cha mẹ Tuyết nhiều lần khuyên Tuyết nên lập gia đình có nhiều người đến dạm hỏi, nhưng Tuyết vẫn một lòng chờ đợi Sơn. Cha mẹ Tuyết cũng biết Tuyết đã yêu Sơn nên không muốn lấy quyền làm cha mẹ ép buộc Tuyết phải quên Sơn.
Bà Hương, mẹ của Tuyết, không khỏi ái ngại cho con gái. Thêm một năm trôi qua là bà thêm sợ Tuyết phải ế ẩm hoặc dở dang. Bà thường nói:
– Đời con gái như cánh hoa sớm nở tối tàn, khi còn hương sắc thì ong bướm dập dìu, nhưng đến khi hoa phai phấn lạt thì biết tìm đâu ra người yêu thương mình?
Tuyết không nghĩ vậy. Tuyết tin ở tình yêu của Sơn, một mối tình dệt những mười mấy năm, ngày tháng chỉ làm thêm bền chặt chứ không thể làm phai lạt. Tuyết thuộc hạng người yêu chỉ một lần, vì thế dù phải đợi Sơn đến bao giờ, Tuyết cũng đợi được.
Những ngày được về phép, Sơn đến thăm Tuyết và nhắc Tuyết lời hẹn ngày nào. Sơn luôn giữ gìn cho Tuyết, lúc nào cũng yêu thương trong sự tôn trọng, quý mến. Sơn nói với Tuyết:
– Anh phải giữ cho em là vì đời lính không có gì chắc chắn. Nếu mai đây anh có bề gì thì em vẫn còn được tấm thân trong trắng để về với người chồng sau này. Như thế anh sẽ không ân hận…
Bà nổi tiếng với những tiểu thuyết về đề tài xã hội có nhân vật chính là người phụ nữ. Bà Tùng Long cũng là cây bút quen thuộc trên các báo như Sài Gòn Mới, Tiếng Vang, Phụ nữ Ngày mai, Phụ nữ Diễn đàn, Văn nghệ Tiền phong…
Trong cuốn hồi ký của mình, bà viết: “Tôi chưa bao giờ dám tự hào xưng mình là văn sĩ, nữ sĩ. Tôi chỉ nói tôi viết văn là để nuôi con, chỉ thế thôi”. Dù chỉ nhận viết văn là nghề tay trái, nhưng bà đã cho ra đời 400 truyện ngắn, và 68 tiểu thuyết – một lượng tác phẩm lớn với sức làm việc đáng nể, nếu không muốn nói là sức lao động phi thường.
Với Bà Tùng Long, viết văn là niềm vui lớn nhất đời. Sau năm 1975, nhiều tiểu thuyết của Bà Tùng Long được in và đông đảo công chúng đón nhận.
Một số tác phẩm của tác giả Bà Tùng Long:
Mời các bạn đón đọc Chỉ Một Lần Yêu của tác giả Bà Tùng Long.