“Lòng chênh vênh giữa lưng chừng cuộc sống.” Xuất hiện một năm trước với truyện dài “Đời Callboy”, Nguyễn Ngọc Thạch nhanh chóng được biết đến như một tác giả trẻ thành công với những mảng đề tài gai góc như đồng tính, mại dâm, kinh dị hay chuyển giới. Nhiều người cho rằng, Nguyễn Ngọc Thạch mãi cũng chỉ đi quanh những thứ gai góc như vậy, không thể viết được những câu chuyện nhẹ nhàng, tình cảm hơn. Và thế là “Chênh vênh hai lăm” ra đời như một thể nghiệm mới, một bước làm mới mình của tác giả, như một câu trả lời cho nhận định trên. “Chênh vênh hai lăm” như cuốn sổ nhỏ ghi chép lại những điều vô chừng của cuộc sống một người trẻ giữa đất Sài Gòn. Những thứ được ghi lại không mới, nó bình dị và gần gũi đến mức đọc xong, người ta chợt nhận ra, ừ nhỉ, mình cũng đã từng trải qua cảm giác này, đã từng chứng kiến những việc này, chỉ là, mình không ngồi và viết lại chúng. Đó là câu chuyện về một chú nhân viên bảo vệ công ty, ngoài 50 nhưng mỗi ngày vẫn gọi điện thoại cho vợ, mẹ tụi nhỏ muốn ăn gì, để ba về mua cho ăn. Đó là chuyện của anh giữ xe quán café, sợ trời mưa nên lấy nón bảo hiểm của khách úp xuống xe. Đó là chuyện của thùng trà đá miễn phí đặt bên lề đường và thái độ của những người đi đường dành cho nó. Những câu chuyện tưởng chừng tủn mủn đó, lại góp cùng nhau để vẽ lên bức tranh cả một Sài Gòn nhiều mảng sáng tối. Không giống với những tản văn của những người trẻ khác, thường mang giọng văn nhẹ nhàng, êm mượt, “Chênh vênh hai lăm” được viết với đúng với phong cách Nguyễn Ngọc Thạch, thực tế, gần gũi, không hoa mỹ nhưng vẫn lưu lại nhiều suy ngẫm cho người đọc. Có thể nói, “Chênh vênh hai lăm” là một tản văn lạ cho những người trẻ cần một góc nhìn mới từ những điều thân quen.