Vào ngày xảy ra hiện tượng nguyệt thực toàn phần, khi mặt trăng bị che khuất hoàn toàn, cánh cửa dẫn tới một thế giới khác tốt đẹp hơn, hạnh phúc hơn sẽ mở ra. Ishimine Takashi muốn bước qua cánh cửa đó và sống mãi mãi hạnh phúc cùng những học trò của ông. Nhưng một rủi ro đáng tiếc đã xảy ra khiến ông bị bắt trước thời điểm quan trọng đó đúng ba ngày. Ba người học trò thân tín nhất của Ishimine lên một kế hoạch táo bạo – cướp máy bay – nhằm mục đích buộc Sở cảnh sát tỉnh Okinawa phải thả Ishimine vào đúng buổi tối diễn ra nguyệt thực toàn phần. Liệu kế hoạch của họ có thành công? Liệu Ishimine và những học trò của ông có kịp bước qua khi cánh cửa mặt trăng mở ra? Một câu chuyện mang nhiều tình tiết kỳ lạ và bí ẩn với cái kết đầy ly kỳ sẽ khiến bạn không thể rời mắt khỏi từng trang sách.*** Cánh cửa mặt trăng – Asami Ishimochi Cảm nhận đầu tiên sau khi đọc xong: Tuyệt vời Đọc những dòng đầu tiên tôi suýt nữa không nhận ra đây là truyện Nhật bởi lối viết rất lạ, nội dung hấp dẫn. Cuốn truyện kể về hành động táo bạo của ba người học trò của Ishimine Takashi, với ước nguyện “sư phụ” sẽ dẫn được mình và những người của hội trại mở ra cánh cửa mặt trăng vào ngày nguyệt thực toàn phần, tất cả sẽ tới một thế giới khác tốt đẹp và hạnh phúc hơn. Có lẽ đây là một đề tài lạ. ( SPOIL: Ishimine Takashi là người tổ chức hội trại nhằm “hàn gắn tổn thương tâm lý của thiếu niên”, ông đã cứu giúp được nhiều người nhưng vì một lý do ngoài ý muốn nên bị tạm giam trước ngày mở ra cánh cửa mặt trăng, cánh cửa đi tới cõi vĩnh hằng.Cuốn truyện chỉ chia làm hai chương: chương mở đầu và chương kết thúc, một điểm lạ trong cách thể hiện truyện, nhưng có lẽ đã thực hiện được đúng “âm mưu” của tác giả và biên tập: mạch truyện cuốn người đọc. Đọc truyện như không thể dứt ra được để đi làm việc khác, đơn giản mà cuốn hút, tình tiết kỳ lạ và bí ẩn. Tác giả viết đan xen giữa thực tại và hồi tưởng, sự kỳ bí trong tâm lý nhân vật. Tôi không phải fan ruột của các tác phẩm trinh thám nên đánh giá yếu tố trinh thám của tác phẩm khá là ổn, lập luận logic. Kết thúc truyện khá bất ngờ, nhưng đủ làm độc giả thỏa mãn, có lẽ nếu còn gì tiếc nuối thì chỉ là gợi nhiều hơn đào sâu vào sư phụ Ishimine Takashi. Giấy ổn, cỡ chữ đủ to rõ ràng dễ đọc, bìa siêu đẹp Tôi là người tốt nên đánh giá 9/10:Review Linh Lee *** Định nghĩa hạnh phúc mà ta vẫn biết là định nghĩa của thế giới, ngay từ khi sinh ra ta đã bị áp đặt và mải miết chạy theo nó. Nhưng hạnh phúc có thực sự là “hạnh phúc”? Cánh cửa mặt trăng là câu chuyện lạ kỳ, khó có thể phân định rạch ròi đây là một tác phẩm trinh thám hay một cuốn tiểu thuyết giả tưởng đậm chất trinh thám. Chỉ có điều, một khi đã bắt đầu với câu chuyện này, thật khó để dứt ra khỏi những trang sách cho đến khi đọc dòng kết để trả lời cho câu hỏi “Liệu có thật hay không, một thế giới tái sinh – nơi con người ta sẽ vĩnh viễn hạnh phúc?” Nhân vật chính trong cuốn sách là cô gái 24 tuổi Satomi, người đàn ông Makabe 37 tuổi và Kakizaki 46 tuổi. Họ đều là tình nguyện viên trong một hội trại dành cho những em nhỏ không thể hòa nhập với xã hội. Nhiều năm trước, họ cũng nằm trong số những người đã tham gia hội trại này và được người thầy Ishimine Takeshi chữa lành tổn thương. Từ đó, họ vẫn luôn gọi người đàn ông có khả năng hàn gắn vết thương tâm hồn ấy là “sư phụ”. Cả ba người Satomi, Makabe và Kakizaki đều mong ước sẽ cùng với sư phụ của họ bước đến một thế giới khác thông qua cánh cửa mặt trăng. Họ đã tin rằng: “Vào ngày xảy ra hiện tượng nguyệt thực toàn phần, khi mặt trăng bị che khuất hoàn toàn, cánh cửa dẫn tới một thế giới khác tốt đẹp hơn, hạnh phúc hơn sẽ mở ra”. Họ lấy đó làm mục tiêu sống của mình trong những ngày còn lại trước khi nguyệt thực diễn ra. Thế nhưng, chỉ 3 ngày trước ngày đã định, sư phụ Ishimine Takeshi đột nhiên bị cảnh sát bắt vì một tội mà ông không hề làm. Với khao khát từ bỏ thế giới này, ba con người đã lên kế hoạch tỉ mỉ về một vụ cướp máy bay, bắt các hành khách làm con tin để đe dọa cảnh sát phải đưa Ishimine Takeshi đến gặp họ. Kế hoạch tưởng như diễn ra đúng như dự đoán, nhưng không ngờ, cái chết đột ngột, không rõ ràng của một con tin trong số 240 hành khách trên máy bay đã làm mọi sự vượt cả tầm kiểm soát… Trong phòng vệ sinh của máy bay, một người phụ nữ nằm trong vũng máu. Tắc thở. Trong tất cả hành khách, phi hành đoàn đều đang ngồi yên trước sự chứng kiến của ba kẻ bắt cóc. Là chị ta đã tự sát? Có thể nào còn một kẻ khả nghi đã ẩn nấp trong máy bay từ trước? Hoặc tên giết người, thậm chí có thể ra tay ngay cả khi không cần trực tiếp đối mặt với nạn nhân? Và cái chết đột ngột của người đàn bà liệu có làm chùn chân những kẻ bắt cóc không-định-giết-người? Với cách kể xen kẽ giữa hiện tại và quá khứ, câu chuyện của nhà văn Ishimochi Asami dẫn dắt người đọc vào từng chi tiết diễn biến. Từ cách mà ba nhân vật chính chuẩn bị cho cuộc “không tặc” của họ. Họ mang theo vũ khí đi qua được cửa kiểm soát, phương án dự phòng không kẽ hở để bắt con tin, gửi tin cho báo chí để tạo sức ép dư luận lên phía cảnh sát… cho đến cách các nhân vật suy luận để lật từng lớp từng lớp bí ẩn của vụ án bất ngờ trên máy bay. Tất cả vụ việc hé mở từng chút một, bao gồm cả diễn biến của cuộc không tặc lẫn nguyên nhân cội nguồn của tất cả. Cùng với diễn biến của sự việc, cảm xúc và tâm lý của từng nhân vật cũng dần bộc lộ. Trong đó, quan điểm về thế giới hạnh phúc vĩnh hằng được đưa ra cũng khiến người đọc phải suy nghĩ: “Mọi người đã sinh ra trong cuộc đời này, phải đuổi theo niềm hạnh phúc theo cách của thế giới này”. Định nghĩa về hạnh phúc mà chúng ta vẫn biết là định nghĩa của thế giới, của đám đông, ngay từ khi sinh ra ta đã bị áp đặt những định nghĩa đó lên mình và mải miết chạy theo nó. Nhưng hạnh phúc có thực sự là “hạnh phúc”? Với những người như Satomi, Makabe và Kakizaki, hạnh phúc vĩnh hằng là “có thể đi đến được “phía bên kia’”, là “rời khỏi thế giới với vô số những thứ dơ bẩn đang tích tụ, để đến một thế giới tĩnh lặng”- một “thế giới hòa bình nơi chỉ có sự trong sạch”. Cánh cửa mặt trăng đã được xuất bản tại Nhật vào năm 2003. Tác phẩm được đề cử giải thưởng của Hội Nhà văn Trinh thám Nhật Bản. Đây cũng là tác phẩm thứ hai của tác giả Ishimochi Asami sau truyện dài Đóa hồng Ireland được đề cử giải KAPPA-ONE của Nhà xuất bản Kobunsha.
Nguồn: https://thuviensach.vn